Liên kết Việt ‘rắc thính’ câu lòng tham của bị hại
Nhằm lừa đảo hơn 60.000 người, Lê Xuân Giang và đồng phạm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tạo niềm tin, đồng thời đưa ra lợi ích có thật đánh vào lòng tham của các bị hại.
Theo đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an, hoạt động lừa đảo của các bị can tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam ( Liên kết Việt), xảy ra chỉ trong một năm nhưng số tiền thiệt hại rất lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
“Con số bị hại và thiệt hại dự kiến sẽ tiếp tục tăng, những kẻ cầm đầu trong vụ án hoạt động trắng trợn, liều lĩnh, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi”, đại tá Huy đánh giá.
Hoạt động khuếch trương của Liên kết Việt.
Cơ quan điều tra 27 địa phương cùng vào cuộc
Do số bị hại đã lan ra 27 tỉnh, thành nên việc điều tra của cơ quan công an rất khó khăn. Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an, đã có văn bản ủy thác cho cơ quan điều tra 27 địa phương điều tra một số nội dung của vụ án.
Theo đại tá Huy, cơ quan điều tra địa phương sẽ điều tra đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý, tiếp nhận đơn tố cáo của bị hại và làm rõ hành vi, thủ đoạn thực hiện tội phạm, số người bị hại và hậu quả thiệt hại. Ngoài ra còn phải xác định xem ai đã nhận hoa hồng, số lượng bao nhiêu và có vai trò đồng phạm hay liên quan ở mức độ nào.
Ông Huy cho biết, việc ủy thác này đáp ứng 2 yêu cầu gồm tạo điều kiện để các nạn nhân đỡ phải đi lại tốn kém, họ nộp tiền cho chi nhánh nào thì sẽ làm việc với cơ quan điều tra mà chi nhánh đó đặt trụ sở. Chủ yếu các nạn nhân bị lừa đều nộp vào chi nhánh tại nơi mình sinh sống nên sẽ hạn chế được việc đi lại tốn kém.
Bên cạnh đó, việc ủy thác sẽ giảm tải cho cơ quan điều tra vì còn hàng chục vụ việc khác, nhân sự ít nên không thể trực tiếp làm việc với tất cả 60.000 nạn nhân.
Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) khẳng định sẽ điều tra đảm bảo không để sót, lọt tội phạm. Cơ quan điều tra cũng đã có công điện gửi công an 63 địa phương yêu cầu nắm chắc về tình hình hoạt động của 59 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trên địa bàn cả nước, khi phát hiện có vi phạm, dấu hiệu tội phạm phải xử lý nghiêm, ngăn chặn những hậu quả thiệt hại lớn xảy ra.
Nhiều tướng lĩnh quân đội bị lợi dụng
Video đang HOT
Đánh giá về việc con số bị hại lên đến 60.000 người và vẫn có thể còn tăng lên, đại tá Huy cho rằng điều này đúng với thực tế vì khi tiến hành điều tra sẽ có nhiều người đến trình báo hơn. Con số 60.000 bị hại là do cơ quan điều tra nắm qua khám xét, kiểm tra hồ sơ tài liệu, máy tính và từ con số của ngân hàng khi bị yêu cầu kiểm tra tài khoản. Còn thực tế sẽ còn những người đến nộp tiền trực tiếp tại chi nhánh, đại lý.
Số lượng bị hại trong một vụ án lớn như vậy là do đâu?. Trả lời câu hỏi, đại tá Huy cho rằng có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, việc Lê Xuân Giang đã chủ động mạo danh là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng với cái tên BQP, liên tục xuất hiện trong các bộ quần áo quân phục… Thậm chí, mỗi lần tổ chức hội nghị, hội thảo, Giang đều mời các tướng lĩnh quân đội, chủ yếu đã nghỉ hưu tham gia họp, là khách mời danh dự để lừa bịp mọi người.
Thứ hai, sản phẩm của bị can này cũng là những sản phẩm mạo danh Bộ Quốc phòng. Giang và đồng phạm đã đưa ra những sản phẩm vật lý trị liệu, máy ozone, quảng cáo do liên kết sản xuất với các công ty của quân đội.
Thực tế, Cục điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng đã làm việc với cơ quan điều tra, Bộ Công an, khẳng định các công ty của Bộ này hoàn toàn không có việc hợp tác sản xuất sản phẩm nào với Liên kết Việt.
Great-12 – sản phẩm giả danh liên kết với công ty của Bộ Quốc phòng được Liên kết Việt dùng lừa đảo.
Cơ quan này cũng thừa nhận một số tướng lĩnh xuất hiện trong những cuộc họp của Liên kết Việt là người của Bộ Quốc phòng nhưng họ đều bị lợi dụng chứ không tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của công ty này.
Hám lợi nên trở thành bị hại
Nguyên nhân thứ ba, đại tá Huy cũng nhìn nhận thẳng thắn do chính các nạn nhân hám lợi, dẫn đến bị lừa đảo.
Cụ thể, Liên kết Việt quảng cáo mua một mã hàng 8,6 triệu đồng sẽ được hoa hồng 65%, cao hơn so với mức quy định 40% của Chính phủ tại Nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp. “Như vậy, nếu nộp đến số tiền 9 tỷ thì chỉ một năm sau nhà đầu tư, phân phối có thể thu về đến 450 tỷ đồng. Với số lãi khổng lồ như thế thì không ai không bỏ tiền đầu tư”, ông Huy nói.
Bên cạnh đó, Liên kết Việt còn tổ chức những đại hội trả tiền hoa hồng, tổ chức bốc thăm nhà, ôtô, trao thưởng xe máy… Những người đầu dây mới được tham gia bốc thăm và người trúng đều là thành viên của Liên kết Việt. Thế nhưng người tham gia đều không biết điều này và vẫn hi vọng mình sẽ là người nhận được sự may mắn.
Lòng tham ấy được ông Huy chứng minh bằng việc có những bị hại đã bán cả nhà để tham gia vào đa cấp Liên kết Việt, đóng đến hơn 5 tỷ đồng với hi vọng đổi đời. Có những người nộp hơn 3 tỷ tại 4 chi nhánh, đại lý khác nhau để mong nhanh nhận được tiền lãi hơn… Chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, họ mới biết mình bị lừa.
“Mọi người cứ đóng tiền vào, không phải kinh doanh gì cả, làm giàu rất dễ. Thế nên có những người đóng tiền không mua hàng, chỉ ngồi chờ tiền về. Tiền hoa hồng cao gấp 10 lần của ngân hàng thì tội gì không tham gia. Sự hám lợi này là một nguyên nhân dẫn đến số lượng bị hại đặc biệt lớn”, ông Huy nói.
Cho đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án được 2 tháng, bước đầu xác định được hàng loạt những hành vi vi phạm pháp luật tại Liên kết Việt. Công ty này ban hành các văn bản, quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, soạn thảo ký khống 2 loại hợp đồng gồm Hợp đồng bán hàng đa cấp và Hợp đồng phân phối để yêu cầu người tham gia nộp tiền vào công ty. Những hợp đồng này đều sai quy định của Chính phủ và Bộ Công thương. Bên cạnh đó, trong thời gian hoạt động, công ty đã chi hơn 7 tỷ đồng để mua 5 mặt hàng phục vụ việc kinh doanh, bán được hơn 9,6 tỷ đồng. Các khoản chi này đều được khai báo tại cơ quan thuế. Tuy nhiên, khoản tiền nghìn tỷ đã không được khai báo đến cơ quan thuế mà để các bị can chiếm đoạt. Hành vi này còn có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.
Theo Zing News
Chân dung trùm lừa đa cấp Liên kết Việt đang bị 27 tỉnh, thành cùng hợp tác điều tra
Vì sao Lê Xuân Giang, 46 tuổi, sinh tại Hưng Yên có thể lừa đảo 60.000 nạn nhân khắp 27 tỉnh, thành với số tiền lên tới 1.900 tỷ đồng chỉ trong 1 năm?
Nhiều người cho rằng, khi mới tiếp xúc, mọi người rất dễ bị choáng ngợp bởi vẻ ngoài khá hoành tráng của Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt). Dáng người bệ vệ, khuôn mặt có chút dữ dằn cùng cách ăn nói to tát đã tạo cho Giang cái uy với người khác.
Theo cơ quan điều tra, Lê Xuân Giang, 46 tuổi, sinh tại Hưng Yên. Năm 1991, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) này nhập ngũ rồi được đi học tại Trường quân chính Quân đoàn 2, Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và dạy nghề Bộ Quốc phòng, sau đó công tác tại Ban Tài chính Quân đoàn 2. Đến năm 2001, Lê Xuân Giang xuất ngũ với quân hàm Chuẩn úy và từ đó bắt đầu sự nghiệp lập các công ty để làm ăn.
Vị trí đầu tiên sau khi xuất ngũ là Giang làm Giám đốc điều hành cho công ty Tân Thành Phát. Được một thời gian, Lê Xuân Giang lập nên công ty Đức Giang Vina và làm giám đốc. Tuy nhiên do kinh doanh không phát triển nên Giang đã tính toán chuyện mượn danh nghĩa Bộ Quốc phòng để làm ăn và đã chuyển đổi doanh nghiệp này thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP vào năm 2005.
Thời gian sau, Giang tiếp tục thành lập công ty Quốc tế Hưng Việt. Các công ty này đều hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường với những sản phẩm như bóng đèn, thiết bị điện cơ bản.
Sau một thời gian làm doanh nghiệp sản xuất, qua các mối quan hệ và hướng dẫn làm ăn, Lê Xuân Giang chuyển sang sản xuất thực phẩm chức năng, máy khử độc Ozone, vật lý trị liệu...
Đến năm 2014, Lê Xuân Giang nhìn thấy món ngon khi kinh doanh đa cấp nên đã làm thủ tục xin Bộ Công thương cấp phép kinh doanh lĩnh vực này. Giang ký quỹ 10 tỷ đồng và đổi tên công ty Quốc tế Hưng Việt thành Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam. Từ đây, Lê Xuân Giang bắt đầu kết hợp với Nguyễn Thị Thủy - một chủ tiệm gội đầu để bắt đầu công cuộc lừa đảo.
Ban đầu, Nguyễn Thị Thủy đã mặc cả với Lê Xuân Giang và yêu cầu mình phải là người đứng đầu hệ thống. Ngoài các khoản được chi trả định kỳ, với mỗi mã hàng Giang phải chi cho nhóm của Thủy 290.000 đồng. Thỏa thuận được chấp nhận và nhóm của Thủy nhanh chóng phát triển hệ thống đến nhiều địa phương với số thành viên tăng chóng mặt.
Chân dung trùm lừa "Liên kết Việt" - Lê Xuân Giang
Trước thực trạng đó, Giang đã phải thỏa thuận lại chỉ chi cho nhóm của Thủy 210.000 đồng/mã hàng; số tiền 80.000 đồng còn lại Giang sử dụng để tiếp tục phát triển hệ thống. Tuy nhiên, khoản tiền này có được chi hay không chỉ có Giang biết.
Chính bản thân bị can Lê Xuân Giang cũng bất ngờ về việc kinh doanh của Thủy "thành công" và thu được số tiền quá lớn như vậy. Bản thân bị can này chưa bao giờ sở hữu một khoản tiền khổng lồ đến vậy. Cơ quan điều tra ước tính Lê Xuân Giang có thể thu lợi đến 500 tỷ đồng nhưng chính bản thân bị can cũng không thể tính chính xác được vì có quá nhiều tiền. Đó là chưa kể Lê Xuân Giang còn bị nhóm của Thủy lừa khi nhập vào một số mã ảo để tính gian lận tiền hoa hồng được ăn chia.
Đề cập đến tiền 1.900 tỉ đồng mà Lê Xuân Giang và đồng bọn đã huy động nhưng đến nay chỉ còn hơn 134 tỉ đồng, Đại tá Trần Quang Huy cho biết, Giang và đồng bọn đã sử dụng khoảng hơn 100 tỉ đồng để trả hoa hồng cho người tham gia vào hệ thống nhằm lôi kéo người khác tham gia, số còn lại sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
"Khi khởi tố vụ án, chúng tôi xác định có khoảng 45 nghìn nạn nhân nhưng sau đó con số tăng lên rất nhanh, hiện giờ đã là 60 nghìn nạn nhân và chưa dừng lại ở đó, số tiền chiếm đoạt cũng không dừng lại ở 1.900 tỷ đồng", Đại tá Trần Quang Huy nói.
Theo cơ quan điều tra, vụ án "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" do Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Cty Liên Kết Việt cầm đầu xảy ra trong một thời gian ngắn (2014 - 2015) nhưng có tính chất rất phức tạp, quy mô rộng khắp 27 tỉnh, thành trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế và gây bức xúc trong xã hội.
Các đối tượng có hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới, công khai trắng trợn tổ chức và tuyên truyền sai sự thật, khiến khoảng 60 nghìn người bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Cty Liên Kết Việt và bị chiếm đoạt gần 1.900 tỷ đồng. Cụ thể, các đối tượng đã tuyên truyền, quảng cáo, thuyết trình không đúng thực tế về Cty Liên Kết Việt là Cty trực thuộc Bộ Quốc phòng; các sản phẩm, thực phẩm chức năng và máy vật lý trị liệu, máy khử độc ozone là sản phẩm hợp tác với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, rồi tuyên truyền, tổ chức rầm rộ lễ đón nhận để tạo lòng tin cho người tham gia bán hàng và nộp tiền.
Riêng về Lê Xuân Giang, nếu mới tiếp xúc, mọi người rất dễ bị choáng ngợp bởi vẻ ngoài khá hoành tráng của Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt). Dáng người bệ vệ, khuôn mặt có chút dữ dằn cùng cách ăn nói to tát đã tạo cho Giang cái uy với người khác. Thêm vào đó, hầu như ở các sự kiện lớn, Giang đều mặc trang phục mang hàm Đại tá Quân đội khi xuất hiện khiến mọi người càng tin tưởng vào vị thế của anh ta.
Theo một số nguồn tin, công ty của Giang có nhiều xe ôtô nhưng Giang rất thích và hay đi nhất là một chiếc xe ôtô Ford cũ nhưng BKS 80B. Chiếc xe này Giang mua thanh lý lại của một đơn vị nhưng chưa chịu chuyển đổi BKS, nhằm lòe bịp thiên hạ cho càng giống quan chức Bộ Quốc phòng.
Theo Vietq
Người dân phẫn nộ vì hành vi lừa đảo của Liên kết Việt Nhiều người dân không giấu được bức xúc, phẫn nộ về hành vi của đa cấp Liên kết Việt lừa đảo. Những ý kiến, bình luận thông tin vụ việc, cảnh báo lừa đảo đa cấp đang "nóng" dư luận. Ngay sau khi "động" đa cấp Liên kết Việt lừa đảo tại Hà Nội bị phanh phui, hàng nghìn nạn nhân có nguy...