Limousine bọc thép mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump không được đưa sang Việt Nam, vẫn là The Beast cũ
Trên đường di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm thủ đô Hà Nội, hai chiếc limousine được mệnh danh là The Beast này đã vào đổ xăng tại một cây xăng trên đường Lê Văn Lương.
Sáng nay, ngày 23/2/2019, hai chiếc limousine Cadillac bọc thép chống đạn đã được đưa đến Việt Nam để hộ tống Tổng thống Donald Trump trong thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai. Qua những hình ảnh được chụp trên đường phố Việt Nam, có thể thấy 2 chiếc limousine này không phải là The Beast mới của ông Trump. Thay vào đó, 2 chiếc limousine này vẫn là The Beast cũ đã từng 2 lần đến Việt Nam vào năm 2016 và 2017.
Đoàn xe hộ tống Tổng thống Trump di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Ảnh: Otofun
Hai chiếc Cadillac One của Tổng thống Mỹ đều mang biển kiểm soát 800 – 002. Đi cùng 2 “quái thú” The Beast là 4 chiếc xe khác, trong đó có 3 chiếc SUV mang thương hiệu Chevrolet và 1 chiếc Ford.
Hai chiếc Cadillac One được mệnh danh là The Beast
Một chiếc Chevrolet Suburban trong đoàn
Chiếc xe bán tải hạng nặng Ford cũng góp mặt trong đoàn xe
Trên đường di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm thủ đô Hà Nội, hai chiếc limousine được mệnh danh là The Beast này đã vào đổ xăng tại một cây xăng trên đường Lê Văn Lương. Theo đó, cả hai chiếc Cadillac One này đều được đổ 47 lít xăng A95.
Video đang HOT
Đoàn xe của Tổng thống Trump vào một cây xăng trên đường Lê Văn Lương để đổ xăng. Ảnh: Otofun
Ngoài ra, những chiếc xe khác trong đoàn hộ tống cũng được đổ xăng tại đây. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là chiếc Chevrolet Suburban mang biển kiểm soát 36388M5 khi được đổ đến 104 lít xăng A95.
Được biết, với 47 lít xăng, The Beast có thể chạy được quãng đường khoảng hơn 100 km. Trong khi đó, chiếc Chevrolet Suburban với 104 lít xăng có thể chạy hết quãng đường khoảng 200 km.
Lần đầu tiên ra mắt trong lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Obama vào tháng 1/2009, Cadillac One nặng khoảng từ 6,8 – 9,1 tấn và dài 5.486 mm. Bên trong The Beast là khung gầm lấy từ mẫu xe thương mại Chevrolet Kodiak. Ngoài ra, một số trang bị trên chiếc limousine bọc thép chống đạn còn có nguồn gốc từ Cadillac Escalade và STS.
Đây là 2 chiếc Cadillac One bọc thép chống đạn cũ từng được dùng cho cựu Tổng thống Obama
Thân vỏ của Cadillac One được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như thép, nhôm, titan và gốm. Bên cạnh đó, toàn bộ các khe hở trên thân vỏ đều được bịt kín nhằm chống lại những vụ tấn công sinh hóa. Ngay cả gầm xe cũng được bọc thép để chống lại sức công phá của bom mìn hoặc lựu đạn.
Đặc biệt, Cadillac One chỉ có đúng 1 cửa sổ có thể mở ra, đó là bên ghế lái để tài xế giao tiếp với các mật vụ. Cửa sổ này có độ dày lên đến 760 mm để chống đạn, bom mìn và đạn xuyên giáp. Trong khi đó, cửa của The Beast lại đi kèm lớp bọc thép chống đạn dày 203 mm và nặng không kém cửa máy bay Boeing 757. Ngoài ra, chỉ có mật vụ Mỹ mới biết cách mở cửa bên ghế hành khách của The Beast.
The Beast dùng cửa bọc thép chống đạn dày 203 mm
Chưa hết, The Beast của Tổng thống Mỹ cũng được bọc thép chống đạn và chứa một loại bọt đặc biệt. Khi bình xăng bị tác động, loại bọt này có thể lan ra và ngăn nổ.
Bên dưới là bộ vành bằng thép nằm trong lốp run-flat của thương hiệu Goodyear Regional RHS và được gia cố thêm bằng vật liệu Kevlar. Ngay cả khi bị thủng lốp, Cadillac One cũng có thể chạy thêm một quãng đường dài nữa.
Bộ vành của Cadillac One đi với lốp Goodyear gia cố bằng Kevlar. Ảnh: Otofun
Bên trong The Beast là khoang nội thất có thể chở tối đa 7 người và đi kèm những hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhất như định vị vệ tinh toàn cầu GPS, bộ phát Wifi, điện thoại vệ tinh hay camera quan sát ban đêm. Khoang hành khách của Cadillac One được ngăn cách với khoang lái bằng vách kính chống đạn.
Trong khi đó, trong cốp sau có hệ thống cung cấp dưỡng khí khẩn cấp, hệ thống dập lửa và 2 túi máu cùng nhóm máu với Tổng thống Mỹ. Bên dưới ghế của Tổng thống Mỹ có đường dẫn ống ô-xy để đề phòng những vụ tấn công hóa học.
Cadillac One của Tổng thống Mỹ có 2 tùy chọn động cơ, bao gồm xăng và diesel. 2 chiếc Cadillac One đến Việt Nam lần này sử dụng động cơ xăng Vortec V8, dung tích 8,1 lít.
Hiện chưa rõ giá cụ thể của Cadillac One. Tuy nhiên, theo tin đồn, The Beast có giá khoảng 1,5 triệu USD.
Ảnh: Ngọc Thắng và Nguyễn Khánh
Theo tin xe
Chevrolet, Ford, Hyundai vượt qua mức trung bình, bất ngờ được khách hàng đánh giá tốt ở dịch vụ hậu mãi
Chevrolet, Ford, Hyundai và Mitsubishi bất ngờ vươn lên từ vị trí cuối bảng lên nhóm trên trung bình trong phân khúc phổ thông về chỉ số hài lòng dịch vụ hậu mãi. Trong khi đó, Kia, Mazda và Honda nằm ở nhóm dưới.
Ảnh minh họa: Internet
Hãng nghiên cứu J.D. Power vừa công bố khảo sát Chỉ số hài lòng của khách hàng về dịch vụ hậu mãi tại Việt Nam năm 2018.
Khảo sát Chỉ số hài lòng về dịch vụ hậu mãi của khách hàng tại Việt Nam năm 2018 (CSI) được thực hiện trên mức độ hài lòng tổng thể của các chủ xe đã trải nghiệm dịch vụ tại một trung tâm dịch vụ/ đại lý chính hãng để bảo hành hoặc sửa chữa xe trong 12 đến 60 tháng đầu tiên sau khi mua xe. Khảo sát này được thực hiện trên 1.295 người đã mua xe và mang xe đến chăm sóc tại một trung tâm dịch vụ hoặc đại lý chính hãng từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018. Khảo sát này được tiến hành trực tuyến từ tháng 6 - 12/2018.
Khảo sát được thực hiện năm thứ 10, dựa trên mức độ hài lòng của chủ sở hữu xe mới đối với dịch vụ hậu mãi thông qua việc đánh giá chất lượng của các đại lý trên 5 yếu tố (theo mức độ quan trọng): chất lượng dịch vụ (24%); khởi động dịch vụ (21%), việc nhận xe (20%); chuyên viên tư vấn (18%) và cơ sở vật chất (17%).
Tại Việt Nam, năm 2018, số lượng người sở hữu xe hơi và số lượt khách tại các trung tâm dịch vụ khách hàng tiếp tục tăng nhanh. Kéo theo đó là kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng vào quá trình khởi động dịch vụ.
Bảng xếp hạng
Tương tự như năm 2017, quá trình khởi động dịch vụ là yếu tố có điểm hài lòng thấp nhất trong năm yếu tố được khảo sát để đánh giá mức độ hài lòng tổng thể về trải nghiệm dịch vụ. Khảo sát cho thấy, mặc dù số lượng khách hàng có đặt lịch hẹn trước tăng lên (90% năm 2018 so với 66% năm 2017) nhưng số người cảm thấy "hài lòng" với trải nghiệm đặt lịch hẹn lại giảm so với năm trước (12% so với 16%). Đồng thời, tỷ lệ khách hàng được yêu cầu đợi từ 3 ngày trở lên, từ ngày đặt lịch hẹn đến ngày thực hiện dịch vụ, cũng tăng (38% so với 28%).
Khảo sát cho thấy, nhóm khách hàng phải chờ để nói chuyện với chuyên viên tư vấn ít hài lòng hơn nhóm được chuyên viên tư vấn chủ động tiếp cận ngay khi bước vào trung tâm dịch vụ (773 điểm so với 838 điểm). Ngoài ra, khách hàng cho biết thời gian bàn giao xe trung bình tại trung tâm dịch vụ đã nhanh hơn so với năm 2017 (22 phút so với 29 phút). Trong đó, nhóm khách hàng có thời gian bàn giao xe dưới 10 phút cho điểm hài lòng cao hơn nhóm phải chờ trên 10 phút (846 điểm so với 820 điểm).
Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra rằng dù chỉ có một nhóm nhỏ thực hiện việc đặt lịch hẹn trực tuyến (3% thông qua ứng dụng của nhà sản xuất và 6% thông qua trang web của nhà sản xuất), nhưng những khách hàng này có chỉ số hài lòng cao hơn so với nhóm đặt lịch hẹn qua các phương thức khác như gọi điện thoại hay gửi tin nhắn SMS.
Nhóm dưới trung bình
Trong 8 hãng xe được xếp hạng trong khảo sát tại thị trường Việt Nam, Toyota tiếp tục giữ vị trí cao nhất về độ hài lòng với dịch vụ hậu mãi với 837 điểm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Toyota giữ vị trí đầu bảng khi đã thực hiện đặc biệt tốt về cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ.
Trong 2018, Chevrolet, Ford, Hyundai và Mitsubishi đã vượt qua số điểm trung bình (822 điểm) để vươn lên top trên và trở thành các thương hiệu được đánh giá tốt về dịch vụ hậu mãi. Năm ngoái, chỉ có Toyota được đánh giá trên mức trung bình và các thương hiệu Chevrolet, Ford, Hyundai và Mitsubishi đều nằm ở nhóm dưới. Trong đó, Chevrolet bất ngờ từ vị trí xếp cuối bảng vươn lên thứ 2, ngay sau Toyota khi được đánh giá cao.
Trong khi đó, Mazda, Honda, Kia vẫn tiếp tục nằm ở nhóm dưới với số điểm đánh giá giảm so với năm ngoái.
Phúc Vinh
Theo ICT
Top 10 thương hiệu ôtô bán chạy nhất thế giới năm 2018: Toyota bỏ xa Volkswagen Trong năm 2018, Toyota tiếp tục giữ vững ngôi đầu trong danh sách những thương hiệu ôtô bán chạy nhất thế giới năm 2018. Doanh số của hãng xe Nhật đạt mức 8.753.623 chiếc. 1. Toyota (doanh số: 8.753.623 chiếc). 2. Volkswagen (doanh số: 6.942.036 chiếc). 3. Ford (doanh số: 5.560.131 chiếc). 4. Honda (doanh số: 5.025.342 chiếc). 5. Nissan (doanh số: 4.970.661...