Liên tiếp 5 ổ dịch bạch hầu, dân đổ xô cho con đi tiêm phòng
Nhiều phụ huynh cho con đi tiêm vắc-xin bạch hầu khiến một số điểm tiêm chủng quá tải, có nơi rơi vào tình trạng phải vừa tiêm… vừa chờ vắc-xin bổ sung.
Cuối tháng 6/ 2020, trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho học sinh các khối lớp.
Nhiều phụ huynh dẫn con đi tiêm chủng sau khi có 12 ca mắc bạch hầu
Chị Nguyễn Thanh Lợi, phụ huynh có con học tại trường cho biết, hiện nay bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trong tỉnh, chủ yếu là trẻ nhỏ.
“Khi trường thông báo có ngành y tế về tiêm tại trường, tôi đã nói cho nhiều phụ huynh khác cùng đăng ký tiêm cho con”, chị Lợi nói.
Theo Ban giám hiệu Trường tiểu học Lê Hồng Phong, trường đã thông báo cho tất cả phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay trường có gần 50% học sinh đăng ký tiêm tại trường.
Gần 50% học sinh đăng ký tiêm tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong
“Do nhu cầu tiêm phòng cao, trong đó có cả học sinh của trường khác đến trường tiêm vắc-xin nhờ nên xảy ra tình trạng không đủ vắc-xin, phụ huynh và cả học sinh phải ngồi chờ”, một giáo viên cho hay.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Gia Nghĩa), theo thông báo từ Trung tâm Y tế TP. Gia Nghĩa là sáng thứ 7 (ngày 27/6) sẽ tiến hành tiêm chủng cho học sinh của trường có nhu cầu. Tuy nhiên kế hoạch bị hủy vào phút chót vì không có vắc-xin.
Học sinh phải chờ hàng giờ để được tiêm chủng
Video đang HOT
Chị Nguyễn Thị Hiền, một phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, trước diễn biến của dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, vì trường chưa tổ chức tiêm cho các cháu nên chị phải chủ động cho con đi tiêm vắc-xin phòng dịch.
“Phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ cháu mới được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm. Sau đó phải chờ thêm gần 1 tiếng nữa mới được tiêm vì số lượng người có nhu cầu nhiều quá”, chị Hiền cho hay.
Bác sĩ Lê Dư, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế TP. Gia Nghĩa) cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, ngành y tế thành phố đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu trong cộng đồng, nhất là phối hợp với các trường học tiêm vắc-xin cho học sinh.
“Do nhu cầu nhiều nên việc liên hệ vắc-xin hiện nay cũng có phần khó khăn, nhưng cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu tiêm cho trẻ. Dựa vào lượng vắc-xin được cung ứng về, Trung tâm sẽ triển khai tiêm phòng cho học sinh ở tất cả các trường trên địa bàn khi phụ huynh đăng ký”, bác sĩ Dư cho hay.
“Do nhu cầu nhiều nên việc liên hệ vắc-xin hiện nay cũng có phần khó khăn”, BS. Dư cho biết
Theo bác sĩ Dư, Trong bối cảnh bệnh bạch hầu phát sinh hiện nay, việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ là điều hết sức cần thiết. Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên cần tiêm mũi nhắc. Khi tổ chức tiêm ở các nhà trường, phụ huynh cũng có thể đăng ký tiêm vắc-xin.
Trước đó, vào những tháng cuối năm 2019, với diễn biến bệnh xuất hiện ở các tỉnh, thành, ngành y tế và ngành giáo dục đã phối hợp triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều cho 17.000 trẻ 7 tuổi, bao gồm tất cả học sinh khối lớp 2 trong toàn tỉnh và trẻ 7 tuổi đang theo học lớp 1 hoặc trong cộng đồng thuộc vùng có nguy cơ cao.
Sáng 29/6, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, trước diễn biến của dịch bạch hầu tại Đắk Nông, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã bổ sung cho địa phương 10.000 liều vắc- xin bạch hầu. Tuy nhiên, số vắc xin này cũng chỉ đủ đáp ứng tiêm phòng cho người dân tại khu vực đang có dịch. Hiện địa phương vẫn cần lượng lớn vắc- xin bạch hầu nữa.
Tỉnh Đắk Nông đề nghị được bổ sung thêm vắc- xin bạch hầu
“Việc tiêm chủng bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu – uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7-40 sinh sống tại khu vực có bệnh được triển khai kịp thời. Tuy nhiên, ngành y tế đề xuất tỉnh Đắk Nông, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Bộ Y tế hỗ trợ thêm vắc- xin để triển khai tiêm cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp”, ông Hùng nói.
Trước đó Dân trí đã thông tin, từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 12 ca dương tính với bạch hầu. Trong đó 4 ca mắc tại xã Đắk Sôr (huyện Krông Nô) từ 3 đến 8/6; 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hoà và Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long.
Học sinh xã Quảng Hòa đã đi học trở lại sau khi nghỉ chống dịch bạch hầu
Hiện tại, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 1 ca tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6 xã Quảng Hoà. 1 trường hợp khác trong tình trạng nặng, đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM. Hiện bệnh nhi 13 tuổi này vẫn đang nguy kịch do bạch hầu đã biến chứng tim.
Hiện tại, tỉnh Đắk Nông có 5 ổ dịch bạch hầu tại xã Quảng Phú, xã Đắk Sôr (huyện Krông Nô) và xã Đắk R’măng, xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’long).
Bệnh bạch hầu hay bệnh dịch COVID-19 "đáng sợ" hơn, cách điều trị ra sao?
Nếu so sánh với COVID-19 thì bệnh bạch hầu đáng sợ hơn vì tỉ lệ xảy ra biến chứng dẫn đến tử vong cao hơn. Tuy nhiên nhờ vào vắc xin mà bệnh đã được kiểm soát khá tốt trong khoản 50 năm trở lại đây.
Vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu. Ảnh minh hoạ: Thảo Anh.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh này gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheria. Đây là vi khuẩn gram dương, hình que, hiếu khí. Vị trí tấn công phổ biến nhất vi khuẩn này là vùng hầu họng và hình thành màng giả (pseudomembrane) màu trắng nên bệnh có tên gọi là Bạch Hầu.
Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể nhiễm ở vùng da hoặc bộ phận sinh dục (hiếm xảy ra). Giống như bệnh COVID-19, vị trí gây bệnh chủ yếu ở đường hô hấp nên việc lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu cũng xảy ra dễ dàng qua đường các hạt dịch hô hấp bắn ra từ người bệnh.
Vì đây là vi khuẩn (bacteria) chứ không phải là virus như SARS-CoV-2 nên chúng có khả năng tự sống sót độc lập trong môi trường ngoài cơ thể vật chủ tốt hơn, từ 7 ngày cho đến 6 tháng. Từ đó tăng cơ hội nhiễm sang người khác hơn nếu vùng có người bị nhiễm bệnh không được làm vệ sinh tiệt trùng kỹ.
Triệu chứng bệnh
Các triệu chứng ban đầu bao gồm khó chịu, đau họng, chán ăn và sốt nhẹ ( khoảng 38 độ C). Trong vòng 2-3 ngày, một màng màu trắng hơi xanh hình thành và mở rộng, từ việc che một mảng nhỏ trên amidan đến bao phủ hầu hết vòm miệng. Thông thường vào thời điểm đi khám bác sĩ thì màng đã có màu xanh xám hoặc đen nếu đã bị ra máu.
Màng này bám chắc vào mô và nếu cố gắng loại bỏ nó sẽ gây ra máu. Nếu sự màng này mở rộng do sự sinh sản của vi khuẩn có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp. Trong khi một số bệnh nhân có thể phục hồi vào thời điểm này mà không cần điều trị, những người khác có thể bị bệnh nặng hơn và thậm chí tử vong.
Điều trị và tỉ lệ tử vong
Việc điều trị bạch hầu ngày nay thường được kết hợp sử dụng kháng sinh (penicillins, cephalosporins, erythromycin, and tetracycline) để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu với chất kháng độc tố (antitoxin) để trung hòa các độc tố do vi khuẩn tiết ra. Bệnh nhân bạch hầu thường được cách ly cho đến khi họ không còn khả năng lây nhiễm cho người khác, thường là khoảng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.
Tỷ lệ tử vong chung của trường hợp mắc bệnh bạch hầu là 5%-10%, với tỷ lệ tử vong cao hơn (lên tới 20%) ở trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi.
Do tỷ lệ tử vong cao và khả năng lây lan dễ dàng nên vào giai đoạn trước khi vắc xin được áp dụng rộng rãi thì bệnh này đã từng là nỗi sợ hãi của nhiều nơi trên thế giới.
Ở Anh và xứ Wales trong những năm 1930, bệnh bạch hầu là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em dưới 15 tuổi. Hoa Kỳ đã ghi nhận 206.000 trường hợp mắc bệnh Bạch Hầu vào năm 1921, dẫn đến hơn 15500 ca tử vong. Trong thế chiến thứ 2, dịch bệnh này cũng làm khoảng 1 triệu người ở châu Âu nhiễm bệnh và khoảng 50 ngàn người chết.
Vắc xin - cách phòng bệnh hiệu quả
Quá trình phát triển vắc xin ngừa bệnh Bạch Hầu được bắt đầu từ những năm 1900, với mục tiêu điều trị dự phòng bằng các hỗn hợp độc tố (toxin) và chất kháng độc tố (antitoxin). Sau đó toxoid, dạng độc tố được bất hoạt (không còn độc nữa), được phát triển vào khoảng năm 1921 để thay thế nhưng không được sử dụng rộng rãi cho đến đầu những năm 1930.
Nó được kết hợp với vaccine uốn ván, ho gà và bắt đầu được sử dụng đại trà vào những năm 1940 đã làm cho số lượng người nhiễm bệnh bạch hầu giảm đáng kể trên thế giới, dữ liệu cho thấy ở Mỹ trong giai đoạn sau 1950 số lượng này đã giảm hơn 90% và nhiều năm không có phát hiện ca nào.
Tuy việc vắc xin bệnh bạch hầu đã và đang được thực hiện rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới nhưng thỉnh thoảng dịch bệnh cũng bùng phát ở một số nơi, đặc biệt là các vùng nghèo, tình trạng y tế thiếu thốn hoặc quản lý về tiêm phòng lỏng lẻo và cả những nơi mà có phong trào "anti vắc xin" (chống vắc xin).
Các kết quả nghiên cứu về dịch tễ cho thấy trong cộng đồng cần có lượng người được chích vaccine khoảng từ 80-85% để có hiệu quả của miễn dịch cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng là một phương pháp hiệu quả trong việc phòng các bệnh truyền nhiễm khi vắc xin hiệu quả đã được tìm ra. Do vậy để ngăn ngừa được dịch bệnh này việc làm tốt nhất hiện nay đó là chích ngừa vắc xin.
TS Nguyễn Hồng Vũ. Ảnh: NVCC.
Bệnh bạch hầu, triệu chứng và cách phòng bệnh Bệnh bạch hầu khiến một bé gái 9 tuổi tại Đắk Nông tử vong, làm người dân vô cùng lo sợ về căn bệnh này. Vậy, bạch hầu có các triệu chứng và phòng bệnh như thế nào. Các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại TTYT huyện Krông Nô, Đắk Nông (ảnh: internet) Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm...