Lịch sử hào hùng hai chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập sau 40 năm
Khi đến bảo tàng để gặp lại chiếc xe tăng 390, các cựu chiến binh bị &’thử thách’ bằng câu hỏi “Các bác có chắc đây là chiếc xe húc đổ cổng chính dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 không?”.
Hai chiếc xe tăng T59 số hiệu 390 và T54B số hiệu 843 đều được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012. Trong chiến tranh chống Mỹ, hai xe này thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2.
Hiện xe tăng 390 được trưng bày tại Bảo tàng Tăng thiết giáp (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), cạnh hàng chục chiếc tăng màu cỏ úa khác. Số xe rõ nét, tháp pháo nguyên vẹn còn in vết đạn của những lần tham gia chiến dịch. Dù kinh qua nhiều trận chiến và thời gian triển lãm, nhưng xe vẫn nổ máy đều, hoạt động tốt.
Hiện vật gốc, độc bản xe tăng 390 hiện được trưng bày ở Bảo tàng Tăng thiết giáp.
Còn chiếc tăng 843 được trưng bày trong Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ), được đặt ở vị trí trang trọng giữa những hình ảnh về chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Các dây dẫn nhiên liệu, ác quy bị lão hóa nên xe không còn hoạt động được. Để hạn chế sự tác động của khí hậu nóng ẩm, hàng ngày các nhân viên bảo tàng đều lau chùi và bảo quản định kỳ từng năm.
“Qua nhiều lần bảo dưỡng, xe tăng 843 hầu như nguyên bản, chỉ phải thay thế một số bộ phận han gỉ, chi tiết vụn vặt. Tháng 12/2014, chiếc xe mới được sơn lại. Hội đồng kỹ thuật đã phải tìm được đúng gốc sơn, màu sơn của xe bởi nếu không đúng chủng loại thì lớp sơn gốc của xe sẽ bị phá hủy”, thượng tá Cao Thế Duyên, cán bộ bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho hay.
Có một thời, dư luận băn khoăn về việc trong hai chiếc, đâu là xe tăng húc đổ cổng chính dinh Độc Lập? Cuối cùng, nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder có mặt trong thời khắc lịch sử ấy ghi lại được hình ảnh chứng minh chiếc tăng 390 đã húc đổ cổng chính, tiến vào dinh Độc Lập.
Sáng 30/4/1975, hai xe tăng đều nằm trong đội hình của Đại đội 4 thọc sâu, vượt qua cầu Thị Nghè, mở đường cho lực lượng của Quân đoàn 2 tiến về dinh Độc Lập. Trên xe 390 gồm trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội 4, trưởng xe; pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên; pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng và lái xe Nguyễn Văn Tập đi sau xe 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận tiến đến cổng dinh.
Khi đó, xe 843 dẫn đầu đội hình tiến công lao vào cổng phụ của dinh và bị kẹt. Chiếc tăng 390 đi sau lập tức xông lên, húc đổ cánh cổng chính. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe 843 nhảy ra, chạy lên nóc dinh hạ cờ quân đội Việt Nam Cộng hòa và treo lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên.
Những người lính trên xe tăng 390 và 843 là lực lượng giải phóng có mặt sớm nhất ở dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Francoise Demulder. Bảo tàng LSQS cung cấp.
Sau khi sự việc được xác minh và kết luận rõ ràng, thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khi ấy báo cáo lên Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đề nghị được đưa xe tăng 390 đang được sử dụng, huấn luyện tại Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 về trưng bày tại bảo tàng bên cạnh chiếc xe tăng 843.
“Ý kiến của tôi được cấp trên đồng ý, nhưng khi làm việc với bên tăng thiết giáp thì thiếu tướng Đoàn Sinh Hưởng, Tư lệnh binh chủng trả lời rằng mong muốn được giữ lại xe tăng 390, đưa về trưng bày tại bảo tàng để phục vụ tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong binh chủng và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế”, tướng Lương cho hay.
Video đang HOT
Trước khi vào bảo tàng, xe tăng 390 đã cùng những người lính đi một hành trình dài dọc đất nước theo đường tiến công của quân giải phóng. Đây là xe chiến đấu chủ lực hạng trung do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở dây chuyền sản xuất xe T54A của Liên Xô, viện trợ cho Việt Nam năm 1969. Trong hành trình ngang dọc ấy, xe tăng 390 từ A Lưới tham gia chiến đấu giải phóng Huế – Đà Nẵng, trở thành xe đầu tiên húc đổ cổng chính dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975.
Trải qua thời kỳ chống Mỹ, xe tăng 390 tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia rồi lên tàu thủy, vượt biển ra Bắc, có mặt trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1980, xe cùng đơn vị về đóng quân trên địa bàn Lạng Giang (Bắc Giang) và được sử dụng làm xe huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Khi Binh chủng Tăng thiết giáp khánh thành bảo tàng năm 1999, những người lính năm xưa có mặt trên chiếc xe tăng được mời đến gặp mặt để xác định hiện vật gốc. Nhân viên bảo tàng “làm khó” kíp xe bằng câu hỏi “Các bác có khẳng định đây là chiếc xe đã húc đổ cổng chính Dinh độc lập trưa ngày 30/4/1975 không?”.
Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên đọc vanh vách đặc điểm nhận dạng xe, như sườn trái tháp pháo vẫn còn 2 vết lõm, sâu chừng một cm do bị đạn bắn. Trên mặt tháp pháo, ngay sau đường hàn cố định có vết lõm dài hơn gang tay do mảnh bom tạo thành. Từng vết lõm, số hiệu xe chính xác như lời các cựu binh miêu tả. Khi đó, nhân viên bảo tàng mở cửa đưa các nhân chứng đến gặp lại chiếc xe. “Xe được sơn mới nhưng nó gắn bó máu thịt với chúng tôi suốt chặng đường chiến đấu từ năm 1972 thì sao quên được”, ông Nguyên chia sẻ.
Đại tá Lê Xuân Khanh, Giám đốc nhà máy Z153, nguyên cán bộ phòng kỹ thuật – người tham gia kiểm tra và sửa chữa xe tăng 390 cho biết, năm 1999 phòng kỹ thuật của nhà máy Z153 được lệnh tiếp nhận chiếc xe tăng để sửa chữa. Biết đây là hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệt nên đội kỹ thuật cố gắng giữ tính nguyên bản của xe, chỉ thay thế một số phụ tùng hư hỏng thông thường.
Sau gần 2 tháng sửa chữa, xe được bàn giao lại cho Lữ đoàn 201 vận chuyển về bảo tàng. Lực lượng vận chuyển phải dùng xe chuyên dụng mới đưa được hiện vật nặng 36 tấn về nơi trưng bày.
Xe tăng 843 chở theo đại đội trưởng Bùi Quang Thận – người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập vào 11h30 phút ngày 30/4/1975. Ảnh: H.P.
Song hành cùng xe tăng 390 tiến vào dinh Độc Lập là chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843, d o Liên Xô (cũ) chế tạo và viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày thống nhất, xe tăng 843 được lệnh ra tiếp quản cảng Nhà Bè (nay là cảng Nhà Rồng) rồi hành quân về tổng kho Long Bình. Sau đó, xe được đưa ra Hà Nội dự triển lãm mừng ngày thống nhất.
Kết thúc triển lãm, xe tăng 843 trở về làm nhiệm vụ huấn luyện tại Lữ đoàn 203 cho đến năm 1979 thì được đưa về trưng bày tại bảo tàng.
Năm 2011, khi lập hồ sơ công nhận xe tăng là bảo vật quốc gia, bảo tàng mời các nhân chứng đến chứng thực chiếc xe tăng là hiện vật gốc. Kíp xe gồm trưởng xe Bùi Quang Thận, pháo thủ số 2 Nguyễn Văn Kỷ cùng lái xe Lữ Văn Hỏa (pháo thủ số 1 Thái Bá Minh đã mất trước đó) một lần nữa được hội ngộ “người bạn cũ”.
Những người lính năm xưa nhớ rõ vết xước của núm nhựa chiếc cần lái bên tay phải do lái xe Hỏa va phải khi thay băng đạn đại liên. Lá chắn bùn phía đuôi xe bị biến dạng khi quay xe đi trong rừng Trường Sơn. Vết lõm phía đầu xe có đường kính 3 cm, sâu một cm là vết đạn quân Mỹ bắn trước đầu xe làm pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ bị thương khi đang sử dụng súng 12,7 ly bắn bộ binh Mỹ ở căn cứ Nước Trong. Giờ đây, mảnh đạn ấy vẫn còn nằm trong cổ tay ông Kỷ.
40 năm trôi qua, hai chiếc xe không còn làm nhiệm vụ chiến đấu nhưng tiếp tục truyền kiến thức lịch sử và niềm tự hào cho thế hệ sau khi có mặt ở bảo tàng. Trong cuộc giao lưu mới đây, một bạn trẻ hỏi pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên, người có mặt trên xe 390 có buồn không khi một thời lịch sử không nhắc đến những người lính lái xe 390 và chỉ nhớ đến những chiếc xe tăng vào ngày kỷ niệm 30/4?
“Với chúng tôi, xe nào vào trước, xe nào vào sau giờ đây đã không còn quan trọng nữa, không cần tranh công cũng không nên đổ lỗi. Lịch sử đã dành cho tôi và đồng đội giây phút vinh quang khi có mặt ở Sài Gòn sớm nhất, trong phút giây nước nhà thống nhất, vậy là may mắn và hạnh phúc hơn những đồng đội đã nằm xuống trên đường tiến về Sài Gòn”, ông trả lời.
Theo VnExpress
Kí ức của người lính xe tăng 390
Thời điểm chứng kiến nội các của Dương Văn Minh đầu hàng, ông Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1 xe tăng 390, lúc đó canh gác ngoài phòng họp tại Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, dâng trào xúc động vì Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn thắng lợi, đất nước thu về một mối.
Nhập ngũ vào tháng 8/1971, lúc mới 18 tuổi, sau thời gian huấn luyện bộ binh khoảng 2 tháng, chàng trai trẻ Ngô Sỹ Nguyên được chuyển sang đơn vị tăng thiết giáp và được làm pháo thủ của xe tăng 390.
4 người lính xe tăng 390 chụp kỷ niệm tại phiên bản xe 390 (ông Nguyên, là người thứ 2 từ phải sang trái). Ảnh do nhân vật cung cấp.
Xe tăng 390 gồm có trung úy Vũ Đăng Toàn là chính trị viên đại đội; lái xe là trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 là trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2, thiếu úy Lê Văn Phượng (lên thay pháo thủ số 2 bị thương).
Ngày 15/3, Lữ đoàn 203 xuất phát từ A Lưới (Huế) đi theo đường 14B, thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế xuống đánh Núi Bông, Núi Nghệ và Mỏ Tàu và tiếp tục tiến đánh ra Huế.
"Ngày 25/3, chúng tôi đã tiến vào giải phóng Huế, sau đó được lệnh ra cửa Thuận An để chặn đường rút chạy của quân ngụy", ông Nguyên nhớ lại.
Ngày 28/3, đơn vị ông Nguyên tiến vào giải phóng Đà Nẵng, sau đó tiếp tục củng cố đội hình hành quân theo miền duyên hải, đánh địch trong hành tiến.
Ngày 26/4, bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của ông Nguyên được lệnh đánh mở đường vào căn cứ quân sự Nước Trong, nơi có trường sĩ quan thiết giáp của địch. Tới 12 giờ ngày 28/4, đơn vị đã giải phóng toàn bộ căn cứ Nước Trong, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2.
"Lúc này đã rất gần Sài Gòn, hơn ai hết, những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cảm nhận được ngày đất nước thống nhất đã đến rất gần. Trước đó, Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng đã căn cứ vào bản đồ xe buýt Sài Gòn cho đắp sa bàn để những người lính chúng tôi dễ hình dung về hướng đi vào Sài Gòn", ông Nguyên kể.
Sáng 30/4, Tiểu đoàn 1 do đồng chí Ngô Văn Nhỡ làm tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn. Tuy nhiên, từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một đến cầu Sài Gòn, địch chống trả rất quyết liệt.
"Lúc đó là tờ mờ sáng, đạn bay rít xung quanh, tuy nhiên không ai nao núng. Khi nghe tin đồng chí Tiểu đoàn trưởng Ngô Quang Nhỡ hy sinh khi chỉ huy càng khiến đơn vị quyết tiến lên", ông Nguyên nói tiếp.
Xe tăng đi đầu tiên của tiểu đoàn mang số hiệu 866 do đồng chí Lê Tiến Hùng phụ trách, nhưng qua cầu Sài Gòn thì bị trúng đạn của địch.
Xe tăng 390 đi ngay sau vẫn tiếp tục tiến lên giữa sự phản kích quyết lịch của địch, vừa đi vừa phối hợp với các xe tăng khác hợp đồng tác chiến, dập tắt các điểm hỏa lực của địch. Khi tới ngã tư Hàng Xanh, lực lượng phản kích của địch gồm có xe M113, xe bọc thép và GMC đánh trả ác liệt.
"Vừa nhìn thấy lực lượng địch, đồng chí Toàn và Tập hô: "Nguyên, Nguyên... mục tiêu!". Bình tĩnh ngắm bắn, tôi đã tiêu diệt 2 xe M113 và nhiều GMC chở lính địch", ông Nguyên nhớ lại.
"Vượt qua Hàng Xanh thì đường phố vắng hoe, xe chúng tôi tiếp tục tiến lên theo trí nhớ về hướng dẫn sa bàn trước đó. Đến một ngã tư, chúng tôi hỏi đường, họ bảo lạc rồi nên quay lại. Chúng tôi lùi lại và chuyển hướng tiến về Dinh Độc lập, gặp xe tăng 843 của trung úy Bùi Quang Thận ở phía trước", ông Nguyên kể.
"Xe của đồng chí Thận đang đi thì rẽ sang cổng trái rồi khựng lại ở cổng Dinh Độc lập. Thấy vậy, đồng chí Tập lái xe hỏi có nên vào hay dừng lại, thì đồng chí Toàn nói: "Cứ tông vào đi". Ngay lập tức, lái xe Tập nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc lập và tiếp tục tiến thẳng vào sân. Chúng tôi vào trong sân, một đội hình xe tăng bọc thép của địch còn nguyên. Ngoảnh lại phía sau, chúng tôi thấy đồng chí Thận cầm cờ chạy theo xe tăng 390. Sau đó xe tăng 390 chạy chậm lại và yểm trợ đồng chí Thận. Đồng chí Toàn, trưởng xe 390 cũng cầm theo khẩu AK nhảy xuống xe chạy theo đồng chí Thận", ông Nguyên kể lại.
Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên trên xe tăng 390 (ảnh do nhân vật cung cấp).
Vào đến Dinh Độc lập, Chính trị viên Toàn dồn tất cả nội các của Dương Văn Minh vào trong phòng lớn. Lúc này, trung úy Ngô Sỹ Nguyên cũng lên tới nơi và đứng gác ở cửa phòng. Lái xe Nguyễn Văn Tập ở lại giữ xe tăng, thiếu úy Lê Văn Phượng ngồi trong xe giữ khẩu 12 ly 7 chĩa lên phía lá cờ trên nóc dinh để yểm trợ cho Bùi Quang Thận cắm cờ.
Sau khi anh Thận cắm cờ, nhiều người lính chúng tôi cảm xúc dâng lên khó tả.
Nhiều người hô: "Giải phóng đất nước rồi các đồng chí, các bạn ơi. Còn gì sung sướng bằng! Tất cả đều vỡ òa niềm vui trong nước mắt", ông Nguyên xúc động nhớ lại.
Khoảng một tiếng sau, Đại đội 4 của ông Nguyên nhận lệnh ra cảng Bạch Đằng để bảo vệ cảng, kho hàng. Ở đó chừng 4 - 5 hôm, đại đội rút về tổng kho Long Bình, đóng doanh trại, xây dựng đơn vị, sửa chữa xe, lau chùi súng pháo, bổ sung đạn dược, xăng dầu... sẵn sàng chiến đấu.
"Cứ mỗi dịp tháng 4 về, dư âm của những ngày tháng 4 năm 1975 lại ùa về. Chúng tôi rất tự hào vì kíp xe tăng 390 lúc đó đã góp phần nhỏ bé để giải phóng đất nước", ông Nguyên tự hào tâm sự.
Xuân Minh
Theo Dantri
Những dấu vết đặc biệt trên xe tăng 390 Xe tăng 390 cùng với xe tăng 843, "chứng nhân lịch sử" của Chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975 đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Bên cạnh chiến công húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975, xe tăng 390 đã đi một cung đường rất dài theo hình đất nước. Trước đó, ngày 4-12-1971, nằm trong đội...