Liên hợp quốc bổ nhiệm Thư ký điều hành tiếp theo của Công ước đa dạng sinh học
Ngày 3/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bổ nhiệm bà Astrid Schomaker, người Đức, làm Thư ký điều hành tiếp theo của Công ước đa dạng sinh học (CBD).
Bà Astrid Schomaker. Ảnh: enb.iisd.org
Thông cáo báo chí của CBD nêu rõ với tư cách người lãnh đạo Ban thư ký thỏa thuận môi trường đa phương quan trọng nhất thế giới về đa dạng sinh học, bà Schomaker sẽ nỗ lực biến Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, được thông qua hồi tháng 12/2022, thành hành động ở tất cả các cấp. Thông cáo nhấn mạnh 4 mục tiêu của Kế hoạch đa dạng sinh học sẽ định hình các ưu tiên của bà Schomaker trong thời gian tới, gồm bảo vệ và phục hồi thiên nhiên; cùng phát triển thịnh vượng với thiên nhiên; chia sẻ lợi ích công bằng; đầu tư và hợp tác.
CBD cho biết Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến 1/11/2024 tại Cali, Colombia.
Tại đây, các bên tham gia công ước dự kiến đệ trình các Kế hoạch hành động và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia (NBSAP) sửa đổi phù hợp với Kế hoạch đa dạng sinh học.
CBD lưu ý để chuẩn bị cho COP 16, các bên dự kiến sẽ tiến tới thu hẹp khoảng cách tài chính cho đa dạng sinh học với cột mốc đầu tiên là tăng tổng nguồn tài chính quốc tế dành cho vấn đề đa dạng sinh học từ các nước phát triển lên ít nhất 20 tỷ USD/năm vào năm 2025. Do các bên tham gia chỉ còn vài năm để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch Đa dạng sinh học (đến năm 2030), CBD nhấn mạnh cần có thêm nguồn tài chính ngoài những nguồn đã được huy động thông qua Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).
Ngày 22/5/1992 các quốc gia trên thế giới đã thông qua Công ước toàn cầu về đa dạng sinh học (Công ước CBD) tại Nairobi. Công ước CBD có hiệu lực từ ngày 29/12/1993 và tính đến nay đã có 196 nước tham gia Công ước này.
Tổng thư ký LHQ kêu gọi hành động toàn cầu ngăn chặn khủng hoảng rác thải
Ngày 30/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thực hiện các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải.
Một con kênh chứa đầy rác thải tại khu vực Seelampur ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 26/4/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong thông điệp video nhân Ngày Quốc tế Không rác thải, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh "hành tinh của chúng tra đang ngập trong rác thải". Người đứng đầu LHQ đã phác họa một bức tranh thảm khốc về tình trạng môi trường suy thoái do con người tiêu thụ quá mức và tạo ra nhiều loại rác thải. Với hơn 2 tỷ chất thải rắn đô thị thải ra môi trường mỗi năm, hậu quả đối với khí hậu, hệ sinh thái và sức khỏe con người trên Trái Đất là hết sức nặng nề.
Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết tình trạng tiêu thụ quá mức, cho rằng tình trạng này "đang giết chết chúng ta".
Trước thực trạng trên, Tổng thư ký LHQ đã nêu ra một cách tiếp cận nhiều mặt. Theo ông, các doanh nghiệp phải tìm cách giảm thiểu lãng phí bao bì, tối đa hóa tuổi thọ và vòng đời bao bì các sản phẩm của họ. Trong khi đó, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ khi mua hàng, đồng thời cố gắng tái chế hoặc tái sử dụng bất cứ khi nào có thể. Tổng thư ký LHQ còn nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động của chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ưu tiên tái sử dụng, tái sản xuất, phục hồi và ngăn ngừa chất thải. Ông cũng chỉ ra sự cần thiết của các chương trình quản lý chất thải hiện đại có thể giảm đáng kể tác động của sự cạn kiệt tài nguyên, đồng thời kêu gọi các công dân trên toàn cầu cam kết thực hiện các hoạt động bền vững để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Vào ngày 14/12/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố ngày 30/3 hằng năm là Ngày Quốc tế Không rác thải.
Xung đột Hamas-Israel: Tổng thư ký LHQ nêu bật tầm quan trọng của UNRWA Ngày 25/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã khẳng định tầm quan trọng của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) đối với người tị nạn trong khu vực và kêu gọi đẩy mạnh viện trợ vào Dải Gaza. Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày...