Libya: NTC đã bãi bỏ lệnh cấm gây nhiều tranh cãi
AFP đưa tin, ngày 2/5, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp ( NTC) cầm quyền ở Libya đã bãi bỏ một lệnh cấm gây tranh cãi, trong đó cấm các chính đảng được thành lập dựa trên cơ sở tôn giáo, khu vực, bộ lạc hoặc sắc tộc.
Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil. (Nguồn: Getty Images)
Các thành viên ủy ban pháp luật của NTC ngày 2/5 đã công bố một đạo luật sửa đổi về việc thành lập các chính đảng, trong đó không đề cập đến lệnh cấm trên.
Một thành viên của NTC giải thích “lệnh cấm được công bố (hôm 24/4) để thử phản ứng của dư luận,” đề cập đến đạo luật công bố trước đó nhưng vấp phải sự chỉ trích từ phía các tín đồ Hồi giáo và những người chủ trương lập chế độ liên bang.
Video đang HOT
Trong hàng thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Muammar Gaddafi , các tổ chức chính trị dù dưới bất kỳ hình thức nào đều bị cấm.
Tháng Giêng vừa qua, NTC đã bãi bỏ đạo luật loại các tổ chức chính trị ra ngoài vòng pháp luật. Kể từ đó đến nay đã có hàng chục đảng phái ra đời với ý đồ tham gia vào cuộc bầu cử hội đồng lập hiến mà NTC cam kết tổ chức vào ngày 19/6 tới.
Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil ngày 2/5 cho rằng bức thư trong đó tiết lộ việc chế độ Gaddafi đồng ý tài trợ cho chiến dịch tranh cử năm 2007 của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có thể là giả mạo, đồng thời kêu gọi Pháp giúp dẫn độ Bashir Saleh, một cựu quan chức Libya được nhắc đến trong vụ bê bối tranh cử nói trên.
Bức thư này, mà Tổng thống Sarkozy đã bác bỏ là “làm giả một cách thô thiển,” được gửi tới địa chỉ của Saleh, cựu Chánh văn phòng tổng thống của Gaddafi và là người đứng đầu một quỹ đầu tư quốc gia trị giá 40 tỷ USD của Libya, hiện đang định cư tại Pháp./.
Theo TTXVN
Nội các Libya bị cách chức
Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) đã bãi nhiệm nội các của nước này chỉ 5 tháng sau khi nội các này tuyên bố nhậm chức với lý do thiếu năng lực và chỉ hai tháng trước cuộc tổng tuyển cử quốc gia đầu tiên, hãng AP đưa tin.
Nội các của Thủ tướng Abdurrahim el-Keib bị đánh giá là kém cỏi - Ảnh: AFP
Fathi Baja, một quan chức cao cấp của NTC, ngày 26.4 cho biết 65 trong số 72 thành viên của NTC đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Abdurrahim el-Keib trong cuộc họp được tổ chức trước đó một ngày.
Đây là biến cố mới nhất đối với Libya, vốn đang chật vật tổ chức lại chính quyền sau khi lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Diễn biến trên cũng gây nghi ngờ về khả năng tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 6 tới, khi người Libya dự kiến bầu chọn một quốc hội với 200 thành viên để lập ra một chính phủ mới và chuẩn bị soạn thảo hiến pháp mới.
Một quan chức khác của NTC, Moussa al-Kouni xác nhận cuộc bỏ phiếu trên và cho biết quyết định không được công bố do hội đồng vẫn chưa thông qua một nội các mới.
NTC bị chia rẽ về việc ai sẽ là thủ tướng mới. Những người Hồi giáo ủng hộ Mustafa Abu-Shakour, người phó của ông el-Keib. Những người khác phản đối việc bổ nhiệm một thành viên cao cấp của nội các mà họ cho là bất lực, và đề cử Bộ trưởng Lao động Mustafa al-Rajbani vào chiếc "ghế nóng".
Ông el-Keib nhậm chức thủ tướng vào tháng 11.2011, sau cuộc xung đột kéo dài tám tháng kết thúc bằng việc bắt giữ và hạ sát ông Gaddafi vào tháng 10.2011.
Trong suốt thời gian tại vị, ông el-Keib và NTC buộc tội nhau xung quanh việc ai chịu trách nhiệm về việc không tập hợp các tay súng nổi dậy trước đây vào lực lượng chính phủ, thành lập quân đội quốc gia và tước vũ khí các nhóm vũ trang, cũng như cáo buộc tiêu phí hàng tỉ USD vào việc chữa trị các tay súng Libya bị thương ở nước ngoài.
Gần đây hơn, hàng chục người Libya đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột giáo phái và bộ tộc ở các thành phố miền Nam Kufra và Sabha mà không có sự can thiệp đáng kể của chính quyền.
Theo Thanh niên
Đài Loan vẫn tiếp tục cấm vận quảng cáo của Trung Quốc Mặc dù các hoạt động trao đổi kinh tế giữa Đài Loan và Trung Quốc vẫn diễn ra thuận lợi nhưng quảng cáo của Trung Quốc vẫn bị cấm ở Đài Loan. Khi Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, người dân Đài Loan đều đón chờ xem ông sẽ làm gì để cải thiện mối quan...