Liên hợp quốc lo ngại tình trạng kiệt quệ của người dân ở vùng lãnh thổ Palestine
Ngày 1/8, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc (LHQ) tại các vùng lãnh thổ Palestine, ông Andrea De Domenico đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza và Bờ Tây, nhấn mạnh tình trạng kiệt quệ của người dân tại các vùng lãnh thổ Palestine.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel nhằm vào bệnh viện dã chiến trong trường học ở Deir al-Balah, Dải Gaza, ngày 27/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong cuộc họp báo qua video tại Đông Jerusalem, ông Domenico cho biết trong 10 tháng qua, ông đã chứng kiến “sự kiệt quệ hoàn toàn về thể chất và tinh thần của toàn bộ người dân” ở Gaza và Bờ Tây.
Theo OCHA, tình trạng xung đột, lệnh sơ tán liên tục, trở ngại đối với việc tiếp cận viện trợ và nhiều thách thức khác đang ngăn cản những nỗ lực cứu trợ cho người dân Gaza. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và các tổ chức khác cho biết họ không thể chuyển đủ lương thực viện trợ Gaza do không có đủ cửa khẩu, khó xin giấy phép di chuyển trong Gaza và tình trạng không an toàn, mất trật tự công cộng. OCHA cho biết thêm hơn 20 điểm phân phối lương thực của WFP đã không còn hoạt động do các lệnh sơ tán gần đây. Các cửa hàng bánh mì cũng buộc phải di dời. Hiện có 12/18 cửa hàng bánh mì ở Gaza còn hoạt động, trong đó những cửa hàng ở khu vực trung tâm chỉ đủ nhiên liệu để vận hành trong vài ngày.
Video đang HOT
Trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và nguồn dự trữ hạn chế, WFP đã phải giảm khẩu phần của mỗi gia đình xuống mức tối thiểu để đảm bảo những người phải sơ tán đều có lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của họ.
OCHA cho biết thêm các đối tác nhân đạo của LHQ cũng lo ngại về vấn đề nguồn nước sinh hoạt và hệ thống vệ sinh khi hồ chứa Canada ở Rafah, với sức chứa 3.000 m3 nước phục vụ hàng nghìn người sơ tán đang trú ẩn ở thành phố này, đã bị phá hủy tuần trước. Các đối tác nhân đạo cảnh báo việc hồ chứa này bị phá hủy có thể cản trở việc người dân quay trở về Rafah và đẩy nhiều gia đình vào tình trạng sử dụng nguồn nước không an toàn, gây nguy cơ mất nước, suy dinh dưỡng và bệnh tật.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng Cơ quan LHQ về cứu trợ và việc làm dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đã khởi động chương trình đưa trẻ em tại Gaza quay trở lại trường học. Người đứng đầu UNRWA, ông Philippe Lazzarini cho rằng chương trình này là bước đầu tiên trên chặng đường dài, trong đó tập trung vào các hoạt động nhằm giúp trẻ em có nơi trú ẩn trước những nỗi kinh hoàng mà xung đột gây ra.
Trước tình hình căng thẳng leo thang giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza, ngày 1/8, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi và người đồng cấp Luxembourg Xavier Bettel, người đang có chuyến thăm Amman, đã cùng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài tại Gaza, đồng thời sớm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.
Theo ông Safadi, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại Trung Đông là ngừng xung đột, chấm dứt thảm họa nhân đạo và ngăn chặn tình hình leo thang. Về phần mình, ông Bettel nhấn mạnh Luxembourg cam kết ngăn chặn xung đột tại Gaza, đạt được lệnh ngừng bắn và thực hiện giải pháp hai nhà nước. Ông cho biết thêm Luxembourg sẽ tăng viện trợ và hỗ trợ cho UNRWA.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Anthony Blinken. Hai bên đã thảo luận những diễn biến ở khu vực Trung Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm leo thang và đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza.
Xung đột tại Dải Gaza: Khu vực tư nhân của Palestine tổn thất nặng nề
Theo một báo cáo chung công bố ngày 7/6 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Cơ quan Thống kê Trung ương Palestine (PCBS), cuộc chiến ở Dải Gaza đã giáng một đòn mạnh vào khu vực tư nhân của Palestine.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 25/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo cho biết, trong giai đoạn từ tháng 10/2023-1/2024, khoảng một nửa số cơ sở sản xuất thuộc khu vực tư nhân ở các vùng lãnh thổ của Palestine, trong đó 29% ở Bờ Tây bị chiếm đóng và 100% ở Gaza, đã phải ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc cắt giảm hoạt động.
Nhìn chung, Gaza và Bờ Tây ước thiệt hại khoảng 2,3 tỷ USD về giá trị sản xuất của khu vực tư nhân trong bốn tháng đầu của cuộc xung đột, tương đương khoảng 19 triệu USD mỗi ngày. Con số này không bao gồm thiệt hại về tài sản (trong đó có tài sản cố định).
Báo cáo chung của ILO và PCBS cho rằng hoạt động sản xuất của khu vực tư nhân ở các vùng lãnh thổ Palestine chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng, tiếp đến là ngành công nghiệp, dịch vụ và các ngành khác.
Theo báo cáo, Dải Gaza đã trải qua tình trạng suy giảm nghiêm trọng hơn nhiều so với Bờ Tây, khi các lĩnh vực xây dựng và công nghiệp ở dải đất ven Địa Trung Hải này gần như sụp đổ. Khu vực tư nhân, chiếm 66% tổng số việc làm ở các vùng lãnh thổ của Palestine, chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp gia đình vừa và nhỏ vốn phụ thuộc nhiều vào Israel về nguyên liệu đầu vào hoặc thị trường.
Dựa trên giả định rằng cuộc chiến Gaza sẽ tiếp tục đến cuối tháng 8/2024, báo cáo của ILO và PCBS dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các vùng lãnh thổ của Palestine trong năm nay sẽ giảm 16,1% so với năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người giảm 18%.
Báo cáo cho biết thêm nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài thêm ba tháng nữa, tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng lãnh thổ của Palestine dự kiến sẽ tăng mạnh lên 47,1% trong năm nay. Tổng số người thất nghiệp dự kiến sẽ ở mức 668.000 người trong năm 2024, tăng 222.000 người so với năm 2023.
LHQ kêu gọi viện trợ 2,8 tỷ USD cho Gaza, Bờ Tây Ngày 16/4, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 2,8 tỷ USD trong năm này để giúp đỡ người dân Dải Gaza bị chiến tranh tàn phá, cũng như người Palestine tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Người dân xếp hàng chờ mua bánh mỳ tại thành phố Gaza ngày 14/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN Phát biểu tại một...