Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Nam Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 11/10, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch giữa các nhóm vũ trang ở khu vực Fashoda, thuộc bang Thượng sông Nile của Nam Sudan.
Binh sĩ thuộc Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan tuần tra tại Leer, Nam Sudan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về Nam Sudan kiêm Trưởng phái đoàn LHQ tại Nam Sudan (UNMISS), ông Nicholas Haysom, kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, dân sự, tôn giáo chấm dứt các hành động thù địch và khôi phục an ninh tại các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Trong một tuyên bố đưa ra tại thủ đô Juba, ông Haysom nêu rõ: “UNMISS kêu gọi các nhóm vũ trang tôn trọng quyền tự do đi lại trên sông Nile và các phụ lưu, khu vực nằm giữa hai bang Thượng sông Nile và Jonglei”. Theo ông Haysom, các cuộc đụng độ đã dẫn đến thiệt hại về người, nạn bắt cóc phụ nữ và khiến hơn 8.000 người phải rời khỏi thị trấn Kodok và các địa phương lân cận. Bất ổn an ninh cũng cản trợ công tác hỗ trợ nhân đạo tại đây.
UNMISS cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên liên quan đạt được một thỏa thuận cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình thực hiện các cuộc tuần tra trên sông nhằm giảm căng thẳng và góp phần chấm dứt các hành động thù địch.
Giới chức Nam Sudan cùng ngày 11/10 cho biết ít nhất 25 người đã thiệt mạng trong vụ xung đột giữa các nhóm thanh niên từ hai cộng đồng ở phía Bắc nước này, xuất phát từ tranh chấp ranh giới giữa hai khu vực.
Trong vụ xung đột nói trên, những thanh niên có vũ trang từ cộng đồng Twic thuộc bang Warrap đã tấn công cư dân của thị trấn Abyei lân cận hôm 10/10. Nhà lập pháp Ariech Mayar Ariech đại diện cho bang Warrap tại Quốc hội Nam Sudan xác nhận cuộc tấn công bằng súng đã khiến 15 người thuộc cộng đồng Twic thiệt mạng. Ông Ariech nói thêm rằng tình hình rất căng thẳng và đáng lo ngại, đồng thời cảnh báo bạo lực có thể leo thang nếu tranh chấp không được giải quyết.
Một quan chức chính quyền địa phương, ông Deng Ajak cho biết 12 cư dân Abyei, trong đó có 2 phụ nữ và 1 trẻ em, cũng đã thiệt mạng.
Đụng độ thường xảy ra tại nhiều vùng ở Nam Sudan, bắt nguồn từ những tranh chấp khu vực chăn thả gia súc, canh tác, nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác. Bất ổn chính trị cũng làm trầm trọng thêm những tranh chấp nhỏ lẻ, khiến bạo lực bùng phát.
Liên hợp quốc cảnh báo bạo lực gây nguy hại tiến trình hòa bình ở Nam Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 28/9, Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) cho biết các cuộc xung đột ở nước này đang thúc đẩy các chu kỳ bạo lực lặp lại, đồng thời cảnh báo tình trạng này có thể làm xói mòn những tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực hướng tới hòa bình lâu dài ở Nam Sudan.
Binh sĩ thuộc Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan tuần tra tại Leer, Nam Sudan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu trước báo giới ở thủ đô Juba của Nam Sudan, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan, ông Nicholas Haysom, cho hay giao tranh giữa các phe phái đối địch ở bang Thượng sông Nile và một phần của bang Jonglei đã khiến hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Riêng tại thủ phủ Malakal của bang Thượng sông Nile, hơn 14.000 người đã phải đến ẩn náu tại các cơ sở của LHQ.
Trước đó, ngày 1/9, Điều phối viên Nhân đạo của LHQ tại Nam Sudan, bà Sara Beysolow Nyanti đã kêu gọi các bên đối địch không gây trở ngại việc tiếp cận nhân đạo của những người phải di tản do xung đột tại các khu vực giữa Malakal và thành phố Tonga cũng thuộc bang Thượng sông Nile.
Nam Sudan rơi vào vòng xoáy bạo lực kể từ tháng 12/2013 sau một cuộc tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cấp phó của ông khi đó là Riek Machar, dẫn đến việc những binh sĩ trung thành với hai nhà lãnh đạo này xung đột với nhau. Giao tranh đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải di tản.
Nam Sudan chìm trong khủng hoảng, hàng triệu người cần viện trợ nhân đạo Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 4/7, cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi khoản viện trợ 400 triệu USD để cung cấp các dịch vụ nhân đạo tối thiểu cho Nam Sudan nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của nước này trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra. Kiểm...