Liệu chuyện gì đã xảy ra với Nina Simone?
Bộ phim tài liệu lướt qua 70 năm cuộc đời của huyền thoại âm nhạc Nina Simone, từ khi bà còn là một cô bé cho đến lúc phải trải qua khủng hoảng nặng nề về mặt tinh thần.
Hẳn phần lớn khán giả hâm mộ Nina Simone từng có cùng tâm sự với nữ đạo diễn Liz Garbus: nghe rất nhiều ca khúc của bà, nhưng lại biết rất ít về cuộc đời của huyền thoại.
Bản thân vốn là người yêu thích âm nhạc của Nina Simone từ những năm đại học, nhưng khi được chọn làm đạo diễn cho tác phẩm tài liệu xoay quanh thần tượng, chính Garbus cũng không khỏi bất ngờ về những thăng trầm trong cuộc đời danh ca quá cố.
What Happened, Miss Simone? kể lại cuộc đời đầy thăng trầm kéo dài 70 năm của danh ca Nina Simone. Tác phẩm nhận đề cử Phim tài liệu xuất sắc tại Oscar 2016. Ảnh: Netflix
Nina Simone sinh ngày 21/2/1933 tại thị trấn Tryon, North Carolina, nước Mỹ, với tên khai sinh là Eunice Waymon. Bà là một ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng không chỉ tại xứ sở cờ hoa, mà còn được lịch sử âm nhạc thế giới ghi nhận. Nina Simone được xem chính là người tiên phong trong dòng nhạc soul, cũng như trở thành hình tượng âm nhạc mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sau này chịu ảnh hưởng như Elton John, Adele, David Bowie, Christina Aguilera, Alicia Keys…
Bên cạnh đời sống nghệ thuật, bà cũng là người tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh nhân quyền, chống phân biệt chủng tộc và đòi lại quyền bình đẳng cho người da đen tại nước Mỹ. Do đó, nhắc tới Nina Simone, người ta lập tức nghĩ đến một nghệ sĩ da màu tuy không có ngoại hình đẹp nhưng lại sở hữu chất giọng ma thuật, cũng như một tượng đài của đam mê và sự đấu tranh nhân quyền.
Tác phẩm phim ảnh nổi bật nhất về Nina Simone
Kể từ khi Nina Simone qua đời năm 2003, các nhà sản xuất từng ấp ủ một vài dự án phim về cuộc đời bà. Có thể kể đến Nina (2014) với nữ diễn viên Zoe Saldana thủ vai danh ca (thay cho lựa chọn ban đầu là nữ ca sĩ Mary J. Blige). Song, tác phẩm điện ảnh chỉ được trình chiếu hạn chế tại Liên hoan phim Cannes 2014 và tới nay vẫn chưa được phát hành chính thức.
Trong năm 2015, khán giả hâm mộ Nina Simone bất ngờ được thưởng thức hai bộ phim tài liệu về thần tượng, bao gồm The Amazing Nina Simone của đạo diễn Jeff L. Lieberman và What Happened, Miss Simone?của Liz Garbus.
Gây tiếng vang tại Liên hoan phim Sundance 2015, bộ phim What Happened, Miss Simone? lập tức được kênh Netflix mua bản quyền phát sóng rồi chinh phục số đông công chúng. Ảnh: Netflix
Video đang HOT
Xét về danh tiếng, What Happened, Miss Simone? gây được nhiều sự chú ý hơn khi lọt vào danh sách đề cử Phim tài liệu xuất sắc tại Oscar 2016. Tác phẩm nhận được sự hợp tác tích cực từ con gái của Nina là Lisa Simone, người đồng thời đảm nhận vai trò điều hành sản xuất. Nữ đạo diễn Liz Garbus trước đó vốn cũng từng gây tiếng vang khi có hai lần nhận đề cử Oscar vào năm 1998 với The Farm: Angola, USA và năm 2011 với Killing in the Name.
Do đó, có thể xem What Happened, Miss Simone? là dự án phim tài liệu đầy tham vọng về giọng ca huyền thoại. Phim được chọn làm tác phẩm mở màn Liên hoan phim Sundance 2015, rồi được kênh Netflix mua bản quyền và phát sóng trong mùa hè cùng năm.
Liệu chuyện gì đã xảy ra với Simone?
Về cấu trúc, có thể chia nội dung What Happened, Miss Simone? ra làm ba phần, ứng với ba cột mốc thời gian quan trọng trong suốt 70 năm cuộc đời nữ danh ca: từ thời thơ ấu cho đến khi bước lên đỉnh cao danh vọng, quãng thời gian đen tối vì bạo hành gia đình và rơi vào trầm cảm, cho đến khi quay trở lại sân khâu và được khán giả đón nhận.
Liz Garbus muốn bộ phim gần gũi và chân thực hết sức có thể, nên phần lớn thời lượng của What Happened, Miss Simone? được kể lại bằng chính giọng nữ ca sĩ quá cố. Phần còn lại, Garbus chỉ phỏng vấn thêm một số ít nhân vật liên quan đến cuộc đời bà. Quan trọng nhất chính là cô con gái Lisa Simone và Andrew Stroud – người chồng, đồng thời là quản lý của Nina, cũng như được cho là người đã có hành vi lạm dụng danh ca.
Đằng sau danh vọng và những nụ cười, Nina Simone còn có quãng thời gian gần như mất hết tất cả, sống lay lắt qua ngày. Ảnh: Netflix
What Happened, Miss Simone? mở đầu bằng màn trình diễn của Nina Simone trên sân khấu. Đó là liên hoan nhạc jazz Montreux được tổ chức tại Thụy Sĩ vào năm 1976. Hai năm trước, Nina Simone đã chuyển đến Liberia để sinh sống. Sự xuất hiện của bà tại Montreux là bất ngờ lớn đối với khán giả, bởi nữ ca sĩ trước đó từng tuyên bố giã từ sân khấu.
Liệu chuyện gì đã xảy ra với Simone? Nhan đề What Happened, Miss Simone? bắt nguồn từ bài luận văn do Maya Angelou viết năm 1970. Câu hỏi đó cũng là chủ đề mà đạo diễn Liz Garbus muốn đặt ra với khán giả và toàn bộ nội dung của bộ phim là lời đáp cho thắc mắc đó.
Sức mạnh trong cách kể chuyện của Liz Garbus không nằm ở những cảnh động, mà bà chú trọng vào những khung hình tĩnh lặng đến sững sờ. Những đoạn phỏng vấn nữ ca sĩ được lồng ghép tinh tế và ý nhị với hình ảnh trắng đen của Nina Simone trên sân khấu. Trong phim cũng xuất hiện rất nhiều hình ảnh chụp nét chữ viết tay của Nina Simone được lấy từ cuốn tự truyện I Put a Spell on You mà bà xuất bản vào năm 1992.
Chẳng hạn, khi phỏng vấn đến đoạn Nina Simone là nạn nhân của bạo hành gia đình, Liz Garbus chỉ chọn một tấm hình của nhân vật rồi phóng máy quay thẳng vào gương mặt đầy buồn bã của bà.
Một hình ảnh được nhắc đến hai lần trong phim và có lẽ cũng là điều đã ám ảnh Nina Simone suốt cuộc đời: những đường ray xe lửa mà cô bé Eunice Waymon phải băng qua mỗi dịp cuối tuần để tìm đến nhà giáo viên dạy piano. Ở miền Nam nước Mỹ khi đó, đường ray xe lửa được xem là ranh giới tách biệt khu của người da màu ra khỏi đất của người da trắng.
Ký ức sâu đậm thuở ấu thơ ấy sau này trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh để Nina Simone có nhiều hoạt động tích cực trong các cuộc đấu tranh nhân quyền, cũng như sáng tác nên các những ca khúc bất hủ nhưMississippi Goddam, Four Women hay To Be Young, Gifted and Black.
Kết thúc bộ phim, người ta có thể thấy Nina Simone là con người luôn cống hiến hết mình cho cuộc sống, cho âm nhạc và cả tình yêu. Ảnh: AP
Ở cảnh quay cuối cùng của bộ phim, Liz Garbus đưa người xem quay trở lại sân khấu tại Montreux năm 1976. Bởi nữ đạo diễn cho rằng, sau khi theo dõi 90 phút để thấu hiểu cuộc đời của Nina Simone, khán giả sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác về bà.
Họ nay có thể nhìn nhận nữ ca sĩ huyền thoại dưới nhiều góc độ khác nhau hơn, từ một nghệ sĩ dương cầm chuyển hướng sang hát nhạc jazz, một người vợ, người mẹ mắc kẹt giữa nạn bạo hành gia đình, hay là một người phụ nữ da đen hiếm hoi dám đứng lên đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ.
Nhưng trên hết, người xem thấy được Nina Simone là con người luôn cống hiến hết mình cho cuộc sống, cho âm nhạc và cả tình yêu. Trong sự nghiệp ca hát của bà, Nina Simone có một ca khúc nổi tiếng gắn liền với sự nghiệp, mang tên Don’t Let Me Be Misunderstood (tạm dịch: Xin đừng khiến tôi bị hiểu lầm). Nhan đề ca khúc giống như một lời cầu khấn và có thể nói nữ đạo diễn Liz Garbus đã thực hiện trọn vẹn ước nguyện đó của Nina Simone.
Theo Zing
8 tác phẩm tranh giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016
"The Big Short", "The Revenant" và "Spotlight" tạo ra cuộc đua tay ba gay cấn tại Oscar cho đến phút chót. Song, năm ứng cử viên còn lại cũng đều là những bộ phim rất đáng xem.
The Big Short: Tham gia cuộc đua Oscar vào giờ chót, tác phẩm điện ảnh kể lại cuộc khủng hoảng tài chính nước Mỹ giai đoạn 2007-2008 trở thành "chú ngựa ô" khi được Hiệp hội Sản xuất phim Mỹ (PGA) bất ngờ vinh danh. Lịch sử ủng hộ The Big Short khi có đến 19 trong 26 bộ phim từng thắng giải PGA sau đó tiếp tục được Oscar gọi tên. Ngoài Phim truyện xuất sắc, tác phẩm còn tranh tài ở các hạng mục Đạo diễn (Adam McKay), Nam diễn viên phụ (Christian Bale), Kịch bản chuyển thể và Dựng phim xuất sắc. Ảnh: Paramount
Bridge of Spies: Bộ đôi Steven Spielberg - Tom Hanks không có đề cử dành cho cá nhân, nhưng tác phẩm mới nhất của họ vẫn được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) ưu ái, thể hiện qua sáu đề cử Oscar năm nay. Bridge of Spies dựa trên những sự kiện có thật, xoay quanh cuộc trao đổi tù binh giữa hai chính phủ Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Do muốn giữ thể diện chính trị, nước Mỹ bí mật cử luật sư James B. Donovan tới bàn đàm phán khó lường tại thành phố Berlin, Đức. Ngoài Phim truyện xuất sắc, tác phẩm mang về cho Mark Rylance đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc, cũng như tranh tài tại các hạng mục Kịch bản gốc, Nhạc nền trong phim, Kỹ thuật hòa âmvà Thiết kế sản xuất xuất sắc. Ảnh: Fox
Brooklyn: Nằm trong danh sách đề cử Phim truyện xuất sắc, đây là một trong những tác phẩm điện ảnh được giới phê bình xứ sở cờ hoa ca ngợi nhất năm 2015. Chuyện phim xoay quanh Ellis Lacey, cô gái trẻ người Ireland di cư tới khu Brooklyn ở New York, Mỹ trong thập niên 1950. Dẫu gặp nhiều khó khăn, cũng như mang trong mình nỗi nhớ quê hương, Ellis luôn cố gắng vượt qua tất cả, nhất là khi cô nhận được sự giúp đỡ cần thiết từ nhiều người mới quen. Brooklyn đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của tài năng trẻ Saoirse Ronan và mang về cho cô đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc. Ngoài ra, tác phẩm còn góp mặt ở hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc khi chuyện phim vốn dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 2009 của Colm Tóibín. Ảnh: Fox Searchlight
Mad Max: Fury Road: Sau hơn ba thập kỷ chờ đợi, người hâm mộ mới được thấy người hùng Max Điên tái xuất trên màn ảnh rộng. Không phụ lòng công chúng, George Miller đem tới tác phẩm hành động lấy bối cảnh hậu tận thế mãn nhãn, mang đậm tính giải trí, nhưng được thực hiện với tư duy kỹ thuật cầu kỳ, không kém gì các tác phẩm nghệ thuật. Tính cả hạng mục Phim truyện xuất sắc, Mad Max: Fury Road có tới 10 đề cử tại Oscar 2016, tức chỉ ít hơn duy nhất The Revenant. Cơ hội dành cho bom tấn chủ yếu nằm ở các giải thưởng kỹ thuật, nhưng George Miller cũng là một trong năm nhà làm phim tranh giải Đạo diễn xuất sắc năm nay.Ảnh: Warner Bros.
The Martian: Với doanh thu toàn cầu 619,7 triệu USD, đây là bộ phim ăn khách nhất trong số 8 đề cử hạng mục Phim truyện xuất sắc của Oscar 2016. Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Andy Weir, The Martian là cuộc chiến sinh tồn trên Hỏa tinh của phi hành gia Mark Watney sau khi bị đồng đội bỏ lại ở sao Hỏa vì họ ngỡ rằng anh đã bỏ mạng sau một cơn bão lớn. Dù thường xuyên rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", nhân vật của Matt Damon luôn tỏ ra lạc quan về cơ hội trở về Trái đất dành cho bản thân. The Martian có tổng cộng 7 đề cử Oscar, nhưng nhiều fan của bộ phim vẫn tỏ ra không hài lòng khi Ridley Scott vắng mặt ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Ảnh: Fox
The Revenant: Nhận tổng cộng 12 đề cử Oscar năm nay, The Revenant hiện là ứng cử viên số một cho giải Phim truyện xuất sắc, sau khi tác phẩm mang đề tài sinh tồn giành chiến thắng vang dội tại Quả cầu vàng, DGA (Hiệp hội Đạo diễn nước Mỹ) và BAFTA (Viện hàn lâm nước Anh). Doanh thu toàn cầu của bộ phim hiện là 385 triệu USD, và đây cũng rất có thể là tác phẩm giúp Leonardo DiCaprio phá vỡ "lời nguyền Oscar". Trong phim, anh sắm vai chính Hugh Glass, người thợ săn bị gấu tấn công và bạn đường bỏ mặc cho chết giữa vùng rừng thiêng nước độc miền Bắc nước Mỹ hồi thế kỷ XIX. Nhưng bằng ý chí phi thường, nhân vật băng qua hơn 300 km rừng núi, trở về với văn minh nhân loại và trả thù kẻ đã hại mình cùng con trai. Tuy có nhiều đề cử là vậy, The Revenant lại không có tên ở hạng mục dành cho kịch bản. Trong vòng 50 năm qua tại Oscar, chỉ có duy nhất Titanic(1997) thắng giải Phim truyện xuất sắc mà thiếu đi đề cử quan trọng đó. Ảnh: Fox
Room: Có kinh phí sản xuất chỉ là 5 triệu USD và tới nay mới thu được khoảng 21 triệu USD sau khi trình chiếu trên diện hạn chế, nhưng cảm xúc mà Room đem lại cho người xem lớn hơn những con số đó rất nhiều. Phim là chuyến hành trình tìm lại cuộc sống đầy gai góc của hai mẹ con "Ma" - Jack, những người bị một gã biến thái giam cầm, hành hạ và lạm dụng suốt bảy năm trời. Ngay cả khi đã thoát ra ngoài "địa ngục trần gian", hậu chấn tâm lý là một thử thách không hề nhỏ dành cho họ. Room chỉ có bốn đề cử Oscar, nhưng đều nằm ở các hạng mục quan trọng: Phim truyện, Nữ diễn viên chính (Brie Larson), Đạo diễn (Lenny Abrahamson) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Giống như Leo, Brie Larson thâu tóm toàn bộ các giải thưởng diễn xuất tiền Oscar và mỹ nhân Kong: Skull Island gần như chắc chắn sẽ tiếp tục được xướng tên chiến thắng trong tối 28/2. Ảnh: A24
Spotlight: Từng là ứng cử viên số một khi cuộc đua bắt đầu, nhưng Spotlight dần trở nên mất nhiệt và giải thưởng tiền Oscar quan trọng nhất mà tác phẩm có được đến từ SAG (Hiệp hội Diễn viên nước Mỹ). Song, bộ phim kể lại chiến công của nhóm phóng viên điều tra tờ The Boston Globe hồi đầu thế kỷ XXI, khi họ phanh phui nạn ấu dâm trong giới Nhà thờ Công giáo tại Boston, Mỹ, vẫn nhận tổng cộng 6 đề cử, đều ở các hạng mục quan trọng. Đó là Phim truyện, Đạo diễn (Tom McCarthy), Nam diễn viên phụ (Mark Rufallo), Nữ diễn viên phụ (Rachel McAdams), Kịch bản gốc và Dựng phim xuất sắc. Ảnh: Open Road Films
Theo Zing
Mâm xôi vàng 2016 gọi tên '50 sắc thái', 'Bộ tứ siêu đẳng' Tác phẩm điện ảnh phòng the gây xôn xao dư luận và bom xịt siêu anh hùng chia nhau giải "Phim truyện tệ nhất". Ngoài ra, "50 sắc thái" còn phải "ẵm" thêm 4 giải khác. Theo truyền thống, Mâm xôi vàng - giải thưởng "tôn vinh" các tác phẩm và cá nhân kém nhất trong lĩnh vực điện ảnh một năm qua,...