Libya: Các nhóm phiến quân nhất trí ngừng giao tranh ở Nam Tripoli
Các nhóm phiến quân đối địch tại Libya đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn mới, qua đó chấm dứt gần một tuần xung đột đẫm máu tại phía Nam thủ đô Tripoli.
Binh sỹ thuộc lực lượng quân đội miền Đông trong chiến dịch chống phiến quân ở Benghazi, Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong thông báo đề ngày 21/1 , Bộ Y tế Libya cho biết kể từ ngày 16/1 vừa qua, đụng độ giữa các nhóm vũ trang từ thủ đô Tripoli và phiến quân Lữ đoàn 7 từ thành phố Tarhuna, phía Đông Nam thủ đô, đã khiến 16 người thiệt mạng và 65 người bị thương.
Theo thỏa thuận ngừng bắn được ký giữa các quan chức của Tripoli và Tarhuna, các tay súng của Lực lượng Bảo vệ Tripoli và Lữ đoàn 7 sẽ lần lượt rút khỏi hai thành phố này.
Thỏa thuận cũng mở ra việc trao đổi tù nhân và xác các tay súng chết trong các cuộc đụng độ.
Trên mạng xã hội Twitter, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Ghassan Salame đã gửi lời cảm ơn đến các thủ lĩnh bộ lạc tại Bani Walid vì những nỗ lực của họ, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên được thực thi thành công.
Video đang HOT
Các cuộc giao tranh mới nhất đã nổ ra tiếp sau các vụ đụng độ trong và xung quanh thủ đô Tripoli giữa quân chính phủ và lực lượng dân quân vũ trang từ thành phố Tarhuna, khiến ít nhất 117 người thiệt mạng và 400 người bị thương trong hai tháng từ tháng 8 đến tháng 9 năm ngoái.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.
Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.
Hiện biên giới của Libya với một số quốc gia như Chad và Sudan đang là nơi ẩn náu và hoạt động của các nhóm phiến quân, trong đó, một số chuyên làm nhiệm vụ là lính đánh thuê./.
Theo VietNam
Libya cảnh báo IS vẫn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia
Ngày 17/12, Chính phủ Libya do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn cảnh báo nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng vẫn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia mặc dù tổ chức này đã bị đánh bại ở thành phố Sirte vào cuối năm 2016.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong tuyên bố nhân kỷ niệm lần thứ 2 chiến thắng IS ở Sirte, Chính phủ Libya nhấn mạnh, tuy thành phố Sirte đã được giải phóng nhưng tổ chức khủng bố này chưa hoàn toàn bị loại bỏ. Một số thành viên IS đã trốn thoát và đang cố gắng tập hợp lại ở nhiều nơi khác. Nhiều phần tử IS đang chờ cơ hội để thực hiện các hoạt động tội phạm.
Chính phủ Libya kêu gọi sự đoàn kết thống nhất quân đội trên cả nước để đánh bại khủng bố, đồng thời nhấn mạnh cuộc chiến chống khủng bố của Libya sẽ không thể chấm dứt nếu không có sự đoàn kết.
Hiện trường một vụ tấn công tại Benghazi, Libya ngày 24/1/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Thành phố Sirte nằm cách thủ Tripoli khoảng 450 km về phía Đông. Đây cũng là nơi xảy ra cuộc xung đột khốc liệt giữa các lực lượng chính phủ và các chiến binh IS trong năm 2016. Cuộc chiến đấu kéo dài hơn 8 tháng, khiến hơn 700 binh lính chính phủ thiệt mạng, trong khi đó hơn 2.000 chiến binh thánh chiến IS cũng bị tiêu diệt.
Liên quan tới cuộc chiến chống IS, cùng ngày 17/12, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết nước này quan ngại trước việc IS đang ngày càng mạnh lên tại Afghanistan.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông Nebenzia nhấn mạnh Nga quan ngại sâu sắc trước sự bành trướng ngày càng mạnh mẽ của IS. Hàng ngũ của tổ chức này đang ngày càng có thêm nhiều chiến binh nước ngoài, những đối tượng đã có kinh nghiệm chiến đấu tại Syria và Iraq.
Theo ông Nebenzia, IS đã tăng cường sức mạnh trong khu vực khi tình hình bất ổn tại Afghanistan ngày càng trở nên tồi tệ. Ông Nebenzia cho biết Nga lo ngại về những vụ tấn công khủng bố quy mô lớn xảy ra liên tiếp tại các thành phố khác nhau ở Afghanistan, trong đó có thủ đô Kabul.
Đại sứ Nebenzia cũng cho rằng IS đang sử dụng thông tin và công nghệ để truyền bá tư tưởng ở nhiều khu vực mới tại Afghanistan, đặc biệt là ở miền Bắc, tạo ra mối đe dọa về an ninh đối với Nga.
Tấn Đạt - Thùy An (TTXVN)
Theo Tintuc
Italia có mang lại "phép màu" cho Libya? Trong hai ngày 12 và 13/11, hội nghị quốc tế về Libya diễn ra tại thành phố Palermo dưới sự chủ trì của Italia. Mục tiêu của hội nghị này là thúc đẩy một giải pháp chính trị cho đất nước vốn đang chìm trong hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi bị lật đổ. Đất nước Libya đang bị...