Liệt sĩ trở về hoang mang chờ ngày được hưởng chế độ chính sách
Sự trở về của ông Phan Hữu Được sau 40 năm lang bạt không ký ức đã đem lại hạnh phúc phúc vô bờ cho hai người cháu hiếu thảo. Sự trở về của ông cũng hé lộ một ký ức dài đau buồn và nhiều mất mát.
Trước một nhân cách cao cả của người chiến sĩ anh dũng đã hy sinh hết thảy vì dân tộc, những mất mát của ông sẽ được xã hội đền đáp như thế nào? Liệu việc chuyển từ danh xưng “liệt sĩ” thành “thương binh” có quá khó khăn?
“Tôi đã không tin và chưa từng chưa hi vọng”
Tôi đã định không kể ra đây những trăn trở của anh Phan Hữu Lợi về việc yêu cầu quyền lợi và chính sách cho người chú ruột của mình. Nhưng cứ nhìn ánh mắt anh ngấn lệ là lại không khỏi day dứt.
Ông Được với gương mặt ưu tư cố hữu
Khi xác định được việc chú ruột mình vẫn còn sống và đang rất khổ sở, người cháu nghèo ấy đã không ngần ngại bảo vợ tháo nhanh đôi hoa tai hồi môn, thứ tài sản đáng giá nhất của chị, bán lấy 4 triệu đồng; vay mượn thêm ít nữa từ người thân, để vội vã nhảy xe vào Nam tìm chú.
Ngày anh đi Nam chẳng có lấy một chiếc áo mới để mặc cho đàng hoàng. Anh Nguyễn Công Hiệp, Bí thư đoàn chi nhánh điện lực Tiên Lãng, một người quen của gia đình, kể: “Sáng hôm đấy anh Lợi bảo với tôi là phải đi đón chú ruột còn sống về, nhưng trên người vẫn là chiếc áo phông cũ đã ngả màu. Tôi thương quá liền chạy ra chợ mua ngay cho anh cái áo sơ mi trắng để anh mặc trước khi lên xe. Dù sao thì cũng đây cũng là lần đầu anh đi xa”.
Nghèo là vậy, nhưng khi đón được ông Được về, anh liền mổ ngay con lợn 60 kg để mời họ hàng, làng xóm ăn mừng vì gia đình đã có người chết trở về. Con lợn ấy là tài sản lớn mà trước đó vợ chồng anh định bụng nuôi thêm chút nữa bán đi mua bộ bàn ghế lấy chỗ ngồi khi nhà có khách.
Hiếm hoi lắm mới thấy ông Được vui vẻ trò chuyện, tươi cười tỉnh táo (trong ảnh, ông Được vui vẻ nói chuyện với nhà báo Phạm Huy Hoàn, TBT báo điện tử Dân trí).
Khi đón ông Được trở về, 3 ngày sau thì anh Lợi lọc cọc chở chú lên UBND xã báo cáo chính quyền địa phương. Anh đưa chú lên trình xã không phải là để yêu cầu xã có chế độ đãi ngộ cho một liệt sĩ còn sống trở về mà chỉ đơn giải là để công an khỏi bắt chú khi phát hiện thấy người lạ mà không có giấy tờ ở địa phương.
Video đang HOT
Anh Lợi thật thà kể: “Tôi với vợ con và em trai cho rằng, người ta tìm được hài cốt liệt sĩ về chỉ còn được tý đất thôi, còn mình thì tìm được chú ruột về bằng da bằng thịt thật. Thế là nhà mình có phúc lắm rồi. Thôi thì chú mình mình nuôi lấy. Chứ cả hai anh em đều nghèo không lấy tiền đâu ra mà chạy làm chế độ cho chú”.
Đêm thứ 4 sau ngày ông Được về lại quê hương, anh em anh Lợi cũng phân trần với ông Được: “Chú ạ, nếu giờ mà cháu kêu gào lên, chạy đi gõ cửa nhiều nơi thì người ta cũng có thể cho hưởng chế độ này kia. Nhưng mà hoàn cảnh cháu nghèo khó không biết vay mượn vào đâu. Mà làm như thế hóa ra xương máu chú đổ xuống thành ra vô nghĩa. Thôi mình bỏ ý định ấy đi”.
Nghe người cháu nói vậy, ông Được đã trả lời: “Không sao đâu, mấy năm dài chú không được ăn no vẫn sống được. Giờ có các cháu cho ăn no là sướng lắm rồi”.
Vì thế nên khi gặp anh Lợi, chúng tôi đã hỏi về nguyện vọng của anh dành cho chú thì anh chỉ ước một cái thẻ bảo hiểm y tế để đưa chú đi điều trị thương tật bớt khó khăn. Người em trai Phan Hữu Lộc thì ước xa xôi hơn: “mong sao từ nay về sau, trời phù hộ cho anh em tôi làm ăn thuận lợi để có điều kiện bồi dưỡng cho chú miếng ăn, giấc ngủ để chú béo khỏe lên”.
Có người đã cho suy nghĩ của anh em anh Lợi là “khù khờ”, “sỹ diện” nhưng tận sâu trong lòng anh đã không có hi vọng. Anh nói: “Tôi chứng kiến nhiều trường hợp ngoài xã hội khi chạy vạy đi làm chính sách rồi, gian nan lắm. Vì thế xét khả năng của mình, tôi đã không tin và chưa từng hi vọng, chú mình sẽ được hưởng chế độ chính sách của nhà nước”.
Có lẽ họ sẽ sống với nhau trong căn nhà nhỏ chật vật như thế đến hết đời nếu như không có báo chí vào cuộc.
Làm chứng minh thư cho chú đê sau này có mảnh đât yên nghỉ
Ngày 2/4, anh Lợi đã dẫn người chú mang danh “liệt sĩ” lên trình báo UBND xã Tiên Minh. Tại đây, anh Lợi đã có ý nhờ cậy Phó Chủ tịch xã – ông Đoàn Xuân Thi – xin chính quyền tạo điều kiện làm cho chú anh chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Nhằm một lý do duy nhất mà anh Lợi đã thật thà trình bày: “Để phòng khi mai này chú tôi mất đi, thì gia đình cũng phải làm điếu văn cho chú. Nếu không lúc đấy chú tôi chết thành ra không tên, không họ, không quê quán thì lấy đâu ra đất mà yên nghỉ”.
Đề nghị của anh đã được giúp đỡ nhiệt tình bằng hướng dẫn nhanh, trước mắt anh phải về làm đơn đề nghị xóa tên người đã chết, cắt danh sách liệt sĩ thì sau đó mới làm được chứng minh nhân dân. Có chứng minh thì mới nhập được hộ khẩu. Còn về chính sách xã hội, lãnh đạo UBND xã nói luôn là rất khó vì việc này là ở trên quyết chứ xã không dám.
Anh Lợi yên tâm mang chú về vì đã báo cáo chính quyền rồi, chú sẽ bình yên ở nhà anh và ngày một ngày hai sẽ được ra khỏi danh sách liệt sĩ của xã. Sau đấy sức khỏe ông yếu, anh Phan Hữu Mười, người cháu họ đã đón ông từ bến xe An Sương ngay sau khi ông trở về Việt Nam, đưa ông vào Sài Gòn để chữa bệnh suốt 20 ngày.
Ngày 15/6, nhận được thông tin về trường hợp liệt sĩ Phan Hữu Được còn sống trở về, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện chính quyền xã Tiên Minh thì nhận được ý kiến gia đình là cháu ông Được thuộc diện khó khăn về kinh tế. Chính quyền sẽ hỗ trợ xóa tên liệt sĩ theo nguyện vọng của thân nhân. Báo cáo rồi phòng lao động thương binh xã hội huyện xin ý kiến. Riêng việc giải quyết chế độ chính sách thì rất khó vì ông Được không còn giấy tờ gì.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thì thật bất ngờ, sau 2 tháng 14 ngày “liệt sĩ” Được may mắn trở về lại quê hương, huyện vẫn chưa hề được báo cáo. Chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Tiên Lãng, rất may cơ quan này đã nhận được báo cáo của xã về trường hợp của ông Được. Phòng đã tổ chức xuống thăm và ghi nhận việc gia đình hứa sẽ có trách nhiệm đưa ông Được đi khám bệnh. Còn về chính sách xã hội đối với “liệt sĩ” Được thì “chưa thấy ông ý kiến gì nên phòng cũng chưa có động thái gì”.
Theo Dantri
"Thủ tục để làm người được sống" ???
Trịnh Chung trinhcongchung@gmail.com bày tỏ nỗi lòng chất chứa bao nỗi niềm qua câu hỏi trên, đồng thời bình luận tiếp về số phận như một bản hùng ca bi tráng của "liệt sĩ trở về sau 40 năm" Phan Hữu Được ở Tiên Lãng, Hải Phòng: "Điều đó tôi chưa thấy bao giờ!!!"
Bức ảnh chiến sĩ Phan Hữu Được chụp cùng đồng đội (Ông Được đứng. Ảnh do những người đồng đội cũ của ông Được cung cấp)
Viết tiếp đoạn kết có hậu
Đây là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước lớn nhất tuần qua, với hàng ngàn phản hồi được bạn đọc gửi tới mỗi khi có thêm tiến triển mới, đặc biệt là sau thông tin các đồng đội cũ của ông Được đã nhận ra người anh hùng từng chung chiến hào, cùng vào sinh ra tử... Để rồi lại càng thêm nóng lòng sốt ruột chờ mong đoạn kết có hậu hoàn thiện cho câu chuyện cổ tích giữa đời thường này.
"Bạn đọc cả nước đang chờ xem chính quyền huyện Tiên Lãng - những "công bộc của dân"- ứng xử với bác Được - người cựu binh mang thương tật và bao mất mát cả về tinh thần lẫn thể xác này như thế nào?" - The Son: thesonxd@yahoo.com
"Cả nước đang xúc động và theo dõi vụ việc về người liệt sĩ trở về. Ai cũng nóng lòng muốn biết cái kết tốt đẹp đến với bác ấy thế nào? Nhưng tại sao mãi không thấy các vị lãnh đạo cùng cán bộ các ban ngành có thẩm quyền lên tiếng nhỉ? Không lẽ các vị ấy không có thời gian đọc những bài như viết này???" - Hà Thị Băng Tĩnh: hoangthanh1177@yahoo.com
"Tôi là một người lính, thương binh, có ở cùng chiến trường với bác Được hồi năm 1971-1972. Tôi rất cảm động khi đọc những thông tin về bác. Mọi người quan tâm có thể quyên góp rồi gửi cho gia đình bác. Hội Cựu chiến binh xã, huyện nên quan tâm đến bác. Các bác cán bộ hội cựu chiến binh bây giờ chắc không thể bỏ việc quan trọng này. Mong báo Dân trí giúp hỗ trợ gia đình mở 1 tài khoản ngân hàng để mọi người tiện quyên góp gửi vào.
Tiếp theo, mong những người ở gần hãy giúp bác ấy đến bệnh viện để may ra phục hồi được chức năng, nhất là chức năng nhớ.... Hãy giúp bác ấy viết và để bác ấy có thể ký đơn hợp pháp, tiện cho việc làm thủ tục chế độ thương binh (dù khá là nhiêu khê). Tôi cũng xin lưu ý để chính xác thêm các thông tin: 2 địa danh mà các bác nêu chưa thật chính xác, đó là Stungtreng và Kratie - 2 thị xã đông bắc Campuchia. Các tình tiết về hoàn cảnh, địa điểm, thời gian bị thương cũng cần thẩm định sao cho chính xác, có lý và không mâu thuẫn.
Rất tiếc là bác Được không còn minh mẫn để nhớ những thông tin trọng yếu, nhưng Đoàn 340 hồi đó nay chắc nhiều người còn sống và có thể giúp làm chính xác thêm thông tin và hồ sơ có xác nhận của đồng đội. Cầu mong bác khi đã trở về với quê hương vẫn luôn xứng đáng là người chiến thắng (chiến thắng kẻ thù, chiến thắng số phận bi ai suốt 40 năm). Rất mong bác sớm được hưởng các chế độ của Nhà nước và sự yêu thương, giúp đỡ của mọi người đủ các thế hệ" - Kim Văn Chính: kim_vanchinh@yahoo.com
Chia lửa cùng đồng đội
Nước mắt ngập tràn trong hàng ngàn bình luận được bạn đọc khắp nơi gửi tới diễn đàn chia sẻ với bao nỗi đoạn trường của "liệt sĩ trở về", cùng bao sự trải lòng song song với rất nhiều câu hỏi về "đoạn trường thủ tục"... Nhiều nhất là từ những người lính, các cựu chiến binh đồng đội - những người sẵn sàng tiếp tục "chia lửa" với ông...
"Trường hợp liêt sỹ Được trở vê sau 40 năm thât là đáng mừng vui nhưng cũng thât là đầy đau xót. Người đây thương tât, trí nhớ suy giảm nặng, mât mát, thiêt thòi và đau đớn... Đông đôi của anh Được đã xác nhân anh chiên đâu anh dũng và có hành đông anh hùng. Chiên công của người lính, tinh thân của người lính ngoài chiên trường không gì so sánh được...Đê nghị Đảng, Nhà nước, các câp có thâm quyên sớm ghi công và bù đắp cho anh Được. Tô quôc và nhân dân không quên công lao, xương máu của các anh" - Long Nguyen: adghkl126677@gmail.com
"Đọc bài "Hãy nhớ đồng đội tôi là một anh hùng", là một người lính tính nguyện sang nước bạn Lào, tôi không cầm được nước mắt khi thấy sự trở về của người lính sau 40 năm tưởng đã là liệt sỹ. Mong chính quyền địa phương cũng như các ngành có liên quan gấp rút xác định lại những giấy tờ cá nhân cần thiết để sớm giải quyết các chế độ cho ông Được" - Nguyễn Mạnh Cường: cuong_bhxhtn@yahoo.com
"Trước hết tôi xin cảm ơn PV Thu Hằng, người đã đưa tin và hình ảnh của Anh Được lên báo cho mọi người trong đó có tôi được biết. Cũng là một thương binh đã từng sống, chiến đấu như Anh nhưng chúng tôi còn quá nhiều may mắn khi hết chiến tranh được về lại gia đình, được hưởng chế độ của nhà nước. Còn Anh ... Có lẽ để chia sẻ với Anh thì mỗi chúng ta cần phải "chia lửa" như trong chiến đấu ấy. Làm ngay để cứu lấy Anh ấy trước khi chờ "chế độ". Thu Hằng ơi, hãy làm cầu nối với mọi người bằng cách giúp lập ngay một tài khoản để mọi người cùng Tri Ân Anh. Đđồng thời cũng nhờ Dân trí bằng tài trí của mình làm ngay những việc cần làm với chính quyền Tiên Lãng, với các cấp khác để Anh sớm trở lại là Anh. Đồng đội ơi ... ta sẵn sàng "chia lửa" với Anh trong trận này nhé!" - Văn Cương: cuong211@yahoo.com
"Tôi cũng là một người lính đã chiến đấu ở chiến trường Cămpuchia, tôi hiểu sự khốc liệt của chiến tranh và những mất mát, hy sinh mà bạn bè, đồng đội tôi đã phải chịu đựng trong những năm tháng chiến đấu, hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả ấy.... Ngay bản thân chúng tôi, mấy chục năm nay cũng chưa hề nhận được bất kỳ một tấm huy chương, huy hiệu nào cả...Nhưng so với anh Được thì những gì đã chịu đựng không thấm thía gì. Thật cảm động. Mong các cơ quan chức năng hãy làm ngay những việc gì đó sưởi ấm lòng những người đã hy sinh cả tuổi xuân, cả hạnh phúc riêng của mình để cống hiến cho Tổ quốc" - Nguyễn Vũ Điền: diennv58@gmail.com
"Hội Cựu chiến binh cần vào cuộc để chung tay cho đồng đội Được sớm được hưởng các chế độ, chính sách... Tôi cùng từng ở chiến trường K, các địa danh báo chí viết là có như KaRaChe, STungT'Reng và những vết thương trên người đồng đội Được rõ ràng đã đủ là cơ sở để giám định thương tận cho đồng đội Được. Đề nghị Sở LĐTBXH hãy làm ngay, đừng "hành chính" nữa mà thêm tội cho đồng đội tôi!" - Hồng Kỳ: hongkyhnd@gmail.com
"Tôi là 1 cựu chiến binh mà cũng không cầm nổi nước mắt khi đọc bài báo này. Anh Được đã thiệt thòi quá nhiều rồi, mong BCHQS HP cần CHỦ ĐỘNG, NHANH CHÓNG đưa đ/c Được đi khám sức khỏe, thương tật và quan tâm làm NGAY chế độ chính sách cho đồng chí. Không thể trả lời... như mấy ông Phòng LĐTBXH Tiên Lãng được. Chúc anh Được mạnh khoẻ và hạnh phúc" - Dung Minh minhdungnguyen4753@gmail.com
"Thật là cảm động, cứ đọc là tôi lại khóc thương cho số phận bác Được. Tôi cũng là cựu chiến binh, cứ tưởng tượng lại 40 năm lang thang đói khát của bác ấy là lại không cầm được nước mắt. Nếu các vị có chức sắc lúc nào cũng cứng nhắc trong chuyện giấy tờ thì bác Được còn phải khổ nữa, trong khi đây là người thật việc thật... Các cán bộ, giới chức chức năng luôn nói rằng làm việc vì dân, vậy thì hãy vì dân mà làm nhanh lên! Đặc biệt chúng tôi tha thiết đề nghị bà Bộ trưởng LĐTBXH chứng tỏ cái TÂM của mình (chắc bà không thể không biết hoặc chưa nghe cấp dưới báo lại việc này khi dư luận một lần nữa xôn xao đến thế???) Mong hãy làm theo lương tri của mình. Cầu chúc bác Được mạnh khỏe. Mau chóng bình phục. Mong các bác cựu chiến binh cùng sống một thời vớii bác Được hãy tiếp tục lên tiếng" - Le Dinh Huan: le.x@list.ru
"Tôi là độc giả của báo Dân trí, hiện đang ở xa Tổ quốc. Đọc được bài viết về bác Được, tôi thật cảm động rơi nước mắt. Tôi cũng từng là người lính, tuy chỉ là lính thời bình nhưng cũng phần nào hiểu được những mất mát của người lính. Điều muốn nói thì rất nhiều, nhưng mong mỏi hơn cả là tất cả chúng ta - những người thật sự có tấm lòng và ngưỡng mộ bác được, hãy có chung tiếng nói. Cũng mong các cấp chính quyền sớm hòa vào tiếng nói chung đó, để bác không phải chịu thiệt thòi thêm nữa. Xin đừng để bác Được phải chờ đợi... quá lâu, chua xót và cay đắng lắm..." - Xuan Tham: mienquyeudau_09@yahoo.com
Còn nhiều lắm những tấm lòng, nhưng đoạn kết cho câu chuyện cảm động này không phải ai cũng có thể viết được...
Theo Dantri
Nhiều người đổ xô đi xem bão đến Đến 18g chiều 23/6, dù mưa không lớn nhưng do triều cường cộng với những cột sóng cao 4, 5 mét, đánh tràn vào đất liền gây ngập lụt trên diện rộng tại Hải Phòng. Toàn bộ huyện Cát Hải (Hải Phòng) gần như bị cô lập trong nước lớn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh phải khẩn cấp di dời...