Liên Xô giấu nhẹm mỏ kim cương lớn nhất thế giới, trữ lượng đủ dùng trong 3.000 năm nữa
Mỏ kim cương với trữ lượng khổng lồ ở Siberia, đủ để cung cấp cho nhân loại sử dụng thêm 3.000 năm nữa.
LIÊN XÔ GIẤU NHẸM KHU MỎ
Khu vực rừng Taiga, ở Siberia, Nga từ lâu đã nổi tiếng với các khu mỏ kim cương với trữ lượng khổng lồ, trong đó có thể kể đến khu mỏ tại hố thiên thạch Popiga với hàng nghìn tỷ carat kim cương, với khả năng khai thác 1.800 kg quặng mỗi năm. Sự tồn tại của khu mỏ này đã được giữ bí mật trong nhiều thập kỷ do ẩn mình sâu trong cái lạnh của rừng Taiga, với trữ lượng khổng lồ có thể kích động “một cuộc cách mạng công nghiệp” trên toàn thế giới.
Khu mỏ kim cương Popiga nhìn từ trên cao. Ảnh: NATGEO.
Trầm tích Popiga thực tế đã được phát hiện vào đầu những năm 1970 tại một khu vực hẻo lánh ở phía đông Siberia, cách thị trấn gần nhất là Khantiga 400 km và cách thủ phủ Krasnoyarsk 2.000 km về phía bắc.Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, đây ngay lập tức được coi là nguồn khai thác và dự trữ của cải chiến lược của Liên Xô và sự tồn tại của nó hoàn toàn là bí mật.
Theo tiết lộ của Nikolai Pokhilenko (Giám đốc Viện Địa chất và Khoáng sản Sobolev ở Novosibirsk) thì khu mỏ này nằm trong miệng núi lửa có đường kính cả trăm kilomet, được hình thành sau va chạm của một tiểu hành tinh với Trái đất cách đây 35 triệu năm.
Nhiệt độ cao và áp suất lớn từ vụ va chạm đã ngay lập tức biến than chì trong đất ở Siberia thành những viên kim cương nhỏ trong khu vực có bán kính lên tới 10 km tính từ điểm rơi. Những viên kim cương “công nghiệp” này thường có đường kính từ 0,5 đến 2 mm, có màu ánh xám, xanh lam hoặc vàng.
Video đang HOT
Kim cương Nga có độ bền cao. Ảnh: 13 Heures/France 2.
Theo các chuyên gia của viện, trữ lượng carat của kim cương tại mỏ Popiga lớn gấp 110 lần trữ lượng kim cương của thế giới và có độ bền cao hơn gấp đôi so với kim cương sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Pokhilenko chia sẻ thì Liên Xô thời kỳ đó ưu tiên xây dựng các nhà máy kim cương tổng hợp để bảo toàn khu mỏ trong bí mật.
Trong sự hỗn loạn về kinh tế và ý thức hệ sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, thông báo về sự tồn tại của mỏ hầu như không được chú ý. Đây cũng là lý do chính khiến mỏ Popiga đã bị bỏ rơi và bị lãng quên trong gần 30 năm cho đến tận khi Viện Địa chất và Khoáng sản Sobolev tìm thấy nó một lần nữa.
TRỮ LƯỢNG TƯƠNG ĐƯƠNG 3.000 NĂM CUNG ỨNG
Trầm tích tìm thấy tại mỏ Popiga. Ảnh: sciencemall-usa.com.
Giám đốc viện Sobolev nhấn mạnh hiện nay tuy mới chỉ khai thác 0,3% khu vực mỏ Popiga, nhưng lượng kim cương tại đây đã lên đến 147 tỷ carat. Trong khi đó trữ lượng kim cương trên thế giới ước tính khoảng 5 tỷ carat. Nhà khoa học cũng cho biết thêm rằng: “Với tốc độ sử dụng kim cương công nghiệp hiện nay, trữ lượng của Popiga tương ứng với 3.000 năm cung ứng” và có thể dẫn đến “một cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới”, đặc biệt là trong việc chế tạo máy bay và ôtô.
Guennadi Nikitine, Phó Giám đốc công ty Yakoutnipromalmaz ở Yakutia (Đông Siberia) chuyên về ngành kim cương, lo lắng: “Miệng núi lửa Popiga có thể làm đảo lộn tình hình trên thị trường kim cương. Không thể nói trước được giá sẽ ra sao”. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng việc thăm dò các khu bảo tồn Popiga có thể là quá đắt đỏ, khu mỏ này nằm trong vùng băng giá vĩnh cửu, cách xa bất kỳ đường bộ hoặc đường sắt nào.
Viên kim cương sau khi chế tác. Ảnh: Sajjad Hussain/AFP.
Nikolai Tutchkov, một chuyên gia tại Viện Sobolev, nhận xét: “Mỏ kim cương này rất biệt lập, nằm cách bờ biển Bắc Cực gần 200 km và cách thị trấn gần nhất hơn 400 km. Tuy nhiên, việc thăm dò mỏ Popiga có thể được kết hợp với việc khai thác các mỏ khoáng sản khác gần đó, điều này sẽ làm giảm chi phí”.
Thật vậy, một lượng lớn công nhân khoảng 800 người đã được huy động để khai thác các khu mỏ ngày đêm với mức lương cao ở Nga, lên tới 2.000 euro mỗi tháng. Tuy nhiên họ làm việc luân phiên và được nghỉ 15 ngày do thời tiết quá lạnh và việc khai thác không hề dễ dàng. Họ phải làm việc trong điều kiện gió rít ở -25C. Một công nhân cho biết: “Chúng tôi phải nghỉ từ 15 đến 20 phút mỗi giờ để làm ấm vì ở đây quá lạnh”.
Số đá kimberlite được tìm thấy sâu trong lòng đất ở các khu mỏ sau đó sẽ được nghiền nhỏ và phân loại. Những viên kim cương sau đó được tinh chế theo một công thức bí mật và được phân loại kĩ càng. Những viên đá đẹp nhất sẽ được hoàn thiện ở Moscow.
Du khách tìm thấy viên kim cương trị giá gần 700 triệu khi đi chơi
Bà Noreen đã nhặt được viên kim cương ở Công viên Crater of Diamonds ở Mỹ. Nơi đây nổi tiếng có nhiều kim cương và ban quản lý cho phép du khách tìm kiếm, mang về những viên kim cương họ tìm thấy.
Viên kim cương được du khách tìm thấy. (Nguồn: mirror.co.uk)
Mới đây, vợ chồng bà Noreen Wredberg sống tại Vịnh Granite, California, đã phát hiện ra một viên kim cương màu vàng với trọng lượng 4,38 carat, có trị giá lên đến gần 30.000 USD (khoảng 680 triệu VND) trong Công viên Crater of Diamonds ở Arkansas, Mỹ.
Đây là công viên duy nhất trên thế giới nổi tiếng có nhiều kim cương. Ban quản lý cũng cho phép du khách thử tìm kiếm vận may bằng cách thoải mái tham quan tự do, tìm kiếm và mang về nhà những viên kim cương họ tìm thấy.
Bà Noreen cho biết vợ chồng bà quyết định đến công viên đi dạo và không mong đợi nhặt được gì đó tại đây. "Lúc nhìn thấy, tôi không biết đó là kim cương. Nhưng nó trông rất sạch và sáng bóng nên tôi đã nhặt lên. Chúng tôi thực sự không nghĩ rằng sẽ tìm thấy một viên kim cương quý giá như vậy," bà Noreen Wredberg nói.
Trao đổi với tờ Independent, ông David Allen đến từ công ty Purely Diamonds, cho biết: "Một viên kim cương thô 4,38 carat sau quá trình đánh bóng sẽ có thể còn trọng lượng từ 3,00 đến 3,50 carat. Viên kim cương cỡ này có giá bán lẻ từ 20 đến 30.000 USD tùy thuộc vào độ đậm nhạt của màu vàng. Màu vàng càng sặc sỡ và càng đậm thì nó càng có giá trị."
Kể từ khi mở cửa vào năm 1906, hàng nghìn viên kim cương đã được tìm thấy tại Công viên Crater of Diamonds, trong đó lớn nhất là viên kim cương 16,37 carat, được phát hiện vào năm 1975.
Waymon Cox, đại diện công viên, cho biết: "Những viên kim cương thường khá nặng và do không có tĩnh điện nên các lớp bụi bẩn không bám vào chúng được. Sau cơn mưa, kim cương sẽ sáng bóng hơn và rất dễ nhìn thấy, do bề mặt chúng phản chiếu ánh sáng mặt trời."
Được biết vợ chồng nhà Wredberg đến tham quan công viên ngay sau khi khu vực này vừa trải qua những trận mưa rào lớn, khiến lớp đất bề mặt bị trôi đi nhiều. Đây có thể là lý do bà Noreen có thể dễ dàng nhìn thấy viên kim cương khi tham quan./.
Kim cương cực hiếm trị giá 2,7 triệu USD 'bị vứt vào thùng rác' vì chủ nhầm là đồ giả Người phụ nữ bàng hoàng phát hiện viên kim cương mà cô ấy 'suýt ném vào thùng rác' trị giá 2,7 triệu USD. Người hưu trí sinh sống tại Northumberland, Anh ở độ tuổi 70 đã mua lại viên kim cương tại một cửa hàng bán đồ dùng ô tô. Ban đầu, bà nghĩ rằng đó là đồ trang trí giả, vô giá...