Liên tiếp cháy nổ tại Hà Nội: Cảnh sát khuyến cáo những việc “cần làm ngay”
Các vụ việc cháy nổ xảy ra có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng vấn đề chính vẫn là một phần do ý thức của người dân trong việc phòng chống chữa cháy là chưa cao…
Những ngày vừa qua tại Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nặng nề về cả về người và tài sản. Cụ thể: Vụ cháy nổ bình gas làm 3 người chết tại khu nhà trọ H4, ngách 79, ngõ 18 phố Định Công Thượng, phường Định Công; vụ hỏa hoạn ở kho chứa vải cạnh chợ Ninh Hiệp ( Gia Lâm, Hà Nội), khiến lực lượng chức năng phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ mới có thể dập tắt được vụ cháy.
Ngoài ra, một số vụ cháy liên quan đến chập điện, cháy nổ khác… dẫn tới hỏa hoạn đã dấy lên mối lo ngại về ý thức của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Cần kiểm tra định kỳ, thay thế thiết bị bếp gas
Chia sẻ về hàng loạt các vụ hỏa hoạn đã xảy ra vừa qua tại TP Hà Nội, trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) – cho rằng, trong những dịp gần Tết, cuối năm, các hoạt động buôn bán, kinh doanh, tích trữ hàng hóa tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu ăn uống, nhậu nhẹt của người dân nhiều hơn… đã làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, thậm chí làm chết người.
Chiều 30/12/2021 xảy ra vụ cháy cực lớn tại kho chứa vải cạnh chợ Ninh Hiệp xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh: Lê Hùng).
Ông Quyến lấy dẫn chứng như vụ nghi cháy nổ bình gas ở khu nhà trọ H4, ngách 79, ngõ 18 phố Định Công Thượng, nếu lực lượng chức năng xác định được nguyên nhân vụ cháy là liên quan đến nổ bình gas thì người dân cần phải nâng cao ý thức hơn nữa, trong việc kiểm tra, thay thế các thiết bị gas, để tránh dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Theo đó, các thiết bị gas dễ bị rò rỉ khi đun nấu nhiều, nhưng người dân lại có tâm lý chủ quan, không bảo dưỡng, thay thế hay sửa chữa các thiết bị này thì rất dễ gây ra cháy nổ. Người dân cũng không nên vì tâm lý tiết kiệm mà sử dụng lại các loại bình gas mini cũ, sang chiết nhiều lần.
“Người sử dụng cần kiểm tra định kỳ dây dẫn gas, van an toàn, các điểm nối dây dẫn gas ở bếp và ở van an toàn. Đối với dây gas, một năm nên thay một lần, còn van gas thì 2 năm thay một lần. Khi thấy dây cứng, mất sự đàn hồi, thì kể cả chưa đến hạn thay mới, người sử dụng vẫn nên thay. Người sử dụng nên sử dụng loại bếp gas có bộ phận cảm ứng nhiệt tự động ngắt gas khi nước tràn hoặc gió lùa làm tắt lửa” – Thượng tá Đỗ Anh Quyến khuyến cáo.
Đêm 3/1 tại khu nhà trọ H4, ngách 79, ngõ 18 phố Định Công Thượng, phường Định Công xảy ra vụ cháy nổ làm 3 người tử vong thương tâm (Ảnh: Trần Thanh).
Ngoài ra, khi mua bình gas, người sử dụng nên chọn những bình gas mới, còn nguyên niêm phong, đặc biệt đối với các hãng gas lâu năm trên thị trường. Khách hàng nên lấy gas tại các đại lý chính hãng. Đặc biệt, khi mua bình gas của bất cứ hãng gas nào phải có logo của nhà cung cấp, có niêm phong và dấu của cơ quan kiểm định. Khi thay gas, khách hàng cần đề nghị nhân viên vặn chặt van an toàn của bình gas và giám sát chặt chẽ quá trình thay gas của nhân viên.
Trong quá trình đun nấu, người sử dụng phải giám sát thường xuyên, để trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ kịp thời xử lý. Sau khi sử dụng cần tắt bếp, đồng thời khóa van an toàn.
Cũng theo Thượng tá Quyến, khi xảy ra sự cố rò rỉ gas , đặc biệt phát hiện có mùi gas phải lập tức tắt nguồn lửa, khóa van bình gas và tuyệt đối không dùng bật lửa để dò tìm. Không đóng hoặc ngắt công tắc điện, quạt điện làm phát sinh tia lửa điện gây cháy nổ khí gas. Lúc này nên mở tất cả các cửa trong nhà, cửa thoáng cửa ra vào thông với gian bếp, dùng các dụng cụ thủ công như quạt tay, bìa carton để quạt đẩy hết khí gas ra ngoài.
Video đang HOT
Lực lượng chức năng cho rằng, người dân cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị gas trong gia đình để tránh tình trạng rò rỉ gây cháy nổ bình gas (Ảnh minh họa: Viết Hảo).
Về các vụ cháy do chập điện gây ra, ví dụ như vụ cháy ngôi nhà 2 tầng trên phố Tôn Đức Thắng, làm lan sang cả một ngân hàng hôm 22/12/2021 gần đây, ông Quyến cho rằng, người dân cần tuân thủ đầy đủ các quy tắc như sau: Để dây dẫn điện cách xa vật dụng dễ cháy, hàng hóa cách xa ít nhất 0,5 m, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà, kho hàng… Đấu nối điện theo đúng quy cách để tránh gây chập điện. Ngoài ra, người dân không nên sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện vượt quá mức tải của đường dây.
“Dịp Tết Nguyên đán cũng đang cận kề, việc người dân tổ chức ăn uống, tập kết hàng hóa tăng cao sẽ dễ gây ra tình trạng cháy nổ lớn. Chính vì vậy, mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức của bản thân trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đối với các hộ gia đình nên tạo lối thoát thứ 2, việc thắp hương thờ cúng nên có người trông coi và đặc biệt nên hạn chế đồ vàng mã ở những nơi gần lửa trong gia đình” – Thượng tá Đỗ Anh Quyến khuyến cáo.
Làm tốt 4 tại chỗ
Nhận định về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy vừa qua ở TP Hà Nội, trao đổi với PV Dân trí, Trung tá Phạm Thế Vĩnh – Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) – cho rằng, ở đây có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là vào những ngày cuối năm thời tiết hanh khô, kèm với người dân sử dụng các thiết bị điện nhiều, tập trung ăn uống đông, nhưng vấn đề chính vẫn là một phần do ý thức của người dân trong việc phòng chống chữa cháy là chưa cao.
Theo ông Vĩnh, để tránh xảy ra những vụ hỏa hoạn làm chết người thương tâm, việc thứ nhất cần làm đó là người dân phải tự nâng cao ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy, kèm với đó là những kiến thức cơ bản về việc sử dụng và đảm bảo an toàn các thiết bị gas.
Các em học sinh trên địa bàn phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) tham gia tập huấn một số kỹ năng an toàn khi sử dụng điện và phòng cháy, chữa cháy (Ảnh: Trần Thanh).
Thứ hai, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy cho các hộ dân. Theo ông Vĩnh, tại Hà Nội việc tuyên truyền này rất sâu sát, tới từng hộ dân ở cơ sở, tuy nhiên người dân vẫn còn khá chủ quan và ý thức vẫn chưa cao.
Thứ ba, ở các hộ gia đình sản xuất kinh doanh và đặc biệt là ở các gia đình kiểu chuồng cọp thì phải có lối thoát thứ 2, vì khi xảy ra cháy nổ, có thể hàng hóa của chính gia đình đó sẽ là lối cản tại lối thoát duy nhất dẫn tới hậu quả thương tâm, khó lường.
Thứ tư, phát huy tốt 4 tại chỗ gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ là người dân phải tự trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy, sơ cứu ban đầu trong các trường hợp bị thương nhẹ, để khi xảy ra hỏa hoạn họ có thể tự xử lý, ứng cứu ban đầu. Phương tiện tại chỗ chính là sự chuẩn bị các phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy, chăn chiên, bao cát… những vật dụng này khá đơn giản và ai cũng có thể tự chuẩn bị được.
Hiện trường vụ cháy gần chợ Ninh Hiệp, nhiều tấn hàng Tết đã hóa thành tro
17h30 chiều ngày 30/12, lực lượng cảnh sát PCCC và công an huyện Gia Lâm đã có mặt xử lý đám cháy lớn tại kho chứa vải cạnh chợ Ninh Hiệp.
Nhiều tấn hàng hóa tại đây phục vụ dịp Tết đã bị thiêu rụi.
Ngay sau khi nhận thông tin về đám cháy tại kho hàng nằm tại khu vực chợ vải Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), lực lượng PCCC đã lập tức điều động 6 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ tới hiện trường dập lửa.
Được biết, kho hàng chứa vải lớn nằm trên bãi đất rộng hàng nghìn mét vuông cạnh chợ vải Ninh Hiệp. Thời tiết hanh khô cộng thêm việc chất liệu cháy chủ yếu là vải và các sản phẩm thời trang trong các kho chứa khiến lửa cháy lớn và có xu hướng lan rộng sang xung quanh.
Mặc dù kho hàng nằm độc lập với các ki-ốt trong chợ nhưng do lo ngại đám cháy lây lan, các tiểu thương kinh doanh quanh khu vực đám cháy hối hả di chuyển hàng tới khu vực an toàn.
Hàng chục tấn vải của tiểu thương chất đống sau khi nhanh chóng được di chuyển tới các ki-ốt xung quanh nằm xa đám cháy.
Theo một số người dân chia sẻ, đám cháy bùng phát sau tiếng nổ lớn từ một nhà hàng nằm gần kho chứa vải.
Nhiều người dân và tiểu thương bất lực nhìn đám cháy diễn ra ngày một lớn hơn.
Tới 20h cùng ngày, đám cháy vẫn diễn ra dữ dội và chưa có dấu hiệu sẽ bị dập tắt. Vòi phun nước của lực lượng PCCC cũng khó tiếp cận gần đám cháy, các mái tôn rộng hàng trăm mét vuông oằn mình trước sức nóng quá lớn của ngọn lửa.
Bằng những biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát PCCC đang cố gắng tìm các phương án xâm nhập vào bên trong dập tắt từng phần của đám cháy.
Hàng chục chiến sĩ tìm mọi cách phá tường vách, đưa vòi nước vào bên trong. Hai xe chữa cháy cũng được điều động thêm để tăng cường nhân lực và vòi phun để đám cháy nhanh chóng được dập tắt.
21h đêm, lực lượng cứu hỏa đã tiếp cận sâu vào trung tâm đám cháy, áp chế ngọn lửa.
Một chiến sĩ trong quá trình lao vào biển lửa vô tình dẫm thụt vào đống vải đang cháy khiến giày bảo hộ bị nung nóng như trong lò thiêu. Sau đó anh đã ra ngoài để chiến sĩ khác vào thay thế.
Khoảng 22h, phần lửa cháy lớn cơ bản đã được khống chế, lực lượng PCCC tiếp tục phun nước để tránh việc các đống than âm ỉ cháy bùng trở lại.
Đại diện Công an huyện Gia Lâm cho biết chưa có thiệt hại về người, song nhiều tấn hàng chủ yếu là quần áo mùa đông của các tiểu thương nhập về bán dịp Tết Nguyên đán đã bị thiêu rụi.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...