Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến nghị lập Quỹ bảo lãnh cho vay 100.000 tỷ đồng
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 2/10, Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ông Dominic Vũ cho biết: SME vừa có Thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ bảo lãnh cho vay đối với các doanh nghiệp này, hạn mức lên đến 100.000 tỷ đồng.
Việc hỗ trợ hiệu quả của chính sách sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động. Ảnh: TTXVN.
Các doanh nghiệp SME đều bày tỏ sự ủng hộ những quyết sách quyết liệt của Chính phủ trước muôn vàn khó khăn để ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như giải pháp nỗ lực hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, Liên minh SME cho rằng: Việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức.
“Các cơ chế chưa có tiền lệ trước đây về điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp SME khiến các ngân hàng vẫn e dè, hạn chế hoặc né tránh việc cho vay; các chính sách đúng đắn từ Chính phủ được các địa phương triển khai chậm chạp, không đồng bộ, thậm chí là chưa triển khai khiến các doanh nghiệp hoài nghi về việc hồi phục kinh doanh trong thời gian tới”, ông Dominic Vũ cho biết.
Để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, Liên minh SME đề xuất Thủ tướng Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp cho các doanh nghiệp SME (chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp) vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động.
Liên minh SME kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ Bảo lãnh cho vay Doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong đó, doanh nghiệp phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); doanh nghiệp phải có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh. “Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập Tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách, đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh như là một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá kết quả phòng chống dịch và hồi phục kinh tế”, nội dung Thư kiến nghị của Liên minh SME nêu.
Chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó như lúc này, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp SME, nhất là khi thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng qua. Điều doanh nghiệp mong mỏi là Nhà nước bơm “oxy tín dụng” để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết: Sức chịu đựng của doanh nghiệp gần cạn kiệt do dịch bùng phát gần 2 năm nay. Khó khăn của doanh nghiệp đến phần lớn từ việc đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng. “Chưa năm nào tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới thấp hơn khá nhiều so với số doanh nghiệp ngừng sản xuất, giải thể như năm nay. Rõ ràng là doanh nghiệp đang gặp khó khăn”, ông Phạm Đình Thúy chia sẻ.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Như vậy, trung bình một tháng, Việt Nam có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Video đang HOT
Nếu tính riêng tháng 9/2021, Việt Nam có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 8; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.
Kết quả điều tra khảo sát mới nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3.000 doanh nghiệp cho thấy: Có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020. Trong đó, khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của COVID-19 “phần lớn là tiêu cực” và 34% doanh nghiệp nhận định COVID-19 tác động “hoàn toàn tiêu cực” (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). Chỉ có khoảng 4% cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển.
Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tình trạng này tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động. Giá trị này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.
Mới đây, Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam, do Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, khuyến nghị: Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam thời gian qua, cần được khai thác mạnh mẽ hơn. Với làn sóng dịch bệnh hiện nay, Việt Nam càng phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.
Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 cũng yêu cầu khẩn trương hỗ trợ cả về thể chế hành chính và tín dụng – tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giúp đại đa số các đơn vị tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động. Đặc biệt, cần có một cơ chế đặc thù và một giải pháp mang tính đột phá đễ hỗ trợ doanh nghiệp.
Gói vay cấp bù lãi suất cứu doanh nghiệp, thực hiện sao cho hiệu quả?
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Các ngân hàng đang lên kế hoạch gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, quy mô tương đương hơn 100.000 tỷ đồng với lãi suất 3 - 4%/năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn trong bối cảnh dòng tiền cạn kiệt vì dịch bệnh.
Sáng kiến chính sách cấp bù lãi suất không chỉ tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp mà còn kích hoạt nguồn vốn trong xã hội. Ảnh: TTXVN
"Từ những kinh nghiệm trước đây, trong thời gian tới khi xây dựng cơ chế chính sách, NHNN sẽ tính toán đến các mục tiêu nhưng quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Thận trọng để tránh các hệ luỵ
Quốc hội và Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than không đủ, chưa tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Gói "cấp cứu" bù lãi suất lần này phải tạo được dấu ấn riêng, tăng thêm quy mô hơn nữa với các thủ tục triển khai thuận lợi nhanh chóng để cứu doanh nghiệp, tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt.
Đề cập tới việc thị trường sắp có hơn 100.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi được "bơm" ra nền kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng: Việt Nam cần phải thiết kế gói hỗ trợ với quy chế đặc biệt để không phải sửa Luật Tổ chức tín dụng nhưng thận trọng để tránh những hậu quả ảnh hưởng tới nền kinh tế, phải có giới hạn các "chốt" để kiểm soát lạm phát, giữ được ổn định vĩ mô.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2009 - trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam từng có gói hỗ trợ lãi suất tương tự (1 tỷ USD) với lãi suất hỗ trợ 4%/năm để hỗ trợ cho vay các dự án và chương trình đầu tư. "Tuy nhiên, những 'chốt' về vĩ mô và vi mô không lường trước nên hệ lụy của gói hỗ trợ đã để lại tương đối lớn. Lạm phát tăng mạnh, làm xói mòn tăng trưởng kinh tế", ông Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP không có dấu ấn nhiều. Nếu như năm 2009, GDP Việt Nam là 5,3%/năm, năm 2010 nhích lên 6,78%/năm thì năm 2011 lại giảm xuống 5,89%. Tăng trưởng tín dụng được nới lỏng quá mức. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng tăng "phi mã" lên tới 37,3%; năm 2010, tăng trưởng tín dụng là 27%. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát năm 2009 và 2010 chỉ ở mức 6,88%/năm; 9,19%/năm nhưng sang năm 2011 lại "phi mã" lên tới 18,58%/năm.
Để tránh những hậu quả về vĩ mô và vi mô không đáng có, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa lưu ý: "Cơ quan quản lý phải giới hạn các "chốt", đó là: Giữ mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, không đẩy lên quá cao; kiềm chế tốc độ lạm phát; duy trì mức tăng hợp lý của tỷ giá hối đoái; phải chấp nhận nợ xấu nhưng ở mức độ nào, làm thế nào để ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng?".
Một số chuyên gia "hiến kế": Việt Nam có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung. Ví dụ, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm, cộng với gói kích thích lãi suất có lãi suất khoảng 2 - 3%/năm để tạo hiệu ứng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp. Phía Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng Trung ương.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, năm 2009, Việt Nam sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn tiền lấy từ Quỹ dự trữ ngoại hối nhưng đến nay, ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết. Đó là sự vướng mắc. "Mặc dù chính sách cấp bù lãi suất có hiệu ứng nhất định nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn, nợ xấu liên tục tăng cao. Chính phủ phải thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả. Gói hỗ trợ lãi suất lần này cần phải tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Mong bơm vốn khẩn
Rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động "thoi thóp", thậm chí phá sản khi đại dịch kéo dài. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng: Nếu doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
"Ngành Ngân hàng cần tính toán để có thể cho được nhiều doanh nghiệp vay vốn ưu đãi; ngân hàng cần mở rộng hơn nữa đối tượng vay từ đó, mới phát huy được hết ý nghĩa của việc NSNN cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng", ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) kiến nghị. Theo quy định của ngân hàng, doanh nghiệp được vay vốn với tài sản đảm bảo là hình thức tín chấp nhưng hiện rất ít ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay. Tỷ lệ doanh nghiệp được vay tín chấp rất thấp, đặc biệt các khoản vay mới.
"Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dòng tiền như oxy đối với doanh nghiệp nên gói hỗ trợ cần được mở rộng quy mô và ban hành sớm", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) mong mỏi.
Hiện, Vietravel có 1.700 nhân viên nhưng có những thời điểm tại công ty chỉ có từ 15 - 20 người làm việc để duy trì các hoạt động hành chính thông thường, bảo vệ cơ sở vật chất. Nếu như trước dịch, doanh thu của Vietravel đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng/năm, nay doanh thu chỉ đạt chưa tới 10%. Không chỉ Vietravel, tất cả các công ty du lịch, lữ hành đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2021 là 56%, thặng dư ngân sách Nhà nước 83.000 tỷ đồng, lạm phát khoảng 3,1%, dự trữ ngoại hối trên 3 con số. Điều này cho thấy Chính phủ có nguồn lực để có thể tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp.
Tính toán của các doanh nghiệp hàng không cho thấy: Trung bình chi phí bình quân ngày trong 6 tháng đầu năm nay của Vietnam Airlines đã giảm còn bằng 1/4; Vietjet giảm còn bằng 1/5 lần so với chi phí bình quân năm 2019 nhưng số nợ và tình trạng thiếu hụt dòng tiền của các hãng đã lên tới con số "khổng lồ". Số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo hiện lên tới trên 50.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt hàng chục ngàn tỷ đồng.
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Tiến sỹ Bùi Doãn Nề kiến nghị: Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ ngành Hàng không một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu trung và dài hạn; hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi, bảo toàn được nguồn vốn và hỗ trợ việc thanh khoản. Về chính sách nguồn vốn, nên xem xét cho các hãng hàng không khác được hưởng lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines.
Tuy nhiên cũng có chuyên gia kinh tế lo ngại: Chính sách bù tiền để giảm lãi suất thấp sẽ làm méo thị trường tài chính. Để trợ giúp doanh nghiệp trong bối cảnh này cần tạo điều kiện thông thương hàng hóa, nhanh chóng đầu tư vào các hạ tầng giao thông để phục vụ sản xuất. Có nhiều cách để hỗ trợ doanh nghiệp và những chính sách đó nên hướng theo tiêu chuẩn chung của thị trường không nên làm méo thị trường vốn trong vấn đề lãi suất.
Trước đó, trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10/2021 các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động, trên quan điểm hỗ trợ có chọn lọc, đúng và trúng mục tiêu, đối tượng tránh việc hỗ trợ tràn lan, dàn trải.
Doanh nghiệp lao đao về phí, tần suất xét nghiệm COVID-19 Phương pháp, thời hạn tính kết quả xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe chở hàng đang được nhiều địa phương áp dụng không đồng nhất, thậm chí có nơi còn yêu cầu lái xe phải xét nghiệm tới 3 lần cho cùng một chuyến hàng lưu thông. Điều này đã trở thành gánh nặng lớn cho doanh nghiệp và gây áp lực...