“Lính cụ Hồ ” nơi biên ải: Nghĩ cho dân, làm cùng dân
Với, phương châm “3 bám, 4 cùng”, bước chân của các anh đã in dấu trên mọi nẻo đường rừng, từng bản làng, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân.
Sơn La là tỉnh miền núi vùng cao Tây Bắc có đường biên giới với nước bạn Lào dài 250 km, với địa hình rộng, giao thông chia cắt, có đông đồng bào dân tộc, đời sống của bà con ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều.
Thượng úy Kiêm và chiếc giá kéo xuồng
Lợi dụng đặc điểm này, các thế lực thù địch luôn tìm cách đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thông qua việc truyền đạo trái phép, di cư tự do, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… Bên cạnh đó, tội phạm ma túy, mua bán người, vẫn là vấn đề nóng trên địa bàn.
Thực tế đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Sơn La cùng với các lực lượng khác ngày đêm bám nắm địa bàn, “3 bám, 4 cùng” với nhân dân, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân.
Xuất phát từ thực tiễn công tác cứu hộ, cứu nạn mùa mưa lũ hằng năm tại địa bàn, thượng úy chuyên nghiệp Lò Văn Kiêm, nhân viên hậu cần-kỹ thuật thuộc Ban CHQS huyện Sông Mã thực sự trăn trở khi 2 chiếc xuồng cứu hộ của đơn vị cồng kềnh, khó vận chuyển. Khi có tình huống nguy cấp, đơn vị phải huy động ít nhất 10 người khuân vác, đưa xuồng ra sông suối cứu người rất tốn nhân lực, thời gian. Mày mò, suy nghĩ, năm 2017 thượng úy Kiêm đã chế tạo chiếc giá kéo xuồng, với các vật liệu được tận dụng gồm: 2 bánh xe loại vừa, 1 bánh xe loại bé, các thanh sắt, dây cáp, móc sắt… Có chiếc giá kéo xuồng, khi xảy ra tình huống cứu người, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị chỉ cần móc giá xuồng, cùng các dụng cụ cứu hộ vào xe quân sự, di chuyển rất cơ động mà không mất nhiều nhân lực.
“Trong các lần đi thực tế, về nhà tôi rất trăn trở, sau đó đã nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc giá kéo xuồng này. Khi có tình huống xảy ra, chúng tôi chỉ cần móc giá kéo xuồng này vào móc kéo xe chỉ huy cơ động đến nơi cần ứng cứu. Đồng thời trên chiếc xuồng còn tận dụng chở được phao cứu hộ cứu nạn, dây bảo hộ, áo phao, các đồ vật dụng, thậm chí cả người trong các tình huống”, thượng úy Lò Văn Kiêm giới thiệu.
Mùa lũ năm ngoái, nhờ có chiếc giá kéo xuồng này, ngay khi nhận tin báo từ cơ sở, đơn vị đã nhanh chóng đưa được xuồng cứu hộ đến cứu nạn thành công 1 cháu bé ở xã Chiềng Khoong và 1 gia đình ở xã Chiềng Cang ra khỏi dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về.
Video đang HOT
Bà Lò Thị Thiên, một người dân ở xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã nhớ lại: “Lúc đó, lũ ở đâu cuồn cuộn đổ về to lắm. Nếu như không có xuồng của bộ đội đến cứu thì người dân bị lũ cuốn đi mất rồi. Dân chúng tôi rất cảm ơn các anh bộ đội”.
Quân dân cùng nhau làm đường giao thông nông thôn
Chứng kiến nỗi cực nhọc của bà con ở bản trong việc đi lại, trao đổi mua bán hàng hóa, nhất là các em học sinh phải tới trường hàng ngày trên con đường đất lầy lội nhất là vào mùa mưa, thiếu tá Hoàng Văn Nghĩa, Phó tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Sông Mã đã vận động gia đình mình hiến tặng 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn tại bản Pá Công, một bản đặc biệt khó khăn của xã Huổi Một. Theo gương gia đình thiếu tá Nghĩa, 5 hộ khác cùng bản cũng đã tự nguyện hiến đất để làm hơn 250m đường vào bản.
“Hàng ngày các cháu học sinh đi qua đường dốc, trơn trượt, ngã xoành xoạch. Tôi chỉ mong muốn có một con đường nên động viên bà con. Sau khi có con đường nông thôn mới, học sinh của 3, 4 bản đi lại rất thuận tiện; buôn bán, giao thương, phát triển kinh tế tốt hơn trước”, thiếu tá Nghĩa bày tỏ.
Cùng với thượng úy Lò Văn Kiêm và thiếu tá Hoàng Văn Nghĩa, mỗi cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Sơn La đều có những cách làm cụ thể, thiết thực giúp nhân dân các địa bàn. Với, phương châm “3 bám, 4 cùng”: Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào, bước chân của các anh đã in dấu trên mọi nẻo đường rừng, từng bản làng. Đến vùng đồng bào nào, cán bộ được cử đến đều có thể nói, hiểu được tiếng, văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc đó. Các nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được truyền tải ngắn gọn, dễ hiểu. Miệng nói, tay làm, các anh vừa trực tiếp lao động sản xuất giúp bà con, hướng dẫn thực hiện các mô hình trồng trọt chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện giúp dân, các cán bộ, chiến sỹ đều khảo sát, ưu tiên những nội dung nhân dân đang thiếu, đang cần nên phát huy hiệu quả thiết thực.
Thiếu tá Hà Hồng Quảng, cán bộ dân vận, Ban chỉ huy Quân sự huyện Sốp Cộp cho biết: “Chúng tôi thường xuyên có những đợt ở lại xã, bản đặc biệt khó khăn, ăn ở cùng với dân. Những gì bà con chưa hiểu thì chúng tôi hướng dẫn trực tiếp, cụ thể để bà con nắm chắc hơn, làm tốt hơn”.
Bộ đội giúp dân gặt lúa
Trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ CHQS tỉnh đã tham gia hàng trăm nghìn ngày công, đóng góp hàng trăm triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, dạy văn hóa, xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới…Chỉ tính riêng trong năm 2019, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng đã tổ chức trên 87.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia làm công tác dân vận ở cơ sở, góp sức củng cố trên 55 tổ chức chính trị, trên 20 cơ sở xã phường có người dân theo đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn biên giới, nơi có vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Các anh cũng tham gia trên 1.300 ngày công làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi; huy động trên 4.000 ngày công và quyên góp trên 12 triệu đồng giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Tòng Văn Công, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã đánh giá: “Lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân thực hiện các mục tiêu chương trình làm đường nông thôn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Lực lượng vũ trang cũng đã giúp dân giữ vững an ninh trật tự, phòng chống lũ bão, thể hiện tình đoàn kết quân dân”.
“Bộ đội Cụ Hồ” là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân. Những công việc lặng thầm mà những người lính cụ Hồ Sơn La đã và đang làm cho dân là minh chứng rõ nét nhất./.
Những việc làm cụ thể, thiết thực vì nhân dân của những người lính cụ Hồ Sơn La với phương châm “3 bám, 4 cùng” đã được người dân ghi nhận bằng hành động cụ thể thông qua bài 2 của loạt bài này với nhan đề: “Dân đoàn kết cùng bộ đội xây dựng bản mường”.
Theo Bích Thủy, Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc
Bình Định khắc phục hậu quả bão số 5
Bão số 5 đổ bộ vào khu vực tỉnh Bình Định tối qua (30-10) với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12 đã gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, chiến sỹ BĐBP Bình Định giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5. Ảnh: Công Cường
Tại TP Quy Nhơn, mưa lớn đã làm hàng loạt cây xanh bật gốc, gãy đổ, gây mất điện trên diện rộng. Ngoài ra, 700m kè biển khu vực cầu Hà Thanh 1 đã sạt lở, 2 ngôi nhà tốc mái. Tại cảng Quy Nhơn, hiện tại vẫn còn 45 tàu cá neo đậu bị trôi neo.
Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định Lê Công Trình cho biết: Tối 30-10, bão số 5 đã gây sóng lớn, đánh sập một đoạn kè chắn sóng ở thôn Hải Nam (đoạn trước UBND xã Nhơn Hải), sau đó làm sập hoàn toàn 50m bờ kè, uy hiếp nhà ở của 91 hộ dân. Các hộ này đã được UBND thành phố đưa vào diện di dời và cấp đất ở khu tái định cư vùng thiên tai Nhơn Hải. Qua vận động đã có 47 hộ chuyển đến nơi an toàn, hàng chục hộ dân vẫn bám trụ ở lại.
Để khắc phục đoạn kè chắn sóng bị hư hỏng, sáng nay, UBND xã đã điều động lực lượng dân quân và người dân đắp bao cát gia cố lại các vị trí kè bị sập.
Đồng thời, gần 100 cán bộ, chiến sỹ của Ban Chỉ huy quân sự, BĐBP và Công an TP Quy Nhơn cũng được huy động tăng cường để hỗ trợ địa phương khắc phục.
BĐBP Bình Định cùng nhân dân khắc phục bờ kè tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn chiều 31-10. Ảnh: Công Cường
Tính đến chiều 31-10, toàn xã có 14 nhà bị sập, 5 nhà bị tốc mái; 1 bè nuôi tôm hùm, 6 lồng bị trôi dạt vào bờ; 1 ca nô máy bị hư hỏng; Trạm Y tế, trường tiểu học xã bị tốc mái, hư hỏng nặng; 200m đường giao thông dọc tuyến biển bị sụt lún, hư hỏng.
Trong sáng cùng ngày, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trực tiếp đến hiện trường động viên nhân dân, đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh và các lực lượng quân đội tiếp tục bám địa bàn cùng nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Định mưa lớn đang có dấu hiệu quay trở lại.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ An, BĐBP Bình Định giúp dân đắp lại hồ tôm bị vỡ. Ảnh: Công Cường
Đại tá Lương Ngọc Chinh, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Định cho biết thêm, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương thông báo, kêu gọi, thống kê, kiểm điếm tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu chở khách du lịch); hướng dẫn, sắp xếp 5.841 tàu neo đậu tại bến....
Đến 16 giờ ngày 31-10, còn 20 tàu/169 lao động đang trong vùng nguy hiểm. Các phương tiện trên đã nắm được thông tin của áp thấp nhiệt đới sau bão, hiện đang di chuyển đến vùng an toàn. Đơn vị tiếp tục phối hợp với các lực lượng để theo dõi, hướng dẫn các tàu cá trên khẩn trương cơ động ra vị trí an toàn.
Công Cường
Theo Bienphong
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Như Xuân chăm lo, vun đắp tình quân dân Với người dân huyện Như Xuân, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện luôn để lại ấn tượng tốt đẹp. Không chỉ từ phẩm chất, lối sống, tác phong người lính, mà còn vì những việc làm hướng về nhân dân, tích cực giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo......