Liên tiếp 2 bé trai bị hoại tử tinh hoàn
Bệnh nhi có biểu hiện đau bìu, sưng tấy vùng bìu nhưng nhập viện trễ, khi được bác sĩ phát hiện thì tinh hoàn đã hoại tử buộc phải cắt bỏ. Đây là 2 trường hợp đáng tiếc xảy ra ở trẻ bị xoắn tinh hoàn nhưng không được phát hiện sớm.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (ngày 2/7) cho hay, tại đây vừa liên tục tiếp nhận 2 bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn. Trường hợp thứ nhất là bé trai N.V. (9 tuổi, ngụ tại Ninh Thuận) được gia đình đưa tới phòng khám của bệnh viện vì đau vùng bìu trái. Người nhà cho hay, bệnh nhi đã được bệnh viện tuyến dưới thăm khám, điều trị nhưng không khỏi.
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ tuổi dậy thì
Qua các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn nên chỉ định mổ cấp cứu. Ê-kíp phẫu thuật ghi nhận tinh hoàn trái của bệnh nhi bị xoắn 2 vòng đã hoại tử không thể điều trị bảo tồn. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ tinh hoàn trái của bệnh nhi và thực hiện thủ thuật cố định tinh hoàn phải để tránh nguy cơ xoắn có thể xảy ra.
Một trường hợp đáng tiếc khác là bé trai 2 ngày tuổi, ngụ tại TPHCM. Cháu nhập viện với biểu hiện sưng bìu trái, quấy khóc. Qua thăm khám, siêu âm bìu bác sĩ chẩn đoán bé bị xoắn tinh hoàn trái nên chỉ định phẫu thuật khẩn. Tuy nhiên, nỗ lực của bác sĩ không mang lại kết quả khả quan bởi tinh hoàn bị thiếu máu tưới đã hoại tử buộc phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn là xoắn cấu trúc của thừng tinh, ngăn cản nguồn cung cấp máu, gây hoại tử hoặc teo tinh hoàn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do tinh hoàn không được cố định vững chắc. Bác sĩ khuyến cáo đây là bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là tuổi sơ sinh và tuổi dậy thì.
Bệnh lý trên là cấp cứu ngoại khoa, cần được can thiệp càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ phải cắt tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở tuổi trưởng thành. Do đó khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường như: đau bìu, sưng tấy bìu, có thể kèm nôn ói, đau bụng, tiểu lắt nhắt phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Li Uyên
Video đang HOT
Theo Dân trí
9 thủ phạm khiến nam giới đau tức vùng kín
Đau vùng bìu có thể do giãn tĩnh mạch tinh, viêm tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, nấm và các sang thương viêm mô bìu...
Bác sĩ Võ Duy Tâm, Trung tâm sức khỏe nam giới Men's Health cho biết, đau bìu là một biểu hiện gặp ở không ít nam giới. Bìu là một túi chứa tinh hoàn - "nhà máy sản xuất các tinh binh". Khi đau bìu xảy ra, nhiều người không tránh khỏi tâm trạng bất an về sinh lý và khả năng sinh sản của mình.
Có nhiều kiểu đau khác nhau, có thể đau âm ỉ, tưng tức hoặc đau dữ dội, có thể lúc đau ngắt quãng hoặc đau liên tục không ngớt. Bản thân tính chất của các cơn đau sẽ gợi ý căn nguyên gây bệnh.
Giãn tĩnh mạch tinh
Bệnh lý giãn tĩnh mạch tinh thường gặp trên cơ địa những nam giới phải ngồi nhiều, đứng lâu, làm việc nặng, gồng khối cơ bụng nhiều, đặc biệt là nhóm văn phòng, giáo viên, người làm về công nghệ thông tin... Đa số các cơn đau bìu chỉ ở mức nhẹ đến trung bình nhưng cảm giác tưng tức đeo bám suốt. Đau thường tự giảm khi người bệnh nằm nghỉ ngơi. Đôi lúc dù tĩnh mạch đã giãn nặng nhưng không hề có triệu chứng gì.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn, vô sinh nam. Máu đỏ theo động mạch đến tinh hoàn nhưng không hồi lưu về được dần chuyển thành máu đen không dưỡng chất, dẫn đến thiểu dưỡng gây teo tinh hoàn. Đồng thời điều này làm nóng vùng bìu tinh hoàn do cơ thể trao đổi nhiệt dựa vào tuần hoàn máu bị hư hỏng, từ đó giảm sinh tinh, gây thiểu nhược quái tinh, bất thường về số lượng, chất lượng và hình dạng tinh trùng.
Ảnh: livestrong.
Viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn
Viêm nhiễm vùng bìu, sinh dục cũng gây đau kèm các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đặc biệt viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn. Bệnh có thể diễn tiến nhanh, làm đau tinh hoàn liên tục, mức độ trung bình đến nặng. Tác nhân có thể do virus như quai bị, do vi khuẩn ngược dòng từ đường tiết niệu hoặc do các bệnh lý lây qua đường tình dục.
Nấm và các sang thương viêm mô bìu
Ngứa cơ quan sinh dục, vùng bẹn bìu có thể là biểu hiện của tình trạng nhiễm nấm da hoặc các sang thương viêm mô bìu, gây sang thương đỏ da, tróc vảy, thậm chí dẫn đến hiện tượng bỏng rát và không kém phần đau đớn.
Chấn thương
Chấn thương đụng dập vùng bìu tiềm ẩn nguy cơ gây tụ máu, chảy máu trong hoặc ngoài bìu, tinh hoàn, tổn thương tinh hoàn kín đáo. Nam giới có thể cảm giác đau tức liên tục, thậm chí kéo dài nhiều ngày sau chấn thương.
Thoát vị bẹn bìu
Thoát vị bẹn có vị trí đau thường ở vùng nếp háng, kèm với khối phồng, to lên khi đứng hoặc ngồi hoặc khi ho, nhỏ lại khi nằm nghỉ. Trong một số trường hợp cơn đau có thể lan tới tận bìu. Đau có thể tưng tức nhẹ nhàng và tự hết khi nghỉ ngơi, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ thắt nghẹn túi thoát vị gây đau dữ dội và yêu cầu xử trí cấp cứu.
Sỏi thận - sỏi niệu quản
Các cơn đau hông lưng, lan đằng trước bụng đến bụng dưới, lệch sang hai bên, đau từng cơn, kèm cảm giác buồn nôn và nôn, đôi khi có sốt lạnh run là các đặc điểm tương đối đặc trưng của cơn đau quặn thận, thường gặp do sỏi thận, sỏi niệu quản. Không ít trường hợp cơn đau có thể lan tới tận bìu, tinh hoàn. Rất may đây chỉ là một kiểu đau quy chiếu do sự phân bố thần kinh mà bìu, tinh hoàn hầu như không có tổn thương nào.
Xoắn tinh hoàn
Tinh hoàn được treo bên ngoài cơ thể, bên trong túi bìu bởi cuống mạch máu, thần kinh là thừng tinh. Nếu không may vì lý do nào đó, cuống mạch máu bị cuộn xoắn sẽ gây cản trở cả máu tới và máu về tinh hoàn, từ đó gây cơn đau bìu - tinh hoàn dữ dội kèm sưng tấy, phù nề. Nếu tình trạng không được giải quyết cấp cứu sẽ đe dọa sự sống của tinh hoàn.
Nang mào tinh, tràn dịch tinh mạc
Về cơ bản, nang mào tinh là một u nang tồn tại trong ống dẫn tinh trùng, phần lớn là lành tính. Tuy nhiên nếu nang quá lớn có thể dẫn đến căng tức và gây đau.
Tương tự đối với tràn dịch tinh mạc, khi lớp dịch tích tụ trong các lớp tinh mạc quá nhiều có thể gây triệu chứng. Lưu ý tràn dịch tinh mạc ở người lớn kèm với sờ chạm thấy khối cứng ở tinh hoàn cần được loại trừ ung thư.
Đau bìu hậu phẫu
Các phẫu thuật liên quan vùng bẹn bìu, tinh hoàn đôi lúc để lại các di chứng khó tránh khỏi, tụ dịch, tụ máu, tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu, dẫn đến đau bìu mãn tính sau phẫu thuật.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo, với các nguyên nhân đa dạng, mức độ tổn hại của việc đau bìu - tinh hoàn có thể đơn giản đến nghiêm trọng, thậm chí mất một hoặc cả hai tinh hoàn. Cần thăm khám để xác định sớm nguyên nhân và có hướng điều trị hợp lý, kịp thời.
Lê Phương
Theo vnexpress.net
Hai bé trai bỗng bị hoại tử tinh hoàn 5 ngày trước, bé L. luôn đau đớn, khó chịu; qua kiểm tra người nhà phát hiện bé L. bị sưng bìu trái. Khi vào đến BV Nhi Đồng 2, tinh hoàn bé phải bị cắt bỏ. Bệnh nhi N.V.L (9 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) nhập viện Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP HCM vì đau, sưng bìu trái nhiều ngày....