Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền trung
Vùng duyên hải miền trung (DHMT) được hình thành với 10 tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận, có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa tuyến du lịch xuyên Việt, cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế du lịch đông – tây, nơi tiếp giáp các vùng du lịch Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đây là nơi hội tụ đầy đủ tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử đặc thù của cả nước, tạo điều kiện liên kết vùng và khu vực trong phát triển du lịch.
Du khách đến Thừa Thiên Huế bằng tàu du lịch quốc tế qua cảng Chân Mây. Ảnh: CÔNG HẬU
Bài 1 Tiềm năng lớn, hiệu quả chưa cao
Mặc dù sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng (cả du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, di sản văn hóa…) nhưng vùng DHMT vẫn đang gặp nhiều thách thức trong phát triển du lịch. Những năm qua, khu vực này đón gần 50% tổng lượt khách du lịch cả nước, nhưng chỉ chiếm 12,4% tổng thu nhập từ du lịch của quốc gia.
Tài nguyên du lịch rất lớn
Không chỉ là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước, vùng DHMT còn là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế đông – tây, có diện tích trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á.
Vì thế, khu vực này có tiềm năng tài nguyên du lịch cả về tự nhiên và văn hóa, trong đó có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc, hấp dẫn ở tầm khu vực và quốc tế. Với diện tích tự nhiên hơn 60 nghìn km2, dân số hơn 12 triệu người, có bờ biển dài gần 1.400 km, nhiều đảo ven biển cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng DHMT có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng. Toàn khu vực hiện có sáu sân bay đang vận hành, với ba sân bay quốc tế; bảy cảng biển quốc tế.
Theo Nhóm tư vấn hợp tác phát triển và Hội đồng vùng DHMT, nơi đây hội tụ nhiều tiềm năng về du lịch biển, đảo, được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới, vịnh nước sâu, nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài cả khu vực; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng, cửa khẩu biên giới…
Toàn khu vực còn có ba vườn quốc gia, 14 khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và chín trong số 16 khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung bốn trong số tám di sản văn hóa thế giới; gần 300 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia, trong đó có 12 di tích quốc gia đặc biệt và là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc với kho tàng văn hóa hết sức đặc sắc, nơi giao thoa của các nền văn hóa.
Theo Ban điều phối vùng DHMT, du lịch vùng DHMT đã có những chuyển biến đáng ghi nhận với tăng trưởng hai con số về lượng khách du lịch trong 10 năm qua và đóng góp ngày càng tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của vùng, tạo nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng vốn còn không ít khó khăn ở khu vực này. Xét về lợi thế cạnh tranh của các địa phương vùng DHMT, khu vực này đang hội tụ nhiều tiềm năng và thế mạnh nổi bật về du lịch biển đảo, nhất là du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái, đồng thời có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Các tỉnh, thành phố trong khu vực có vai trò quan trọng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước và là một trong những địa bàn kinh tế trọng điểm của đất nước.
Giai đoạn 2010-2018, tổng số lượt khách du lịch đến vùng DHMT tăng khá (hơn 35 triệu lượt vào năm 2018), với tốc độ tăng bình quân 13,5%/năm và chiếm 39% tổng lượt khách du lịch của cả nước, trong đó khách quốc tế chiếm 42%, tỷ lệ đóng góp của du lịch vào tổng giá trị kinh tế toàn vùng đạt gần 9,1% vào năm 2018 (tương ứng cả nước 7,5%), tổng thu nhập từ du lịch vùng DHMT tăng trưởng bình quân 25,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng về lao động bình quân 8,4%/năm, trong đó đối với lao động trực tiếp là 22,4%/năm; giải quyết việc làm cho gần 105 nghìn lao động (năm 2018). Những con số này cho thấy, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực DHMT.
Video đang HOT
Cần tư duy mới
Thời gian qua, du lịch vùng DHMT phát triển chủ yếu theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch, vì thế sự phát triển của du lịch chưa tương xứng vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Lượt khách du lịch đến tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp (chỉ đạt 12,4% tổng thu nhập từ du lịch của cả nước), chưa thật sự thu hút thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ (khách sạn tiêu chuẩn ba đến năm sao chỉ chiếm khoảng 17% cả nước); tính liên kết còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.
Trong chuyến làm việc tại miền trung gần đây, sau khi cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khảo sát, đánh giá khái quát tiềm năng du lịch trong vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Không có hệ đếm hay mỹ từ nào để có thể tô điểm hết tài nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền trung – Tây Nguyên, nhưng tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung vẫn như viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ giũa xứng đáng”.
Thừa Thiên Huế
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều tài nguyên đôi khi còn là cái “bẫy”, dẫn đến sự thiếu quan tâm trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, khiến cho tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả, bởi tài nguyên dẫu có vô tận, mà không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt, suy thoái.
Do vậy, với khu vực DHMT, tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy “cụm ngành” làm trung tâm chứ không phải lấy “tài nguyên du lịch” làm trung tâm (như: cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, cụm ngành du lịch văn hóa, lịch sử, cụm ngành du lịch di sản, cụm ngành du lịch biển đảo…).
Cần phải hiểu “một cụm ngành” bao gồm nhiều ngành liên quan, trong đó trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí. Ngoài ra, còn có các ngành cung cấp yếu tố đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ như đào tạo nhân lực, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp sản phẩm địa phương, quản lý tài sản, nhất là chăm sóc sức khỏe và an ninh, an toàn. Thủ tướng yêu cầu phát triển du lịch phải đặt vấn đề “cụm ngành” đồng bộ chứ không phải khai thác tài nguyên du lịch một cách đơn thuần, các địa phương phải hiểu đầy đủ vấn đề này để phát triển bền vững ngành du lịch.
Đáng chú ý, cần tránh phong trào, “thấy tỉnh bạn làm chợ đêm thì tỉnh mình cũng làm chợ đêm, thấy người ta tổ chức lễ hội, mình cũng làm lễ hội mặc dù không có hiệu quả”.
Điều quan trọng là phải làm cho sản phẩm du lịch địa phương độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, homestay để đưa thế giới đến gần với người dân hơn, đưa văn hóa bản địa ra thế giới và tạo thu nhập cho người dân tốt hơn. Một vấn đề được Thủ tướng hết sức lưu tâm, đó là tình trạng “chặt chém” du khách, nạn ta-xi dù, chèo kéo, bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, một vài trường hợp lừa đảo, ép khách du lịch đã làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh người Việt Nam, đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và các nhà đầu tư.
Đà Nẵng
Gần đây, cùng dự hội nghị giao ban của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền trung (thành lập cách đây 22 năm, gồm bốn tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, sau này bổ sung tỉnh Bình Định), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Hạ tầng giao thông khu vực miền trung ngày càng được hoàn thiện cả về hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ; toàn vùng đã hình thành được 11 khu kinh tế ven biển với nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, hứa hẹn những đổi thay to lớn trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố trong khu vực tận dụng tốt hơn nguồn lực đất đai, con người trong phát triển kinh tế – xã hội; chú trọng yếu tố liên kết vùng trong phát triển du lịch. Cần có sự phối hợp xây dựng các tua, tuyến du lịch; làm đường ven biển, nhất là nghiên cứu hình thành liên kết các cảng du lịch để phát huy thế mạnh du lịch biển. Cùng với đó là nâng cấp sân bay, mở cửa bầu trời để thu hút khách du lịch quốc tế trên cơ sở đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa.
NHÓM PVTT KHU VỰC MIỀN TRUNG
Theo nhandan.com.vn
Sự tàn phá của du lịch bầy đàn
Công trình Mã Pì Lèng Panorama đốt nóng dư luận vì sự ngang ngược chiếm lĩnh cảnh quan. Bỏ qua khía cạnh pháp lý, quản lý, chỉ thử tìm kiếm một lý do để giải thích cho loại hình thái công trình thế này được có mặt ở thời điểm này, sẽ thấy ra nhiều điều.
Công năng công trình là một trạm dừng chân ở vị trí lý tưởng trên đỉnh đèo, nơi bạn có một tầm nhìn đắc địa về cảnh vực dòng Nho Quế xanh lơ bên dưới và một hẻm núi ngoạn mục. Thử nghĩ, một buổi chiều, lúc sương xuống, ngồi ở một bàn cà phê với cái view thiên nhiên bát ngát này, điện thoại bạn có thể sẽ cháy pin vì sự khó cưỡng của những góc selfie và check in.
Khi ấy, nhu cầu du lịch check in của thời buổi ve vuốt hình ảnh cá nhân được đáp ứng quá tốt.
Đường tàu Hà Nội cũng vậy. Người ta đến các quán cà phê đâu có vì cà phê ở đó ngon, nhạc hay, không gian dịch vụ ổn, mà vì cái "view độc" khi mỗi chuyến tàu đi qua, những chiếc bàn rung lên, ly cà phê rung lên, màu sắc lòe loẹt theo lối vintage rung lên và những chiếc máy điện thoại rung lên vì các góc ảnh lạ.
Công trình Mã Pì Lèng Panorama đã tạm dừng hoạt động kinh doanh vào sáng 14.10, theo yêu cầu của UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, công trình vẫn mở cửa cho khách du lịch vào ngắm cảnh, chụp ảnh. Ảnh: Ngọc Tân
Nếu một lúc nào đó, bạn trở lại cà phê Tùng ở Đà Lạt và thực sự ngỡ ngàng khi sự tĩnh tại và chiều sâu ngôi quán đã bị đánh mất. Từ sáng tới chiều, có lúc nào yên thân được đâu, vì ngồi ở góc nào bây giờ bạn cũng sẽ có nguy cơ bị lọt vào những khung hình của người khác. Cà phê với công thức pha chế gia truyền, âm nhạc gợi nhắc một Đà Lạt lãng mạn tao nhã trong quá khứ và cả những bức tranh đang thở ra màu thời gian ở trên tường..., tất thảy những gì thú vị nhất đã trở thành thứ yếu, thậm chí vô nghĩa với số đông đang vồ vập những góc nhìn và tranh nhau những chiếc bàn có "view đẹp".
Và số đông giống nhau một điểm: đến đó để tìm một bộ ảnh, thay vì trải nghiệm một không gian ký ức đặc thù Đà Lạt.
Góc cửa kính rẽ quạt, nơi Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng đã ngồi làm thơ và viết tùy bút vào thập niên 1960 trở thành cái bàn lý tưởng để mọi người xúm xít tìm view. Người trong chụp ra, người ngoài chụp vào. Bức tường vàng "Cối Xay Gió" ở phía đối diện trở thành một chỗ trội về check in cho các thể loại "thanh xuân hoang hoải", đến độ các quan chức thành phố Đà Lạt muốn nhân rộng nó, đã tạo ra các hình khối hết bông dã quỳ đến búp atisô rồi tới đây là những chiếc tô, những củ hành củ tỏi trong bản quy hoạch mới... Lý lẽ tưởng chừng "thức thời" rằng phải tạo ra nhiều, nhiều nữa những nơi có thể check in sẽ đẩy thành phố đến tương lai của một xứ sở vô hồn, lòe loẹt, phù phiếm không hơn không kém.
Cuộc ngoi lên không ngừng để tranh giành các cao điểm check in, các view để bán cho nhu cầu du lịch đại chúng đang từng ngày từng giờ bức tử thiên nhiên, can thiệp vào các không gian di sản từ những vùng núi non hoang vắng cho đến những đô thị có cơ tầng văn hóa riêng.
Tạo ra giá trị bền vững trong phát triển du lịch, có khi phải tìm cách từ chối, gạn lọc thứ du lịch bầy đàn trước mắt, quyết liệt trong chọn lựa mục tiêu và định hướng lại nhu cầu.
Lỗi tại du khách hay tại phía cung cấp dịch vụ? Câu trả lời khó ngã ngũ; sớm muộn gì cũng sẽ đi đến chuyện con gà - cái trứng.
Nhưng hãy nhìn ra bên ngoài. Hãy xem, một số thành phố lớn của châu Âu gần đây đã có động thái đánh thuế du khách và gỡ bỏ các thông điệp truyền thông "điểm đến lý tưởng" để mà giữ lại cốt cách thành phố. Tiêu biểu, mới đây thành phố Amsterdam (Hà Lan) ra thông cáo sẽ đánh thuế trực tiếp 7% giá tiền phòng cộng thêm 3 euro đối với du khách lưu trú, kể từ 2020, chỉ với hy vọng sẽ giảm bớt lượng khách du lịch đoàn và khách bình dân đến với thành phố này.
Không chỉ các thành phố châu Âu như Venice, Amsterdam mà đến các thành phố di sản ở Bhutan, Nhật Bản hay Tanzania... đều có xu hướng áp thuế lên du khách (giới du lịch gọi là "thuế chia tay") để "sàng lọc" du khách đến với thành phố. Tiền thuế thu được, các thành phố theo khuynh hướng này sẽ dùng cho việc xây dựng hệ thống cơ sở văn hóa, giáo dục và nhất là bảo tồn di sản, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.
Các thành phố có công nghiệp không khói phát triển này hiểu rằng, việc chạy theo báo cáo số đầu người, lượt khách check in chỉ nói lên một trình độ mông muội, không dẫn đến một đẳng cấp nào đáng kể.
Tạo ra giá trị bền vững trong phát triển du lịch, có khi phải tìm cách từ chối, gạn lọc thứ du lịch bầy đàn trước mắt, quyết liệt trong chọn lựa mục tiêu và định hướng lại nhu cầu. Bởi xét về tính hiệu quả, việc hy sinh di sản cho cơ sở vật chất đáp ứng số đông sẽ chỉ mang lại một nguồn doanh số thấp, đoản hạn và gây ra rắc rối trong quản lý - đó là những hệ lụy mà kiểu phát triển du lịch thiếu tự vấn phải đối diện.
Từ ngày 10.10, cơ quan chức năng đã lập rào, đặt chốt cấm du khách đến cà phê phố đường tàu Phùng Hưng (Hà Nội), nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND Hà Nội về việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Ảnh: Tô Thế
Từ điểm nhìn là du khách, chúng ta sẽ từ chối check in, thậm chí là tẩy chay những thứ như Mã Pì Lèng Panorama hay một view từ khách sạn 10 tầng theo lối kiến trúc củ hành trên đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt ở thì tương lai? Chọn lựa dịch vụ có trách nhiệm của chúng ta, dù ít ỏi, nhưng cũng sẽ ít nhiều góp phần cải thiện dòng chảy nhu cầu, để những di sản thiên nhiên và văn hóa không tiếp tục bị bức tử một cách oan uổng.
Đến đây thì có thể hiểu một khía cạnh sâu xa trong câu nói nổi tiếng của Claude Lévi-Strauss ngay đầu cuốn Nhiệt đới buồn: "Tôi thù ghét những chuyến du lịch và những du khách". Từ rất sớm, nhà nhân học người Pháp đã nhìn thấy trước một điều: cái vòi bạch tuộc của khai thác dịch vụ du lịch và nhu cầu thực dụng của các du khách đã gây ra những nguy cơ đối với tính đặc thù của những vùng văn hóa bản địa đến thế nào.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Theo nguoidothi.net.vn
Tràng An thay đổi diện mạo du lịch Ninh Bình như thế nào? Là một trong những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, quần thể danh thắng Tràng An chính là tiên cảnh không thể bỏ qua với bất kỳ ai khi đến với vùng đất cố đô Ninh Bình. Từ khi Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được nhận diện,...