Liên tiếp gây căng thẳng, Mỹ đang bất lực trong việc giải quyết 3 điểm nóng?
Chỉ trong thời gian ngắn, Mỹ đã tạo ra 3 căng thẳng chính trị-quân sự nhưng dường như chúng lại không giúp Mỹ đạt được các kết quả mong muốn. Đây là những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang rơi vào thế bất lực.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng
Trong vòng một vài tuần gần đây, Mỹ liên tục tạo ra các căng thẳng chính trị-quân sự nhằm vào nước thứ ba. Sau khi bắn tên lửa vào Syria và gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ lại hướng mũi dùi vào Iran. Tuy nhiên, đây lại là những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang rơi vào thế bất lực.
Sau một thời gian “hòa hoãn” với Iran, chính quyền mới của Mỹ đã bắt đầu quay lại với đối thủ “yêu thích” là Iran khi chỉ trích nước này là “kẻ thù số 1 của xã hội”.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố rằng thỏa thuận hạt nhân đã đạt được trước đó với Iran đã đổ vỡ và chính sách “kiên nhẫn chiến lược” là một “quan điểm không hiệu quả”. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng gọi Iran là “kẻ tài trợ hàng đầu trên thế giới cho chủ nghĩa khủng bố”.
Video đang HOT
Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump có quan điểm cứng rắn đến tiêu cực với Iran là điều không có gì mới. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình Iran đang là khá phức tạp và khó xử với chính quyền Donald Trump. Vấn đề không phải là ở chỗ ông Donald Trump đã nhanh chóng vi phạm các lời hứa khi vận động tranh cử vì đây là việc riêng của Tổng thống với cử tri Mỹ.
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là bằng những động thái gần đây với Iran, Triều Tiên, Syria, các hành động của chính quyền Mỹ đã trở nên đáng sợ hơn trong mắt của giới quan sát, trong đó có giới quan sát ở các nước thứ ba. Tuy nhiên, hành động này lại đang gây ra những hiệu ứng trái ngược nhau so với tính toán ban đầu của Mỹ.
Hiện có nhiều lý do khác nhau khiến chính quyền Donald Trump tích cực gây căng thẳng bối cảnh quốc tế như: do cần phải chấm dứt làn sóng thông tin chống lại chính quyền Donald Trump và củng cố vị thế của Mỹ trong quan hệ với các cường quốc chủ chốt trên thế giới.
Cụ thể, rất nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc Mỹ tấn công tên lửa vào Syria trùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Mỹ và có cuộc gặp với ông Donald Trump không phải là sự ngẫu nhiên. Đây chính là động thái của Mỹ nhằm gây sức ép lên Trung Quốc.
Giới phân tích càng có cơ sở để tin vào nhận định này khi chỉ trong thời gian ngắn gần đây, Mỹ liên tục tạo nên căng thẳng ở các điểm nóng trên thế giới, ban đầu là tấn công tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria, sau đó tuyên bố “sẽ tự giải quyết vấn đề Triều Tiên” và hiện tại là Iran.
Việc Mỹ tấn công tên lửa vào Syria tạo ra quan ngại về việc Nga và Mỹ có thể sẽ xảy ra đụng độ quân sự. Còn ở Triều Tiên, các hành động của Mỹ đe dọa làm bùng phát cuộc xung đột quy mô toàn cầu và có thể làm nảy sinh cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Rắc rối đối với ông Donald Trump có thể nảy sinh trong trường hợp căng thẳng ở Syria và Triều Tiên không đem đến điều gì. Vụ tấn công bằng tên lửa vào căn cứ không quân Shayrat của Syria ban đầu dường như cho thấy Mỹ là quốc gia mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, khi kết quả được làm rõ là căn cứ này chỉ chịu tổn thất rất nhỏ, gần như khôi phục hoàn toàn hoạt động chỉ sau một ngày bị tấn công và Nga sau đó đã cô lập nghị quyết chống Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì người ta cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về thực chất hành động tấn công Syria của Mỹ là gì?
Trường hợp đối với Triều Tiên thậm chí còn khiến nhận định trên của giới phân tích trở nên rõ nét hơn. Bất chấp các đe dọa của Mỹ, Triều Tiên vẫn không thay đổi đường lối quân sự đã chọn.
Sau đó các phương tiện truyền thông còn phát hiện nhóm tàu chiến do tàu sân bay Carl Vinson vẫn ở cách bờ biển Triều Tiên hàng nghìn km. Hậu quả của các căng thẳng chính trị này là việc Nga lại phong tỏa mọi kế hoạch của Mỹ về lên án Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Có thể trong cả hai trường hợp trên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công trong việc giải quyết nhiệm vụ chiến thuật nào đó, ví dụ như mối quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả hai tình huống này đều làm nổi lên vai trò chi phối của Nga. Các chuyên gia cho rằng đây không phải là cách thức hợp lý để chính quyền Donald Trump thể hiện hình ảnh của cường quốc hàng đầu thế giới.
Sau Syria và Triều Tiên, Mỹ lại tạo ra căng thẳng mới khi chĩa mùi rìu vào Iran nhưng nhiều khả năng kết cục sẽ lại giống như ở Syria và Triều Tiên. Bản thân Iran sẽ không chịu khuất phục Mỹ và Nga cũng sẵn sàng đưa ra các trợ giúp chính trị cần thiết cho Iran.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Mỹ đã tạo ra 3 căng thẳng chính trị-quân sự nhưng dường như chúng lại không giúp Mỹ đạt được các kết quả mong muốn.
Sẽ có nhiều tranh luận khác nhau về nguyên nhân và mục đích Mỹ hành động như trên. Tuy nhiên, các sự việc lại diễn ra ngoài kế hoạch và các dự định của Nhà Trắng và các chuyên gia đang nghiêng về xu hướng cho rằng Mỹ đang bất lực trong việc giải quyết 3 điểm nóng này.
Theo Infonet