Liệt mặt vì bấm huyệt ở chỗ gội đầu: Cảnh báo nguy cơ khôn lường khi bấm huyệt sai cách
Nhiều người có thói quen gội đầu ở tiệm để được xoa bóp, bấm huyệt cho thư giãn, nhưng có không ít trường hợp đã gặp phải các tổn thương đáng tiếc.
Liệt mặt vì bấm huyệt lúc gội đầu
Thói quen xoa bóp, bấm huyệt, nắn bẻ khớp là thói quen nhiều người yêu thích vì các tác động này giúp họ cảm thấy khoan khoái, dễ chịu hơn. Hầu hết ở các các hiệu cắt tóc, gội đầu đều có dịch vụ day bấm một số nơi ở vùng đầu và mặt hoặc tiến hành một số động tác như xoay cổ, kéo tóc,… Nhiều người cho biết, mỗi lần đi gội đầu, họ thích cảm giác dễ chịu khi được nhân viên giật tóc vì thấy bớt căng thẳng hơn sau một ngày làm việc.
Trường hợp của chị Kiều Minh L. – Gò Vấp, TP.HCM đến điều trị phục hồi chức năng liệt cơ mặt do xoa bóp bấm không đúng huyệt. Chị Lanh cho biết chị có thói quen đi gội đầu và thích được nhân viên gội đầu xoa bóp bấm huyệt rất dễ chịu.
Một lần, nhân viên gội đầu vừa bấm huyệt xong, chị thấy một bên mặt của mình tê cứng và sau đó chị bị liệt cơ mặt, tay chân co dính khó cử động. Chị L. phải đi điều trị phục hồi chức năng ròng rã 6 tháng mới khỏi.
Nguy cơ từ xoa bóp, bấm huyệt sai
Theo TS.BS. Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc BV Tuệ Tĩnh, Hà Nội, việc day bấm các huyệt vị châm cứu hay tiến hành các động tác xoa bóp ở vùng đầu cổ là rất có ích, nhất là khi cơ thể đang ở tình trạng mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng hoặc khi có những bức xúc quá mức về tinh thần.
Xoa bóp vùng đầu là rất tốt nếu thực hiện đúng kỹ thuật. Ảnh minh họa.
Video đang HOT
Tuy nhiên, day ấn và xoa bóp ở vị trí nào trên cơ thể và kỹ thuật tiến hành ra sao để đạt được hiệu quả cao nhất và dự phòng hữu hiệu những tai biến và phản ứng phụ không đáng có thì là cả một vấn đề không đơn giản, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm và được đào tạo về xoa bóp bấm huyệt. BS Hoàng cho biết, ở các quán cắt tóc gội đầu, đa số các nhân viên tự bảo nhau kỹ thuật day ấn, bấm huyệt và không được đào tạo bài bản.
Nếu làm không đúng, bạn có thể bị lâm vào trạng thái “say kim” biểu hiện bằng các triệu chứng như toàn thân toát lạnh, vã mồ hôi, đầu choáng, mắt hoa, tay chân run rẩy, thậm chí có thể ngừng tim, co giật và sùi bọt mép… rất nguy hiểm. BS Hoàng cho rằng, nếu bạn cần xoa bóp, bấm huyệt, bạn nên chọn cơ sở được cấp phép của cơ quan quản lý, kỹ thuật viên phải được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề để giảm rủi ro đáng tiếc.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ – Giảng viên khoa Y học cổ truyền , trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho biết, y học cổ truyền có hai biện pháp điều trị như dùng thuốc và không dùng thuốc. Xoa bóp bấm huyệt nằm trong gói không dùng thuốc. Xoa bóp là dùng bàn tay, bấm huyệt dùng ngón tay.
Mục tiêu của các việc làm này là để điều trị các chứng rối loạn chức năng như mệt mỏi, mất ngủ, khó thở, điều trị các bệnh cơ xương khớp.
BS Vũ cho biết, bản thân ông gặp không ít trường hợp đi bấm huyệt khi chỉ đau tay, nhưng sau khi về nhà thì tay trở nên bị liệt. Người bệnh bị tổn thương cơ, siêu âm bị tụ dịch dưới cơ nên không cử động được tay. Hay có người là công nhân đi làm về đau mỏi cổ nên nhờ bạn xoa bóp, bẻ khớp vùng cổ và sau đó dẫn tới tử vong. Có trường hợp xoa bóp ở lưng, trong quá trình xoa bóp bấm mạnh gây đứt tuỷ, từ đó dẫn tới liệt, không đi lại được.
Theo BS Vũ, với các kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản, việc thao tác sai sẽ dẫn tới các tai nạn nghiêm trọng cho khách hàng.
BS Vũ khuyến cáo mọi người không nên đến các cơ sở không đảm bảo để nhờ xoa bóp, bấm huyệt. Bởi vì, có những huyệt không thể bấm vào hoặc không được bấm mạnh. Ví dụ bấm huyệt hợp cốc mạnh quá có thể gây sảy thai ở người có thai. Các huyệt không được bấm là những huyệt tại mắt, tai, mũi.
Nếu bạn muốn xoa bóp, bấm huyệt cần được khám, tư vấn thật kỹ. Người bị u, nổi hạch, người bị tổn thương về máu, người bị lao tiến triển, suy kiệt không nên bấm huyệt.
Nếu bấm huyệt về thấy người đau nhức ê ẩm hoặc các triệu chứng bất thường khác, có thể là kỹ thuật viên đã thực hiện sai thao tác. Bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế tin cậy để kiểm tra.
Cải thiện mất ngủ do Covid-19
Thay đổi các thói quen trước khi ngủ, tập thiền, thư giãn hay tự xoa bóp bấm huyệt... sẽ giúp giảm cơn đau đầu, mất ngủ ở người đang phục hồi hậu Covid-19.
Nhiều người bệnh đang hồi phục sau mắc Covid-19 chia sẻ, giấc ngủ của họ đã thay đổi so với trước khi nhiễm bệnh. Một số trường hợp cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được. Một nhóm khác lại thấy họ thức dậy sớm hơn bình thường và không thể ngủ lại, sau khi thức giấc không sảng khoái, giống như chưa ngủ, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết.
"Sự căng thẳng và những thay đổi lớn trong thói quen cùng việc giảm hoạt động do Covid-19 đã gây ra khủng hoảng về giấc ngủ", bác sĩ Vũ nói.
Ông phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến Covid-19 tác động xấu đến giấc ngủ tự nhiên, như khó khăn về kinh tế, sự giãn cách xã hội, cách ly lâu dài dẫn đến cô đơn, trầm cảm, hay việc sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh. Đặc biệt, người bệnh có những trải nghiệm đau khổ về thể xác, hay sự ám ảnh khi từng chứng kiến bệnh nhân bên cạnh trở nặng và tử vong. Hoặc nỗi sợ hãi chính mình sẽ chết vì bệnh tật khiến cơ thể rơi vào trạng thái cảnh giác cao độ. Điều này chuẩn bị cho cơ thể và tâm trí luôn trong trạng thái sẵn sàng "chiến đấu", không có khoảng nghỉ ngơi, khiến người bệnh gián đoạn chu kỳ sinh học ngày/đêm, mệt mỏi, không thể ngủ ngon.
Hậu quả của mất ngủ kinh niên là cơ thể có xu hướng giảm khả năng miễn dịch và độ nhạy cảm với virus cao hơn. Thiếu ngủ cũng có tác động tiêu cực đến sự điều chỉnh cảm xúc và tâm trạng, khiến trí nhớ và việc ra quyết định kém đi, thậm chí, có thể gây ra các vấn đề về tim mạch và trao đổi chất (nguy cơ tăng cân, tiểu đường), huyết áp cao...
Để cải thiện giấc ngủ hậu Covid-19, bác sĩ Vũ khuyến cáo người bệnh nên thay đổi thói quen sinh hoạt, như ăn uống đầy đủ, tập thể dục đều đặn, phù hợp thể trạng; dành thời gian thư giãn, tập thiền, đi du lịch... giúp làm chủ cảm xúc, xây dựng tinh thần lạc quan, đời sống năng động hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh cần vệ sinh giấc ngủ (là các phương pháp được thiết kế để cơ thể chuẩn bị cho giấc ngủ) đúng cách, giúp ngủ ngon vào ban đêm và tỉnh táo vào ban ngày. Cụ thể, như duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn; giữ phòng ngủ chỉ dành cho giấc ngủ và sự ấm áp gia đình, loại bỏ tivi, máy tính, điện thoại di động... ra khỏi phòng ngủ.
Vào buổi tối nên tránh uống cà phê, rượu, chất kích thích, không ăn thức ăn nặng và không vận động mạnh trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ. Tuy nhiên cũng đừng đi ngủ khi đói hoặc khát.
Khi chuẩn bị đi ngủ, người bệnh hãy giảm ánh sáng, nhiệt độ và tiếng ồn trong phòng, thư giãn tinh thần bằng cách đọc sách, nghe nhạc. Trong thời gian ngủ bạn đừng xem đồng hồ để đánh giá giấc ngủ. Nếu thức lâu hơn 20 phút, hãy ra khỏi giường, nằm nghỉ ngơi và quay lại khi mệt, đừng lo lắng về việc không ngủ đươc, bởi bạn càng lo lắng, càng thức tỉnh. Nếu có thể, hãy cố gắng để phòng ngủ ở nhiệt độ mát mẻ.
Bác sĩ Vũ lưu ý, người bệnh nên thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng, kể cả vào cuối tuần và ngày lễ và không nên ngủ trưa quá dài. Đồng thời giữ một cuốn sổ ghi chú bên cạnh giường để ghi lại những điều nghĩ đến. Ghi nhật ký sẽ giúp dừng lại suy nghĩ và trở lại giấc ngủ.
Một phương pháp khác giúp bạn dễ ngủ hơn là tự xoa bóp bấm huyệt . Bao gồm:
Xoa đầu, mặt, cổ, gáy: Ngồi tư thế hoa sen, thở tự nhiên. Hai lòng bàn tay úp vào nhau và xát chúng cho mạnh và nhanh để hai bàn tay thật nóng trước khi xoa. Đầu ngửa về sau, hai tay đặt dưới cằm áp vào mặt, xoa mặt từ dưới lên đến đỉnh đầu, đồng thời dần dần cúi đầu về phía trước. Hai tay xoa từ đỉnh xuống vùng chẩm, rồi xoa hai bên cổ, áp vào cằm đầu ngửa hẳn về phía sau. Tiếp tục xoa lại như trước từ 10-20 lần.
Bác sĩ Vũ mô phỏng các động tác xoa đầu, mặt, cổ, gáy. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Xoa bàn chân: Với tư thế này, người bệnh có thể ngồi thòng chân hoặc ngồi thẳng chân, thở tự nhiên. Xoa chân hai ngày mỗi lần, mỗi lần từ 50-60 cái giúp bàn chân ấm, dễ ngủ hơn. Người bệnh có thể xoa hai lòng bàn chân, mu bàn chân hoặc phía trong bàn chân với nhau.
Động tác xoa phía ngoài bàn chân: Mu bàn chân phải chà xát lên mu bàn chân trái khoảng 10-20 lần rồi đổi bên lặp lại. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Ngoài ra, người bệnh có thể xoa bóp, bấm huyệt vùng đầu kết hợp vùng cổ gáy, hai vai, lưng hoặc tay chân tùy trường hợp dưới sự thực hiện của các bác sĩ đông y. Bác sĩ Vũ cho biết, thông thường một liệu trình từ 15-30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh có thể điều trị nhiều liệu trình. Theo bác sĩ Vũ, xoa bóp bấm huyệt giúp làm giảm nồng độ cortisol (một loại hormone gây căng thẳng) và tăng serotonin, dopamine (hormone hạnh phúc) và chất dẫn truyền thần kinh giúp ổn định tâm trạng, kiểm soát cơn đau.
"Xoa bóp, bấm huyệt được đánh giá là một trong những cách tốt và đơn giản nhất để có giấc ngủ ngon một cách tự nhiên", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Trường hợp dù đã điều chỉnh, thực hiện các phương pháp tâm lý liệu pháp, tự xoa bóp bấm huyệt và xoa bóp bấm huyệt như trên mà vẫn mất ngủ, ngủ không ngon giấc, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa để có sự đánh giá và điều chỉnh giấc ngủ phù hợp, bác sĩ lưu ý.
Bị sưng bàn chân, khi nào cần đi khám bác sĩ? Bàn chân và mắt cá chân có chức năng nâng đỡ trọng lượng và giữ thăng bằng cơ thể. Bất kỳ cơn đau nhức hay sưng bàn chân nào cũng đều ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống người bệnh. Một trong những nguyên nhân gây sưng bàn chân thường gặp nhất là do đứng lâu, vận động nhiều hay chấn thương khi...