Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu phủ bóng tương lai nhân loại
Ngày 3/7, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Volker Turk cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.
Người dân đi lấy nước sinh hoạt dưới trời nắng gắt tại Bishkek, Kyrgyzstan ngày 8/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông Volker Turk cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan đang quét sạch mùa màng, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi và hệ sinh thái, khiến các cộng đồng gặp khó khăn trong việc tái thiết và tự túc trong cuộc sống của họ. Ông trích dẫn số liệu chính thức, cho biết trong năm 2021 hơn 828 triệu người trên thế giới phải hứng chịu nạn đói. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa. Ông chỉ ra các hiện tượng thiên nhiên như hạn hán, tan băng, hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.
Ông Volker Turk nhấn mạnh giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền, đồng thời hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau.
Cao ủy LHQ về nhân quyền cho rằng nhân loại hiện có trong tay những công nghệ tân tiến và tối ưu nên hoàn toàn đủ khả năng để thay đổi thực trạng biến đổi khí hậu này.
Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi chấm dứt trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch khi ngành công nghiệp này đang góp phần khiến lượng phát thải khí CO2 trên đà tăng và đạt mức cao nhất trong lịch sử. Ông Volker Turk cho rằng Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra ở Dubai vào tháng 11 và 12 tới đây, phải là một sự kiện mang tính quyết định và giúp thay đổi cuộc chơi trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Video đang HOT
Ngoài ra, ông cũng cảnh báo nguy cơ từ các hành vi “tẩy xanh” xuất phát từ lòng tham con người, theo đó kêu gọi các biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra ở Paris, Pháp, là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu. Các nước ký hiệp định đã nhất trí hợp tác để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình thế giới là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, theo Ủy ban khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), với các xu hướng chính sách hiện tại, nhiều khả năng mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này sẽ vào khoảng 2,8 độ C.
Phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền LHQ kéo dài đến ngày 14/7.
Tổng thư ký LHQ cảnh báo nước biển dâng là 'án tử hình' đối với một số quốc gia
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết: "Đại dương trên toàn cầu đã ấm lên trong thế kỷ qua nhanh hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong 11.000 năm qua.
Thế giới của chúng ta đang vượt qua giới hạn nóng lên 1,5 độ có thể sống được trong tương lai và với các chính sách hiện tại, thế giới đang hướng tới nóng lên 2,8 độ - bản án tử hình đối với các quốc gia dễ bị tổn thương".
Một người mẹ cùng con gái đi qua vùng nước ngập do nước biển dâng taị phía Bắc Jakarta, Indonesia năm 2020. Ảnh: Reuters
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo về mối đe dọa của nước biển dâng cao đối với hàng trăm triệu người sống ở các vùng duyên hải thấp và các quốc đảo nhỏ trong bối cảnh dữ liệu mới cho thấy nước biển đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1900.
Trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 14/2 về tác động của mực nước biển dâng cao đối với hòa bình và an ninh quốc tế, Tổng thư ký Guterres cho biết các quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Hà Lan cũng như các thành phố lớn như Bangkok, Buenos Aires, Jakarta, Lagos, London, Los Angeles, Mumbai, Maputo, New York và Thượng Hải đều đang đối mặt với rủi ro.
Ông nêu rõ: "Mối nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng đối với gần 900 triệu người sống ở các vùng ven biển ở độ cao thấp - tương đương với 1/10 người trên Trái Đất". Ông Guterres cho biết theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), biến đổi khí hậu đang khiến hành tinh ấm hơn, làm tan chảy các sông băng và tảng băng dẫn đến Nam Cực tan chảy trung bình khoảng 150 tỷ tấn băng mỗi năm.
Theo Tổng thư ký Guterres, các nước đang phát triển phải có nguồn lực để thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và điều đó có nghĩa là cần đảm bảo triển khai cam kết tài trợ khí hậu trị giá 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển.
Ông Guterres còn đưa ra các ví dụ về tác động của việc Trái Đất nóng lên và mực nước biển dâng cao đối với các cộng đồng và quốc gia trải dài từ Thái Bình Dương đến lưu vực sông Himalaya. Ông cho biết băng tan ở dãy Himalaya đã khiến lũ lụt tại Pakistan trở nên tồi tệ hơn. Theo ông Guterres, hàng trăm triệu người sống ở các lưu vực sông của dãy Himalaya sẽ phải chịu tác động của cả mực nước biển dâng cao và sự xâm nhập của nước mặn.
"Hậu quả của tất cả những điều này là không thể tưởng tượng được. Các cộng đồng ở vùng trũng thấp và toàn bộ các quốc gia có thể biến mất vĩnh viễn", ông cảnh báo.
Tổng thư ký LHQ cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu cần phải được giải quyết từ nguyên nhân gốc rễ của nó: giảm khí thải để hạn chế sự nóng lên. Cần các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến để hiểu được mối liên hệ giữa tình trạng mất an ninh và biến đổi khí hậu, đồng thời cũng cần có các điều khoản về pháp lý và nhân quyền, đặc biệt là để giải quyết vấn đề di dời người dân và mất mát lãnh thổ. Ông Guterres nói: "Nhân quyền của mọi người không biến mất vì nhà của họ biến mất".
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại New York, Mỹ, ngày 8/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Đại sứ Samoa tại LHQ -ông Fatumanava-o-Upolu III Pa'olelei Luteru đại diện Liên minh các quốc đảo nhỏ phát biểu tại sự kiện của Hội đồng Bảo an LHQ rằng các nước thành viên nằm trong nhóm xả khí thải nhà kính thấp nhất toàn cầu nhưng lại nằm trong nhóm chịu hậu quả nặng nề nhất từ nước biển dâng.
Đại sứ Quần đảo Marshall - bà Amatlain Kabua cho biết nhiều công cụ để giải quyết biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được biết đến. Bà nói: "Điều cần thiết nhất là ý chí chính trị để bắt đầu công việc, với sự hỗ trợ của một đại diện đặc biệt của LHQ" để thúc đẩy hành động toàn cầu.
Các chuyên gia về khí hậu của LHQ cho biết mực nước biển đã dâng cao từ 15 - 25 cm kể từ năm 1900 và tốc độ dâng ngày càng nhanh, nhất là ở một số vùng nhiệt đới. Nếu xu hướng ấm lên của Trái Đất tiếp diễn, thì mực nước có thể dâng cao thêm gần 1 m quanh các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào cuối thế kỷ này.
Mực nước biển dâng cao sẽ kèm theo gia tăng các cơn bão và triều cường, khiến cho nước và đất bị nhiễm mặn, biến nhiều đảo san hô trở thành nơi không thể sinh sống được trong một thời gian dài trước khi bị nhấn chìm.
Một nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ, 5 nước gồm Maldives, Tuvalu, quần đảo Marshall, Nauru và Kiribati có thể trở thành nơi không thể sinh sống được vào năm 2100, khiến 600.000 người dân các nước này phải đi tị nạn liên quan khí hậu.
Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ tăng trưởng toàn cầu thấp kéo dài Một báo cáo công bố ngày 16/5 của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài do hậu quả của đại dịch COVID-19, khủng hoảng Ukraine, biến đổi khí hậu và các điều kiện kinh tế vĩ mô thay đổi, dù đã xuất hiện một số dấu hiệu cải...