Lính đặc nhiệm Malaysia
Trong các cơ quan Bộ quốc phòng Malasia có Phòng các lực lượng đặc biệt (tương đương cấp cục ở ta).
Thay cho lời dẫn, xin trích phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội các cựu chiến binh phân đội chống khủng bố “Alfa” (Nga) X.Goncharov: “Hiện nay các lực lượng đang tham chiến trên thế giới chủ yếu là các đơn vị đặc nhiệm – chỉ cần 5.000 đến 10.000 chiến binh đặc nhiệm được huấn luyện tốt là có thể giải quyết được nhiều vấn khác nhau, thậm chí là cả lật đổ cả một chế độ”. Chính xác đến đâu, xin không bình luận.
Mấy dòng lịch sử về đặc nhiệm Malaysia
Trong các cơ quan Bộ quốc phòng Malaysia có Phòng các lực lượng đặc biệt (tương đương cấp cục ở ta). Năm 1965, khi xung đột với Indonesia lên đến đỉnh điểm, Bộ Quốc phòng Malaysia bắt đầu tuyển chọn những người tình nguyện từ Lục quân và Hải quân để tham gia khóa đào tạo lính biệt kích.
Tổng cộng có 300 người tình nguyện đăng ký. Ngày 25/02/1965, công tác tuyển chọn được triển khai tại trại huấn luyện ở Jokhor -Baru do các chuyên gia của Lính thủy đánh bộ Hoàng gia Anh đảm nhiệm và sau đó tiến hành khóa huấn luyện. Sau khi sơ tuyển, chỉ có 15 trong số 300 người nói trên được chọn để tham gia một khóa huấn luyện đặc nhiệm cơ bản 06 tuần.
Kết thúc khóa, chỉ có 13 trong số 15 người nói trên tốt nghiệp. 03 người trong số đó sau được phong hàm tướng, 02 được phong đại tá. Đây có thể coi là những người lính đầu tiên của Lực lượng đặc nhiệm Lục quân Malaysia – Grup Gerak Khas.
Cũng trong năm 1965, với sự hỗ trợ của các chuyên gia huấn luyện của Lính thủy đánh bộ Hoàng gia Anh, biên chế của Nhóm lực lượng đặc biệt được tăng thêm và một phân đội đặc nhiệm mới thành lập được tham gia 06 khóa huấn luyện cơ bản. Ngày 01/8/1970 , Bộ Quốc phòng thành lập trung đoàn đặc nhiệm số 01 ở Sungai Udanga – đóng quân tại khu vực Malacca.
Tháng 01/1981, thành lập Bộ tham mưu Cụm quân lực lượng đặc biệt tại Kuala – Lumpur. Đến thời điểm nay (đầu 2015), ngoài Bộ tham mưu, trong thành phần của Cụm còn có 03 trung đoàn đặc nhiệm (quân số tương đương 01 lữ đoàn) cùng các phân đội tác chiến và hậu cần. Các phân đội đặc nhiệm của Malaysia được huấn luyện cùng với các phân đội commando của Anh, Úc, New Zealand và Mỹ.
Huấn luyện đặc nhiệm
Ngày 01/8/1976, Bộ Quốc phòng Malaysia thành lập Trung tâm huấn luyện quân sự đặc biệt để huấn luyện tác chiến cho các binh sỹ của Lực lượng đặc biệt – Trung tâm này có các chức năng nhiệm vụ sau:
1/ Huấn luyện cơ bản cho đặc nhiệm của Lục quân, Không quân và Hải quân.
2/ Đào tạo các chuyên gia tiến hành các chiến dịch đặc biệt theo yêu cầu của giới lãnh đạo đất nước.
Video đang HOT
3/ Nâng cao trình độ các quân nhân của Lực lượng các chiến dịch đặc biệt.
4/ Kiểm tra trình độ và kỹ năng tác chiến của các binh sỹ đặc nhiệm.
5 /đào tạo các chuyên gia huấn luyện các phân đội đặc nhiệm.
Trong thời gian học tại Trung tâm huấn luyện, học viên phải qua mấy giai đoạn huấn luyện sau:
Khóa huấn luyện đầu tiên 5 tuần để kiểm tra xác định các yếu tố thể lực và tâm lý cá nhân của từng học viên. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ quan trọng nhất là rèn thể lực, khả năng sử dụng vũ khí, chất nổ, rèn các kỹ năng về y tế (sơ cứu), trinh sát địa hình (thực địa), leo núi và các vách đá, chiến thuật và thủ pháp hành động của đặc nhiệm.
Các học viên phải mang đầy đủ trang bị và vũ khí chạy các quảng đường cự ly lần lượt là 8 km, 11,2 km, 14 km và 16 km. Sau khóa này, những học viên nào không đáp ứng được các yêu cầu về thể lực hoặc (và) tâm lý sẽ bị loại.
Khóa 02 tuần tiếp theo là khóa huấn luyện kỹ năng tác chiến trong rừng rậm và kỹ năng sống sót trong rừng, bảo vệ và tuần tra rừng, lập trại tại các khu vực địa hình rừng núi, các hoạt động tác chiến. Sau khóa nay, học viên tiếp tục rèn luyện kỹ năng hành quân dã ngoại với đầy đủ trang bị, vũ khí.
Họ phải vượt qua quãng đường 160 km trong 03 ngày. Những học viên đến đích đúng thời gian quy định còn phải trải qua một thử thách nữa – tự mình sống trong rừng rậm (không được cung cấp thức ăn, nước uống) và chỉ mặc quần áo lót trong vòng 7 ngày đêm. Những học viên nào không vượt qua được thử thách tiếp theo này cũng sẽ tiếp tục bị loại.
Tiếp theo là giai đoạn huấn luyện tác chiến trên biển. Trong vòng 02 tuần, học viên sẽ được học cách điều khiển các tàu nhỏ và chèo thuyền, đổ bộ lên bãi biển và lặn dưới nước. Kỳ thi kết thúc khóa này có nội dung là học viên phải chèo một chiếc thuyền nhỏ vượt cự ly 160 km dọc eo biển Malacca.
Giai đoạn huấn luyện thứ 05 là thực hiện các nhiệm vụ thiết lập liên lạc với các “điệp viên” và tránh đối phương. Nếu học viên nào bị “đối phương” bắt, sẽ phải chịu tra tấn và đối xử dã man như thật. Học viên có nhiệm vụ phải vượt một quãng đường đến đúng một điểm đã định trước vào đúng thời gian quy định. Sau khóa thứ năm này, khóa huấn luyện đặc nhiệm được coi là đã kết thúc.
Thành phần và cơ cấu tổ chức
Cụm quân đặc nhiệm (của Lục quân) có 03 trung đoàn đặc nhiệm. Trung đoàn số 11 còn được goi là trung đoàn chống khủng bố. Chức năng của trung đoàn này là tác chiến chống khủng bố, trong đó có giải cứu con tin, tiến hành các chiến dịch đặc biệt và đấu tranh chống các lực lượng nổi dậy.
Công tác huấn luyện trung đoàn này do các chuyên gia của Lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh và “Lính mũ nồi xanh” của Mỹ đảm nhiệm. Đây được coi là trung đoàn tinh nhuệ nhất của Lực lượng đặc nhiệm.
Nó có quân số ít hơn 02 trung đoàn còn lại và gồm có 04 đại đội. Những người phục vụ ở trung đoàn này được lựa chọn từ các trung đoàn khác sau khi đã có thời gian công tác không ít hơn 06 năm trong các phân đội đặc nhiệm.
Hai trung đoàn đặc nhiệm còn lại: số 21 và số 22 còn được gọi là các trung đoàn chống nổi dây. Các trung đoàn này chuyên về các biện pháp tiến hành chiến tranh phi truyền thống – các chiến dịch du kích và chống du kích, tiến hành trinh sát, thực hiện các chiến dịch biệt kích.
Các binh sỹ của 02 trung đoàn này được huấn luyện để hoạt động và tác chiến chủ yếu trong rừng rậm. Trung đoàn đặc nhiệm số 22 được thành lập ngày 01/01/1977. Ngày 01/4/1981, thêm 02 trung đoàn nữa được thành lập – đó là trung đoàn số 11 và trung đoàn số 12 – chuyên hỗ trợ cho 02 trung đoàn số 21 và 22.
Cụm lực lượng đặc nhiệm Malaysia trực thuộc Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang và Bộ tham mưu Lục quân. Hiện nay, Tư lệnh Cụm quân này là tướng lữ đoàn Dato Abdu Samad bin Khadji Iakub. Đến thời điểm hiện tại các phân đội đặc nhiệm đang phải đối mặt với một vấn đề tương đối nghiêm trọng là rất nhiều quân nhân đã đến tuổi về hưu và thiếu cán bộ.
Để bổ sung lực lượng, Bộ quốc phòng Malaysia năm 2005 đã quyết định tăng lương cho quân nhân đặc nhiệm căn cứ vào số năm phục vụ (nói cách khác là tính thâm niên như ở ta).
Chặng đường chiến đấu
Trong nửa thế kỷ qua, Lực lượng đặc nhiệm Malaysia đã tham gia vào rất nhiều chiến dịch tác chiến – kể cả trên lãnh thổ Malaysia lẫn ở nước ngoài. Trong khoảng thời gian từ năm 1966 đến 1990, đặc nhiệm tham gia tích cực vào các chiến dịch chống du kích trong rừng rậm nhiệt đới.
Năm 1993, đặc nhiệm Malaysia đã cùng với các phân đội đặc nhiệm của Pakistan tham gia chiến đấu tại Mogadisho (Somalia). Năm 1998, đặc nhiệm của Lục quân Malaysia đã tham gia đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra ngày Hội thế thao lần thứ 16 tại Kuala Lumpur cùng với các phân đội đặc nhiệm của cảnh sát. Đặc nhiệm Malaysia là lực lượng đặc nhiệm duy nhất trong số các nước Đông Nam Á tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình tại Bosnia và Hersogovina.
Năm 2006, lính đặc nhiệm Malaysia cùng với lữ đoàn đổ bộ đường không số 10 và cảnh sát đặc nhiệm tham gia vào chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Đông Timor. Đặc nhiệm Malaysia cũng tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Lebanon – năm 2007 và Afghanistan
Lực lượng đặc nhiệm của Không quân
Mỗi quân chủng của Quân đội Malaysia đều có Lực lượng đặc nhiệm riêng. Lực lượng đặc nhiệm của Không quân Malaysia có tên Pasukan Khas Udara, hay là PASKAU- đây là cơ quan đặc biệt của Không quân có chức năng chống khủng bố và tiến hành các chiến dịch đặc biệt của Không quân Hoàng gia Malaysia. Các nhiệm vụ trực tiếp của Lực lượng này là: tìm kiếm – cứu hộ, hiệu chỉnh hỏa lực không quân, đấu tranh chống khủng bố và phong trào nổi dậy.
Đặc nhiệm không quân (cũng như Lục quân) được thành lập từ thời kỳ Quân dội chính phủ Malaysia phải đối đầu với đội quân du kích (Quân nổi dậy) Maliaxia.
Sau vụ du kích bắn súng cối vào một căn cứ không quân và phá hủy một chiếc máy bay vận tải của Không quân Hoàng gia Malaysia, Bộ Tư lệnh Không quân đã quyết định thành lập một phân đội đặc nhiệm để đảm bảo an ninh cho các căn cứ không quân. Ngày 01/4/1980, phân đội này đã chính thức đi vào hoạt động và cũng được các chuyên gia của Lực lượng SAS của Anh huấn luyện.
Đến 01/3/1987, đã thành lập 11 phân đội đặc nhiệm không quân Malaysia. Thời gian đầu chúng được gọi là Pasukan Pertahanan Darat dan Udara (HANDAU) – lực lượng phòng vệ trên không và trên mặt đất, còn từ 01/6/1993, được gọi là PASKAU như hiện nay.
Trên thực tế, PASKAU là một trung đoàn của Không Quân Hoàng gia, trong thành phần của nó có 03 dạng phân đội cơ bản sau.
Các phân đội thuộc nhóm thứ nhất – đấy là các phân đội chống khủng bố. Chúng được huấn luyện để chuyên thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin và tiêu diệt quân khủng bố. Trong thành phần mỗi phân đội này có các nhóm, mỗi nhóm 06 người – gồm xạ thủ, lính bắn tỉa, chuyên gia về các phương tiện giao thông, thuốc nổ, nhân viên y tế.
Các phân đội thuộc nhóm thứ hai – đấy là các phân đội tìm kiếm và cứu nạn chuyên thực hiện các chiến dịch cứu hộ trong hậu phương sâu của đối phương. Nhiệm vụ của các phân đội này – nhanh chóng tìm kiếm và cứu các nhân viên tổ lái và hành khách của các máy bay của Không quân Hoàng gia bị bắn rơi (hoặc gặp nạn).
Cuối cùng, các phân đội thuộc nhóm ba – bảo vệ các căn cứ không quân – thực hiện nhiêm vụ bảo vệ các căn cứ không quân, các đài radar và các căn cứ phòng không. Ngoài ra, các phân đội thuộc nhóm ba còn có nhiệm vụ hiệu chỉnh hỏa lực cho Không quân.
Công tác huấn luyện đặc nhiệm không quân được tiến hành với những yêu cầu rất khắt khe. Trong vòng 12 tuần, các học viên phải thực hiện các bài kiểm tra. Các bài kiểm tra này bao gồm: hành quân dã ngoại 160 km không nghỉ, leo núi, di chuyển trên các thuyền, sống sót trong rừng rậm nhiệt đới, bắn tỉa, đánh nhau giáp lá cà.
Nội dung được chú trọng nhất trong huấn luyện đặc nhiệm không quân là giải cứu con tin và chặn đứng các vụ cướp máy bay dân sự và quân sự. Sau khi đã hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện, các sĩ quan, hạ sỹ quan và binh sỹ của phân đội được quyền đội mũ nồi màu xanh da trời và mang dao găm đặc nhiệm.
Kể từ khi thành lập đến nay, PASKAU đã nhiều lần tham gia vào các chiến dịch tìm kiếm- cứu nạn. Năm 2013, các phân đội đặc nhiệm không quân cùng với các đơn vị quân đội và cảnh sát đã tham gia vào chiến dịch chống nhóm khủng bố Sulu.
40 binh sỹ của phân đội đặc nhiệm không quân tham gia vào chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Afghanistan, đặc nhiệm không quân Malaysia cũng tham gia vào chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Lebanon.
Đặc nhiệm không quân được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tham mưu Không quân Hoàng gia Malaysia. Trung đoàn trưởng trung đoàn đặc nhiệm không quân hiện nay là đại tá Hai Nazri bin Dashah, còn trung đoàn trưởng danh dự- tướng Dato Rojali bin Daud.
Theo Đất Việt