Liên tục mất tiền tỷ vì lợn, nông dân vẫn mong tái đàn từng ngày
Theo khảo sát của PV Dân Việt, sau hơn 5 tháng xảy ra dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), hàng nghìn hộ nuôi lợn tại các huyện, thành phố của Ninh Bình bị thiệt hại, không ít hộ lâm cảnh “trắng tay”, nợ nần chồng chất. Song, đến thời điểm này, nhiều nông dân vẫn đang rất nóng lòng mong sớm hết dịch để được tái đàn, chăn nuôi lợn trở lại.
Trang trại của anh Nguyễn Đức Thơ ở Nho Quan (Ninh Bình) đã được khử trùng, tiêu độc chuồng trại rất kỹ chờ có cơ hội tái đàn nuôi lợn trở lại.
Mong tái đàn từng ngày
Sau khi bị DTLCP tấn công và mất đàn lợn gần 100 con, anh Nguyễn Đức Thơ, chủ một trang trại ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã quyết định dùng toàn bộ số thức ăn thừa của lợn để nuôi cá chép tại ao của gia đình. Anh Thơ cho biết, so với các loại vật nuôi, lợn là loài dễ nuôi và nhanh thu hồi vốn nhất, nên bằng mọi giá gia đình anh sẽ tái đàn lợn trở lại dù dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế.
“Nuôi cá cũng chỉ có mùa vụ và theo con nước, sau khi hết dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi vẫn mong tiếp tục được tái đàn nuôi lợn trở lại”, anh Thơ nói.
Dù mới đầu tư vào chăn nuôi lợn được vài năm nhưng vợ chồng anh Thơ liên tiếp gặp thất bại. Lần ít cũng thiệt hại mất cả chục triệu đồng, còn đợt dịch vừa rồi, anh Thơ bị “bay” mất hàng trăm triệu đồng.
Tháng 7/2019, anh Thơ và các hộ bị DTLCP đợt mới đã nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn của Nhà nước, song theo anh số tiền này không thấm vào đâu so với thiệt hại mà bà con đã phải bỏ ra đầu tư vào chăn nuôi.
Khắp chuồng trại đã được anh Thơ rắc vôi bột trắng xóa.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ sửa lại chuồng trại và sẽ đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học một cách bài bản hơn để tránh được các dịch bệnh nguy hiểm, vì vậy rất mong các cơ quan chức năng và ngân hàng có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để bà con chúng tôi sớm ổn định và chăn nuôi bền vững hơn”, anh Thơ kiến nghị.
Từng là hộ nhiều lần bị thất bại trong chăn nuôi lợn, chịu thua lỗ hàng tỷ đồng nhưng ông Phạm Trung Tuyến ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cũng đang mong sớm được chăn nuôi lợn trở lại để có cơ hội thu hồi vốn trả nợ. Vào những ngày này, vợ chồng ông Tuyến đang tích cực thuê người thu dọn, xây dựng lại trang trại để chuẩn bị đầu tư vào chăn nuôi lợn.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã xác định rồi, ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó, chứ không chịu lùi bước đâu”, ông Tuyến khẳng định.
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Mừng luôn trong tình trạng khóa kín sau “bão” dịch DTLCP.
Tính đến giữa tháng 8/2019, tỉnh Ninh Bình đã có 14 xã, phường công bố hết DTLCP. Tuy nhiên, mới đây tỉnh này lại ghi nhận có 5 xã, phường, thị trấn của 3 huyện, thành phố tái phát dịch, gồm các xã Ninh Khang, Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), Thượng Kiệm, Văn Hải (huyện Kim Sơn), Tân Thành (thành phố Ninh Bình).
Tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư nơi phát hiện ổ DTLCP đầu tiên của Ninh Bình vào đầu tháng 3/2019, đến nay đã có 8 thôn với 52 hộ có lợn phải tiêu hủy. Vừa qua bà con đã tưởng hết dịch, có thể tạm thở phào nhưng mới đây, xã này lại tiếp tục tái dịch khiến cho chính quyền địa phương và bà con chăn nuôi rất lo lắng.
Ông Nguyễn Tiến Mừng, chủ một trang trại ở Ninh Khang cho biết, sau “bão” dịch rất nhiều hộ dân lâm vào cảnh “trắng tay”, nhiều hộ còn ôm đống nợ cả trăm triệu đồng, thậm chí lên đến tiền tỷ nhưng mọi người vẫn muốn nuôi lợn trở lại để mong trả được nợ.
“Chúng tôi ở nông thôn lại có tuổi rồi, không nuôi lợn cũng chả biết làm gì ra tiền, nên rất mong đợt dịch mới này sớm qua đi để bà con tái đàn, làm lại từ đầu”, ông Mừng chia sẻ.
Hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ
Bên cạnh việc hỗ trợ tái đàn, ông Mừng và nhiều hộ chăn nuôi ở Ninh Bình đang rất mong Bộ NNPTNT và các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay đối với người chăn nuôi đã và chưa bị DTLCP để bà con có thể yên tâm tái đàn.
Sau hơn 5 tháng kể từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Ninh Bình, đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.000 thôn, xóm của 139 xã, phường, thị trấn của tất cả 8 huyện, thành phố. Số lượng lợn phải tiêu hủy là trên 84.000 con. Điều này đã khiến cho sản lượng thịt lợn hơi 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh giảm mạnh, chỉ bằng 86,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Mọi khâu khử trùng, tiêu độc đã được ông Mừng xử lý xong để chờ ngày nuôi lợn trở lại.
Ông Hà Quốc Thịnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình) cho biết: Khi đảm bảo công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi lợn có thể tái đàn, khôi phục chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, quá trình tái đàn cần phải lưu ý, cẩn trọng ở một vài điểm.
Một là, cơ sở chăn nuôi đó phải đảm bảo áp dụng theo quy trình an toàn sinh học. Hai là, không tái đàn ồ ạt, nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước (khoảng 10% năng lực chăn nuôi), sau đó nếu thấy ổn thì mới tăng tiếp quy mô lớn hơn.
Ngoài ra, ông Thịnh lưu ý các địa phương phải tiếp tục đảm bảo kiểm soát tốt DTLCP, tổ chức lại chăn nuôi, hạn chế việc chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học; mở rộng các đối tượng nuôi thay thế như gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu, thỏ), gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) kể cả lấy thịt và sữa để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt từ lợn.
Theo Danviet
Giá lợn hơi tăng: Người dân liều tái đàn "đón Tết" bất chấp dịch tả
Tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lây lan ra 62/63 tỉnh, thành phố, khiến hơn 4 triệu con lợn phải tiêu hủy. Đáng lo ngại là trong khi dịch bệnh này chưa được khống chế thì tại một số nơi, người dân đã tìm cách tái đàn khi thấy giá lợn hơi tăng nhanh, nhất là tại miền Bắc.
Không tái đàn, nông dân biết làm gì?
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 28.532 hộ chăn nuôi (chiếm 35,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi); làm mắc bệnh và tiêu hủy 496.553 con lợn (chiếm 26,5% tổng đàn), với trọng lượng 34.151 tấn. Có những ngày dịch cao điểm, Hà Nội phải tiêu hủy tới 10.000 con lợn, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.
Bà Nguyễn Thị Bình, chủ trang trại lợn ở Ninh Bình mòn mỏi chờ hỗ trợ để tái đàn. Ảnh: Trần Quang
Khoảng từ đầu tháng 7/2019 đến nay, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn thành phố giảm hẳn (hiện còn khoảng 300-800 con lợn bị mắc bệnh/ngày); mật độ chăn nuôi lợn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm; người chăn nuôi đã nâng cao cảnh giác với bệnh dịch, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp phòng bệnh hiệu quả hơn...
Nhận thấy DTLCP có dấu hiệu giảm, nhất là giá lợn hơi đang tăng nhanh và ở mức cao, đạt khoảng 44.000 - 45.000 đồng nên người chăn nuôi đang có xu hướng tái đàn, với hy vọng sẽ "đón giá" tăng mạnh vào dịp cuối năm 2019.
Anh Cường - chủ trang trại ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội), đang liên kết với Công ty chăn nuôi C.P nuôi 2.400 con lợn thịt, cho biết, anh đang muốn thuê thêm trang trại có diện tích khoảng 1ha để mở rộng quy mô chăn nuôi lợn. Sau một thời gian nuôi gia công cho doanh nghiệp, anh đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và nhận thấy đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng nên đã quyết định tái đàn, dù bệnh DTLCP vẫn đang rình rập.
Anh Cường nói: "Trên địa bàn xã hiện chưa xuất hiện ổ DTLCP, thêm vào đó tôi chăn nuôi gia công cho C.P nên được công ty đầu tư con giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật chăm sóc đầy đủ và bài bản. Tôi quyết định đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng để thuê trại mới nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thịt lợn dịp Tết Nguyên đán".
Thực tế, chăn nuôi lợn vẫn được xem là nghề truyền thống, phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Trước đây, hầu như gia đình nào ở nông thôn, miền núi cũng nuôi vài con lợn, con gà, vịt... Sau quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư giảm dần, nhưng chăn nuôi lợn vẫn được xem là nghề chính, đem lại thu nhập cao cho nhiều nông hộ, trang trại. Chính vì thế, dù có gia đình bị thiệt hại nặng nề, thậm chí sạt nghiệp vì DTLCP song họ vẫn nghe ngóng, chờ có cơ hội là tái đàn.
Trang trại chăn nuôi xa khu dân cư của HTX Chăn nuôi Ngũ Châu, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt
Bà Đỗ Thị Duyên ở xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết, từ ngày đàn lợn bị tiêu hủy vì nhiễm DTLCP, gia đình bà thực sự trắng tay. Bà Duyên liên tục gọi điện thoại cho cán bộ thú y xã, huyện để hỏi về tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch.
"Giờ chuồng trại tan hoang, chủ nợ cứ gọi đòi tiền liên tục mà chúng tôi không biết lấy đâu để trả. Chăn nuôi lợn là nghề chính của gia đình nên chúng tôi rất mong sớm có tiền hỗ trợ để tái đàn. Ở nông thôn, không nuôi lợn, nuôi gà thì chúng tôi biết làm gì để sống?" - bà Duyên ngậm ngùi nói.
Không vội tái đàn ở nơi có dịch
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định: Với kịch bản người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ thịt lợn bình thường trở lại trong thời gian tới, chúng tôi đánh giá nguồn cung thịt lợn trên thị trường sẽ ở trạng thái thiếu hụt.
Nguyên nhân là do từ cuối năm 2018 đến nay, ngành chăn nuôi lợn đã liên tục xảy ra dịch bệnh kéo dài, từ dịch lở mồm long móng cuối năm 2018, đến đầu năm 2019 thì xảy ra DTLCP. Điều này khiến một lượng lớn các cơ sở chăn nuôi một phần bị thiệt hại, một phần phải ngừng vào đàn.
"Chúng tôi dự báo có thể bắt đầu từ quý II, đặc biệt là từ quý III, quý IV/2019, nguồn cung thịt lợn có thể sẽ còn bị giảm sút mạnh hơn nữa" - ông Dương nói.
Tại Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: "Thành phố đã yêu cầu hạn chế việc chăn nuôi lợn trong khu dân cư, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, không bảo đảm quy định về môi trường, phòng chống dịch bệnh... Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các địa phương không tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh DTLCP khi bệnh dịch chưa được khống chế hoàn toàn. Nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, khi xảy ra bệnh dịch phải tiêu hủy lợn sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước".
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Giang - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh nhận định, thị trường lợn hơi đang tăng giá, bà con bán lợn có lãi nên ai cũng phấn khởi, mong muốn tái đàn để bù lỗ do giá giảm mạnh mấy tháng qua. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của tỉnh khoảng 170 tấn thịt hơi/ngày, trong khi chăn nuôi của tỉnh chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu.
Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang khuyến cáo các hộ chăn nuôi hết sức bình tĩnh, không nên vào đàn ồ ạt, bởi ít nhất phải sau 4-5 tháng nữa mới có lợn xuất chuồng. Trong khi đó thị trường luôn diễn biến thất thường, không theo quy luật, và cũng không ai dám chắc giá lợn hơi sẽ còn duy trì mức hơn 50.000 đồng/kg...
Theo Danviet
Bộ NN&PTNT hướng dẫn quy trình nuôi lợn an toàn sinh học (phần 2) Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, tại nhiều mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn vào thức ăn cho lợn, kết hợp với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã cho thấy có hiệu quả nhất định trong việc ức chế sự phát triển của virus dịch tả lợn châu Phi trong con lợn nhiễm bệnh...