“Liệt sỹ trở về” sau 40 năm: Cuộc hạnh ngộ “trong mơ” từ hai phía!
Nếu cuộc gặp gỡ ấy xảy ra, ngoài cái ôm chầm, vỗ ngực xúc động sau thời gian dài chưa gặp lại nhau, chắc rằng đêm về họ sẽ ôn lại hàng tá chuyện, khi đó ông Được, “liệt sỹ sau 40 năm trở về” sẽ huyên thuyên mãi: “Anh hai ơi! anh hai ơi…!”.
Giúp nhau lúc ốm…
Sau khi bất chợt gặp ông Phan Hữu Được lang bạt trên đường, vì cảm thương cho một con người “nhìn mà không ra hồn”, ông Ngô Văn Đào đã dẫn ông Được về nhà nấu cơm cho ăn. Sau khi cơm nước xong, vì ông Được nói: “Em không có đường đi lối lại, anh hai (tức gọi ông Đào – PV) cho em ở nhờ”, lương tâm ông Đào không thể chối bỏ trước lời van nài của một con người lang bạt cùng đường – thế là họ nhận nhau làm anh em kết nghĩa, mà ông Được dù hơn tuổi nhưng nhận mình làm em, còn ông Đào là anh.
Vợ chồng ông Ngô Văn Đào (tên gọi khác Ngô Bình Trọng) – hiện đang sinh sống ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Ông Đào hồi tưởng: “Thời gian đầu tôi đưa ông ấy về nhà con cái trong nhà cũng lạ lẫm lắm, rồi sau đó chú cháu cũng quen dần. Hai chúng tôi nhận nhau làm anh em kết nghĩa nên thành ra các con tôi cũng xem ông ấy (tức ông Được – PV) như cha chú của mình vậy. Cũng trong thời gian ấy, ông ấy đi lại với chúng nó (tức các con ông Đào), có việc gì thì đi làm mướn với chúng nó. Ông Được cũng hợp tính với thằng Tài hơn, nên hai chú cháu nó vẫn thường chuyện trò với nhau, thường hay đi làm cùng với nhau khi người ta kêu việc”.
Về công việc làm mướn của ông Được trên đất Tây Ninh, ông Đào cho biết: “Phần lớn sau khi về nhà tôi, ông Được đi làm thuê ở quanh khu vực nông trường cao su Samat, chứ không xa xôi gì cả, công việc hồi đó cũng nhiều, như đi làm phụ hồ, làm cỏ, tưới nước, cuốc đất hay đào hốc cao su…. Một ban (một đoàn-PV) khoảng mười mấy hai mươi người gì đó, công người ta kêu ai thì người ấy đi làm. Khi ông Được đi làm, được đến đâu thì đồng tiền ông ấy cầm đến vậy, thuốc men để hút, lúc tôi có, tôi đưa cho, nhưng đại đa số ông ấy mua. Tôi quan điểm khi đã chấp nhận làm anh em với nhau thì “chín bỏ làm mười….”.
Ông Đào cũng khiêm tốn nói thêm: “Ông ấy (ông Được – PV) ở với tôi thì tôi mang tiếng là cưu mang, nhưng thực tế ra cũng không hẳn vậy, mình chỉ có thể giúp đỡ nhau lúc đau ốm hay lúc ông ấy không đi làm được, đã ở cùng với nhau thì phải có trách nhiệm chăm lo cho nhau khi đau ốm bệnh tật, nhưng cái tình, cái nghĩa cũng từ những cái đó bắt nguồn mà ra…”.
Video đang HOT
Kể đến đây vợ chồng ông Đào cứ mân mê mãi về những hình ảnh gầy còm của ông Được ở quê hương Hải Phòng xa xôi đăng tải trên Báo Dân trí, thế là bao nhiêu năm tháng lang bạt, cô đơn, bệnh tật… của “ông Năm khùng, ông Năm cô đơn” (ông Được-PV) trong những năm tháng ở nông trường cao su Samat (tỉnh Tây Ninh) như những thước phim đầy ắp tình người cứ chầm chậm tái hiện trong tâm trí của ông Đào – một người anh kết nghĩa giàu tình thương người.
Cuộc hạnh ngộ “trong mơ” từ hai phía?
Lăn lộn lên từ Tây Ninh lên Tây Nguyên tìm kế sinh nhai, rồi sau đó “đổ” hàng chục triệu đồng mua đất trồng cao su ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, nhưng ông Ngô Văn Đào đã thất bại vì bị “thổ địa” vô cớ bao chiếm. Ông Đào cùng vợ là bà Trần Thị Dung bám nhờ đám hoa màu sống lay lắt bao năm nay, đã vậy, cả hai vợ chồng ông Đào lại mắc bệnh rất nặng.
Ông Đào tâm sự: “Hai vợ chồng tôi cũng đã già yếu, bà ấy bị bệnh đái tháo đường, mỗi tháng phải 2 lần đi lấy thuốc, bây giờ làm không ra tiền, chỉ nhờ con cái ở dưới Tây Ninh gửi lên đồng nào thì hay đồng ấy thôi. Còn như tôi thì bị gan nhiễm mỡ, đau bao tử, đau nửa đầu vai gáy… nhưng cũng cầm cự chứ không có tiền mua thuốc mà uống. Đất đai thì bị thu hẹp, nhà cửa cũng chẳng có gì mà thu hoạch, ruộng nương cũng không, thành ra cuộc sống ở đây cũng gian nan lắm…”.
Chia tay PV Dân trí, ông Đào gửi lời tâm sự đến xé lòng: “Bản thân tôi bây giờ rất muốn hai anh em gặp lại nhau, nhưng kẹt cái ông ấy (tức nói ông Được-PV) bệnh yếu như vậy, chẳng biết lúc nào ông ấy vào thăm tôi được, và tôi bây giờ hoàn cảnh, điều kiện gia đình như vậy, cũng khó có thể để đi thăm ông ấy được. Nhưng là cái tình, cái nghĩa của anh em là trên hết, giờ chỉ mong thông qua báo chí của các cháu, cho chú gửi lời hỏi thăm gia đình, chính quyền, cơ quan ở đấy động viên chú ấy sớm qua được bệnh tật. Bây giờ tôi chỉ ước vậy, chứ ước nữa cũng không làm gì được…”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi ông Đào, nếu gặp lại người em kết nghĩa năm xưa Phan Hữu Được, là người lính trở về sau 40 năm lưu lạc, thì sẽ nói điều gì đầu tiên?. Lúc ấy ông Đào xúc động “trách khéo”: “Nếu gặp lại chú ấy, điều đầu tiên mà tôi nói là “Tại sao sau bao nhiêu năm sống với anh, chú không nói chú có quê hương như thế này… Hỏi vậy để chú ấy trả lời tôi như thế nào?”.
Ông Đào “đang mơ” gặp lại ông Được.
Có lẽ, nếu cuộc gặp gỡ giữa hai người anh em kết nghĩa ấy xảy ra, ngoài cái ôm chầm, vỗ ngực… đầy nước mắt và xúc động của hai con người sau thời gian dài chưa gặp lại nhau, chắc rằng một điều khác nữa cũng sẽ xảy ra, là họ sẽ thâu đêm ôn lại hàng tá chuyện xưa, mà khi đó ông Được – “Liệt sỹ sau 40 năm trở về” sẽ huyên thuyên mãi: “Anh hai ơi! anh hai ơi…!” như hôm nào họ cùng sống bên nhau.
Dù ở tận Tây Nguyên xa xôi, nhưng ông Đào vẫn thầm mong rằng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của bà con thân thuộc ở Tiên Lãng, Hải Phòng, người em kết nghĩa Phan Hữu Được sẽ làm nên một điều kỳ diệu khác là “đánh đuổi được bệnh tật… để sống một phần đời còn lại cùng cháu chắt”.
Theo Dantri
Thuyền trưởng 'liệt sỹ' lưu lạc được hưởng chế độ
Sau hơn 10 ngày được báo giới thông tin về hoàn cảnh của ông Được, đến nay vị thuyền trưởng "liệt sỹ" này đã bước đầu được hưởng chế độ chính sách.
Như TS đã đưa tin về trường hợp ông Phạm Văn Được (tức Phan Hữu Được, ở thôn Tự Tiên, xã Tiên Minh, Tiên Lãng, Hải Phòng), "vị thuyền trưởng "liệt sỹ" 40 năm lưu lạc xứ người trở về" sau khi bị thương, mất trí nhớ, sống cảnh vô gia cư đã được trở về quê nhà.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành ủy, chính quyền TP Hải Phòng, cùng với các cấp chính quyền, các ngành chức năng liên quan, ông Phan Hữu Được đã được thăm khám sức khỏe, dự kiến trong tuần này sẽ được gia đình đưa lên Bệnh viện Việt Đức khám bệnh, điều trị các vết thương chiến tranh và bệnh tật nghiêm trọng.
Thiếu tướng Đỗ Căn - Phó Chính ủy Quân khu 3 về trao quyết định, tiền và quà cho "liệt sỹ" Được - Ảnh Minh Khang
Sáng nay (1/7), các bác sỹ quân y thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng tổ kiểm tra tình trạng thương tật cho ông Phan Hữu Được để kịp thời hoàn thiện hồ sơ, giải quyết chế độ thương bệnh binh cho ông Được.
Chiều cùng ngày, Thiếu tướng Đỗ Căn - Phó Chính ủy Quân khu 3 trực tiếp về trao số tiền với mức cao nhất là 6,9 triệu đồng cho ông Được theo Quyết định 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương".
Đồng thời, thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu III, thiếu tướng Đỗ Căn trao tặng quà và số tiền 5 triệu đồng cho ông Được.
Cũng trong buổi chiều nay, thiếu tá Ông Vĩnh Hòa, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 354, Binh đoàn 12 - Tiền thân của Binh đoàn 559 Trường sơn (Đơn vị chiến đấu cũ của ông Được) đã tới thăm hỏi, tặng quà ông Được.
Thiếu tá Hòa đã thay mặt đơn vị gửi đến ông Phan Hữu Được lời hỏi thăm chân tình và vui mừng đón nhận một người lính của đơn vị đã trở về sau gần nửa thế kỷ lưu lạc. Qua đây, Binh đoàn gửi quà và 10 triệu tiền mặt để giúp ông Được ổn định cuộc sống.
Giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hải Phòng và Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Liệu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng cũng đã về tận nơi thăm hỏi, tặng quà và trao 5 triệu đồng. Ban lãnh đạo nhà trường và bệnh viện hứa sẽ hỗ trợ tối đa việc chăm sóc sức khỏe về lâu dài cho ông Phan Hữu Được.
Theo vietbao
Thủ tướng tặng quà 'liệt sỹ' 40 năm lưu lạc trở về Sự kiện "liệt sỹ" trở về sau 40 năm lưu lạc xứ người "nóng" trong suốt hơn 1 tuần qua tại Hải Phòng, được Thủ tướng gửi quà thăm hỏi, động viên. Như TS đã đưa tin về trường hợp "Vị thuyền trưởng "liệt sỹ" sau 40 năm lưu lạc xứ người" về trường hợp ông Phạm Văn Được (tức Phan Hữu Được,...