Liberia ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Ebola
Trước số người chết quá lớn và nguy cơ lây lan tăng mạnh, các nước Tây Phi đang quyết liệt đối phó với Ebola.
Ngày 6/8, tổng thống Liberia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi Tổ chức Y tế Thế giới thông báo số người chết vì đại dịch Ebola ở Tây Phi đã tăng lên tới 932 người.
Con số này được đưa ra sau khi Nigeria xác nhận một nữ y tá vừa mới qua đời vì virus Ebola. Đây là nạn nhân thứ hai thiệt mạng vì loại virus tử thần này ở Nigeria, trong khi số ca nhiễm ở thành phố Lagos với 21 triệu dân đang tăng lên chóng mặt.
Nạn nhân đầu tiên ở Nigeria thiệt mạng vì virus Ebola là một người vừa trở về từ Liberia, nơi đại dịch đang hoành hành. Ngay sau khi về nước, ông này bị ốm nặng nhưng không ai nghĩ rằng ông bị nhiễm Ebola nên không cách ly trong suốt 24 giờ đầu tiên.
Xác người chết vì Ebola bị vứt ra ngay giữa đường ở Liberia
Còn tại Liberia, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf vừa mới tuyên bố trình trạng khẩn cấp, và quyết định hạn chế các cuộc tụ họp đông người để ngăn chặn tình trạng lây lan của virus Ebola.
Với tỉ lệ gây tử vong từ 60-96%, Ebola là loại virus có thể xâm nhập vào nhiều bộ phận cơ thể của con người như hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, mạch máu, cơ bắp, hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Nhưng trước khi xâm nhập vào các hệ thống này, virus Ebola lại gây ra các triệu chứng rất giống với bệnh cúm ở người, chẳng hạn như ho, sốt, đau đầu, viêm họng, nhức mỏi cơ khớp.
Video đang HOT
Vì những triệu chứng ban đầu này bình thường đến mức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho hay nhiều trường hợp bệnh nhân đã bị chẩn đoán và điều trị sai.
Một loạt quốc gia như Arập Xê-út, Tây Ban Nha đều cho biết họ đã có những công dân đầu tiên nhiễm virus Ebola sau khi tới các quốc gia Tây Phi trong thời gian bùng nổ đại dịch. Cho tới nay, đã có ít nhất 1.711 người nhiễm virus Ebola, trong khi thế giới chưa có vaccine hay thuốc điều trị căn bệnh này.
Theo số liệu của WHO, đến nay hơn 932 người, nghĩa là hơn một nửa số người nhiễm bệnh, đã thiệt mạng vì Ebola ở Sierra Leone, Guinea, Liberia và Nigeria.
Các nhân viên y tế khử trùng xác bệnh nhân chết vì Ebola trước khi chôn cất
Theo WHO, rất nhiều gia đình ở Liberia khi có người thân nhiễm Ebola đã kiên quyết không chịu đưa họ tới các trung tâm cách ly mà để họ ở nhà và khấn cầu thần linh phù hộ, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Ebola ra cộng đồng.
Ông David Morse, một giáo sư dịch tễ học ở Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng nỗi ám ảnh về việc virus Ebola lan truyền nhanh chóng ở Nigeria và các nước Tây Phi là một điều đáng báo động khi có quá nhiều người có nguy cơ bị lây nhiễm như vậy.
Virus Ebola chỉ có thể lan truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với thể dịch của bệnh nhân như máu, tinh dịch, nước bọt, nước tiểu, phân hoặc mồ hôi. Việc hàng triệu người dân châu Phi sống trong điều kiện không có nhà vệ sinh tự hoại ở những thành phố đông đúc khiến nguy cơ bùng nổ đại dịch quy mô lớn là vô cùng lớn.
Chính phủ Nigeria cho biết họ cũng đã quyết định lập một trung tâm ứng phó khẩn cấp ở thành phố Lagos nhằm đối phó với đại dịch Ebola và dựng những khu lều trại đặc biệt để cách ly những người có dấu hiệu nhiễm bệnh. Hiện toàn bộ nhân lực y tế trong thành phố đã được huy động để đối phó với tình hình bùng phát dịch Ebola.
Theo Khampha
Dịch Ebola gây chết người có nguy cơ vào Việt Nam
"Dịch Ebola gây chết người có nguy cơ xâm nhập Việt Nam rất lớn. 90% số người nhiễm virus Ebola có thể tử vong".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khẳng định bên lề Hội nghị trực tuyến về dịch bệnh diễn ra chiều nay (8/6).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sốt xuất huyết do virus Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh này được xếp vào nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ông Long cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 12/2013 đên 31/7/2014 đã ghi nhận 1.201 trường hợp nhiễm vi rút Ebola trong đó có 672 trường hợp tử vong tại 3 nước vùng Tây Phi.
Trước tình hình diễn biến dịch Ebola, Thứ trưởng Bộ Y tế lo ngại virus Ebola có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.
"Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus Ebola từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập virus Ebola vào Việt Nam rất lớn", Thứ trưởng Long nói.
Thứ trưởng Long cho biết, người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Virus Ebola lây truyền từ người sang người
Người dân nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc, giảm nguy cơ tử vong.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Ebola. Do đó, nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do virus Ebola.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi đi du lịch người dân tránh tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu khách du lịch đã từng ở nơi có trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh đến ngay cơ sở y tế.
Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh đầu tiên; nhân viên chăm sóc cho người du lịch trở về từ các vùng bị ảnh hưởng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự cần cân nhắc khả năng có thể bị mắc bệnh do virus Ebola.
Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola tại khu vực có rừng nhiệt đới, không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Thứ trưởng Long khẳng định, đến nay Bộ Y tế đã cung cấp thông tin và khuyến cáo biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola để người dân chủ động phòng chống.
"Dịch Ebola có thể xảy ra do đó Bộ Y tế đã thực hiện các biện pháp quyết liệt các biện pháp cần thiết. Bộ Y tế chỉ đạo các cửa khẩu, thực hiện tờ khai y tế đối với các biện pháp cần thiết như: chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị...", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo Khampha
Hàng không Anh ngừng bay tới Tây Phi vì sợ virus Ebola Một loạt hãng hàng không quyết định ngừng bay tới khu vực đang bùng nổ dịch Ebola ở châu Phi. Ngày 5/8, hãng hàng không British Airways của Anh đã quyết định ngừng các chuyến bay tới 2 quốc gia Tây Phi, tâm điểm của nạn dịch kinh hoàng do "virus sát thủ" Ebola gây ra đã cướp đi sinh mạng của hơn...