Liệt giường 9 năm, thi đậu 2 trường đại học
Khi vừa tròn 5 tháng tuổi, Lê Viết Thuận (sinh 1991, ở Hiệp Hòa – Bắc Giang) bị bỏng nặng, toàn bộ gân tay chân bị co quắp. Nằm liệt giường 9 năm, nhưng với nghị lực vươn lên, cậu vẫn thi đậu 2 trường đại học, liên tiếp giành nhiều học bổng khi là học sinh.
Vượt lên chính mình
Tôi gặp Thuận lần đầu tại CLB Hoa Đá. Khi đó Thuận tham gia phỏng vấn để trở thành thành viên CLB. Cơ thể không lành lặn như bạn bè cùng trang lứa, nhưng Thuận vẫn luôn vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể.
Lê Viết Thuận (giữa) luôn hòa đồng với bạn bè.
Thuận là con thứ hai trong gia đình nghèo, bố làm thợ đóng gạch, mẹ là công nhân may. Từ khi lọt lòng Thuận đã ốm yếu, mang nhiều bệnh. Khi mới 5 tháng tuổi, vô tình đạp chân vào chiếc đèn dầu, làm lửa lan ra, bén vào người khiến Thuận bị bỏng rất nặng bên chân trái.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình không đem Thuận đi bệnh viện mà nhờ thầy lang trong làng chữa. Bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà còn ngày một nặng hơn, chân bị biến dạng co quắt lại.
Video đang HOT
Lại thêm trong quá trình điều trị vết bỏng, Thuận bị nhiễm trùng uốn ván phải tiêm vắc xin, thuốc đặc trị liên tiếp trong hơn một tháng. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn tới gân dẫn tới hậu quả không chỉ mỗi chân mà cơ thể Thuận cũng bị quắt lại. Từ đó, trong vòng 9 năm liên tiếp, Thuận nằm liệt một chỗ.
Mỗi ngày nằm trong nhà, nhìn qua cửa sổ thấy bạn cùng trang lứa nô đùa, cùng nhau cắp sách đi học, Thuận lại bật khóc, đòi bố, mẹ cho đến trường. Thuận khao khát được cắp sách đến trường.
Năm 1999, gia đình vay mượn tiền đưa Thuận đi phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện bỏng Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán nếu muốn thoát cảnh bại liệt thì phải cắt bỏ chân trái. Thế nhưng rất may mắn trong quá trình điều trị, bằng sự cứu chữa tận tình của bác sĩ, cùng nghị lực bản thân, Thuận đã giữ lại được đôi chân nhưng việc đi lại vẫn gặp nhiều khó khăn. Thuận bị mất 70% sức khỏe.
Lê Viết Thuận, chàng sinh viên giàu nghị lực.
Sau phẫu thuật trở về, 10 tuổi Thuận mới tập tễnh tập đi những bước chân đầu đời. Dù đã cố gắng nhưng Thuận vẫn không thể đi được bình thường. Mỗi khi thời tiết thay đổi, đôi chân co quắp vì di chứng của bệnh uốn ván lại sưng lên hành hạ Thuận. Khi đã biết đi, Thuận đòi bố mẹ cho đi học.
Thương con, bố làm đơn xin cho con vào lớp 1. Do đã quá tuổi nên không được nhận vào chính thức mà chỉ là học gửi cùng các em sinh năm 1995 (kém Thuận 4 tuổi), nhưng với Thuận đó là niềm hạnh phúc vì ước mơ được đi học đã thành hiện thực.
“Thuận tham gia CLB đã được hơn một năm. Bạn ấy không chỉ học giỏi mà còn là một con người vui vẻ, hòa đồng với mọi người, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những người khuyết tật, động viên, an ủi họ vươn lên trong cuộc sống. Là một tấm gương để các thành viên trong CLB học tập”. – Đặng Thế Lịch, nhóm trưởng CLB Hoa Đá
Là học sinh lớn tuổi nhất lớp, dáng đi, ngoại hình không bình thường nên Thuận luôn bị các bạn trong lớp trêu chọc, Thuận kể: “Lúc đầu mới được đi học thì vui mừng lắm, nhưng khi đến lớp bị nhóm bạn trêu chọc thấy xấu hổ, nhiều lúc không muốn đi học nữa. Nhưng, mình không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên quyết tâm học và phải học giỏi nhất lớp để bạn bè không ai dám cười chê nữa”.
Những ngày đầu tập viết, tay phải của Thuận bị quắp lại không thể hoạt động. Thuận quyết tâm tập viết bằng tay trái. Mới đầu chưa quen nên tay trái thường xuyên bị chuột rút, nhưng rồi được thầy cô động viên, Thuận đã vượt qua được thử thách này và trở thành học giỏi suốt những năm tiểu học.
Lên THCS, THPT, Thuận luôn là học sinh có thành tích học tập tốt của trường, là tấm gương sáng được thầy, cô trong trường thường tuyên dương mỗi buổi chào cờ hằng tuần.
Thuận là thành viên tích cực của CLB Hoa Đá.
Được tuyển thẳng vẫn đi thi
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, với sự nỗ lực vươn lên trong học tập, Thuận được tuyển thẳng vào đại học nhưng vẫn quyết tâm đi thi để thử sức mình. Thuận đã đỗ 2 trường đại học lớn là ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội và Học viện Quản lý giáo dục, trong sự ngỡ ngàng và thán phục của nhiều người.
Thuận chọn học ngành Công tác xã hội của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vì: “Mình muốn học ngành này để khi ra trường có thể tham gia làm việc ở các tổ chức hoạt động xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như mình”, Thuận nói.
Giờ đây, Thuận đã là sinh viên năm thứ hai. Ngoài việc học tập tốt, giành nhiều học bổng cao quý, vừa qua Thuận được Tỉnh Đoàn Bắc Giang trao tặng giải thưởng Hoàng Hoa Thám. Thuận còn tích cực tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ Hoa Đá, nơi chuyên giúp đỡ các sinh viên khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, với sự nỗ lực vươn lên trong học tập, Thuận được tuyển thẳng vào đại học nhưng vẫn quyết tâm đi thi.Thuận đã đỗ 2 trường đại học lớn là ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội và Học viện Quản lý giáo dục.
Theo Quang Lộc – Lương Thảo
Tiền Phong