Liên hợp quốc kêu gọi quyên góp hơn 400 triệu USD giúp Nam Sudan tránh nạn đói
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 1/11, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) đã phát động lời kêu gọi khẩn cấp 404 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động viện trợ nhân đạo tại Nam Sudan vào năm tới, đồng thời cảnh báo rằng nạn đói đang gia tăng tại đất nước này.
Người tị nạn chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Bentiu, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan của LHQ đã kêu gọi các nhà tài trợ nhanh chóng quyên góp cho các hoạt động của mình ở Nam Sudan vào năm 2025 để có thể chuẩn bị trước lương thực nhằm tránh chi phí cứu trợ tăng cao. Quyền Giám đốc của WFP tại Nam Sudan – ông Shaun Hughes nhấn mạnh rằng phải mất nhiều tháng để biến số tiền mà các nhà tài trợ hứa hẹn thành thực phẩm đến tay những người cần ở Nam Sudan.
Mạng lưới đường bộ hạn chế của đất nước này vốn không thể đi lại được khi mùa mưa lũ bắt đầu, đặc biệt là ở khu vực phía Đông và miền Trung, nơi tình trạng mất an ninh lương thực diễn ra gay gắt nhất.
Video đang HOT
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi WFP công bố một báo cáo cảnh báo rằng tình hình ở Nam Sudan cực kỳ đáng lo ngại và quốc tế cần có hành động nhân đạo để ngăn chặn nạn đói. Theo báo cáo, tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Nam Sudan, nơi 56% dân số đã phải đối mặt với nạn đói, có khả năng trở nên tồi tệ hơn nữa khi mùa đói kém, được đánh dấu bằng tình trạng khan hiếm lương thực trong mùa mưa dự kiến bắt đầu vào tháng 5/2025, đang đến gần.
Theo WFP, nguyên nhân của tình trạng mất an ninh lương thực ở Nam Sudan là do giá lương thực cao, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, xung đột và bất ổn, áp lực do các cuộc di cư xuyên biên giới từ nước láng giềng Sudan và ảnh hưởng của lũ lụt.
Cơ quan LHQ cho biết họ hiện không có nguồn dự trữ lương thực ở Nam Sudan để chuẩn bị cho hoạt động ứng phó nhân đạo vào năm tới và hiện cần 404 triệu USD để tập trung cho công việc này. Nếu không sớm huy động được nguồn tài trợ, WFP sẽ phải sử dụng các biện pháp cứu trợ tốn kém như thả hàng bằng máy bay khi muốn tiếp cận các cộng đồng bị cô lập vì lũ lụt và phải sống dựa vào viện trợ.
Việc sớm nhận được tiền quyên góp sẽ giúp tổ chức này chuẩn bị trước lương thực và vận chuyển bằng đường bộ đến các vùng sâu, vùng xa trước mùa mưa lũ.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia
Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Người dân Sudan chờ nhận thực phẩm tại một trại tị nạn của Quỹ Nhi đồng LHQ ở Wau, miền Nam Sudan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Báo cáo đánh giá 16 điểm nóng về nạn đói trên thế giới, phân tích viễn cảnh của những khu vực này trong giai đoạn từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025, theo đó các nước như Sudan, Palestine, Nam Sudan, Haiti và Mali bị coi là "có mức độ quan ngại cao nhất" và cần "được chú ý cấp bách nhất", trong khi các quốc gia gồm CH Chad, Liban, Myanmar, Mozambique, Nigeria, Syria và Yemen bị coi là "có mức độ quan ngại rất cao". 10 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong danh sách trên bị coi là điểm nóng về đói, gồm Kenya, Lesotho, Namibia, Niger, Burkina Faso, Ethiopia và Zimbabwe. Tình trạng đáng báo động này bị thúc đẩy bởi ít nhất 3 yếu tố là xung đột, khí hậu và sự bất ổn cũng như những chênh lệch về kinh tế. Cho dù có tách riêng hay kết hợp lại thì những yếu tố này đều đang có nguy cơ "làm sâu sắc thêm những điều kiện vốn đe doạ tính mạng con người".
Theo báo cáo, xung đột và bạo lực vũ trang tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói ở nhiều điểm nóng, làm gián đoạn các hệ thống cung ứng lương thực, khiến cho người dân phải di dời và gây trở ngại cho việc tiếp cận hỗ trợ nhân đạo.
Liên quan đến tình hình khí hậu, FAO và WFP cảnh báo La Nina có thể làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và đe dọa những hệ thống cung ứng thực phẩm không ổn định, làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực ở những khu vực dễ bị tổn thương cho đến đầu mùa Xuân tới.
Tham chiếu 5 điểm nóng về nạn đói bị coi là có mức độ quan ngại cao nhất, Tổng Giám đốc của FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về một lệnh ngừng bắn nhân đạo và phục hồi khả năng tiếp cận cũng như khả năng có sẵn các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Ông Khuất Đông Ngọc nêu rõ hòa bình và ổn định rất quan trọng đối với nông dân để họ trồng cây lương thực, thu hoạch và duy trì sinh kế. Quyền tiếp cận các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng không chỉ là nhu cầu cơ bản mà còn là một quyền cơ bản của con người.
Báo cáo của FAO và WFP nhấn mạnh việc hành động sớm và có mục tiêu đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn khủng hoảng gia tăng.
LHQ: Xung đột ở Sudan khiến hàng chục triệu dân thường lâm vào nạn đói Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong thông cáo báo chí được đưa ra ngày 17/10, các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) đã chỉ trích xung đột giữa Các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự khiến cho 25 triệu dân thường ở nước này lâm vào nạn đói. Người dân...