Liệu Đồng bằng sông Cửu Long có thể ngọt lại?
Cách nay chừng 10 năm, nếu ai nói chuyện ĐBSCL oằn mình trong cơn hạn nặng, đối với nhiều người, không khác gì chuyện viễn tưởng.
Sự đỏng đảnh của thời tiết, sự khó lường của khí hậu và những cơn tai biến bất ngờ xuất hiện ngày càng nhiều, cứ như thể thiên nhiên đang đưa ra lời cảnh báo không thể hoài nghi. Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam chỉ là một trong những nạn nhân trong hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan này, dẫu vậy, gần 100 triệu người dân Việt không thể khoanh tay đứng nhìn.
Vựa lúa của cả nước đã phải trải qua những ngày tháng 2, tháng 3 khát nước. Không chỉ người dân vùng ĐBSCL, chính những khán giả, độc giả ở khắp mọi miền cả nước cũng không còn lạ lẫm gì với những cánh đồng nứt nẻ, khô trắng. Đành rằng, vùng đất này đã lường trước khó khăn, những kịch bản đối phó với hạn mặn đã được triển khai hiệu quả, giảm thiểu tới mức thấp nhất hệ lụy của thiên tai nhưng vùng ‘nước nổi’ lại thiếu nước vẫn là điều khiến không ít người cảm thấy xót xa.
Nông dân ĐBSCL vật lộn với hạn mặn. Ảnh minh họa
Đối với người dân vùng ĐBSCL, đó là nỗi đau gắn với ‘miếng cơm, manh áo’. Dù cơn hạn kỷ lục đã đi qua, vẫn có những vườn hoa quả như sầu riêng, chôm chôm, xoài… đang khô héo vì đất đã bị nhiễm mặn. Sẽ cần rất nhiều nước để đất đồng bằng ngọt lại, vậy nhưng bao giờ trở lại ngày xưa?
Quả thật, đó là một nghịch lý. Theo một vị chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về ĐBSCL, mỗi năm ĐBSCL chỉ tiêu thụ tối đa khoảng 60 tỷ m3 nước và dẫu 10 năm nữa, lượng tiêu thụ cũng chỉ dừng lại ở con số đó. Thế nhưng, vào mùa mưa, khu vực này nhận được chừng 200-300 tỷ m3 nước, từ nước mưa và nước trên thượng nguồn Mekong đổ về. Lại nữa, khi nền khoa học công nghệ thế giới phát triển vượt bậc, những vùng đất sa mạc ở Trung Đông có thể biến thành những vườn rau mà vùng đất hai mặt giáp biển của Việt Nam lại cam tâm chịu khát là một chuyện khó tin nhưng… có thật.
Việc nhận diện và tìm giải pháp cho vấn đề nêu trên đã được đặt ra và lại đang được bàn thảo sôi nổi trong những ngày gần đây. Bắt đầu từ Hội nghị giải trình về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì. Tại đây, những quan chức lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đều thống nhất, an ninh nguồn nước là vấn đề quan trọng và cấp bách. Sự chủ động về nguồn nước là điều rất cần thiết, đặc biệt khi nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực, các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.
Tiếp sau đó, nhiều tiếng nói từ các nhà khoa học đã vang lên. Mong muốn giới khoa học và các nhà quản lý điều hành ngồi lại với nhau, tìm ra một giải pháp giải khát cho vùng đồng bằng, dù chưa trở thành những lời kêu gọi mạnh mẽ thì cũng đã nung nấu trong tâm trí những người có nhiều tâm huyết với ĐBSCL. Có nhiều lý do để hy vọng, nguyện vọng này sẽ sớm thành hiện thực.
Video đang HOT
Giải pháp đầu tiên được đề cập là khả năng trữ nước, chuyển nước ở vùng ĐBSCL. Lựa chọn cải tạo, mở rộng, xây mới một trục dẫn nước chính cho toàn vùng ĐBSCL có thể nên được cân nhắc. Cùng với đường trục đó, khôi phục hiện trạng những vùng chứa nước sẵn có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, xây thêm những hồ thủy lợi chứa nước mới, tạo thành những “má khỉ” trữ nước và điều tiết nước với trục dẫn nước chính.
Tính toán nêu trên không thể là viển vông bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, những vùng trũng chứa nước tự nhiên mà người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long gọi thân thuộc là “láng lung”, từ xưa tới nay đã góp phần trữ nước và điều tiết nước rất tốt cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, và hiện giờ, chỉ cần phát huy hơn nữa vai trò của chúng. Một trục chính dẫn nước đồng thời sẽ giúp xử lý vấn nạn xâm nhập mặn, khi việc ngăn mặn, đẩy mặn có thể chỉ cần tập trung ở đường trục này.
Thứ hai, về vấn đề kinh phí, chắc chắn đây sẽ là một đại dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, ưu tiên cho ĐBSCL không chỉ mang tính chất an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, mà còn phải là một lựa chọn tất dĩ ngẫu. ĐBSCL vốn đã chịu thiệt thòi nhiều trong phân bổ đầu tư. Thay vì lập lại thế cân bằng bởi những đại dự án hạ tầng chưa thật sự cần thiết, đầu tư vào đường dẫn nước chính và hệ thống má khỉ, trữ nước, điều hòa lượng nước và cung cấp nước cho toàn vùng ĐBSCL vào mùa khô là lựa chọn không cần phải hồ nghi.
Thứ ba là vấn đề thực thi. Không ít dự án ngăn mặn, chống hạn… đã được triển khai ở ĐBSCL với số vốn tổng cộng có lẽ đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Không cần viện dẫn tới đợt hạn mặn kỷ lục vừa qua, nếu xét về toàn cục, hiệu quả của các dự án này vẫn là một dấu hỏi lớn.
Từ đây, có thể thấy, thay vì đầu tư vào những dự án nhỏ, có tính chất cục bộ, cô lập, không thể chống nổi diễn biến quá khắc nghiệt của thời tiết và khí hậu, lựa chọn đầu tư tổng thể nên được xem là giải pháp căn cơ, thậm chí tiết kiệm hơn. Chiến lược đúng, lựa chọn đúng nhân sự, xây dựng phương án đúng và giám sát cẩn trọng, tin rằng chúng ta sẽ nhận được những kết quả khả quan.
Nghĩ về ĐBSCL, theo nhiều quan điểm, không nên dừng lại ở việc hóa giải những cơn hạn mặn. Đó còn là vấn đề cân nhắc về cơ cấu cây trồng, cả về số lượng, chủng loại lẫn sản lượng. Nước là tài nguyên, đất đai cũng là một dạng tài nguyên, mà nếu lạm dụng, việc phục hồi lại độ màu cho đất sẽ rất lâu dài và khó khăn. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại, hiệu quả sử dụng nguồn nước và nguồn đất đai tại khu vực này, không thể vắt kiệt chất màu trong đất để những trái dưa hấu, sầu riêng, măng cụt… phải chịu cảnh chất đống ở cửa khẩu, hoặc chịu cảnh bán rẻ như cho.
Về phía người nông dân, họ chỉ biết vắt sức, đổ mồ hôi, chấp nhận cảnh được mùa mất giá như một lẽ dĩ nhiên và khắc phục bằng cách cố tăng diện tích và sản lượng cây trồng, sử dụng có khi đến lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu. Cái vòng luẩn quẩn ấy nếu không được tháo gỡ, vừa bất công cho những người bỏ công bỏ của đầu tư những vườn cây ăn trái, vừa ăn lạm vào phần của tương lai, khi đất đã mỏi, còn nước thì đã cạn.
Thời gian qua, rất nhiều lần, tư tưởng thuận thiên trong phát triển vùng ĐBSCL đã được đưa ra, như một giải pháp cốt lõi để hóa giải những tồn tại hiện hữu. Nhưng khi thiên nhiên ngày càng khó lường, khi sức ép từ sự sinh tồn của con người lên thiên nhiên ngày càng lớn, “thuận thiên” cũng cần phải được hiểu theo một cách khoa học.
ĐBSCL vừa phòng chống vừa thích nghi với hạn mặn
Những ngày qua các ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL đã tận tâm, tận lực chống chọi và từng bước thích nghi với hạn mặn.
Như đã đề cập ở 2 bài viết trước, những ngày qua các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL đã tận tâm, tận lực chống chọi với hạn mặn. Tuy nhiên, vấn đề hạn mặn hiện nay không còn theo chu kỳ, quy luật mà rất bất thường khi nguồn nước từ thượng nguồn sông Me Kong khan hiếm. Đối với vùng Châu thổ Cửu Long thì công tác phòng chống hạn hán, mặn xâm nhập phải từng bước thích nghi. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Vấn đề này được đề cập trong bài viết thứ 3 với nhan đề "ĐBSCL vừa phòng chống vừa thích nghi với hạn mặn".
Những ngày qua các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL đã tận tâm, tận lực chống chọi với hạn mặn. Tuy nhiên, vấn đề hạn mặn hiện nay không còn theo chu kỳ, quy luật mà rất bất thường khi nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông khan hiếm. Đối với vùng Châu thổ Cửu Long thì công tác phòng chống hạn hán, mặn xâm nhập phải từng bước thích nghi. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120 của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Nhiều diện tích lúa Đông Xuân ở tỉnh Tiền Giang " chết đứng" do thiếu nước ngọt.
Một thành công trong công tác chủ động ứng phó với hạn mặn vùng ĐBSCL vừa qua là việc vận động, khuyến cáo nông dân chuyển đổi hơn 50.000 ha lúa vùng khó khăn, xa nguồn nước sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày hay cây lâu năm. Các công tác bơm, trữ nước được triển khai kịp thời, nên tỉ lệ lúa bị thiệt hại chưa đến 10% so với mùa hạn mặn năm 2016.
Các hoạt động dùng xe bồn, sà lan chở nước từ đầu nguồn các con sông về "cứu khát" cho vườn cây, hoa kiểng và phục vụ sinh hoạt được chính quyền và người dân trong vùng thực hiện khẩn trương, quyết liệt. Tuy nhiên về lâu dài, để giảm nhẹ thiên tai thì cần có giải pháp căn cơ, phát huy nguồn lực nội sinh và sự hỗ trợ của nhà nước.
Mùa khô, tại vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang kênh rạch cạn nước.
Trước hết vấn đề lịch thời vụ để sản xuất lúa vụ lúa Mùa, lúa Đông Xuân cần được chủ động, càng sớm càng tốt để "né" hạn mặn, nhất là khu vực bán đảo Cà Mau, vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre...
Ông Phạm Công Anh, nông dân ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau chia sẻ: "Vùng đất ở đây sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, nhờ mưa mới có nước ngọt, không mưa là hết nước. Đúc kết kinh nghiệm từ bà con đi trước thì tôi cũng làm sớm so với mọi năm. Toàn thể bà con ở đây đều chủ động xuống giống sớm, thu hoạch sớm để kịp xuống vụ màu. Tôi rất mong các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện làm sao ở đây có được nước ngọt như trên vùng sông Hậu. Bà con có nước ngọt quanh năm không cần phụ thuộc vào thời tiết để phát triển kinh tế mạnh hơn".
Nước mặn bao trùm cả tỉnh Bến Tre.
Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đang rất thiếu nguồn kinh phí để hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là các cống đập, ngăn mặn, trữ ngọt và kiểm soát lũ, triều cường theo hướng khép kín. Nguồn kinh phí để thực hiện các công trình khẩn cấp này mỗi địa phương cần đến vài trăm tỷ đồng; trong đó tỉnh Trà Vinh cần khoảng 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, TW cần ưu tiên đầu tư các dự án có quy mô liên vùng, liên tỉnh như: Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 2 (tỉnh Kiên Giang), dự án thủy lợi Bắc- Nam Bến Tre( tỉnh Bến Tre); dự án Nam Măng Thít(Vĩnh Long), dự án Bảo Định (Tiền Giang) và dự án Nhật Tảo- Tân Trụ (Long An).
Tỉnh Long An đề xuất được nạo vét sông Vàm Cỏ Tây để cung cấp nước ngọt cho Tiền Giang- Long An. Tỉnh Bến Tre đề xuất TW chấp thuận cho xây dựng thêm một hồ chứa nước ngọt Lạc Địa tại huyện Ba Tri với khăng dự trữ khoảng 1,5 triệu m3 nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi đã được phê duyệt; sớm hoàn thành hệ thống cống đập, âu thuyền để biến sông Ba Lai thành hồ chứa nước ngọt.
Nhà vườn Bến Tre chọn mua túi nhựa để trữ nước ngọt trong mùa khô hạn.
Mới đây tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ về hạn mặn vùng ĐBSCL, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị một số vấn đề chống hạn mặn và triều cường mang tính khu vực.
"Để góp phần hạn chế và giảm nhẹ thiên tai, tỉnh Bến Tre xin Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét, cơ chế, chính sách mới trong điều phối, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông trong Ủy Ban sông Mê Kông của mình. Đồng thời chỉ đạo xây dựng một số hồ chứa nước ngọt ở vùng Tứ giác Long Xuyên để tạo thêm cái hồ nữa ngoài biển Hồ của Campuchia. Có như vậy thì mới điều hòa, hạn chế những đợt triều cường, xâm nhập mặn, bổ sung nguồn nước bổ sung để cứu cho các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL. Bến Tre kiến nghị đầu tư thêm cái hồ chứa nước nữa, trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3 nước. Nếu có thêm hồ này thì các huyện ven biển sẽ chủ động được nguồn nước từ 2-3 tháng", ông Trọng cho hay.
Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, vùng ĐBSCL hiện cần sớm đầu tư nâng cấp, sửa chữa 30 công trình cấp nước tập trung, kéo dài hơn 250 km đường ống nước đến các khu vực hẻo lánh; xây dựng ít nhất 4 hồ xử lý nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; đồng thời tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cấu trồng phù hợp theo Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Tỉnh Bến Tre cấp phát thùng chứa nước ngọt cho dân nghè.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương cần nguồn kinh phí để xây các hồ chứa nước tại các xã đảo, ven biển và huyện đảo Phú Quốc; đề xuất Chính phủ không nên cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước trong vùng vì khi cổ phần hóa vấn đề an ninh nguồn nước không đảm bảo. ĐBSCL cần nạo vét hệ thống sông rạch để phục vụ giao thông vận tải thủy và trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt mùa khô hạn.
"Về lâu dài kiến nghị Thủ tướng về giai đoạn 2 dự án Cái Bé - Cái Lớn, để chúng ta chuyển nguồn nước này cho vùng bán đảo Cà Mau. Kiến nghị bổ sung nguồn vốn để nạo vét hết hệ thống kênh rạch vùng ĐBSCL. Đây có thể là hồ chứa, trữ lượng nước ở đây rất nhiều. Đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT nghiên cứu giúp thêm làm hồ chứa nước tại các xã đảo và vùng ven biển Kiên Giang hiện nay thiếu nước, chúng tôi phải chở nước. Xin đề nghị Thủ tướng cho phép Kiên Giang không cổ phần hóa công ty cấp thoát nước vì cổ phần hóa thì vấn đề cấp nước không đảm bảo", ông Hồng cho hay.
Khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân tỉnh Cà Mau.
Trong buổi làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về phòng chống hạn mặn mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân vùng ĐBSCL đã chung tay ứng phó với hạn mặn khốc liệt. Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là và tiếp tục có giải pháp khả thi, nhất là không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Các công trình thủy lợi đã được ghi vốn thì khẩn trương triển khai, cần chủ động trong sản xuất vụ lúa hè thu sắp tới.
Thủ tướng đồng ý chi khẩn cấp 350 tỷ đồng để các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Long An để thực hiện các hoạt động " cứu khát" cho dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Những công trình cơ bản chúng ta nên làm, nhất là các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách TW đã ghi phải giải ngân hết. Về hỗ trợ mỗi tỉnh 70 tỷ để bơm nước, nạo vét, đắp trạm, đào ao, đào giếng, trữ nước mà đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho người dân khó khăn. Tôi giao Bộ Nông nghiệp-PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan rà soát các nội dung, đề xuất cấp bách cần hỗ trợ cụ thể các mặt đề trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sớm để các địa phương triển khai. Các địa phương chủ động bố trí ngân sách đến tận hộ dân, đến đúng người, đúng việc không để thất thoát ngân sách".
Hạn mặn năm nay tại ĐBSCL diễn ra gay gắt hơn năm 2016, nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, trước những tác động từ phía thượng nguồn và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, vấn đề đặt ra là chính quyền và người dân trong toàn vùng cần có những tư duy mới trước "kỷ lục" hạn mặn ở ĐBSCL; có động thái sẵn sàng thích ứng để phù hợp theo sự thay đổi của tự nhiên, biến thách thức thành cơ hội./.
Nhật Trường, Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL
Người dân khốn khổ khi bãi tập kết rác thải gần khu dân cư Hơn mười năm nay, một bãi rác ngay tại thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đang khiến cho người dân vô cùng khốn khổ. Do việc xử lý thủ công nên vào những ngày nắng nóng bãi rác này trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp. Bãi tập kết rác thành "núi" giữa khu vực thị trấn Anh Sơn. Kiến...