Liên hợp quốc chỉ ra yếu tố làm gia tăng xung đột ở Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, sau một năm xung đột tại Dải Gaza, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế, cũng như sự thiếu vắng trách nhiệm giải trình.
Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 6/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Bà Ravina Shamdasani, người phát ngôn của UNHCR, nhấn mạnh tình trạng vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở mức độ nghiêm trọng, đặc biệt trong việc bảo vệ thường dân. Bà chỉ ra nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến việc vi phạm các nguyên tắc phân biệt đối xử, tính cân xứng và ưu tiên bảo vệ dân thường.
UNHCR liệt kê các hành vi bạo lực như tấn công trường học, tổ chức nhân đạo, bắt giữ con tin, cưỡng ép di dời và phát hiện mộ tập thể. Bệnh viện và xe cứu thương cũng trở thành mục tiêu bị tấn công, trong khi các hoạt động viện trợ nhân đạo liên tục bị ngăn chặn, làm gia tăng đau khổ cho người dân ở Dải Gaza.
Bà Shamdasani cảnh báo việc miễn trừ trách nhiệm lan tràn chỉ làm “gia tăng xung đột” ở Trung Đông và rằng cần có các biện pháp trừng phạt để chặn đứng những vi phạm như vậy, qua đó sẽ ngăn vòng xoáy trả thù, bạo lực và bất công ngày càng gia tăng trong khu vực.
Trong một năm qua, xung đột đã khiến gần 42.000 người thiệt mạng và phần lớn trong số 2,3 triệu dân ở Gaza phải di dời. Nhiều địa điểm gần như bị san phẳng.
Video đang HOT
Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/10, Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào mạng lưới tài chính quốc tế của phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza để cắt đứt nguồn tài trợ từ bên ngoài cho lực lượng này.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với 3 cá nhân và một tổ chức được cho là đã tài trợ cho Hamas. Có nguồn tin cho biết ngân hàng Al-Intaj ở Gaza nằm trong danh sách bị Mỹ kiểm soát tài chính, trong khi 3 cá nhân bị trừng phạt gồm một thành viên Hamas ở Italy và 2 đại diện cấp cao của Hamas tại Đức và Áo.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog nhân một năm xảy ra cuộc xung đột Hamas – Israel. Nhà lãnh đạo Mỹ chia sẻ nỗi buồn sâu sắc về sự mất mát và những đau khổ mà người dân ở Gaza phải liên tục gánh chịu, đồng thời nhấn mạnh cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi đưa được tất cả các con tin còn lại về nhà an toàn.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí tiếp tục nỗ lưc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và giải cứu các con tin, mở đường cho hòa bình lâu dài tại khu vực.
Theo thông báo của Hamas, lực lượng này vẫn đang giữ 97 trong tổng số 251 người bị bắt giữ làm con tin trong cuộc tấn công bất ngờ vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, trong đó có thi thể của 34 người mà quân đội Israel xác nhận đã tử vong. Phát ngôn viên của Hamas, ông Abu Obeida, cảnh báo sức khỏe và tâm lý của các con tin đang ngày càng tệ hơn.
Liên hợp quốc và EU ủng hộ đề xuất ngừng bắn kéo dài 21 ngày ở Liban
Ngày 27/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã ủng hộ kế hoạch chung giữa Mỹ và Pháp về lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày ở Liban sau nhiều ngày Israel tấn công Hezbollah.
Ông cảnh báo rằng những hậu quả từ cuộc xung đột ở Gaza có thể khiến khu vực lâm tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất ngừng bắn tạm thời, qua đó sẽ tạo điều kiện cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo và khôi phục các cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm đạt được hòa bình bền vững. Ông lưu ý rằng mức độ thiệt hại và con số thương vong quá lớn ở Gaza đang tạo ra những cú sốc có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Pháp và Mỹ về lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày ở Liban. Ông cũng kêu gọi cần đa dạng hóa các nỗ lực ngoại giao thay vì chỉ phụ thuộc vào Mỹ để đạt được lệnh ngừng bắn.
Trước đó, ngày 25/9, Pháp và Mỹ đã đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày tại Liban. Đề xuất được Pháp công bố tại phiên họp khẩn cấp của HĐBA LHQ ngay sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại LHQ.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về sự leo thang hơn nữa giữa Israel và lực lượng Hezbollah, dường như đang đẩy Trung Đông đến gần hơn với một cuộc chiến toàn diện. Ngày 27/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu gây chú ý tại Khóa họp 79 Đại hội đồng LHQ, trong đó ông khẳng định Israel đang tìm kiếm hòa bình nhưng sẽ chưa dừng các cuộc tấn công hiện nay.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Netanyahu một lần nữa nhấn mạnh phải loại trừ phong trào Hồi giáo Hamas khỏi nỗ lực tái thiết tại Dải Gaza.
Liên quan đến căng thẳng với phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban, ông khẳng định Israel sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chống lại lực lượng này "cho đến khi đạt được các mục tiêu".
Trong diễn biến mới nhất, ngày 28/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của HĐBA LHQ về các cam kết giảm leo thang căng thẳng giữa Israel và Hezbollah, đồng thời có biện pháp cứng rắn đối với các bên vi phạm.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn nhất quán đối với yêu cầu thực hiện đầy đủ và toàn diện Nghị quyết 1701 của HĐBA, trong đó nêu rõ cả nghĩa vụ của Israel là chấm dứt mọi hoạt động quân sự tấn công, rút quân khỏi Nam Liban và chấm dứt việc chiếm đóng đất đai của Liban cũng như nghĩa vụ của Hezbollah là rút tất cả các đội hình về phía bắc Sông Litania... Các biện pháp nghiêm khắc phải được thực hiện đối với những kẻ vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ."
Đồng thời, Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi các bên "ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch. Điều này sẽ ngăn chặn đổ máu thêm và tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị và ngoại giao". Ông cũng nhấn mạnh HĐBA không chỉ là diễn đàn giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu mà còn là cơ quan duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
'Cuộc chiến' thêm ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Hội đồng Bảo an, với 5 thành viên thường trực nắm quyền phủ quyết, không phản ánh đầy đủ sự đa dạng và phát triển của thế giới. Các quốc gia từ châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh đang kêu gọi cải cách nhằm đảm bảo sự đại diện công bằng hơn. Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ....