Liên kết sản xuất theo nhóm cho thu nhập cao
Tại xã Nghĩa Lộc, Tổ hợp tác trồng bí xanh sạch với 15 thành viên tham gia vốn được phát triển từ nhóm sở thích trồng rau an toàn với 8 thành viên tham gia ban đầu.
Nhờ cùng tham gia nhóm sở thích và liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ nông dân (ND) trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã có thu nhập ổn định.
Ông Võ Quang Hòa – Chủ tịch Hội ND huyện Nghĩa Đàn cho biết, từ năm 2010, Hội ND huyện Nghĩa Đàn phối hợp Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch thực hiện Dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người khu vực miền núi phía Bắc” (Dự án ADDA). Theo đó, dự án hỗ trợ mở các lớp tập huấn, dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ND trên địa bàn huyện. Từ năm 2012, dự án tiếp tục lựa chọn các nhóm ND cùng sở thích tập huấn về kỹ thuật nâng cao trên các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi.
Mỗi sào bí xanh của các thành viên tổ hợp tác trồng bí xanh sạch xã Nghĩa Lộc cho thu nhập từ 12 – 15 triệu đồng. Ảnh: T.H
Tại xã Nghĩa Lộc, Tổ hợp tác trồng bí xanh sạch với 15 thành viên tham gia vốn được phát triển từ nhóm sở thích trồng rau an toàn với 8 thành viên tham gia ban đầu. Tổ trưởng tổ hợp tác Lê Văn Khương chia sẻ: “Khi tham gia nhóm sở thích, ND được đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn, cách quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) và cả kỹ năng lập kế hoạch, hạch toán kinh doanh. Sau khi kết thúc khóa học 3 tháng, các thành viên trong nhóm đã cùng thống nhất một quy trình trồng rau an toàn, cùng nhau mua vật tư nông nghiệp đầu vào và hỗ trợ nhau nhau tiêu thụ sản phẩm. Hiện tổng diện tích trồng bí xanh của cả nhóm là hơn 3ha. Bình quân, một sào bí xanh cho thu nhập từ 12 – 15 triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng lúa, nên thành viên trong tổ ai cũng phấn khởi”.
Theo anh Khương, 1 lợi ích khác của nhóm sở thích là các hội viên cùng đóng góp quỹ xoay vòng nhằm tạo nguồn vốn giúp đỡ nhau phát triển sản xuất. Hiện, Tổ có quỹ tài sản cố định là hơn 100 triệu đồng và quỹ tương hỗ là hơn 30 triệu đồng.
Video đang HOT
Đến nay, Hội ND huyện Nghĩa Đàn đã lựa chọn được 35 nhóm ND hoạt động có hiệu quả với 536 thành viên. Thành viên của các nhóm đã đóng góp quỹ xây dựng được hơn 260 triệu đồng cho các hộ khó khăn vay vốn để mua giống, phân bón. “Thời gian tới, Hội sẽ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các tổ nhóm sản xuất theo quy hoạch và lợi thế của từng vùng” – ông Hòa khẳng định.
Theo Danviet
Lúng túng tiêu thụ rau an toàn
Việc quy hoạch vùng rau an toàn ở Hà Nội là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, tuy nhiên, công tác quản lý, thu mua sản phẩm cho bà con xã viên đang có nhiều bất cập.
Dân không bán được rau cho hợp tác xã
Khi dư luận quan tâm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phóng viên Tiền Phong về xã Vân Nội (Đông Anh), nơi được quy hoạch là vùng rau an toàn của Hà Nội nhiều năm nay. Vốn bị tai tiếng từ các vụ rau bẩn, rau không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng nhiều hộ dân vẫn tập trung sản xuất rau.
Ông Đặng Văn Thành, người dân thuộc vùng trồng rau an toàn xã Duyên Hà (Thanh Trì) cho biết, phải tự tìm đầu ra cho rau, củ, quả. Ảnh: Trường Phong.
Một phụ nữ đang tưới rau bên đường yêu cầu phóng viên Tiền Phong giấu tên mới dám chia sẻ thông tin quanh việc trồng rau của bản thân và những gia đình khác vì sợ các hợp tác xã biết, không mua rau của bà nữa. Theo người phụ nữ này, người dân các xã trong vùng vẫn sản xuất rau an toàn, nhưng vì mang tiếng nên bây giờ ít người mua.
"Rau sản xuất ở đây vẫn an toàn, nhưng nhiều người không dám mua nữa vì bị mang tiếng", người này nói, đồng thời trách những người làm hỏng cả một thương hiệu. "Họ mua rau ở đây nhưng trộn thêm rau từ nơi khác vào, khi bị phát hiện thì rau Vân Nội bị mang tiếng. Một vài người vì lợi ích riêng mà ảnh hưởng đến cả khu vực", người này bức xúc nói. Theo bà, ở khu vực Vân Nội có hàng chục hợp tác xã tư nhân thu mua rau an toàn, nhưng vì kinh doanh nên đặt yếu tố lợi nhuận lên đầu.
Trong khi đó, ở vùng rau an toàn xã Duyên Hà (Thanh Trì) theo tìm hiểu của phóng viên, người dân nơi đây cũng không bán được cho hợp tác xã bao nhiêu. "Hầu hết hợp tác xã chỉ thu mua cho những người thân, người quen. Chúng tôi phải tự tìm nguồn tiêu thụ, có người bán cho người thân quen trong làng, có người mở cửa hàng ngoài Hà Nội, vận chuyển ra để bán", ông Đặng Văn Thành, một xã viên chia sẻ. Theo ông Thành, vì bán ở ngoài nên chẳng mấy người quan tâm đến thương hiệu rau an toàn, cũng không muốn qua hợp tác xã vì thêm nhiều công đoạn, phức tạp.
Rau an toàn không lối thoát
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Tôn Tính, Phó Chủ tịch xã Vân Nội (Đông Anh) cho biết, một số vụ việc phát hiện rau không rõ nguồn gốc trà trộn với rau an toàn của vùng sản xuất rau Vân Nội đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc tiêu thụ rau của người dân. Ông Tính cho biết, khu vực trồng rau an toàn ở Vân Nội vẫn tuân thủ nhiều nguyên tắc như không có các loại thuốc cấm, có cán bộ giám sát trên địa bàn, nếu phát hiện sai phạm lập biên bản, xử lý, tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ chịu trách nhiệm nơi đầu mối cung cấp.
"Nếu là rau đang lưu thông trên đường mà bảo là rau Vân Nội thì không thể đảm bảo được, vì có khi giữa đường họ lấy thêm rau nơi khác. Nếu phát hiện xã viên làm sai, chúng tôi lập biên bản ngay, nhẹ thì cho lên loa tuyên truyền, nặng thì tẩy chay không lấy hàng. Nhưng bao nhiêu đầu mối, làm sao quản lý tất được. Làm như bảo vệ vườn thì làm sao được?", ông Tính nói.
Theo ông Tính, hiện một số hợp tác xã thu mua và tiêu thụ rau của xã viên không tha thiết gì với các siêu thị mà chủ yếu vào bếp ăn trường học. Nguyên nhân là vào siêu thị rủi ro nhiều, quyết toán chậm nên không có lãi. Ông Tính cũng cho biết, các hợp tác xã thì chỉ chịu sự quản lý nhà nước của chính quyền, còn hoạt động cụ thể không kiểm soát được.
"Mình yêu cầu họ báo cáo các hợp đồng thu mua là không đúng vì hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Ngoài ra còn có các công ty thu mua rau hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Mình chỉ yêu cầu báo cáo doanh thu tổng 1 năm, xem an sinh xã hội thế nào, còn quản lý đến từng hợp đồng là sai", ông Tính nói. Cũng vì thế, xã không quản lý được các Hợp tác xã thu mua, tiêu thụ rau cho bà con nhân dân thế nào.
"Ngày xưa, ở chợ mình phân hai khu, xã viên có thẻ rau an toàn được vào bán, rau tứ xứ thì bán ở một khu vực. Bây giờ không còn thẻ nữa, chợ lại mới xây dựng nên lộn xộn, người tứ xứ đến nên không kiểm soát được", ông Tính nói.
Liên quan đến việc tiêu thụ rau cho xã viên, ông Phạm Văn Hồng, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Lan (Duyên Hà, Thanh Trì) cho biết, toàn thôn chuyên sản xuất rau an toàn, nhưng dân vẫn chủ yếu bán tự do. "Hợp tác xã chỉ thu mua một phần nào của dân. Các công ty, đơn vị đến mua thì thông báo cho các hộ dân về chủng loại, số lượng mang đến bán, nhưng không đáng kể nên dân chủ yếu tự sản xuất, tự tiêu thụ, gặp rất nhiều khó khăn", ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, hợp tác xã có cung cấp tem, nhãn, mã số rau an toàn, bà con có yêu cầu thì đều cung cấp nhưng hầu như bà con "không cần". "Người dân cắt rau là đi chợ luôn. Qua hợp tác xã lại phải qua sơ chế, qua nhiều thủ tục mất thời gian. Bán buôn cho thương lái thì họ cũng không cần mã này", ông Tính nói.
Theo ông Tính, vào chính vụ, hợp tác xã thu mua khoảng 1 tấn/ngày, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 1/10 nhu cầu tiêu thụ của người dân. "Tổng lượng rau sản xuất ra hàng chục tấn nhưng thu mua không được 1/10. Nguyên nhân là khâu trung chuyển để đến tay người tiêu dùng chưa làm được. Muốn hiệu quả phải theo chuỗi, kết nối giữa trung gian, người sản xuất, người tiêu dùng thì mới được", ông Hồng nói.
Hiện một số hợp tác xã thu mua và tiêu thụ rau của xã viên không tha thiết gì với các siêu thị mà chủ yếu vào bếp ăn trường học. Nguyên nhân là vào siêu thị rủi ro nhiều, quyết toán chậm nên không có lãi.
Theo Trường Phong - Trần Hoàng - Thái Hà (Tiền Phong)