Liệu Trung Quốc có “bỏ rơi” Triều Tiên?
Bắc Kinh được cho là đã nhất trí trừng phạt Triều Tiên trong vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này hồi tháng 2 vừa qua. Liệu có phải Trung Quốc cuối cùng đã tham gia cùng các nước chống lại đồng minh của mình?
Trung Quốc được cho là đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về các lệnh cấm vận trừng phạt Triều Tiên đã thử hạt nhân vào tháng trước. Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, Kim Jong-un, đã đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận đình chiến từ 60 năm qua với Hàn Quốc nếu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn các lệnh trừng phạt mới. Liệu Trung Quốc sẽ có thái độ đủ mạnh để khiến Bình Nhưỡng “hạ nhiệt” trong phát ngôn của mình?
Có vẻ như sự cứng rắn của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hối thúc bàn tay của Bắc Kinh phải giơ lên tán đồng trong bàn họp của Hội đồng bảo an, không sớm thì muộn. “Thông thường, một nước với một đồng minh duy nhất trên thế giới sẽ lưu tâm khi người bạn đó gia nhập cùng với những người khác áp đặt trừng phạt mình”, Ed Morrissey của tờ Hot Air đánh giá. “Nhưng với chính quyền của ông Kim thì không”. Thực tế là họ đã phản ứng với “thông điệp khá thẳng thừng” của người bảo vệ duy nhất bằng đe dọa chiến tranh. Điều này cho thấy Trung Quốc, vốn luôn lo ngại hành động quân sự đối với Triều Tiên có thể tạo ra làn sóng người tị nạn sang nước này, đang bị buộc phải hạ búa tán đồng với các nước khác.
Nhưng theo Peter Ford, báo The Christian Science Monitor, Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên nên chắc chắn Trung Quốc đã lý giải với Bình Nhưỡng động thái mới của mình. Các nhà lãnh đạo thế giới đã cố gắng trong suốt 20 năm qua để Bắc Kinh giúp “ngăn chặn Triều Tiên theo đuổi giấc mơ sở hữu vũ khí hạt nhân”, nhưng không có kết quả. Bất chấp những phát ngôn gay gắt hơn gần đây, Ford cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa thực sự sẵn sàng cứng rắn.
Video đang HOT
Một chính phủ mới sẽ lên nắm quyền ở Bắc Kinh vào tuần này, nhưng giới phân tích không cho rằng tân Chủ tịch nước, được dự đoán là ông Tập Cận Bình, sẽ khác nhiều so với người tiền nhiệm khi đối phó với vấn đề Triều Tiên, dù cho nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc đã nhất trí ủng hộ vòng trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng.
“Có thể có thay đổi trong lời nói và giọng điệu của các nhà lãnh đạo của chúng tôi, gửi thông điệp mạnh mẽ hơn tới Triều Tiên”, Sun Zhe, giáo sư tại Viện quan hệ quốc tế tại đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho hay. “Song tôi không cho rằng sẽ có những thay đổi căn bản”.
Bắc Kinh đã đồng ý mở rộng trừng phạt của Liên hợp quốc sau khi Triều Tiên phóng tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái, ký vào một nghị quyết an ninh của hội đồng bảo an cảnh báo “hành động cứng rắn” nếu có vụ thử tên lửa và hạt nhân thêm. Họ cũng đã bày tỏ không hài lòng với Bình Nhưỡng trong vụ thử hạt nhân hôm 12/2, đã triệu đại sứ Triều Tiên lên và chuyển phản đối kịch liệt. Nhưng cũng như các vụ thử khác, bộ ngoại giao Trung Quốc kêu gọi phản ứng bình tĩnh và kêu gọi đàm phán phi hạt nhân.
Theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ không cắt đứt quan hệ với nước láng giềng và chắc chắn sẽ phản đối các biện pháp trừng phạt mạnh nhất Mỹ và các nước khác mong muốn.
Trung Quốc là đối tác thương mại chính, nhà viện trợ của Triều Tiên, cung cấp ước tính khoảng nửa triệu tấn dầu mỗi năm cũng như nguồn thực phẩm rất cần thiết cho nước láng giềng.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc rõ ràng ngày càng không hài lòng với sự cứng rắn của Triều Tiên. “Trung Quốc đã cố gắng giúp Triều Tiên tập trung phát triển kinh tế thay vì chính sách ưu tiên quân sự. Logic của Trung Quốc là nếu chúng ta có thể giúp họ chuyển từ ưu tiên quân sự và ý thức hệ sang ưu tiên quyền lợi quốc gia, Triều Tiên sẽ biết điều hơn. Logic cơ bản của Trung Quốc là: khiến Triều Tiên có thể đàm phán được”, Jin Canrong, học giả chính sách ngoại giao tại Đại học Renmin cho hay. “Thời điểm này, sau vụ thử hạt nhân lần ba, tôi cho rằng thái độ của Trung Quốc sẽ thay đổi đôi chút”.
Ông Jin chỉ ra tốc độ triệu tập cuộc họp an ninh của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. “Trước đây Trung Quốc sẽ tranh luận với Mỹ về cuộc họp trong nhiều ngày, nhưng nay họ có một cuộc họp trong vòng 12 giờ sau vụ thử”, ông cho hay.
Jin cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ ủng hộ các biện pháp kinh tế nhưng sẽ ngăn chặn hành động liên quan đến an ninh, như chuyện ký kết vào Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí.
Trung Quốc và Triều Tiên từng được cho là thân thiết như “răng môi”, nhưng mối quan hệ đó đã có thay đổi. Sau vụ Triều Tiên thử tên lửa năm 2009, He Yafei, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc lúc đó đã nói với một quan chức Mỹ rằng Triều Tiên đã hành động như “đứa trẻ hư”, muốn người lớn, ám chỉ Mỹ, phải chú ý. Thông tin được thấy trong các bức điện tín trang WikiLeaks hé lộ.
Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh không hài lòng vậy thôi, nhưng họ lo ngại nếu chính quyền Bình Nhưỡng lung lay, có thể dẫn đến bất ổn và dòng người tị nạn sẽ tràn vào biên giới nước này, hay các cuộc xung đột nguy hiểm bên trong giới lãnh đạo chính trị và khả năng tái thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ đưa quân đội Mỹ đến trước cửa nhà của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng không muốn quá “mạnh tay” với Bình Nhưỡng, đặc biệt là nếu điều đó có thể đẩy Bình Nhưỡng ra xa họ và khuyến khích họ đàm phán trực tiếp với Mỹ. Su Hao, thuộc Đại học ngoại giao Trung Quốc, từng cho biết trên tờ Thời báo Hoàn cầu gần đây rằng, “hầu hết những lần “ra roi” với Triều Tiên thì cái lưng Trung Quốc cũng phải gánh chịu”.
Cùng lúc đó, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, mặc dù có hạn chế, đều cho thấy là lá bài ngoại giao hữu hiệu. “Trong 10 năm qua, Trung Quốc giận dữ với thái độ của Triều Tiên nhiều lần và sẽ kết luận từ thái độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng ông thậm chí còn nóng nổi hơn cả cha mình”, Shi Yinhong, một chuyên gia quan hệ quốc tế khác ở Đại học Renmin cho hay.
Ông cho biết thêm, “vẫn là trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ bỏ Triều Tiên. Họ có thể ủng hộ lệnh trừng phạt mới nhưng không mạnh mẽ như Mỹ mong muốn. Tôi nghĩ chúng không có tác dụng”.
Rory Medcalf, giám đốc của chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy cho rằng “một tín hiệu kinh tế ngắn, như cắt cung dầu trong vài ngày, có thể gửi thông điệp tới Triều Tiên nhưng không làm bất ổn nước này”.
Ông cũng cho rằng Trung Quốc không muốn nhân lên các cuộc khủng hoảng quốc tế nước này đang vướng vào, vào thời điểm lãnh đạo cấp cao buộc phải tập trung vào các vấn đề đối nội. “Họ cũng đã có cuộc khủng hoảng với Nhật” trên Hoa Đông và các nước láng giềng khác trên Biển Đông, ông cho hay.
Theo Dantri