Liều mạng làm đẹp ở thiên đường thẩm mỹ giá rẻ
Cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) đang càn quét khắp nơi. Phụ nữ Trung Quốc, Singapore và cả người Mỹ gốc Á đổ xô tới các trung tâm thẩm mỹ ở Hàn Quốc. Người ít tiền hơn thì tìm đến thiên đường thẩm mỹ giá rẻ ở Thái Lan, liều lĩnh giao phó khuôn mặt và cả mạng sống của mình cho những thẩm mỹ viện bình dân với giá chỉ trên dưới 100USD để có sống mũi dọc dừa hay đôi mắt hai mí to tròn…
Người mẫu Hang Mioku chịu hậu quả vì nghiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Cắt mí mắt giá 3 đô
Hàn Quốc là một trong những nước có tỉ lệ người PTTM cao nhất thế giới. Ở nước này, việc nâng mũi hay cắt mí mắt đơn giản như mua một cái vòng tay. Nhiều bậc cha mẹ thưởng cho con cái tốt nghiệp trung học một ca PTTM.
“Theo thống kê, cứ 5 phụ nữ Hàn Quốc thì có 1 người đi PTTM, nhưng tôi nghĩ con số thực còn nhiều hơn thế” – Joon Lee, GĐ Viện PTTM Seoul TouchUp – cho biết. “PTTM giống như một nét văn hóa vậy. Cha mẹ thường khuyến khích con họ đi PTTM vào kỳ nghỉ hè 3 tháng sau khi tốt nghiệp trung học”.
Thế nhưng, Thái Lan mới chính là thiên đường thẩm mỹ giá rẻ.
Giá PTTM tại bệnh viện tư hàng đầu Thái Lan Bumrungrad International chỉ bằng 70% so với ở Singapore.
Video đang HOT
Tại Trung tâm y tế Mahkota, Malaysia, giá một lần tiêm botox chưa tới 100USD, trong khi giá một ca tương tự tại Singapore là 500USD. Vì thế, số khách hàng người Singapore đến Bệnh viện Bumrungrad International đã tăng lên 3.800 ca trong năm ngoái, so với 2.800 ca năm 2010.
Một chuyên gia trang điểm vừa hút mỡ cằm ở Bangkok cho biết: “Rẻ lắm; nếu làm ở Singapore sẽ tốn hơn nhiều” và cô có ý định tiếp tục cắt mí, nâng mũi và sau đó là bơm ngực ở đây, dù “thẩm mỹ viện trông không được chuyên nghiệp cho lắm”.
Ở Triều Tiên, dù PTTM là bất hợp pháp, nhưng những dịch vụ đơn giản như cắt mí, xăm môi, xăm mày bắt đầu phổ biến từ đầu những năm 2000.
Cô Mina Yoon – từng sống ở Triều Tiên – kể, khi cô còn học trung học, thỉnh thoảng lại có một học sinh nghỉ vài ngày để đi làm thẩm mỹ, khiến nhà trường phải đề ra những quy định nghiêm ngặt.
Đôi khi các giám thị bất ngờ xuống kiểm tra, các học sinh bị phát hiện phẫu thuật mắt hai mí phải viết kiểm điểm hoặc đi lao động công ích…
Yoon cho biết, dịch vụ cắt mí ở Triều Tiên có giá 2-3USD – tương đương 1,5kg gạo và các bác sĩ thường đến nhà bệnh nhân để tiến hành phẫu thuật “chui”.
Đổ xô sang nước ngoài liều mạng làm đẹp
“Chỉ mất 1 tuần, tôi sẽ tạo cho bạn một khuôn mặt mới xinh đẹp hoàn hảo” – đó là lời bác sĩ phẫu thuật Choi của thẩm mỹ viện nổi tiếng ở quận Gangnam, Hàn Quốc tư vấn cho các khách hàng Singapore.
8 tháng trước, thẩm mỹ viện của bác sĩ Choi chỉ đón nhiều nhất là 10 bệnh nhân/tháng. Nhưng nay, mỗi ngày ông có 1 khách hang – từ phụ nữ 50 tuổi đến những cô gái mới 20.
Năm thẩm mỹ viện khác ở quận Gangnam cũng cho biết, số khách hàng Singapore của họ đã tăng gấp 3 lần trong năm qua.
Viện Phát triển công nghiệp y tế Hàn Quốc cho biết, xu hướng “ du lịch – thẩm mỹ” đang bùng nổ, trong đó khách hàng đông nhất là người Trung Quốc, dù giá cả không rẻ – dao động từ 2.500-3.000USD/ca.
Năm 2012, có khoảng 31.000 người Trung Quốc tới Hàn Quốc bằng visa du lịch y tế, trong đó hơn 60% là đi PTTM – tăng gần 7 lần so với 4.700 người năm 2009.
Theo tờ China Daily, có tới 80% khách hàng của các thẩm mỹ viện Hàn Quốc là người Trung Quốc, trong đó có tới 25% là sinh viên đại học, đông nhất vào các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông.
Các cô gái sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn đôla, cắn răng chịu đau đớn để biến đôi mắt một mí đặc trưng của người Châu Á thành mắt hai mí to tròn, để gọt khuôn mặt bầu bĩnh thành cằm chữ V thon gọn…
Họ bất chấp những cảnh báo về việc bị biến chứng và hình ảnh gây sốc đăng trên báo chí về những ca PTTM bị biến dạng của các “ngôi sao”, như khuôn mặt khủng khiếp của nữ ca sĩ Han Mi Ok sau 20 lần PTTM, hay người mẫu Hang Mioku biến thành “phù thủy” vì nghiện PTTM…
Mới đây nhất, cảnh sát Haeundae, Hàn Quốc cho biết, hôm 17.10, một bệnh nhân 22 tuổi đã hôn mê khi nâng mũi và gọt hàm tại một thẩm mỹ viện ở Busan và đã chết vào ngày 26.10. Đây là vụ tử vong thứ ba trong năm nay do PTTM tại đây.
Đầu tháng 7, một phụ nữ qua đời sau khi PTTM tại một thẩm mỹ viện ở phía nam Seoul được 1 tháng. Vào tháng 3.2013, một cô gái 22 tuổi cũng tử vong khi PTTM ở bắc Chungcheong.
Tháng 8 năm ngoái, một sinh viên 23 tuổi đã tự sát sau khi gọt hàm và để lại bức thư tuyệt mệnh cho biết cô không thể nhai thức ăn và cầm nước mắt do tuyến lệ bị tổn thương.
Theo Hiệp hội PTTM quốc tế, Hàn Quốc đã tiến hành khoảng 650.000 ca PTTM năm 2011. Khoảng 839 trong số 1.091 thẩm mỹ viện thiếu các thiết bị cấp cứu cần thiết, nhiều thẩm mỹ viện không thuê các chuyên gia gây mê và bác sĩ phẫu thuật chuyên ngành để giảm chi phí.
Mỗi năm, nước này có khoảng 5.000 ca phẫu thuật gọt hàm, trong đó 52% gặp rắc rối nhỏ như có cảm giác tê mặt. Số bệnh nhân đòi bồi thường sau PTTM ngày càng tăng.
Theo Hiệp hội Người tiêu dùng Hàn Quốc, khiếu nại tăng từ 41 vụ năm 2008 lên 87 vụ năm 2012 và 130 vụ vào năm ngoái. Ngày 27.10 vừa qua, Tòa án Seoul đã xử thắng kiện cho một phụ nữ 31 tuổi được bồi thường 29 triệu won (27.300USD) sau khi bị biến dạng mặt vì PTTM.
Đầu tháng này, một người khác được bồi thường 850 triệu won vì bị mù sau PTTM.
Theo Laodong