Liên tiếp các vụ phá rừng thông ở Lâm Đồng để chiếm đất
Thời gian gần đây, nhiều cánh rừng thông hàng chục năm tuổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị các đối tượng ngang nhiên tàn phá. Theo cơ quan chức năng địa phương, mục đích của việc làm sai trái này nhằm chiếm đất sản xuất nông nghiệp.
Cơ quan chức năng đang kiểm đếm, đo đạc số cây thông bị chặt hạ tại khu rừng thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh PV
Rừng bị tàn phá gần trụ sở ủy ban
Cuối tháng 8.2018, sau khi báo chí phản ánh tình trạng rừng thông bị tàn phá, cơ quan chức năng huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện rừng tại tiểu khu 216, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, bị lâm tặc tàn phá trái phép.
Tại hiện trường, có hàng trăm cây thông bị cưa hạ, nằm ngổn ngang trong rừng. Để xóa dấu tích, các đối tượng gom nhiều lóng gỗ từ 1-4m chất thành từng đống để đốt, thay thế gốc thông bị đốn hạ bằng hàng loạt hố trồng các loại cây mới như dổi, lát hoa…
Điều đáng nói, khu vực rừng thông bị tàn phá tại lô d, khoảnh 6, tiểu khu 216, lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý, nằm gần trụ sở UBND xã Phi Liêng, tỉnh Lâm Đồng. Theo thống kê, tổng diện tích rừng bị phá trái phép trên 39.800 m2. Trong đó, diện tích rừng bị phá và đã trồng các loại cây gỗ dổi, lát hoa là hơn 24.500m2, diện tích còn lại có 1.015 cây thông đã bị cưa hạ, trong đó 187 cây rừng tự nhiên, 828 cây thuộc rừng trồng năm 1997; số cây bị ken gốc, đổ hóa chất gây chết đứng và đang chờ chết là 556 cây, tổng số gỗ thiệt hại hơn 158 m3. Một cán bộ đang công tác tại Ban QLRPH Phi Liêng cho biết, bước đầu cơ quan chức năng nhận định các đối tượng phá rừng nhằm lấy đất để sản xuất.
Ngay khi xảy ra sự việc, UBND huyện Đam Rông đã đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hoàng Trần Phú Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, kiêm Trưởng ban lâm nghiệp xã Phi Liêng. Về phía Ban QLRPH Phi Liêng, đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Dương Văn Huy, cán bộ quản lý TK 216, để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm liên đới việc để xảy ra phá rừng trái phép.
Có bàn tay của “ xã hội đen”
Dư luận địa phương chưa kịp lắng xuống sau vụ phá rừng ở Phi Liêng, những ngày đầu tháng 9.2018, trên địa bàn thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, có hàng chục cây thông đường kính 20 – 50cm bị đốn hạ, nằm ngổn ngang, nhiều cây lá vẫn còn xanh, nhựa chưa kịp khô.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Phúc Thái – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, có 45 cây thông khoảng 20 năm tuổi tại tiểu khu 270, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban bị triệt phá. Diện tích này bị phá đến 3 lần, lần cuối cùng vào ngày 19.8 vừa qua, cơ quan chức năng đã lập biên bản và đang tiến hành xác minh.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc các đối tượng chặt hạ thông để chiếm đất, khu vực rừng thông bị phá thuộc diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, được giao khoán cho nhóm 7 hộ gia đình quản lý, bảo vệ.
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi kiểm tra thực tế hiện trường tại khu vực rừng bị phá ở xã Phi Liêng ( huyện Đam Rông) và thị trấn Nam ban, huyện Lâm Hà. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu cơ quan chức năng địa phương khẩn trương điều tra, xử lý các đối tượng liên quan đến vụ phá rừng nói trên.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, cả hai vụ việc trên có tính chất rất nghiêm trọng.
Theo ông Thanh, bước đầu lực lượng chức năng xác định các đối tượng phá rừng thuộc băng nhóm “xã hội đen”, thực hiện phá rừng có tổ chức, mục đích là chiếm đất. Khi bị phát hiện, các đối tượng này có hành vi đe dọa người dân và lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
PHÚ SƠN
Theo LĐO
Rừng thông 20 năm tuổi ở Đam Rông, Lâm Đồng đang bị triệt hạ
Những ngày cuối tháng 8/2018, theo tuyến Quốc lộ 27, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thâm nhập vào những tiểu khu rừng ở Đam Rông, Lâm Đồng đã bị triệt hạ, chờ phân lô, bán đất.
Bị vạt gốc, khoan vào thân cây, rồi sau đó bơm thuốc diệt cỏ... hàng trăm héc-ta rừng thông ở tỉnh Lâm Đồng đang bị triệt hạ, gỗ nằm la liệt, thay vào đó là những hàng cây vông để phân lô, "xí phần", rao bán đất, những nương rẫy trồng cà phê, hoa màu...
Những cánh rừng thông hơn 20 năm tuổi bị cưa hạ, ken cây (dùng hóa chất, tác động làm cây chết) hàng loạt nằm trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Ảnh: Đặng Tuấn, Nguyễn Dũng - TTXVN
Trong vai những người đi mua đất, chúng tôi dần dần tiếp cận những người đang trồng cà phê. Một người dân tên X., ngụ tại thôn Thanh Bình, xã Phí Liêng, huyện Đam Rông tiết lộ: Những hộ dân có đất gần rừng đang tranh thủ những ngày mưa gió để cưa cây, ken gốc dần dần cây sẽ chết đứng. Những diện tích đất rừng sau khi bị lấn chiếm nhanh chóng được phân lô, sang nhượng, trồng cây cà phê...
Ông X. giải thích: "Muốn thông chết thì "ken" gốc (tức là dùng rìu vạt hết lớp vỏ quanh gốc cho nhựa không lên nuôi thân được), cây sẽ chết dần hoặc khoan nhiều lỗ sâu vào thân cây sau đó bơm thuốc diệt cỏ vào, cây sẽ từ từ chết đứng. Nhưng làm vậy, diện tích lấn chiếm chỉ được vài nghìn mét vuông trong vài tháng. Bởi vậy, tại Tiểu khu 216, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý, các đối tượng còn ngang nhiên dùng cưa máy để đốn thông, đưa máy ủi vào san gạt...
Theo chân ông X. nhóm phóng viên đi vào khu rừng thông, vòng qua ngọn đồi sau Nhà văn hóa thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng. Đây là khu rừng nằm sát rẫy của người dân nên những đối tượng phá rừng đã lén lút lấn chiếm. Ông X. chỉ cho phóng viên xem và giải thích: "Những vết dao này còn rất mới, nhựa thông ứa chảy còn thơm nồng. Nhưng chỉ thời gian ngắn nữa thôi, cây này sẽ chết".
Nằm cách đó không xa, có hàng trăm gốc thông khác, cành lá đang héo úa, trên thân đều có một lỗ khoan rất nhỏ, sâu khoảng 10-15 cm. "Chúng tôi đã nhiều lần thông báo cho lãnh đạo xã biết về tình trạng phá rừng, nhưng chờ mãi không thấy ai đến xử lý", ông X. cho biết.
Tiếp tục được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm tìm đến Lô d, khoảnh 6, Tiểu khu 216, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý. Khu vực này chỉ cách trụ sở UBND xã Phi Liêng khoảng 1km, là khu vực có diện tích rừng bị phá lớn nhất.
Thống kê ban đầu, tổng diện tích rừng bị phá trái phép là trên 39.800m2; trong đó, diện tích rừng đã bị phá và trồng trên đó các loại cây gỗ dổi, lát hoa là hơn 24.500m2, cây đã cao khoảng 2m.
Đây là những diện tích rừng thông trồng từ năm 1997, đến nay đã hơn 20 năm tuổi, bị cưa hạ, "ken" gốc hàng loạt, nằm trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng).
Càng đi sâu vào trong rừng, nhóm phóng viên chứng kiến hàng trăm lóng gỗ từ 1-4m, được gom thành từng đống để đốt vẫn còn nham nhở. Những gốc thông đường kính từ 30 - 60cm cũng bị đốt, bị múc gốc để thay thế bằng hàng loạt hố trồng các loại cây mới như dổi, lát hoa.
Ngoài ra, diện tích rừng bị phá gồm các cây thông ba lá bị "ken" gốc gồm 68 cây chết khô; 1,3 ha bị vàng lá.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, toàn bộ díện tích rừng bị phá nêu trên (gần 4 ha) thuộc rừng sản xuất. Trong tổng diện tích rừng bị phá có một phần diện tích được giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2018 giao cho một số hộ đồng bào dân tộc thôn Boóp La, xã Phí Liêng nhận khoán do ông K'La làm tổ trưởng.
Trước thực trạng trên, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc diện tích rừng bị phá lớn như vậy nhưng cơ quan chức năng chậm phát hiện, có hay không việc lấn chiếm đất rừng rồi sang nhượng, ông Trần Thanh Lễ, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng cho rằng: "Các đối tượng phá trong thời gian kéo dài, khó phát hiện. Nếu phát hiện được thì trên diện tích nhỏ nên chỉ xử phạt hành chính.
Trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã đề nghị luân chuyển cán bộ quản lý bảo vệ rừng để tránh tình trạng tiêu cực. Nếu phát hiện người nhà cán bộ xã tham gia phá rừng, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý theo pháp luật".
Trong khi đó, ông Lê Văn Tân, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng cho biết: Sau thời gian theo dõi rất lâu, với sự phối hợp của Ban Quản lý rừng, cơ quan Công an đã bắt và tạm giam đối tượng Lê Xuân Tuấn, ngụ tại thôn Thanh Bình, xã Phí Liêng.
Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để đưa ra hình thức xử lý. Ông Tân cho rằng: "Công tác quản lý bảo vệ rừng hết sức khó khăn, các đối tượng phá rừng chờ khi trời tối hoặc sáng sớm để hành động.
Về tình trạng trồng cây để phân lô bán đất, chúng tôi chưa phát hiện được vụ việc nào, thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại, nếu phát hiện chia lô trái phép để bán thì sẽ tổ chức giải tỏa, trồng lại rừng.
Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri người dân có nêu ra tình trạng cán bộ kiểm lâm tổ chức bán diện tích đất rừng đã thu hồi cho những người có nhu cầu, tuy nhiên chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ thông tin này."
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng hiện quản lý trên 11.000 ha, với nhiều tiểu khu khác nhau. Phần lớn diện tích bị phá nằm gần trục đường của xã Phi Liêng, huyện Đam Rông. Trước tình trạng phá rừng diễn ra trong thời gian dài, diện tích tác động lớn, dư luận đang đặt câu hỏi đây là thiếu trách nhiệm hay có sự tiếp tay cho "lâm tặc" phá rừng./.
Theo Đặng Tuấn - Nguyễn Dũng/TTXVN
Điều tra vụ phá rừng từ chiếc điện thoại đánh rơi tại hiện trường 151 cây thông 30 năm tuổi tại khu rừng thông rộng hơn 8.500m2 - nằm cạnh tỉnh lộ 725, cách trụ sở UBND xã Tà Nung, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 1km - bị khoan lỗ bơm thuốc độc. Ngày 17.10, UBND TP.Đà Lạt cho biết đang chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra vụ hủy hoại rừng thông tại khoảnh 11,...