Liều thuốc trị chán ăn
Đừng nghĩ việc ăn không ngon sẽ tốt cho cân nặng của bạn, bởi vì nó có hại nhiều hơn lợi.
Chán ăn là tình trạng thường gặp ở các cô gái trẻ trong độ tuổi từ 13 đến 20. Tuy nhiên, bệnh có thể tác động đến tất cả các đối tượng, không kể tuổi tác, giới tính…
Hậu quả rõ nhất của chứng chán ăn là làm suy kiệt thể chất và rối loạn tinh thần, thậm chí có thể gây tử vong. Những người bị chứng chán ăn dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa do hệ miễn dịch suy yếu.
Ngoài ra, xương của các đối tượng này cũng dễ bị tổn thương, rạn nứt, loãng vì thiếu can-xi. Do đó, việc điều trị bệnh chán ăn rất cần thiết. Ngoài tăng cường hoạt động thể lực để kích thích vị giác, nhiều người tìm đến các loại thuốc được cho là có khả năng trị chán ăn. Thực hư của giải pháp này như thế nào, mời bạn cùng tìm hiểu.
Video đang HOT
Thuốc chống dị ứng có thể trị chán ăn?
Đúng, nhưng bạn cần thận trọng khi dùng.
Công dụng chính của cyproheptadine là trị dị ứng. Ngoài ra, nó còn có tác dụng kích thích sự thèm ăn do có tính chất kháng serotonin.
Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến cảm giác no, đói. Dưới tác động của hoạt chất cyproheptadine đến serotonin, người bệnh sẽ có cảm giác đói và luôn thèm ăn. Vì vậy, cyproheptadine thường được sử dụng trong điều trị chứng chán ăn nhiều hơn điều trị dị ứng.
Hoạt chất này gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, ức chế sự tiết sữa của mẹ nên dẫn đến tình trạng mất sữa. Do đó, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, tuyệt đối không được sử dụng loại thuốc này.
Ngoài ra, người cao tuổi và đặc biệt là trẻ em dưới hai tuổi, không nên sử dụng loại thuốc này. Nguyên nhân là do cyproheptadine còn có tác dụng kháng tiết choline, gây khô miệng, táo bón, mắt mờ, khó tiểu tiện. Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, nếu sử dụng lâu dài sẽ làm chậm sự hoàn thiện của não và gây hại cho sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Điều quan trọng là tác dụng gây thèm ăn của cyproheptadine chỉ kéo dài trong thời gian dùng thuốc. Khi ngừng sử dụng, người bệnh sẽ gặp tình trạng ăn không ngon như trước, kéo theo hiện tượng sụt cân.
Do đó, loại thuốc có chứa hoạt chất này chỉ được sử dụng cho những trường hợp đặc biệt như người bệnh không chịu ăn uống và bất hợp tác trong liệu pháp dinh dưỡng. Khi sử dụng nhất thiết phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ.
Thuốc chống viêm glucocorticoid
Khi sử dụng glucocorticoid để chống viêm hay dị ứng ngoài da, thuốc sẽ phát sinh tác dụng phụ là giữ nước và chất khoáng na-tri trong cơ thể. Quá trình này sẽ làm rối loạn chuyển hóa lipid, khiến mỡ đọng lại ở các vùng mặt, cổ và lưng.
Việc sử dụng thuốc kéo dài dẫn đến tăng trọng lượng cơ thể, có trường hợp gây ra tình trạng béo phì. Do đó, người bệnh lầm tưởng đây là loại thuốc kích thích ăn uống và tăng cân. Tuy nhiên, dù cải thiện được chỉ số cân nặng, mặt tròn ra, nhưng các cơ của bệnh nhân teo lại.
Ngoài ra, glucocorticoid còn có một số tác dụng phụ nguy hiểm hơn như tăng huyết áp, gây loãng xương, loét dạ dày. Vì vậy, tuyệt đối không sử dụng glucocorticoid để điều trị chứng chán ăn. Trong mọi trường hợp, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc.
Tuyệt đối không lạm dụng thuốc kích thích ăn uống ngon miệng.
Khi sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, một số loại thuốc có thể phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hay không tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, bạn đã vô tình đưa chất độc vào cơ thể.
Ngoài các hoạt chất và thuốc trị chán ăn nói trên còn có các nhóm thuốc kích thích cảm giác ngon miệng như loại thuốc bổ có chứa a-xít amin hay các vitamin, men tiêu hóa…Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này.
Việc uống thuốc không đúng liều lượng sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa vitamin, gây ra tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, mất ngủ và chán ăn nhiều hơn. Các loại men tiêu hóa chỉ sử dụng cho người chán ăn bị suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Thế nhưng, không nên sử dụng lâu ngày vì sẽ gây ức chế các tuyến tiết men tiêu hóa của cơ thể.
Theo TTGĐ