Liên hợp quốc cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu tích hợp AI vào vũ khí hạt nhân
Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về các vấn đề giải trừ quân bị, ông Izumi Nakamitsu nhận định rằng các năng lực do thám, giám sát tình báo được trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ có thể là nguyên nhân gây leo thang và được sử dụng để tấn công trong thời gian xảy ra xung đột.
Theo đài Sputnik ngày 27/6, ông Nakamitsu phát biểu tại Đối thoại Đổi mới năm 2023 của Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị (Liên hợp quốc): “AI trong các chức năng liên quan đến vũ khí…, đặc biệt là các hệ thống vũ khí hạt nhân, là một khái niệm cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả nhân đạo thảm khốc”.
Ông Nakamitsu cảnh báo không nên chạy theo công nghệ một cách mù quáng và nhấn mạnh rằng con người cần là người quyết định thời điểm và cách sử dụng AI và máy học (machine learning) chứ không phải ngược lại.
Trước đó, theo tờ The Verge, chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm để AI tự động phóng vũ khí hạt nhân. Nhưng trong bối cảnh nỗi sợ hãi ngày càng tăng về AI, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng ở Mỹ đã muốn đảm bảo chắc chắn rằng điều đó không thể xảy ra.
Hồi cuối tháng 4, thượng nghị sĩ Edward Markey cùng các hạ nghị sĩ Ted Lieu, Don Beyer và Ken Buck đã trình Đạo luật Cấm kích hoạt hạt nhân bằng AI tự động. Dự luật sẽ cấm sử dụng quỹ liên bang để phóng vũ khí hạt nhân bằng hệ thống vũ khí tự động mà không chịu sự kiểm soát của con người. Dự luật này sẽ hệ thống hóa các quy tắc hiện có của Lầu Năm Góc về vũ khí hạt nhân tính tới năm 2022.
Dự luật có đoạn: “Trong mọi trường hợp, Mỹ sẽ để con người thực hiện tất cả các hành động quan trọng để thông báo và thực thi các quyết định của Tổng thống nhằm kích hoạt và chấm dứt sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Video đang HOT
Đồng thời, dự luật muốn không có hệ thống tự động nào không có sự giám sát của con người lại có thể phóng vũ khí hạt nhân hoặc lựa chọn, tấn công các mục tiêu với ý định phóng một vũ khí hạt nhân. Quyết định phóng vũ khí hạt nhân cũng không được để AI đưa ra.
Việc công bố dự luật kêu gọi chú ý đến những nguy cơ tiềm ẩn của các hệ thống AI tự động hiện nay – một mối quan tâm đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ cũng như thế giới công nghệ.
Lý do Ukraine không chọc giận Trung Quốc dù Bắc Kinh gần gũi với Moskva
Tổng thống Ukraine muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc như là nhà đầu tư, đối tác thương mại và nhà trung gian hòa giải tiềm năng.
Tổng thống Ukraine Zenlenski. Ảnh: Politico
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từng rất thẳng thắn khi đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với các quốc gia như Hungary và Đức vì đã quá gần gũi với Nga khi xung đột mới nổ ra ở nước này. Nhưng hiện nhà lãnh đạo Ukraine lại thể hiện một quan điểm đối ngoại hoàn toàn khác với đối tác hàng đầu của Moskva: Trung Quốc.
Có những lý do chính đáng để Ukraine không chọc giận Trung Quốc, bất chấp "mối quan hệ đối tác không giới hạn" của Bắc Kinh với Moskva. Ông Zelensky muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc như là nhà đầu tư, đối tác thương mại và bên trung gian hòa giải tiềm năng - thay vì "đẩy Bắc Kinh" ra xa và có nguy cơ rằng Trung Quốc sẽ chấp thuận xuất khẩu vũ khí cho Nga. Trong những năm tới, tiềm lực tài chính mạnh Trung Quốc cũng có khả năng đóng một vai trò trong việc giúp Ukraine tái thiết sau sự tàn phá do xung đột.
Khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Moskva vào tuần này, có nhiều đồn đoán rằng cuối cùng ông Tập cũng có thể tiến hành một cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Zelensky kể từ khi xung đột với Nga nổ ra. Mặc dù chưa có cuộc điện đàm nào được xác nhận, nhưng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông hoan nghênh cuộc thảo luận như vậy giữa ông Tập Cận Bình và ông Zelensky, đồng thời lưu ý: "Chúng tôi tin rằng (Trung Quốc) và chính ông Tập nên lắng nghe trực tiếp quan điểm của Ukraine chứ không phải chỉ là quan điểm của Nga".
Hôm 20/3, hãng thông tấn Ukrinform.net (Ukraine) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết Kiev mong muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để chấm dứt xung đột. "Ukraine đang theo dõi chặt chẽ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga. Chúng tôi mong muốn Bắc Kinh tác động để Moskva ngừng giao tranh", ông Nikolenko nói.
Ông Nikolenko lưu ý rằng Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã có một cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc vào tuần trước, trong đó nhấn mạnh rằng "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nên là cốt lõi của mọi nỗ lực ngoại giao".
Trước xung đột Nga - Ukraine, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Kiev cũng như là một thị trường lớn đối với lúa mạch và ngô của Ukraine. Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của Ukraine như cảng biển và viễn thông. Nỗ lực tránh xung đột với một đối tác quan trọng như vậy, Kiev thậm chí đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc vào năm ngoái liên quan đến cáo buộc về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Gần đây, trong khi các quan chức EU và NATO đã phản ứng một cách đầy hoài nghi về kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine vào tháng trước, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng để ngỏ cho một cuộc đối thoại do Trung Quốc dẫn đầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin tại Moskva. Ảnh: THX/TTXVN
Vấn đề nổi cộm trong quan hệ Ukraine - Trung Quốc
Nhưng cũng có những điểm nhức nhối trong mối quan hệ Ukraine-Trung Quốc trong vài năm qua. Vấn đề nghiêm trọng nhất xoay quanh MotorSich, nhà sản xuất động cơ hàng không lớn nhất Ukraine, mà Trung Quốc đã tìm cách mua trong một thỏa thuận mà các nước Tây, đặc biệt là Mỹ, gọi là mối đe dọa an ninh. Mối lo ngại lớn nhất của họ là công nghệ quân sự quan trọng sẽ rơi vào tay Bắc Kinh.
Năm 2017, công ty Skyrizon Aviation của Trung Quốc và MotorSich đã yêu cầu Ủy ban chống độc quyền Ukraine (AMCU) chấp thuận việc sáp nhập của họ. Tuy nhiên, Ủy ban này đã từ chối. Vào năm 2020, khi Skyrizon gửi một yêu cầu khác tới AMCU, Chính phủ Ukraine đã ra lệnh quốc hữu hóa MotorSich. Nhưng Kiev đã sớm thay đổi quyết định, khiến nhà sản xuất động cơ trên rơi vào tình trạng lấp lửng.
Đáp lại, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên một tòa án quốc tế để đòi lại 3,5 tỷ USD từ Ukraine, cho rằng Kiev đã vi phạm thỏa thuận bảo hộ đầu tư năm 1992. Năm 2021, Skyrizon cũng đệ đơn kiện Ukraine lên tòa án ở Hague, yêu cầu Ukraine bồi thường thiệt hại 4,5 tỷ USD.
Theo Oleksandr Merezhko, người đứng đầu Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Quốc hội Ukraine, hiện tại, quan hệ ngoại giao của Ukraine với Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng. Ông Merezhko nhận xét rằng trong khi hầu hết các quốc gia đang tìm cách cô lập Nga, thì Bắc Kinh đang thắt chặt quan hệ với Moskva trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, Serhiy Herasymchuk, Phó giám đốc điều hành của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Prism ở Ukraine, một tổ chức phi chính phủ, cho rằng trong khi lập trường ủng hộ Nga của Bắc Kinh là rõ ràng, chẳng hạn như họ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, một số yếu tố trong 12 điểm của Trung Quốc vẫn thu hút sự quan tâm ở Ukraine.
Chuyên gia trên chỉ ra rằng an toàn hạt nhân là một trong những điểm như vậy, "nơi chúng ta có thể nói về những đảm bảo rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Ukraine hoặc nói về việc phi quân sự hóa Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia".
Ukraine cũng có thể hưởng lợi từ sự hòa giải của Trung Quốc trong các vấn đề an ninh lương thực vì Bắc Kinh có thể giúp mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc ở Biển Đen. Hiện tại, Trung Quốc là nước nhận ngũ cốc chính của Ukraine thông qua ba hành lang trong thỏa thuận của Liên hợp quốc.
Ông Herasymchuk nói: "Trung Quốc có khả năng gây áp lực để Nga phải kéo dài sáng kiến này lâu hơn nữa và có thể mở rộng sáng kiến tới các cảng Mykolaiv". Tuy nhiên, ông Herasymchuk lập luận rằng Ukraine nên thận trọng với sự "quyến rũ" của Bắc Kinh và chú ý nhiều hơn đến việc xác định các mục tiêu chiến lược thực sự của Trung Quốc có thể là gì.
Mỹ, Trung Quốc và Nga bất đồng về vấn đề Triều Tiên tại Liên hợp quốc Ngày 20/3, Mỹ, Trung Quốc và Nga đã đưa ra nhiều ý kiến tranh luận trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc ai phải chịu trách nhiệm khi để Triều Tiên phóng hàng chục tên lửa đạn đạo và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tên lửa đạn đạo liên lục địa...