Liệt dây thần kinh, biến dạng khuôn mặt sau khi làm đẹp tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam
Nữ Việt kiều tố sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện thẩm mỹ Kangnam bà đã bị liệt dây thần kinh số VII, biến dạng khuôn mặt.
Hiện bà Đ. đã thuê luật sư và chuẩn bị các thủ tục để khởi kiện bệnh viện thẩm mỹ Kangnam ra toà.
Theo Đất việt, Bà L.Đ. (Việt kiều Châu Âu) vừa có đơn phản ánh gửi các cơ quan báo chí về việc bà bị biến dạng khuôn mặt và tổn thương dây thần kinh số 7, sau khi phẫu thuật căng da mặt và cắt mí tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (BVTM Kangnam, số 84A Bà Huyện Thanh Quan, Phường 9, Quận 3, TP.HCM).
Bà Đ. trước khi phẫu thuật thẩm mỹ
Theo trình bày của bà Đ., ngày 22/4/2016 bà đến BVTM Kangnam để tư vấn làm đẹp. Tại đây bà được chuẩn đoán “lão hoá da mặt và thừa da mí trên”. Bà Đ. được tư vấn phẫu thuật căng da mặt, cắt mí và được sắp lịch phẫu thuật vào ngay ngày hôm sau.
Sáng 23/4/2016, bà Đ. đến BVTM Kangnam và được đưa đi làm các xét nghiệm trước phuật thuật. Bà Đ. được xác định đủ sức khoẻ để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ.
Đầu giờ chiều cùng ngày, bà Đ. được đưa vào phòng phẫu thuật. Bác sĩ căng da mặt, da trán cho bà là bác sĩ tên G., còn người cắt mí là bác sĩ tên L.. Ca phẫu thuật diễn ra từ 15h chiều đến khuya cùng ngày bà Đ. mới được đưa về phòng hậu phẫu chăm sóc.
Hai ngày sau ca phẫu thuật, khuôn mặt bà Đ. vẫn sưng húp, phải dùng ống hút để ăn cháo và uống nước. Nhận thấy sự bất thường, bà Đ. hỏi bác sĩ thì được lý giải đó là một hiện tượng bình thường sau phẫu thuật, về sau sẽ hết. Tin lời bác sĩ, bà Đ. xuất viện về nhà.
Bà Đ. phải châm cứu kín mặt sau khi phẫu thuật hỏng tại BVTM Kangnam
10 ngày sau, mặt bà Đ. đỡ sưng hơn nhưng ăn uống vẫn bị rơi vãi thức ăn, do không kiểm soát được cơ miệng, mắt cứ mở trừng trừng không thể cử động được, gương mặt lệch méo. Lo lắng và nghi ngờ có điều gì đó không ổn nên bà Đ. đã yêu cầu BVTM Kangnam đưa đi giám định.
Bà Đ. sau đó đã được nhân viên của BVTM Kangnam đưa tới khám tại Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh Quốc tế (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú). Tại đây bà được kết luận bị tổn thương dây thần kinh số 7 (dây thần kinh có chức năng điều khiển vận động cơ mặt).
Video đang HOT
Theo bà L, sau khi khám tại Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh Quốc tế (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú) thì bà được kết luận bị tổn thương dây thần kinh số VII. “Lẽ ra khi đó Kangnam phải đưa tôi đến bệnh viện chuyên khoa về thần kinh để xem xét, chữa trị thì khuôn mặt của tôi đã được cứu chữa kịp thời. Nhưng Kangnam đã không làm vậy mà vẫn tự ý phẫu thuật cho tôi tiếp tục”, bà L bức xúc cho biết.
Tuổi trẻ Thủ đô đưa tin, tiếp tục ca phẫu thuật lần thứ 2 (cách ca phẫu thuật đầu hơn 10 ngày), bà L cho biết do bác sĩ V.T.H đã bay từ Hà Nội vào TP HCM để trực tiếp phẫu thuật cho bà. Sau phẫu thuật, bà L cảm thấy chỗ má trái dễ chịu hơn nhưng vẫn căng tức. Tất cả các triệu chứng khác vẫn không cải thiện. “Sau khi phẫu thuật được mấy ngày còn chưa cắt chỉ, tôi đã được châm cứu, có hôm 2 lần/ngày. Do bị rạch lần 2 nên mặt của tôi vừa đau, vừa tê do kim châm cứu chọc sâu. Đau đến ứa nước mắt nhưng tôi vẫn phải cắn răng chịu đựng mong sao nhanh chóng bình phục để bay về Đức nhưng không đỡ chút nào”, bà L trình bày.
Tuy nhiên, sau hai lần phẫu thuật đều không thành công, bác sĩ V.T.H đã yêu cầu bà ra Hà Nội để chữa trị. Theo bà L mô tả, ở thời điểm đó má bên trái sắp bị hoại tử nên Kangnam đã yêu cầu bà ở lại Việt Nam trong 3 tháng để chữa trị. Đến tháng 5/2016, bà được BV Kangnam phẫu thuật lại lần 3 tại Hà Nội.
“Ở nước ngoài tôi có một tiệm spa nhưng phải đóng cửa để ở lại Việt Nam chạy chữa trong 3 tháng. Bệnh viện Kangnam hứa sẽ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản chi tiêu ở Việt Nam cũng như bên kia gồm tiền mất thu nhập, tiền thuê nhà, điện nước… Bác sĩ H và G (bác sĩ phẫu thuật lần đầu) cũng cam kết rằng chỉ 1-2 tháng, cùng lắm là đến 6 tháng sẽ bình phục hoàn toàn”, bà L chia sẻ.
Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật lại lần 3 thì bà L hàng ngày đều phải đi châm cứu theo yêu cầu của Kangnam. Ròng rã 3 tháng trời chữa trị nhưng mặt bà L không hề đỡ mà còn bị biến dạng, tê cứng.
Ngày 13/7/2016, bà Đ. được Ban Giám đốc của BVTM Kangnam hỗ trợ tiền để bay về Châu Âu. Suốt hơn một năm sau đó, bà Đ. không làm được việc gì mà chỉ dành toàn bộ thời gian để đi chạy chữa, bởi mặt ngày càng lệch đi nhiều và tê cứng vùng đầu. Tại Châu Âu, bà Đ. được kết luận dây thần kinh số 7 bị tổn thương không hoạt động được nên bị teo dần.
Mặt bà Đ. bị biến dạng, mắt không nhắm bình thường được
Tháng 9/2017, bà Đ. quay về Việt Nam để yêu cầu BVTM Kangnam giải quyết vụ việc của mình. Sau khi được Kangnam hỗ trợ tổng số tiền khoảng gần 1 tỷ đồng, bà Đ. lại tiếp tục bay sang Châu Âu để điều trị. Bà Đ. cho biết, chi phí bà chữa trị ở nước ngoài sau khi bị BVTM Kangnam phẫu thuật hỏng đã lên đến khoảng gần 20 tỷ đồng.
Sau đó, bà Đ. tiếp tục về Việt Nam và yêu cầu BV Kangnam giải quyết vụ việc. “Lần này khi tôi gọi điện qua nói chuyện thì họ còn xúc phạm danh dự, nhân phẩm tôi…”, bà Đ. cho biết.
Cùng thời gian này, do chồng bà L bị mắc cùng lúc hai căn bệnh ung thư nên bà phải vội vàng qua lại Đức. Suốt 2 năm vật vã bà phải vừa chăm chồng, vừa đi khắp các bệnh viện ở Đức để chữa trị cho bản thân. “Tôi là chủ tiệm spa bên Đức, với mong muốn đẹp hơn để bắt mắt khi giao tiếp nhưng không ngờ sau khi căng da mặt xong thì tôi trở thành người tàn tật”, bà L nói.
Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam nơi bị bà Đ. khởi kiện
Hiện bà Đ. đã thuê luật sư và chuẩn bị các thủ tục để khởi kiện BVTM Kangnam ra toà. Bà Đ. yêu cầu BV Kangnam phải xin lỗi và bồi thường vì đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Đồng thời, yêu cầu BVTM này phải trả lại bộ mặt bình thường như trước đây, bồi thường mọi đau đớn, tổn thương, mất mát tinh thần cũng như kinh tế cho bà.
Bà L cho biết, tổng cộng BV Kangnam hỗ trợ chi phí cho bà 3 lần, với số tiền hơn 1 tỷ đồng (trong đó bao gồm hoàn lại 129 triệu đồng tiền phẫu thuật). Bà L cho rằng, dù đã nhận tiền và cam kết không khiếu nại nhưng vì bị Kangnam xúc phạm danh sự, nhân phẩm, cùng với những tổn thương thân thể, tinh thần nghiêm trọng, có thể suốt đời nên bà quyết định kiện Kangnam ra Tòa để giải quyết.
PHA LÊ (tổng hợp)
Liệt trán, sụp cung lông mày vì độn thái dương ở cơ sở làm đẹp không đảm bảo
Ngoài chảy nhiều máu đe dọa đến tính mạng, nếu độn thái dương để làm đẹp không đúng cách do đụng chạm hoặc do bị chất liệu độn chèn ép mà không được điều trị kịp thời khách hàng sẽ bị liệt cơ trán và sụp cung lông mày...
Một nạn nhân bị sụp cung mày vì phẫu thuật thẩm mỹ (ảnh minh họa)
Liệt cơ trán, sụp cung mày
Hiện rất nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo phương pháp làm đẹp - độn thái dương giúp trẻ hóa gương mặt chỉ sau 30 phút. Điều này khiến cho không ít chị em thậm chí cả những đấng mày râu tìm đến liệu pháp này như một cứu cánh níu giữ tuổi thanh xuân.
Và đã có không ít những biến chứng xảy ra. Mới đây nhất, khoa phẫu thuật thẩm mỹ BV E đã phải cấp cứu cho một người đàn ông đi độn thái dương tại một cơ sở thẩm mỹ không phép.
Tin lời quảng cáo trên mạng, người đàn ông này tìm đến cơ sở thẩm mỹ ở Cầu Giấy. Đẹp đâu chưa kịp nhìn thấy, sau thời gian dài "vật lộn", nhân viên ở cơ sở thẩm mỹ buộc phải đưa anh đến viện cấp cứu vì máu chảy nhiều, sưng phồng một bên thái dương.
Ths. Bs Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa phẫu thuật, BV E cho biết, đây không phải là trường hợp hiếm mà anh từng phải cấp cứu. Tại khoa, các bác sĩ đã phải xử trí cho nhiều ca bị chảy máu.
"Tùy theo mức độ chảy máu chúng tôi theo dõi để xử trí, với các trường hợp chảy máu nhẹ tổn thương các tĩnh mạch hoặc động mạch nhỏ thì sau một thời gian băng ép thật chặt sẽ không còn chảy máu nữa, sau đó các bác sĩ có thể mở ra lấy máu tụ hoặc chọc hút máu ra.
Với các trường hợp chảy máu tiến triển hoặc tình trạng bệnh nhân có mất máu thì chúng tôi cần mở vết thương để thắt các mạch máu, đặc biệt là động mạch thái dương nông", BS Minh cho biết.
Mặc dù các bác sĩ chuyên khoa đánh giá, phẫu thuật tạo hình vùng thái dương không phải là phẫu thuật khó với các bác sĩ được đào tạo về Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ. Tuy nhiên với các cơ sở tự phát, người làm thậm chí không phải là bác sĩ thì dễ xảy ra yếu tố nguy cơ.
Thông thường tai biến xảy ra khi phẫu thuật tại vùng thái dương là chảy máu trong khi phẫu thuật, ngoài ra hiếm gặp hơn có thể gây liệt nhánh trán của thần kinh mặt gây liệt cơ trán làm mất nếp nhăn trán và sụp cung lông mày.
"Lý do là do giải phẫu khu vực thái dương có rất nhiều mạch máu và thần kinh. Cụ thể là hệ thống động mạch và tĩnh mạch thái dương, hệ thống mạch thái dương phân nhánh cấp máu cho toàn bộ da đầu và chia làm 2 lớp mạch nông sâu rồi tiếp nối với nhau, đa phần nếu chúng ta không nắm rõ giải phẫu, đường đi của mạch khi phẫu tích ở giữa 2 lớp nông sâu và làm đứt hệ thống mạch nối này gây chảy máu.
Trong khu vực này chúng ta còn có một nhánh thần kinh từ thần kinh mặt gọi là nhánh trán của thần kinh mặt chi phối vận động của cơ vùng trán, nếu tổn thương gây mất hoặc giảm chức năng của cơ trán làm cho trán bên đó mất nếp nhăn và cung mày sẽ hơi bị hạ thấp xuống", BS Minh cảnh báo.
Trẻ hóa khuôn mặt sau 30 phút là không có cơ sở
Theo các nhà giải phẫu, khuôn mặt - hình thái học chia làm 3 tầng: trên (trán-thái dương), giữa (mắt-mũi-má-gò má), dưới (môi-cằm) có tỷ lệ gần như bằng nhau.
Theo BS Minh, để có khuôn mặt đẹp, cân đối thì vai trò của các phần là như nhau. Phẫu thuật độn thái dương là phẫu thuật làm đầy đặn tầng trên của mặt nhằm làm cho vùng trán thái dương tròn đầy, cân đối so với các phần còn lại.
Hiện, phẫu thuật làm đẹp vùng thái dương có các phương pháp chủ yếu như: tiêm filler, ghép mỡ tự thân và cấy chất liệu độn bằng chất liệu nhân tạo.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Đình Minh nhấn mạnh "tất cả các phương pháp nêu trên đều phải được thực hiện tại các cơ sở phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ".
Vị trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cũng lưu ý, phương pháp độn thái dương được quảng cáo rất nhiều hiện nay thường là phương pháp độn thái dương bằng chất liệu nhân tạo. Kỹ thuật này thông thường kéo dài từ 60-90 phút tùy theo phẫu thuật viên. Việc quảng cáo phẫu thuật 30 phút là không có cơ sở.
Bởi theo quy định hiện hành về cấp phép cho cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ phương pháp phẫu thuật độn thái dương bắt buộc phải được thực hiện tại cơ sở là Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ- được cấp phép của Sở Y tế các địa phương. Người thực hiện phẫu thuật này phải là các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Ngoài ra phương pháp ghép mỡ làm đầy vùng trán, thái dương thì bắt buộc phải làm tại bệnh viện, cụ thể là tại các khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ của bệnh viện như khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV E, BV ĐH Y, BV 108...
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ Minh lưu ý có hai yếu tố quan trọng để thực hiện các phẫu thuật đặt thái dương nói chung và các phẫu thuật khác được diễn ra an toàn.
Thứ nhất người thực hiện phẫu thuật phải là các bác sĩ được đào tạo bài bản và có chứng chỉ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Thứ hai, nơi thực hiện phẫu thuật phải là những nơi có đủ điều kiện như là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc các khoa PTTH-TM của các bệnh viện lớn.
"Thông thường sau khi được tiếp cận những quảng cáo làm đẹp qua Facebook hay người thân, chúng ta cần kiểm tra thông tin trên trang Fanpage và trang web của cơ sở thẩm mỹ.
Theo đó, các cơ sở có phép bao giờ cũng đăng tải các dịch vụ kèm theo giấy phép hành nghề tên bác sĩ. Khi tới nơi, nếu là bệnh viện thì ta tìm khoa phẫu thuật tạo hình- thẩm mỹ, còn cơ sở tư nhân sẽ có các bảng màu vàng gắn bên ngoài ghi rõ số giấy phép hành nghề và tên bác sĩ. Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho bản thân khách hàng cũng có thể yêu cầu chủ cơ sở xuất trình giấy phép hành nghề hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ", BS Minh lưu ý.
Theo infonet
Độn thái dương ở cơ sở thẩm mỹ "chui", người đàn ông 33 tuổi chảy máu ồ ạt Bệnh viện E vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 33 tuổi chảy máu ồ ạt sau khi phẫu thuật thẩm mỹ độn thái dương tại một cơ sở thẩm mỹ không phép ở quận Cầu Giấy. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện E. ThS. BS. Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, tạo...