LienVietPostBank và UNCDF ký kết thỏa thuận tài trợ phát triển Ví Việt cho phụ nữ
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Quỹ Đầu tư Phát triển Liên Hợp quốc (UNCDF) ký kết Thỏa thuận tài trợ cho Dự án “ Ví Việt – Giải pháp thanh toán toàn diện cho Phụ nữ Việt Nam” (gọi tắt là “Dự án Ví Việt dành cho phụ nữ”) do LienVietPostBank xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện – Cửa sổ 2.
Với định hướng trở thành “Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam – Ngân hàng của mọi người”, trong thời gian qua, LienVietPostBank đã và đang triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong đó phải kể đến một sản phẩm chiến lược nhằm giúp khách hàng tiếp cận và sử dụng một cách thuận tiện và đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng là Ví Việt.
Ví Việt (tên gọi tắt của Thẻ phi vật lý Ví Việt) được LienVietPostBank nghiên cứu, phát triển và phát hành cho chủ thẻ Ví Việt để giao dịch điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính di động, máy tính để bàn có kết nối internet
Hiện tại, dung lượng thị trường cho sản phẩm như Ví Việt rất lớn. Tại Việt Nam, khoảng 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Do đó, việc triển khai trên quy mô lớn sản phẩm Ví Việt sẽ cung cấp giải pháp tài chính vi mô đến người dân trong cả nước từ thành thị đến nông thôn và các vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, Ví Việt có thể được coi là giải pháp chiến lược để LienVietPostBank hiện thực hóa tầm nhìn trở thành “ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam – ngân hàng của mọi người”. Để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai và lan tỏa sức ảnh hưởng tới cộng đồng củaVí Việt, trong gần một năm qua, LienVietPostBank đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự thảo và khởi động Dự án Ví Việt dành cho phụ nữ.
Cạnh tranh với 32 hồ sơ của Việt Nam trong tổng số 90 hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình Thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện – Cửa sổ 2 từ 04 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, “Ví Việt dành cho phụ nữ” đã trở thành dự án đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn nhận khoản tài trợ 325.000 USD (khoảng 7,26 tỷ đồng) từ UNCDF.
Dự án nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán, sản phẩm ngân hàng thông qua Ví Việt để gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng cho phụ nữ Việt Nam, phát triển thêm các điểm ủy thác thanh toán và điểm giao dịch Ví Việt (cửa hàng, siêu thị mini, điểm bán sim – thẻ…) do phụ nữ làm chủ, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho chủ hộ kinh doanh. Cũng trong khuôn khổ Dự án này, LienVietPostBank sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng các chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức cho người dânvề việc quản lý tài chính, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, ven đô thị, đồng thời phát triển thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Video đang HOT
Dự kiến trong vòng 2 năm, từ tháng 9/2016 đến hết tháng 8/2018, Dự án sẽ được triển khai trên phạm vi 10 tỉnh thành, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó sẽ có tối thiểu 500.000 phụ nữ sử dụng Ví Việt cùng 2.500 điểm chấp nhận Ví Việt do người phụ nữ làm chủ sẽ được phát triển mới.
Quỹ đầu tư phát triển Liên hợp quốc UNCDF là cơ quan trực thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đảm nhiệm hoạt động đầu tư phát triển tại 48 quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. Mục tiêu của UNCDF nhằm tạo ra cơ hội cho người nghèo và hộ kinh doanh nhỏ cải thiện, thay đổi cuộc sống một cách tích cực thông qua hoạt động tài chính vi mô và phát triển vốn đầu tư.
Trải qua hơn 50 năm hoạt động, UNCDF là Quỹ đầu tư phát triển uy tín trên quy mô toàn cầu, thu hút các nguồn vốn lớn từ các khu vực tư nhân, chính phủ quốc gia và các đối tác phát triển nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Các hoạt động hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau như viện trợ, cho vay, tư vấn kỹ thuật… đã giúp UNCDF tiếp cận hàng triệu hộ gia đình nghèo và hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại nhiều quốc gia kém và đang phát triển trên thế giới, chủ yếu tại khu vực châu Á và châu Phi.
“Chương trình Thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện – Cửa sổ 2″ (SHIFT Challenge Fund Window 2) được UNCDF triển khai trong năm 2016 với chủ đề trọng tâm: “Hỗ trợ các mô hình kinh doanh sáng tạo có khả năng thúc đẩy tiếp cận tài chính cho phụ nữ” nhằm hỗ trợ các đối tượng khách hàng là phụ nữ vốn bị hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận tài chính tại 04 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar với tổng giá trị tài trợ lên tới 1,8 triệu USD.
LienVietPostBank kỳ vọng Dự án này sẽ giúp Ngân hàng hoàn thiện sản phẩm Ví Việt để trở thành sản phẩm của mọi người, đồng thời củng cố hình ảnh của một ngân hàng năng động, tích cực trong phát triển ứng dụng công nghệ và thúc đẩy phổ cập tài chính.
PV
Theo Dantri
Gặp người sở hữu bộ tem về phụ nữ "độc nhất" ở Việt Nam
Dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng ông Lê Đức Vân (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn miệt mài với thú vui sưu tập tem. Đến nay trong gia tài của mình ông Vân có cả ngàn con tem quý hiếm, nhưng có lẽ, bộ sưu tập tem về chủ đề phụ nữ được coi là "độc nhất" ở Việt Nam.
Nhắc đến ông Lê Đức Vân, giới sưu tập tem đều biết đến ông với cương vị 14 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội tem Việt Nam. Không chỉ nhiệt huyết trên cương vị quản lý, ngoài đời, ông Vân khiến nhiều người ngỡ ngàng với bộ sưu tập tem "độc nhất" về phụ nữ Việt Nam và quốc tế. Chia sẻ về bộ sưu tập "đặc biệt", đó là một lần ông Vân đọc được câu thơ rất hay của nhà thơ Cuba Nicolas Guillen: "Người phụ nữ là tác phẩm tuyệt vời của tạo hóa, của thiên nhiên và của xã hội". Thế rồi ông nảy ra ý tưởng sưu tập các con tem về một nửa của thế giới.
Để hoàn thành bộ sưu tập tem về phụ nữ gồm 5 khung tem với 80 trang (mỗi khung 16 trang) theo đúng nguyên tắc một sưu tập tem quốc tế, ông Vân đã phải bằng mọi cách, khi thì đặt mua từ bưu điện, lúc mua lại của bạn sưu tập tem trong và ngoài nước. Mỗi con tem đều có những dấu ấn khác nhau. Theo ông Vân, tem quốc tế về phụ nữ rất ít, muốn tìm nhanh cũng khó. Thậm chí, một số nước theo đạo Hồi, trong vòng 20 - 30 năm chỉ có duy nhất một con tem về phụ nữ. Vì vậy, sự dày công sưu tầm hàng chục năm trời đòi hỏi người sưu tập tem cần đủ chữ Tâm và chữ Nhẫn.
Ông Lê Đức Vân dành cả cuộc đời với những bộ sưu tập tem . Ảnh: M.Miên
Ông nhớ như in kỷ niệm về con tem với chủ đề "bạo hành gia đình". Đó là con tem mà đến giờ ông thấy chưa nước nào xuất bản, duy nhất ở nước Mỹ. Hồi đó, ông đọc cuốn tạp chí của Mỹ có nhắc đến con tem với chủ đề này, hình ảnh người đàn ông với bàn tay bạo lực giáng vũ lực xuống người phụ nữ đã ám ảnh trong tâm trí. Sau nhiều năm tìm kiếm, may mắn là có người bạn cũng sưu tập tem bên Mỹ đã gửi tặng cho ông. Ngoài ra, con tem mà ông Vân cảm thấy khó tìm nhất, rồi cũng tình cờ có được là tem về chủ đề "Bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp của người phụ nữ" trong Hội nghị quốc tế về chống ung thư vú ở phụ nữ.
Gần 10 năm hoàn thành bộ tem về phụ nữ, đã trưng bày vài cuộc triển lãm, hiện nay hàng nghìn con tem quý được ông cất giữ cẩn thận trong từng bộ tem với nhiều chủ đề khác nhau. Những gương mặt phụ nữ được thể hiện đủ mọi lĩnh vực từ phụ nữ hoạt động chính trị xã hội, đến gương mặt phụ nữ trong văn học và nghệ thuật. Theo cách sưu tập tem của ông thì chính bằng việc hàng ngày đọc báo, cập nhật thông tin từ những tờ báo quốc tế đã cho ông một tư liệu quý. Những tư liệu này được ông lưu giữ trong bộ tem với cách sắp xếp khoa học. Vậy nên, mỗi khi giới thiệu về con tem trong thời kỳ nào, về hình ảnh của chân dung phụ nữ là ông đều có tất thảy "hồ sơ văn hóa".
Mở đầu bộ tem về phụ nữ, ông trình bày chân thực chân dung của gần 200 người phụ nữ nổi tiếng trên khắp thế giới từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương. Riêng về bộ sưu tập tem hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được ông Vân phác thảo lần lượt với từng chuyên đề cụ thể: Hình ảnh phụ nữ trong hoạt động chính trị, nghệ thuật; Phụ nữ Việt Nam góp phần trong công cuộc bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Bảo vệ sức khỏe phụ nữ; kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Theo giới sưu tầm tem thì bộ tem về phụ nữ với hình ảnh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mạc Thị Bưởi là bộ tem đứng đầu bảng tem Việt Nam. Đây là một trong nhưng bộ tem đầu tiên về hình ảnh người phụ nữ được in khoảng những năm 1950. Bộ tem Mạc Thị Bưởi có giá trị lịch sử và là bộ tem khá đắt. Giá mỗi bộ tem Mạc Thị Bưởi, dao động, từ 11 - 12 triệu đồng (tương đương 500 - 600 đô la Mỹ) và giữ nguyên giá trị không đổi. Ông Lê Đức Vân may mắn sở hữu trọn bộ 4 con tem quý hiếm này. Ông Vân cho biết, bộ tem về hình ảnh Mạc Thị Bưởi của ông là 4 con tem đã đóng dấu, nghĩa là đã được lưu chuyển. Tại Việt Nam, phân loại sưu tập tem có đặc thù riêng, được phân loại theo tem sống và tem chết. Ý nghĩa tem sống mang giá trị thương mại, tem chết có giá trị văn hóa lịch sử. Theo quan điểm, sở hữu những tem sống, nghĩa là tem chưa đóng dấu lưu chuyển thì có giá trị hơn tem chết. Nhưng, có những con tem chết lại có giá trị lịch sử to lớn. Chẳng hạn như tem 1946 ra tem đầu tiên về Hiến pháp Việt Nam, vậy nên, việc người chơi tem sở hữu con tem có đóng dấu dọc năm 1946 có giá trị hơn hẳn.
Hoặc như bộ tem về "O du kích nhỏ" bắn rơi máy bay Mỹ cũng có những câu chuyện đặc biệt. Thời điểm bộ tem "O du kích nhỏ" ra đời năm 1972 - 1973, đúng thời điểm cả nước bắn rơi 2.000 máy bay Mỹ, ngay cả những người lính Mỹ cũng muốn sở hữu. Ý nghĩa về hình ảnh nữ du kích thể hiện tinh thần đấu tranh, quyết tâm đánh phá không quân của Mỹ, giành độc lập dân tộc. Song, cũng trong bộ tem "O du kích nhỏ" thì thời điểm bắn rơi 1.500 máy bay Mỹ lại là con tem có giá trị riêng. Nếu bình thường, mỗi con tem bán ra đều in đủ ngày, tháng, thì thời điểm bắn rơi 1.500 chiếc máy bay Mỹ thì lại chưa biết rõ chính xác ngày, tháng. Vậy nên đợt tem ra thời điểm bắn rơi 1.500 chiếc máy bay Mỹ "khuyết" ngày được coi là hiếm trong giới sưu tập tem hiện nay.
Luôn giữ nhiệt huyết của một người sưu tập tem chuyên nghiệp, ngoài bộ sưu tập riêng về phụ nữ, ông Lê Đức Vân còn có nhiều bộ sưu tập khác như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuyên đề Hà Nội, sưu tập di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, bộ tem về Tết Âm lịch. Trong đó, bộ tem về Tết Âm lịch có nhiều khác biệt. Trong chủ đề Tết Âm lịch, giới sưu tập tem sẽ cố gắng sưu tầm theo năm thì cách ông Vân sưu tập là từ khi tem in Tết Âm lịch đầu tiên năm 1950 đến nay, song hành năm đó có sự kiện quan trọng, đáng nhớ gắn liền với lịch sử. Có những nước không có Tết Âm lịch như Mỹ, châu Phi cũng ra tem, vì mục đích thương mại. Bởi nếu chỉ có Tết Âm lịch sẽ mờ nhạt, nhàm chán nên sẽ gắn với sự kiện, để con tem có ý nghĩa hơn. Với cách sưu tập đặc biệt, ông Lê Đức Vân tốn nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng kết quả đem lại chính là sở hữu bộ tem kể chuyện lịch sử.
Mộc Miên
Theo_Pháp luật XH
Công an Đắc Nông phối hợp điều tra đôi tình nhân giết, cướp xe ôm Ngày 26-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krôngnô, Đắc Nông đã đến tỉnh Bình Thuận phối hợp điều tra, lấy lời khai Lê Văn Chiều (21 tuổi) và HKen Kyang (20 tuổi) liên quan đến vụ cướp xe ôm trên địa bàn Krôngnô. Theo đó, ngày 15-4, Chiều và Kyang gọi xe ôm của ông H. chở đi công...