Liệu đối thủ của ông Trump có lộ diện sau ngày bầu cử Siêu thứ Ba?
Trong cuộc bầu cử Mỹ này, ông Trump dường như không có đối thủ ở phe Cộng hòa nhưng bên đảng Dân chủ vẫn có cuộc đua quyết liệt.
Ngày 3/3 (theo giờ Mỹ), cử tri tại 14 bang trên khắp các miền của nước Mỹ và vùng lãnh thổ Samoa, sẽ tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ nhằm lựa chọn ứng cử viên chính thức của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3/11 năm này.
Về phía đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Donald Trump dường như không có đối thủ cạnh tranh suất đề cử chính thức, song bên đảng Dân chủ sẽ là cuộc đua quyết liệt giữa các ứng cử viên tốp đầu.
Theo quy định hiện hành, 14 bang gồm Alabama, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, và Virginia sẽ tiến hành bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu; vùng lãnh thổ Samoa sẽ tổ chức họp kín để lựa chọn ứng cử viên của đảng Dân chủ. Trong ngày bầu cử Siêu thứ Ba này, cử tri đảng Dân chủ sẽ bầu ra 1.357 đại biểu, tương đương hơn 34% tổng số đại biểu cam kết sẽ đi dự Đại hội toàn quốc từ ngày từ 13-16 tháng 7 tới tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin. Riêng hai bang California và Texas chiếm tới 643 đại biểu cam kết.
Theo kết quả thăm dò dư luận trung bình do trang mạng Real ClearPolitics cập nhật đến 23h ngày 2/3, tại bang California tỷ lệ ủng hộ lần lượt là ông Sanders (33%), ông Biden (18,3%), bà Warren (16%) và ông Bloomberg (13%). Trong khi tại bang Texas, ông Sanders đang tạm dẫn đầu với 30,5%, tiếp theo là ông Biden (26%), bà Warren (15,5%) và ông Bloomberg (14,5%).
Sau các cuộc bầu cử sơ bộ tại 4 bang Iowa, New Hampshire, Nevada và South Carolina, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang dẫn đầu với 58 đại biểu, tiếp theo là cựu Phó Tổng thống Joe Biden với 50 đại biểu và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren có 8 đại biểu.
Video đang HOT
Căn cứ vào số đại biểu cam kết đã giành được, cùng kết quả thăm dò dư luận trước giờ bầu cử, dường như đây là cuộc đua song mã giữa hai ứng cử viên Sanders và Biden, và Thượng nghị sĩ Sanders hiện đang chiếm lợi thế. Ứng cử viên Pete Buttigieg, cựu Thị trưởng thành phố South Bend, bang Indiana, người giành được 25 phiếu; Thượng nghị sĩ bang Minnesota, bà Amy Klobuchar giành được 7 phiếu đại biểu; và cựu Hạ nghị sĩ bang Texas, ông Beto O’Rourke, đã từ bỏ cuộc đua và chính thức quay sang ủng hộ ông Biden.
Tuy nhiên, sẽ là vội vàng khi gạt ông Bloomberg và bà Warren sang một bên trong cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ, bởi cả hai đều có những lợi thế riêng. Đáng chú ý, tỷ phú Bloomberg không có tên trên lá phiếu trong 4 cuộc bầu cử sơ bộ đã diễn ra do bước vào cuộc đua muộn nhất, song cựu Thị trưởng thành phố New York đang dồn mọi nguồn lực cho trận chiến quyết định Siêu thứ Ba này. Do vậy, không loại trừ khả năng sẽ có sự xáo trộn vị trí sau ngày 3/3.
Trong tình thế giằng co như vậy, rất khó dự đoán ứng cử viên nào sẽ dẫn đầu và ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ có thể chỉ lộ diện rõ sau cuộc bầu cử Siêu thứ Ba tiếp theo. Vào ngày 10/3 tới, sẽ có 6 bang, gồm Idaho, Michigan, Mississippi, Missouri, North Dakota và Washington tổ chức bầu cử sơ bộ, qua đó chọn ra 352 đại biểu cam kết.
Để trở thành người được đề cử chính thức của đảng Dân chủ, ứng cử viên phải giành được ít nhất 1.990 phiếu đại biểu cam kết. Do đó, rất có thể phải đợi đến khi tiến hành đại hội toàn quốc, đảng Dân chủ mới chọn được ứng cử viên cuối cùng, theo đó người được lựa chọn sẽ chính thức bước vào cuộc đua vô cùng quyết liệt với ông Donald Trump và nỗ lực giành lại vị thế chủ nhân Nhà Trắng đã mất vào đảng Cộng hòa cách đây 4 năm./.
Theo Phạm Huân, Huy Hoàng/VOV-Washington
Ông Trump 'ám ảnh' với việc tiêu diệt Hamza bin Laden?
Nỗi "ám ảnh" này xuất phát từ bản năng của Tổng thống Donald Trump khi Hamza bin Laden là đối tượng khủng bố duy nhất mà ông nhớ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn bị "ám ảnh" với việc tiêu diệt Hamza bin Laden - con trai út của Osama bin Laden - và luôn nhắc tên đối tượng khủng bố này với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đài NBC News ngày 16-2 đưa tin.
Theo cựu nhân viên CIA Douglas London và một quan chức hiện đang làm việc trong Lầu Năm Góc, quan điểm này của ông Trump xuất phát từ bản năng của tổng thống chứ không phải vì Hamza bin Laden phải là một mối đe dọa hàng đầu trong các báo cáo của CIA.
Các nguồn tin này nói với NBC News rằng Hamza "là cái tên duy nhất mà ông Trump biết" trong số các đối tượng khủng bố vì ông không thể xác định được những đối tượng khủng bố khác là ai.
Hamza bin Laden, con trai của Osama bin Laden, luôn là mục tiêu tiêu diệt hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: STRIPES
Ông London mô tả sự "ám ảnh" này của ông Trump là "một ví dụ cho ưu tiên của tổng thống về việc nhắm mục tiêu tiêu diệt đối tượng khủng bố "nổi tiếng" hơn là các lựa chọn được ưu tiên khác có thể chứng minh tốt hơn cho nền an ninh Mỹ".
Viết trên trang JustSecurity.org sau khi được CIA cho phép, ông London mô tả Hamza bin Laden "còn trẻ, thiếu kinh nghiệm chiến trường và chưa có được một hướng đi nghiêm túc".
Ông cho biết thêm các đánh giá hiện tại của CIA cho thấy Hamza không phải là người thủ lĩnh tiếp theo của nhóm khủng bố al Qaeda, dù cho truyền thông của nhóm này có đưa ra nhiều thông tin mơ hồ về việc này.
Tuy nhiên, "tổng thống suy nghĩ khác". Những mong muốn của ông Trump "đã ảnh hưởng tới việc điều chỉnh trọng tâm và nguồn lực của cộng đồng tình báo" - ông London viết.
"Ông ấy (Tổng thống Trump - PV) thường yêu cầu chúng tôi cập nhật thông tin về Hamza và nhất quyết yêu cầu đẩy nhanh các nỗ lực để theo sát đối tượng này" - ông London viết.
Theo ông London, một trong những động lực cho các quyết định này của Tổng thống Trump là tạo ra kết quả có lợi cho ông và đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018.
Theo NBC News, từ năm 2018, Mỹ đã tiến hành một vụ không kích nhằm tiêu diệt Hamza dù cho đối tượng khủng bố này được cho là chưa có kế hoạch tấn công nước Mỹ.
Cuối tháng 7-2019, NBC News dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Hamza đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn chưa xác nhận thông tin này.
Quan điểm của ông London được đưa ra sau khi Nhà Trắng xác nhận đã tiêu diệt Qassem al Rimi - lãnh đạo của lực lượng al Qaeda tại bán đảo Ả Rập.
"Nước Mỹ, lợi ích của chúng ta và các đồng minh của chúng ta an toàn hơn nhờ vào cái chết của tên này. Chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ người dân Mỹ bằng cách truy tìm và loại bỏ những kẻ khủng bố đang tìm cách làm hại chúng ta" - tuyên bố của Nhà Trắng viết.
Ông London gọi việc tiêu diệt al Rimi là thành công tiếp theo của chính quyền Tổng thống Trump, sau khi tiêu diệt được Hamza, Abu Bakr al-Baghdadi (thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS), Thiếu tướng Qasem Soleimani (thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang Iran nhưng bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố).
VĂN KIẾM
Theo baodatviet.vn
Giám đốc CDC: Trung Quốc chưa chấp nhận để đoàn chuyên gia Mỹ vào chống dịch Covid-19 Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đến nay Trung Quốc vẫn chưa chấp thuận đề nghị cử chuyên gia Mỹ hỗ trợ chống Covid-19 (nCoV). Trong cuộc phỏng vấn CNN hôm 13/02, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cho biết Washington đã sẵn sàng giúp...