Liban đối mặt nguy cơ không có điện vào cuối tháng 9/2021
Công ty điện lực quốc gia Liban ngày 23/9 cho biết toàn bộ người dân nước này có nguy cơ sẽ không có điện vào cuối tháng 9/2021 do nhiên liệu dự trữ của ngành điện lực đang ngày càng cạn kiệt.
Người dân sử dụng nến để chiếu sáng do mất điện tại thủ đô Beirut, Liban, ngày 10/7/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Liban đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế mà theo Ngân hàng Thế giới (WB) là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19. Ngân sách quốc gia cạn kiệt khiến Liban không thể chi trả cho các hoạt động nhập khẩu xăng dầu, dẫn tới tình trạng thiếu trầm trọng điện trong vài tháng qua khi hầu hết người dân nước này phải phục thuộc vào các máy phát điện cá nhân.
Công ty điện lực quốc gia Liban cho biết các kho dự trữ nhiên liệu dầu cả cấp độ A và B của nước này đều đã cạn kiệt. Một số nhà máy sản xuất điện đã buộc phải ngừng sản xuất do không có nhiên liệu. Trong khi đó, thỏa thuận mà nước này ký với Iraq mua 1 triệu tấn dầu nhiên liệu nặng vào tháng 7/2021 chỉ có thể giúp ngành điện lực Liban sản xuất không quá 500 megawatt.
Liban đã phải cắt điện 7 lần trên cả nước do tình trạng thiếu nhiên liệu. Nếu việc thiếu nhiên liệu không được giải quyết thì nguy cơ toàn bộ người dân Liban sẽ không có điện vào cuối tháng 9/2021 hoàn toàn có thể xảy ra.
Vào tháng 7/2021, Chính phủ Iraq đã ký thỏa thuận cho phép Chính phủ Liban thanh toán 1 triệu tấn dầu nhiên liệu nặng trong vòng 1 năm bằng hàng hóa và dịch vụ, giúp Liban phần nào giảm bớt tình trạng thiếu điện nghiêm trọng
WHO cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của ngành y tế Liban
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/9 cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe của Liban do tình trạng chảy máu chất xám và thiếu hụt các sản phẩm cũng như nhiên liệu y tế ở nước này.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Shebba, Liban ngày 28/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một thông báo được đưa ra sau chuyến thăm hai ngày tới Liban của Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, WHO cho biết gần 40% bác sĩ y khoa có tay nghề cao và 30% y tá đã đăng ký rời khỏi Leban vĩnh viễn hoặc tạm thời, trong khi những nhân viên y tế ở lại nước này đang phải dựa vào những nguồn lực ít ỏi để cứu chữa cho bệnh nhân.
Cũng theo WHO, tình trạng thiếu nhiên liệu y tế đang khiến hầu hết các bệnh viện của Liban chỉ hoạt động ở mức 50% công suất, trong khi nguồn cung cấp các loại thuốc cơ bản và cứu sinh cũng lâm vào tình trạng tượng tự. Hạn chế về dự trữ ngoại tệ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nhập khẩu thuốc và các sản phẩm y tế.
Trước tình hình trên, WHO tái khẳng định sẽtiếp tục hỗ trợ Liban. Tổ chức này lưu ý sẽ vẫn tiếp tục công việc cứu sinh trước mắt ở quốc gia trên, đồng thời lên kế hoạch cho các chiến lược dài hạn hơn về chăm sóc sức khỏe... WHO cho biết thêm tổ chức này coi việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế nói trên là cơ hội để xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn ở Liban, qua đó hợp tác với chính quyền của quốc gia này, các đối tác cũng như cộng đồng quốc tế để cải cách một cách tích cực lĩnh vực y tế.
Bước tiến quan trọng tại Liban Trước sức ép từ cộng đồng quốc tế cũng như áp lực từ cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng ở trong nước, các nhà lãnh đạo Liban ngày 10/9 đã đạt được đồng thuận về việc thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, chính phủ mới của Thủ tướng Najib Mikati sẽ phải giải quyết nhiều nhiệm vụ then chốt nhưng...