Liên minh châu Âu đau đầu vì vấn đề dân di cư
Liên minh châu Âu (EU) đang phải chịu sức ép rất lớn từ phía các tổ chức nhân quyền sau sự cố khiến khoảng 400 người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải hôm 14.4, theo AFP.
Dòng chữ “Đoàn kết với dân di cư” trên một bức tường ở thủ đô Athens (Hy Lạp) – Ành: Reuters
Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận xét chính thái độ của chính phủ các nước châu Âu khi đối mặt với cuộc khủng hoảng trong vấn đề tị nạn và di cư đã khiến thực tế trở nên tồi tệ hơn.
Từ đó, hàng loạt tổ chức nhân quyền trên thế giới đang ra sức yêu cầu các nước EU phải xây dựng những chương trình tìm kiếm, cứu hộ người di cư, tị nạn, đặc biệt trên vùng biển Địa Trung Hải, với quy mô lớn.
“Số nạn nhân trên Địa Trung Hải sẽ còn gia tăng nếu EU không thể đảm bảo các chiến dịch cứu hộ”, AFP dẫn lời bà Judith Sunderland từ tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW).
Đồng thuận với ý kiến trên, ông Jan Egeland, Tổng thư ký Hội đồng tị nạn Na Uy, cho rằng đã đến lúc EU cần “hồi sinh” chiến dịch Mare Nostrum trong phạm vi châu lục nhằm ngăn ngừa những thảm kịch về di cư lớn hơn có thể xảy ra trong tương lai.
Chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ Mare Nostrum do chính phủ Ý chỉ đạo thực hiện đã cứu sống khoảng 100.000 người gặp nạn trên Địa Trung Hải vào năm ngoái, theo The Guardian.
Tuy nhiên, tới tháng 11.2014, EU đã thay thế Mare Nostrum bằng Triton, chương trình do Frontex thực hiện với kinh phí hàng tháng chỉ còn chưa đến 30% lúc trước (khoảng 2,9 triệu euro), khiến số người di cư thiệt mạng tăng lên trông thấy, theo The Guardian.
Trong khi nhiều nhà phê bình và đại diện các tổ chức nhân quyền yêu cầu tái khởi động Mare Nostrum, bà Baroness Anelay, Quốc vụ khanh Anh về các vấn đề đối ngoại và khối thịnh vượng chung lại cho rằng chiến dịch đã vô tình tạo ra sức hút cổ vũ người tị nạn, khiến họ bất chấp nguy hiểm để nhận lấy cái chết không đáng có.
Video đang HOT
Ngay tại Ý, hàng loạt các cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh vấn đề dân di cư đã liên tục nổ ra do có một số chính khách ủng hộ quan điểm của bà Anelay.
Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về Ngoại giao và chính sách an ninh EU, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – Ảnh: Reuters
Đại diện cấp cao về Ngoại giao và chính sách an ninh EU, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Federica Mogherini thừa nhận EU chưa tận dụng hết các công cụ hiện có nhằm giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn.
Cụ thể, bà Mogherini muốn đề cập đến Hội nghị Dublin, trong đó sẽ quyết định khu vực tị nạn mà các quốc gia thuộc EU phải phụ trách, AFP nhận định.
Bên cạnh đó, bà Mogherini cũng cho rằng một trong những cách giúp giải quyết vấn đề tị nạn tại châu Âu là xử lý dứt điểm tình hình bất ổn đang diễn ra ở Libya, do hầu hết dòng người di cư trái phép đến từ quốc gia Bắc Phi, đồng thời kêu gọi EU đoàn kết nhằm đối mặt với vấn đề toàn cầu trên.
Từ đầu năm 2015 đến nay, quan chức Ý cho biết đã đón khoảng 18.000 dân di cư, trong đó có 16.000 người được nhận từ các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ của cảnh sát biển, theo The Guardian.
Gần đây nhất, khoảng 400 trong tổng số 550 người tị nạn, trong đó có trẻ em, đã chết đuối trên Địa Trung Hải khi chiếc thuyền chở họ từ Libya bất ngờ chìm hôm 14.4.
Thống kê của Tổ chức tị nạn quốc tế (IOM) cho thấy từ năm 2000 đến nay, số dân tị nạn và di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải đã vượt qua con số 22.000.
Hữu Đạt
Theo Thanhnien
Thảm họa chìm tàu Địa Trung Hải: Chết vì tưởng sắp được cứu sống
Đột ngột đổ xô về một phía khi thấy bóng dáng một con tàu thấp thoáng phía xa - đó được cho là nguyên nhân dẫn tới cái chết thảm khốc của khoảng 400 người di cư trên con tàu chìm ở Địa Trung Hải.
Họ là những nạn nhân khốn khổ - Ảnh: AFP
Tờ Daily Mail hôm 15.4 dẫn lời kể của những người sống sót cho biết, con tàu 2 tầng chở theo hơn 500 người di cư đã chao đảo, sau đó lật úp khi hầu hết những người đàn ông trên boong tàu chạy dồn về một phía để nhìn một con tàu dường như đang đi tới.
Lúc đó, đa phần phụ nữ và trẻ em ở trong phòng kín bên dưới để tránh lạnh. Họ là những người chết đầu tiên khi nước đột ngột tràn vào thân tàu. Khoảng 1/3 hành khách trên chuyến tàu này là phụ nữ và trẻ em.
Tai nạn xảy ra cách đảo Lampedusa của Ý khoảng 130 km một ngày sau khi con tàu kể trên khởi hành từ Libya.
Đau đớn thay, niềm hy vọng của những người đang tuyệt vọng - những người trên con tàu thương mại kể trên - lại không hay, không biết về những gì đang xảy ra, thản nhiên tiếp tục hải trình của mình.
Các nạn nhân chỉ được cứu khi một tàu hải quân của Ý đến sau đó. Tổng cộng 145 người đã được cứu, tất cả đều là cư dân các nước cận Sahara.
Khoảng 400 người vẫn đang trong tình trạng mất tích. Chỉ mới có khoảng một chục thi thể được vớt lên.
Thời tiết tốt trên biển Địa Trung Hải và tình hình bạo lực gia tăng ở Libya khiến cho lượng người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Ý càng gia tăng trong thời gian vừa qua.
Rất nhiều trẻ em ở trên chiếc tàu vừa gặp nạn - Ảnh: AFP
Nhiều người sống sót đã kể những câu chuyện kinh hoàng về tình trạng những kẻ đưa người nhập cư bất hợp pháp bóc lột, cưỡng hiếp, đánh đập, thậm chí sát hại các "khách hàng" của chúng. Còn ở Libya, thường dân bị tàn sát dã man.
Thảm họa mới nhất cũng khiến dư luận chỉ trích việc chính phủ Ý ngưng hoạt động tuần tra của hải quân, vốn hồi năm ngoái đã cứu được 170.000 người nhập cư. Thay vào đó, một lực lượng giám sát nhỏ hơn của châu Âu được đưa vào hoạt động trong khu vực.
BBC đưa tin hơn 500 người tìm cách vượt Địa Trung Hải đã thiệt mạng chỉ từ đầu năm tới nay, tăng tới 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu con số 400 người mất tích kể trên được xác nhận là đã chết, con số này tăng lên thành 900.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
400 người di cư chết đuối trên Địa Trung Hải Khoảng 400 người (trong đó có cả trẻ em) đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải khi chiếc thuyền chở người di cư từ Libya đến Ý bất ngờ chìm hôm 14.4, theo Reuters. Lực lượng cứu hộ Ý giúp người bị nạn trên Địa Trung Hải - Ảnh: AFP Gần 24 tiếng sau khi rời khỏi bờ biển Libya, chiếc thuyền...