Liên quân thực hiện 30 cuộc không kích mới vào IS
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 21/11 thông báo Mỹ và các đồng minh đã thực hiện 30 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria kể từ hôm 19/11.
Vụ không kích nhằm vào mục tiêu của IS trên đồi Tilsehir ở Kobane, Syria (ảnh: AFP/TTXVN)
Theo CENTCOM, trong số 23 cuộc không kích ở Iraq có 6 cuộc gần Baiji, phá hủy các tòa nhà, phương tiện đi lại và các đơn vị chiến thuật của IS. Hai đơn vị chiến thuật của lực lượng thánh chiến gần Sinjar cũng đã bị phá hủy trong 4 cuộc không kích. Liên quân cũng tấn công những mục tiêu tương tự ở phía Tây Kirkuk, gần Mosul, Ramadi và ở Tal Afar.
Tại Syria, 6 cuộc không kích gần Kobane đã phá hủy các khu vực tập kết của IS. Trong khi đó, một lán trại của nhóm này gần Ar Raqqah cũng bị không kích.
Trong diễn biến liên quan, giới chức địa phương cho hay các tay súng IS ngày 21/11 đã tấn công một khu nhà chính quyền ở trung tâm Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar. Đây là một phần trong cuộc tấn công phối hợp của IS nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố này, cách thủ đô Baghdad (Iraq) 100 km về phía Tây.
Nga kêu gọi cắt đứt nguồn tài chính của IS
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov ngày 21/11 tuyên bố phải cắt đứt nguồn hỗ trợ tài chính cho IS, đồng thời lưu ý chiến dịch này cần được tiến hành trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền chủ quyền quốc gia.
Hãng tin Interfax dẫn lời ông Bogdanov nói: “Phải cắt đứt các nguồn tài trợ quốc tế cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant (tên gọi khác của IS) bằng những cách tiếp cận dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của các nước liên quan”.
Theo ông Bogdanov, IS là tổ chức khủng bố giàu có nhất từng tồn tại, bởi nhóm này không chỉ nhận được hỗ trợ tài chính từ bên ngoài mà còn thu được các khoản tiền lớn từ hoạt động buôn bán ma túy và dầu mỏ tại những khu vực mà IS chiếm giữ. Những khoản tiền này được chúng dùng để mua vũ khí và chiêu mộ các tay súng trên toàn thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện người Kurd Iraq
Tờ “Hurriyet Daily News” ngày 21/11 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ huấn luyện các lực lượng người Kurd ở Iraq để chiến đấu chống phiến quân thuộc nhóm IS tại Iraq.
Video đang HOT
Theo báo trên, Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq đang hợp tác thực hiện một chương trình huấn luyện ở miền Bắc Iraq trong 1 tháng qua. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu được báo trên dẫn lời khẳng định Ankara sẽ tiếp tục hỗ trợ người Kurd ở Iraq, trong đó có việc huấn luyện lực lượng Peshmerga (chiến binh người Kurd). Ông Davutoglu nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cho khu vực người Kurd”.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm 3 ngày nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo nước này đóng vai trò lớn hơn trong liên minh chống IS.
Trong một diễn biến liên quan, chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen đã lên án nhóm IS vì tuyên bố thành lập vương quốc tại vùng lãnh thổ mà IS chiếm giữ tại Syria và Iraq cũng như kế hoạch của tổ chức này mở rộng hơn nữa các khu vực kiểm soát.
Trong tuyên bố đăng trên một tài khoản Twitter chính thức, Harith al-Nadhari, một thủ lĩnh tinh thần của Al-Qaeda tại Yemen, cho rằng những ý đồ bành trướng như vậy “đang gây chia rẽ” các nhóm thánh chiến, ám chỉ việc thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi mới đây kêu gọi tín đồ “làm bùng nổ các núi lửa thánh chiến ở khắp nơi”. Theo al-Nadhari, đáng lẽ IS phải “tham vấn” các nhóm phiến quân khác.
Lực lượng cực đoan IS ban đầu phát động tấn công nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng các nhóm khác, trong đó có cả Al-Qaeda, đã quay sang chống lại tổ chức thánh chiến này.
Theo T.N/Tin tức
Sức mạnh của IS lớn gấp 7 lần ước tính của phương Tây
Quân IS học nhanh cách dùng vũ khí mới, có lãnh thổ rộng để tuyển một lượng lớn tân binh, và có thể mở đồng thời nhiều mặt trận.
Phương Tây có thể đã đánh giá quá thấp sức mạnh của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), một lãnh đạo người Kurd vừa tuyên bố. Theo ông này, IS có thể đã xây dựng một đạo quân đông tới ít nhất là 200.000 binh lính.
CIA chưa tính đến lực lượng "dự bị động viên"?
Con số này là lớn gấp 7 lần các ước tính mà tình báo phương Tây đưa ra (khoảng 31.500 quân) - Fuad Hussein, Chánh văn phòng của Tổng thống khu tự trị người Kurd Massoud Barzani, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ The Independent vào hôm 16/11.
Thị trấn Kobani (ảnh: Getty Images)
Ông Hussein đưa ra giả thuyết cả CIA và các cơ quan tình báo khác của Mỹ có thể mới chỉ nói tới các chiến binh "nòng cốt" khi ước đoán số lượng chiến binh jihad.
Hussein phân tích rằng, khả năng của IS tấn công các mặt trận cách xa nhau ở Iraq và Syria cùng một lúc là bằng chứng về số lượng binh sĩ gia tăng.
Cụ thể, "chúng đang chiến đấu ở thị trấn Kobani... Ở Kurdistan vào tháng trước, chúng mở các cuộc tấn công ở 7 địa điểm khác nhau cũng như ở Ramadi (thủ phủ tỉnh Anbar, phía tây ở Baghdad) và Jalawla (một thị trấn Arab-Kurd sát với biên giới Iran). Không thể nói về chuyện chỉ có 20.000 lính IS".
Vị chánh văn phòng này ước tính IS đang "cai trị" khoảng 1/3 lãnh thổ của Iraq và của Syria, với dân số 10-12 triệu, sống trên một diện tích tương ứng với nước Anh. Điều này mang lại cho các chiến binh thánh chiến một nguồn bổ sung tân binh rất dồi dào.
"IS có thể huy động nam thanh niên Arab ở lãnh thổ mà chúng đã chiếm, có thể hàng trăm ngàn chiến binh," Fuad nói.
Lính IS đông như vậy cũng là một nguyên nhân khiến các cuộc không kích do Mỹ tiến hành chưa gây ra tác động lớn đối với chúng.
Việc đánh giá thấp quy mô của IS đã giải thích vì sao Mỹ và các chính phủ nước ngoài liên tiếp bị bất ngờ trong 5 tháng qua, khi các chiến binh IS buộc quân đội Iraq và Syria hứng chịu các thất bại liên tiếp.
Mỹ và các liên minh hiện bắt đầu thừa nhận các trở ngại trong việc thực hiện cam kết của Tổng thống Obama làm suy yếu rồi tiến tới tiêu diệt IS.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey đã tới Baghdad vào hôm 15/11 "để hiểu rõ tình hình thực địa về cách thức đóng góp của Mỹ".
Hồi đầu tuần, ông có nói với Quốc hội Mỹ rằng để đánh bại IS, sẽ phải cần một đội quân hiệu quả gồm 80.000 binh sĩ. Ít người ở Iraq tin rằng quân đội chính quy của nước này lại đảm đương được nhiệm vụ. Hiện chính quyền địa phương của người Kurd đang đối mặt với các đơn vị của IS dọc theo một mặt trận dài 650 dặm cắt qua miền bắc Iraq giữa Iran và Syria.
Lắm chiêu nhiều trò
Ngoài việc khủng bố tinh thần các đối thủ thông qua việc phát hành thông tin về các tội ác ghê rợn của mình, nhóm IS còn phát triển một chuỗi các chiến thuật hiệu quả, bao gồm đánh bom liều chết, đặt mìn, bắn tỉa và sử dụng chính các khí tài của Mỹ thu được từ quân đội Iraq như là xe quân sự Humvee, pháo binh và xe tăng.
Theo Hussein, để đối phó với chúng, người Kurd cần đến trực thăng Apache, và các vũ khí hạng nặng như là trọng pháo và xe tăng.
Vẫn theo lời lãnh đạo người Kurd này, chiến sự trong 5 tháng qua cho thấy IS đã trở thành một lực lượng quân sự đáng gờm. "Ý của chúng tôi là một nhà nước có quân đội và hệ tư tưởng riêng... Chúng không chỉ muốn người dân học cách dùng súng, chúng còn muốn người dân được huấn luyện theo hệ tư tưởng của chúng, nói cách khác là bị tẩy não".
Một dấu hiệu cho thấy tính chuyên nghiệp quân sự của IS là tốc độ IS làm chủ các vũ khí ngoại mà chúng thu được.
The Independent dẫn lời Hussein nói rằng "Chúng (IS) sẽ chiến đấu tới chết, chúng được huấn luyện tốt và có trong tay những kẻ bắn tỉa thiện xạ".
Có bằng chứng ủng hộ lập luận của Hussein về số lượng lính IS. Một nghiên cứu do văn phòng cố vấn an ninh quốc gia ở Baghdad tiến hành cho thấy khi 100 tên lính jihad xâm nhập một khu vực nào đó, chúng sẽ nhanh chóng tuyển thêm quân với số lượng gấp 5-10 lần quân số ban đầu của nhóm đó.
Có nhiều báo cáo cho thấy có nhiều nam thanh niên tình nguyện chiến đấu cho IS, dù cho nhiệt thuyết của những kẻ đó có giảm chút ít kể từ khi có các cuộc không kích của Mỹ.
Ở một khu vực nghèo đói ít việc làm, IS trở nên hấp dẫn khi cung cấp việc làm với mức lương 400 USD/tháng.
Hơn nữa, Hussein cho hay ở những nơi mà IS đã chinh phục, chúng đang cố định hình lại xã hội ở đó theo hình ảnh của mình, uốn nắn người dân chấp nhận hệ tư tưởng của IS.
IS, trước kia có tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant, là một tổ chức jihad Sunni. Hồi tháng 6/2014, tổ chức này đã bị Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách một tổ chức khủng bố.
Vào ngày 29/6, tổ chức này tự xưng là nhà nước caliphate dưới trướng của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, và tên chính thức của nhóm được đổi thành "Nhà nước Hồi giáo"./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN/(theo Times of India)
Tiết lộ gây sốc của tên không tặc vụ 11/9 "Tên không tặc thứ 20" trong vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001 vừa có tiết lộ chấn động khi được yêu cầu chứng thực tại tòa án. Zacarias Moussaoui, 46 tuổi, chiến binh thánh chiến đang thụ án chung thân vì những cáo buộc khủng bố trong vụ 11/9, vừa tuyên bố một thành viên của Hoàng gia Ảrập Xêút...