Liên quân chống IS: Đồng sàng dị mộng
Mặc dù cùng tập hợp dưới ngọn cờ của liên minh chống khủng bố do Mỹ phát động nhưng các nước thành viên lại có những đánh giá và ưu tiên khác nhau trong việc loại bỏ nguy cơ nhức nhối nhất hiện nay là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Những toan tính lợi ích trái ngược trong liên minh khiến IS chưa thể bị tiêu diệt.
Sự sốt sắng cực độ của Mỹ, sự chần chừ của phương Tây, sự tham gia bất ngờ của một số quốc gia Trung Đông và thái độ thờ ơ, thậm chí có phần lảng tránh, của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS đang đặt ra nhiều câu hỏi cho giới phân tích. Những toan tính chiến lược là nguyên nhân khiến các nước có những hành động và ưu tiên khác nhau trong ngắn hạn, cho dù có cùng mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt khủng bố.
Với Mỹ, quốc gia phát động và dẫn đầu cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, ưu tiên hàng đầu là phải loại bỏ mọi mưu đồ tiến hành các cuộc tấn công tinh vi, phức tạp nhằm vào nước Mỹ và lợi ích của Mỹ. Vì vậy, trước sự trỗi dậy bạo lực và cực đoan của IS, Mỹ đã tập hợp được một liên minh rộng rãi với gần 60 nước tính đến thời điểm này. Nhiệm vụ của liên minh là tiến hành các đợt không kích nhằm vào hệ thống mục tiêu của IS ở Iraq và Syria, hai quốc gia tổ chức này đang hoạt động mạnh nhất.
Khi giải thích về quyết định chỉ sử dụng không lực mà không viện đến bộ binh dù đây là yếu tố cần thiết đảm bảo thắng lợi cho cuộc chiến chống IS, Tổng thống Barack Obama nói rằng ông không thể đứng nhìn binh lính Mỹ một lần nữa phải đổ xương máu ở chiến trường Trung Đông.
Tuy nhiên, theo cắt nghĩa của các nhà phân tích, quyết định này thực chất bắt nguồn từ những khó khăn mà ông chủ Nhà Trắng đang phải đối mặt như đấu đá chính trị nội bộ trước thềm bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ngày 4/11, sự phục hồi kinh tế chưa đủ mạnh và nguy cơ nước Mỹ bị dàn trải cùng lúc trên quá nhiều mặt trận đối ngoại. Ngoài ra còn phải kể đến ý đồ “chính trị hóa” cuộc chiến của Nhà Trắng khi ông Obama chủ ý lấy cớ chống khủng bố để củng cố sức mạnh cho phe nổi dậy Syria hòng lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Những toan tính này của Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến chiến dịch chống IS, khiến sự ra tay của cộng đồng quốc tế nhìn bề ngoài tuy có vẻ rầm rộ nhưng thực chất đem lại rất ít hiệu quả. Bởi, để thành toàn những kế hoạch của mình, Mỹ chỉ đặt mục tiêu hạn chế sự lớn mạnh của IS chứ chưa muốn “nhổ tận gốc” ngay lực lượng này. Nói cách khác, Washington muốn lợi dụng “khối ung thư” IS để thực hiện tham vọng lật đổ chính quyền Assad, đồng minh thân cận nhất của Nga ở Trung Đông. Việc Nhà Trắng từ chối mời Iran và Syria tham gia cuộc chiến, dù đây là hai nước có ảnh hưởng quyết định đến kết quả chiến dịch, là minh chứng rõ ràng nhất.
Cũng như Mỹ, các chính phủ châu Âu tỏ ra khá lưỡng lự trong việc mạnh tay tiêu diệt IS. Châu Âu lo sợ sẽ bị IS trả thù vì lực lượng này không chỉ có trong tay nguồn tài chính dồi dào, công nghệ chế bạo bom siêu đẳng, nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại cùng đội quân tinh nhuệ, mà còn đang nắm trong tay hàng nghìn thành viên mang hộ chiếu châu Âu.
Theo số liệu thống kê không chính thức, khoảng một nửa trong tổng số 30.000 tay súng IS là công dân các nước châu Âu và Mỹ. Nếu bị dồn đến đường cùng, IS sẽ sử dụng chính những “quả bom di động” này để phá hoại các nước châu Âu từ bên trong bằng cách cử họ về nước thực hiện các vụ đánh bom.
Tất nhiên, ở những xã hội luôn đề cao tự do cá nhân như xứ trời Âu, các tay súng IS mang quốc tịch châu Âu có thể đi lại một cách dễ dàng. Vì thế, chính phủ nhiều nước châu Âu không muốn tham gia cuộc chiến, hoặc nếu tham gia thì cũng chỉ cầm chừng, không dám mạnh tay.
Video đang HOT
Trong khi đó, đối với các nước Arập tham gia liên minh như Arập Xêút, UAE, Jordan, Bahrain và Qatar, IS bị coi là “mối đe dọa trực tiếp về an ninh” và “đối tượng số 1 cần bị tiêu diệt”. Cả 5 nước này đều có mối quan ngại chung về tình hình an ninh trong nước, về việc thể hiện vai trò tích cực trong duy trì an ninh khu vực và bảo vệ uy tín trên trường quốc tế.
Những quan ngại này trước hết xuất phát từ tư tưởng cực đoan và tham vọng thành lập Nhà nước Hồi giáo của IS. Hiện tại, IS không chỉ chống “ngoại đạo phương Tây” mà còn có ý đồ lật đổ các chế độ Arập trong khu vực để thành lập vương quốc riêng. Ngoài ra, khoảng cách quá gần về địa lý với Iraq và Syria cũng khiến các nước Arập phải quyết tâm tiêu diệt IS để đẩy lùi nguy cơ trở thành “con mồi” bị tấn công tiếp theo trong nay mai.
Bên cạnh mối lo về an ninh trong nước và sự bảo toàn chế độ, một số quốc gia Arập như Qatar và UAE tích cực tham gia vào chiến dịch chống IS còn để chứng tỏ rằng họ không tài trợ hay chống lưng cho các tổ chức khủng bố trong khu vực. Trước đó, các nước này được cho là đã cung cấp tài chính và hậu thuẫn cho một số tổ chức muốn lật đổ chính phủ Syria.
Tuy nhiên, kẹt nhất trong cuộc chiến chống IS có lẽ là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO nằm ở vị trí chiến lược nối Trung Đông với châu Âu. Hiện tại, các cuộc tấn công của IS đang diễn ra rất khốc liệt ở thị trấn Anbane của Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Kobane thất thủ, IS sẽ nắm quyền kiểm soát hơn một nửa đường biên giới chung kéo dài 820 km giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng nghĩa với việc biên giới của quốc gia thành viên NATO này sẽ không còn an toàn như trước.
Tuy nhiên, Ankara lại không thể động binh, cả trên bộ và trên không, vì hai lý do. Thứ nhất, nước này đang có hàng trăm công dân nằm trong tay IS cần phải được thương lượng đưa về để tránh làn sóng tức giận bùng phát trong dân chúng. Thứ hai, Ankara không muốn xuất quân giúp đỡ cộng đồng người Kurd ở Anbane vì lo ngại cộng đồng này sẽ kết hợp với lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống chính quyền Ankara đòi thành lập nhà nước riêng. Với hai ký do trên nên đến nay, Ankara vẫn tỏ ra rất thờ ơ cho dù đã nhiều lần bị Mỹ thúc giục, thậm chí chỉ trích.
Dẫu biết, bất kỳ cuộc chiến chống khủng bố nào cũng đòi hỏi các bên phải kiên trì và nhất trí hợp lực. Nhưng trong cuộc chiến chống IS hiện nay, các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói và hành động chung do đang trong cảnh “đồng sàng dị mộng”. Vì vậy nhiều khả năng chiến dịch chống IS mà Mỹ phát động sẽ gặp phải những bước lùi tạm thời, ít nhất cho đến khi các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn (gồm quân đội Iraq và phe đối lập ở Syria) đủ sức chiến đấu trên thực địa.
Đức Vũ
Theo Dantri
3 năm chấp nhận cuộc sống 'đồng sàng dị mộng'
3 năm chấp nhận cuộc sống "đồng sàng dị mộng", nỗi đau và sự hối hận của tôi tăng lên gấp trăm nghìn lần khi chính tôi bắt gặp cảnh anh chở người con gái ấy trên đường. Đã lâu rồi, tôi không còn được nhìn thấy nụ cười ấy của anh.
Tôi thật sự suy sụp. Cái hi vọng mong manh về một ngày nào đó anh sẽ từ bỏ hình bóng cũ mà quay về với mẹ con tôi sụp đổ. Hay hy vọng anh sẽ vì con chấp nhận cuộc sống này đã tan tành theo cái
Chào các bạn đọc mục Tâm sự!
Tôi và con tuy đang ở gần bên nhau hàng ngày, nhưng trong suốt mấy năm nay, tôi cũng đang phải nhận một nỗi đau. Nỗi đau này do chính tôi gây ra và tôi thấy có lỗi, thấy ân hận với con trai tôi rất nhiều.
Năm nay tôi đã 29 tuổi. Bắt đầu từ khi kết hôn, tôi luôn cầu nguyện rằng mình sẽ không phải trả giá cho những gì mình làm trong những ngày tháng trước đây hay ít ra là cái giá đừng quá chát để tôi phải trả giá bằng cả cuộc sống đắng cay sau này. Tất cả chỉ vì sự hiếu thắng và mù quáng trong tình yêu của bản thân.
Tôi hiện giờ thật sự ngao ngán và chán nản cuộc sống này. Chỉ 2 tháng nữa thôi là tôi đã kết hôn tròn 3 năm. Tôi cũng đã may mắn có được một cậu con trai kháu khỉnh hơn 2 tuổi. Nói thật là đây là niềm hạnh phúc và cũng là niềm an ủi duy nhất tôi có từ ngày tôi bước chân vào cuộc hôn nhân này.
3 năm trước, tôi gặp anh - một người khá đẹp trai và tài năng. Ở anh, tôi luôn nhìn thấy sự cuốn hút vô hình mà bấy lâu nay tôi chưa thể bắt gặp ở nhưng người theo đuổi tôi. Cứ như vậy đôi mắt tôi luôn tìm kiếm anh ở mọi nơi. Tôi âm thầm tạo cơ hội có thể tiếp cận anh dù tôi biết anh đã có 1 người bạn gái.
Tôi cũng biết cô ấy là một người tốt, sống tình cảm, được nhiều người yêu quý. Thật sự tôi thấy ghen tỵ với cô ấy. Tôi có gì thua kém cô ấy chứ. Thậm chí tôi có phần nhỉnh hơn cô ấy về nhan sắc, điều kiện của tôi còn tốt hơn cô ấy nhiều lần. Tại sao tôi lại không có được tình yêu của anh, tại sao mọi người chỉ nói về cô ấy?
Có thể lúc đó, sự tò mò về tình yêu của anh dành cho cô ấy cũng là sự hiếu thắng của một tình yêu đơn phương đã làm cho tôi mù quáng bước chân vào cái vòng oan nghiệt mà mình tạo ra. Rồi một ngày có lẽ anh cũng đã nhìn thấy được tâm ý của tôi, anh giúp đỡ quan tâm tôi nhiều hơn. Tôi biết đó là cơ hội cho mình.
Tôi cũng dằn vặt bản thân nhiều lắm khi nghĩ về người con gái kia. Nhưng tôi tự nhủ, có lẽ tình cảm của họ chưa đủ sâu sắc, cô gái kia cũng chẳng sâu sắc trong tình yêu để có thể hiểu anh, chia sẻ với anh những buồn vui trong trong cuộc sống.
Rồi tôi cứ miên man trong suy nghĩ và tình yêu của mình. Tôi trượt dài trong đam mê ấy. Tôi và anh vẫn quấn quýt nhau mỗi khi vắng người con gái kia. Và tôi cũng dần nhận ra trong trái tim anh tôi chẳng là gì so với tình cảm của anh với người con gái ấy. Anh sẽ chẳng bao giờ đánh đổi tình yêu 4 năm trời để yêu tôi.
Tôi biết và tôi đã đánh một ván bài cuối cùng. Tôi gọi điện cho người con gái kia tường thuật mọi chuyện, mọi thời điểm anh đã lừa dối cô ấy để đến với tôi. Và đúng như những gì tôi nghĩ, cô ấy không thể chịu nổi cú sốc và chia tay anh một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ , đó là tôi giải thoát cho cô ấy khỏi sự lừa dối. Tôi không sai.
Anh cũng không níu kéo cô ấy. Tôi biết điều đó, anh là một người luôn giữ lòng tự trọng của bản thân. Anh sẽ chấp nhận những hậu quả do mình gây ra chứ không bao giờ cầu xin níu kéo. Và hơn ai hết, tôi hiểu lúc đó anh không muốn làm cô ấy đau thêm nữa. Anh đồng ý chia tay.
Cùng thời điểm đó, tôi phát hiện mình có thai. Đám cưới đã được tổ chức nhanh chóng để tôi có thể giấu được cái bụng lùm lùm của mình. Từ ngày đó, tôi thấy anh ngày càng lặng lẽ hơn. Cuộc sống của tôi sau hôn nhân cũng vì thế mà ảm đạm đi rất nhiều.
Anh không chia sẻ hay tâm sự bất kì một suy nghĩ nào của anh cho người vợ của mình. Anh cứ lặng lẽ sống như một cái bóng. Tôi đau đớn, khóc lóc, gào thét anh cũng chẳng màng tới, cũng chẳng chịu chui ra khỏi vỏ bọc của bản thân.
Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi chỉ toàn những lần cãi vã mà nguyên nhân cũng chỉ vì anh không đoái hoài đến vợ, để mặc tôi khóc lóc trách móc anh cũng chỉ im lặng, không có sự chia sẻ, không có những câu nói ngọt ngào, vỗ về, không có sự an ủi.
Cũng may tôi còn có mẹ chồng, mẹ đẻ và em gái đối xử tốt và quan tâm tôi. Cứ như vậy, tôi chấp nhận cuộc sống đồng sàng dị mộng của mình tới bây giờ đã gần 3 năm. Nhiều lúc tôi nằm ôm bé Bi mà trào nước mắt tự hỏi: Tại sao cho đến bấy giờ anh vẫn không chịu quên đi hình bóng của người cũ? Anh có tôi và cu Bi để đổi lại hình bóng đó còn chưa đủ hay sao? Tôi đã chịu sự trừng phạt đau đớn như vậy suốt 3 năm cho tới bây giờ vẫn chưa đủ sao?
Và sự thật phũ phàng cay đắng vẫn chưa dừng lại ở đó. Nỗi đau và sự hối hận của tôi tăng lên gấp trăm nghìn lần khi chính tôi bắt gặp cảnh anh chở người con gái ấy trên đường. Đã lâu rồi, tôi không còn được nhìn thấy nụ cười ấy của anh. Và hình như chưa bào giờ tôi được cảm nhận cái xiết tay chặt như hình ảnh mà tôi được nhìn thấy.
Tôi thật sự suy sụp. Cái hi vọng mong manh về một ngày nào đó anh sẽ từ bỏ hình bóng cũ mà quay về với mẹ con tôi sụp đổ. Hay hy vọng anh sẽ vì cu Bi mà chấp nhận cuộc sống này đã tan tành theo cái hình ảnh mà tôi được nhìn thấy.
Tôi thờ thẫn bước về nhà, khi nhìn thấy cu Bi tôi đã không kiềm được mà òa khóc như 1 đứa trẻ. Cu Bi chỉ biết trợn tròn 2 mắt nhìn mẹ mà luống cuống. Tôi thấy có lỗi với con tôi, chính vì tôi mà nó đã phải sinh ra trong cai gia đình như thế này. Thật sự, tôi không cam lòng khi phải buông tay. Nhưng tôi biết phải làm sao bây giờ?
Mỗi khi nghĩ đến hình ảnh ánh mắt và nụ cười hạnh phúc của anh bên người cũ, tôi hiểu rằng hóa ra bấy lâu nay anh lạnh lùng không mở lòng với tôi là vì anh luôn nuôi hi vọng được đoàn tụ với người cũ.
Tôi đã thực sự kiệt sức khi phải nghe chính anh nói: "Từ trước tới giờ người anh yêu cũng chỉ có mình cô ấy. Nay cô ấy đã tha thứ cho anh, anh không thể để mất cô ấy thêm một lần nữa. Anh xin lỗi nhưng dù thế nào cu Bi vẫn là con của anh, mọi chuyện đều do anh. Em đừng oán trách cô ấy, cô ấy đã phải chịu quá nhiều sự tổn thương từ 2 chúng ta rồi"...
Tôi bây giờ chẳng thể trách ai ngoài trách bản thân đã quá mù quáng và hiếu thắng để rồi nhận lấy hậu quả như ngày nay. Tôi cũng đã quá mệt mỏi, chán ngán cuộc sống này từ lâu. Bây giờ tôi có nên tiếp tục vì cu Bi mà níu kéo người cha cho bé nữa không? Tôi bây giờ phải làm sao???
Theo VNE