Liên hợp quốc cảnh báo thế giới ‘chệch hướng’ mục tiêu Hiệp định Paris
Liên hợp quốc cho rằng một nghịch lý là các đảo quốc nhỏ “thực sự đang nằm ở tiền tuyến” và sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, trong khi nỗ lực chính trị của cộng đồng quốc tế trở nên mờ nhạt.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: AFP)
Thế giới đang “chệch hướng” mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Đây là thông điệp mạnh mẽ về hành động chống biến đổi khí hậu mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra khi đến New Zealand ngày 12/5, bắt đầu chuyến công du khu vực Thái Bình Dương.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng nước chủ nhà Jacinda Ardern tại thành phố Auckland, ông Guterres khẳng định rõ ràng thế giới đang “chệch hướng” các mục tiêu được xác định trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Video đang HOT
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nêu rõ một nghịch lý là các đảo quốc nhỏ “thực sự đang nằm ở tiền tuyến” và sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, trong khi nỗ lực chính trị của cộng đồng quốc tế đang trở nên “mờ nhạt.”
Về phần mình, Thủ tướng Ardern cho rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, đồng thời cho rằng né tránh vấn đề này là “sự bất cẩn lớn.”
Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của ông Guterres với cương vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc tới New Zealand.
Trong thời gian 3 ngày ở New Zealand, ông Guterres dự kiến gặp một số lãnh đạo Hồi giáo tại thành phố Christchurch nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết sau vụ xả súng kinh hoàng ngày 15/3 vừa qua tại thành phố này khiến 51 người thiệt mạng.
New Zealand là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du đến Thái Bình Dương nhằm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực này.
Sau New Zealand, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ thăm những nước đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng gồm Fiji, Tuvalu và Vanuatu.
Chuyến công du của ông Guterres diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu dự kiến được tổ chức tại thành phố New York, Mỹ vào tháng Chín tới./.
Theo Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam )
Liên hợp quốc hối thúc đối thoại phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 10/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc các nước liên quan tiếp tục đối thoại để đạt được tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa một cách toàn diện và có thể kiểm chứng, vì hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu với báo giới tại New York, Mỹ ngày 23/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu với báo giới, phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq nhấn mạnh LHQ nhận định hành động vừa qua của Triều Tiên (vụ phóng vật thể bay được phỏng đoán là tên lửa tầm ngắn ngày 9/5) chỉ khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU hy vọng Triều Tiên sẽ kiềm chế các hành động có thể cản trở nỗ lực ngoại giao, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các cam kết, có các bước đi tích cực để khôi phục đối thoại, đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong vòng 5 ngày, Triều Tiên gây bất ngờ khi liên tiếp phóng các vật thể bay về phía Biển Nhật Bản mà Hàn Quốc cho rằng có thể là tên lửa tầm ngắn, còn Mỹ nghĩ đó là tên lửa đạn đạo. Vụ phóng chiều 9/5, các vật thể bay được các chuyên gia quân sự Hàn Quốc và Mỹ đánh giá là bay xa hơn lần phóng ngày 4/5, song đều rơi xuống biển mà không gây thiệt hại. Hai động thái quân sự liên tiếp này, cùng với tuyên bố của Triều Tiên về một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa" và thử nghiệm "vũ khí chiến thuật có điều khiển loại mới" đã làm tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau một thời gian dài bình yên khi Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để tham gia các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrm, trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha đã có cuộc điện đàm vào hồi 15h20 (giờ địa phương) ngày 10/5 theo đề nghị của Thụy Điển, để trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Kang Kyung-who cho biết Hàn Quốc sẽ đối phó thận trọng thông qua đối thoại thẳng thắn giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc nói thêm: "Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Thụy Điển vốn là kênh giao tiếp với cả hai miền Triều Tiên".
Về phần mình, Ngoại trưởng Margot Wallstrm khẳng định Chính phủ Thụy Điển sẽ không ngừng ủng hộ nỗ lực ngoại giao của chính phủ Hàn Quốc nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại. Ngoại trưởng hai nước đánh giá hai bên tiếp tục hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực đa dạng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ song phương, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác đối phó với mọi vấn đề.
Trước đó, hồi tháng 1/2019, tại thủ đô Stockholm, Bộ ngoại giao Thụy Điển đã chủ trì vòng đàm phán cấp chuyên viên giữa Đặc phái viên phụ trách chính sách về Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui và Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên của Hàn Quốc Lee Do-hoon nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Theo Hữu Tuyên (TTXVN)
Dải Gaza: Ngừng bắn có bền lâu? Israel và các phe ở Gaza được cho là đã đạt được lệnh ngừng bắn sau những ngày cuối tuần giao tranh tồi tệ nhất giữa hai bên kể từ năm 2014, khi chiến tranh toàn diện nổ ra. Chưa ai biết liệu thỏa thuận ngừng bắn có kéo dài, khi mà các bên xung đột chưa lúc nào hết hằn học. Tên...