Li kì chuyện cõng từng gùi sầu riêng vượt biên sang Trung Quốc
Thời gian gần đây, trên một số tờ báo xuất hiện thông tin Trung Quốc không nhập khẩu sầu riêng Việt Nam dẫn tới tình trạng ùn tắc kéo dài tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và là nguyên nhân khiến giá sầu riêng nghịch vụ ở một số tỉnh ĐBSCL rớt mạnh. PV Dân Việt đã có chuyến thâm nhập thực tế tại cửa khẩu Tân Thanh để tìm hiểu thực hư.
Trước đó, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tại cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vô cùng lo lắng vì sầu riêng nghịch vụ loại 1 bán cho thương lái chỉ còn 40.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với thời điểm chính vụ. Tại nhiều vườn sầu riêng, trái chín rụng khắp nơi, người dân thu gom chất đống trong nhà nhưng có rất ít thương lái đến hỏi mua.
Tình trạng này trái ngược hẳn so với mọi năm, khi thương lái chủ động tìm đến đặt cọc mua sầu riêng cả tháng trước khi thu hoạch, đợi đến ngày giờ là họ cho người đến phân loại và chở, xuất bán sang Trung Quốc.
Để tìm hiểu rõ thực hư thông tin, sáng 5.12 phóng viên đã có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây không có tình trạng xe container tắc đường kéo dài. Xe cộ vẫn qua lại cửa khẩu bình thường và lực lượng Hải quan, Biên phòng tại đây tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa thông quan nhanh chóng.
Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu diễn ra bình thường, không có tình trạng xe tắc hàng dài.
Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh ( Cục Hải quan Lạng Sơn), ông Ngọc cho biết: “Hiện nay phía Trung Quốc tiến hành truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông sản nhập khẩu, trong đó sầu riêng Việt Nam không nằm trong danh mục nhập khẩu của Trung Quốc đã ký với Việt Nam. Nhiều mặt hàng khác như xoài, chanh leo… và từ ngày 15.12 tới đây, tinh bột sắn dây của Việt Nam cũng không nằm trong danh mục nêu trên nên phía họ sẽ không cho xuất sang”.
Theo quy định phía Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam là 1 trong nhiều mặt hàng nông sản không thuộc danh mục nhập khẩu thì nhẽ ra tại các cửa khẩu, trong đó có Tân Thanh sẽ phải “sạch bóng sầu riêng”. Tuy nhiên thực tế theo ghi nhận của PV tại đây, vẫn thấy sự có mặt của những xe container chở đầy sầu riêng. Đặc biệt là mùi trái sầu riêng chín thơm nức mũi nên không khó để phát hiện sự có mặt của những trái sầu riêng ở nơi này.
Tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, PV phát hiện mỗi ngày vẫn có khoảng vài trăm tấn sầu riêng vượt đường mòn sang biên giới Trung Quốc. Do quen biết với một người phụ nữ thường xuyên đi vác hàng tại cửa khẩu nên tôi đã nài nỉ chị cho đi theo. “Cách đoạn lại có “chim lợn”, nguy hiểm lắm”, chị nói. Thuyết phục mãi cuối cùng người phụ nữ này cũng cho tôi “bám càng” theo.
Người phụ nữ này cho biết, bình thường “bọn phụ nữ đi hàng sầu” chỉ vác được 2 thùng/chuyến, mỗi thùng 35kg và được trả công 70.000 đồng/chuyến. Nhưng riêng đàn ông, thanh niên khỏe có thể vác 3-4 thùng/chuyến là chuyện thường.
Video đang HOT
“Hàng sầu có 2 loại, 1 loại là dạng giỏ nhựa khoảng 9kg mỗi giỏ, được trả công vận chuyển 18.000 đồng; còn 1 loại nữa là dạng đóng thùng giấy khoảng 16-17kg, mỗi thùng được trả công 35.000 đồng” – chị này cho biết.
Những thùng sầu riêng đóng hộp màu vàng, bên ngoài có những lỗ thông hơi được các nam, nữ cửu vạn “cõng” theo đường mòn qua Trung Quốc.
Theo chân người phụ nữ này, khoảng 17h40 lúc đã chập choạng tối, chúng tôi có mặt tại “cánh phải” của ngôi chùa Tân Thanh nổi tiếng Xứ Lạng. Tại đây có con đường mòn dẫn về phía biên giới và hàng trăm người đi lại, xe cộ ra vào tấp nập. Đúng 6h tối, một chiếc container chở sầu riêng lùi vào hướng con đường này. Hàng chục phu vạn ào ra để đón hàng. Những thùng sầu riêng thơm nức mũi được các phu vạn cả nam, cả nữ nhanh chóng “thiết kế cho vào gùi” để đeo lên vai như đeo ba lô.
Theo người phụ nữ này, tại đây có 3 con đường mòn quen thuộc được dân phu vạn đặt cho 3 cái tên mà ai dân cửu vạn cũng biết đó là đường hồi, đường keo và đường công trình. Và hàng sầu riêng chủ yếu đi đường hồi, đi từ sáng sớm đến tầm 8h tối.
Con đường leo dốc đồi khoảng 800m này sẽ dẫn các phu vạn tới một điểm đón hàng quen thuộc phía nước bạn Trung Quốc, sau đó sẽ được khuân lên xe vào nội địa. Theo như lời người phụ nữ này nói, hàng ngày chỉ riêng tại đây có đến hàng chục tấn sầu riêng “xuất khẩu” qua đường mòn sang Trung Quốc.
Không chỉ hoa quả mà ngay cả hàng đông lạnh cũng được đóng vào thùng xốp trắng để vận chuyển theo đường mòn qua nước bạn.
Lý giải vì sao nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có sầu riêng chưa thể xuất khẩu chính ngạch, đàng hoàng sang thị trường nước bạn, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết: “Các sản phẩm nông sản phải đạt các tiêu chuẩn phía bên họ đưa ra như xưởng sản xuất, cơ sở sản xuất, bao bì rõ ràng, phải đăng ký với nhà sản xuất… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều đoàn làm việc, đàm phán với phía nước bạn Trung Quốc liên quan đến vấn đề xuất khẩu nông sản Việt Nam qua thị trường Trung Quốc, hi vọng thời gian tới chúng ta sẽ đạt được nhiều thỏa thuận nhằm đưa nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này”.
Theo Danviet
Trung Quốc ngừng mua sầu riêng, nhà vườn phải mang ra đường bán rẻ
Khoảng 1 tuần trở lại đây, sầu riêng nghịch vụ ở một số tỉnh ĐBSCL vào mùa thu hoạch rộ nhưng không bán được sang Trung Quốc nên giá rớt thê thảm.
Những ngày qua, các nhà vườn trồng sầu riêng tại cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vô cùng lo lắng vì sầu riêng loại 1 bán cho thương lái chỉ còn 40.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với thời điểm chính vụ.
Tại nhiều vườn sầu riêng, trái chín rụng khắp nơi, người dân thu gom chất đống trong nhà nhưng có rất ít thương lái đến hỏi mua. Tình trạng này trái ngược hẳn so với mọi năm, thương lái chủ động tìm đến đặt cọc cả tháng trước khi thu hoạch, đến ngày giờ là họ cho người đến phân loại và chở, xuất bán sang Trung Quốc.
Thương lái thu mua sầu riêng tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long với giá thấp. Ảnh: LÊ PHONG
Ông Lê Văn Hưu, chủ một vườn sầu riêng tại huyện Vũng Liêm, cho biết: "Vườn nhà tôi còn hơn 15 tấn sầu riêng sắp thu hoạch. Nếu bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg thì cầm chắc lỗ vì sầu riêng nghịch vụ tốn rất nhiều công chăm sóc để cây ra trái. Còn nếu bán lẻ cũng chẳng được bao nhiêu vì sầu riêng rất nhanh chín và dễ hỏng, không để lâu được".
Tuy vậy, để vớt vát chút vốn liếng và công chăm sóc, nhiều nhà vườn đã mang sầu riêng ra đường để bán cho khách vãng lai, bán rẻ cho các tiểu thương ở chợ hoặc đưa lên mạng. Ngày 1-12, dọc Quốc lộ 60, đoạn thuộc tỉnh Bến Tre, phóng viên ghi nhận khá nhiều điểm bán sầu riêng với giá chỉ 50.000-60.000 đồng/kg. Còn trên tuyến Quốc lộ 1 qua 2 huyện Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhiều người treo bảng bán sầu riêng với giá chỉ 30.000 đồng/kg, trái khá to và đẹp.
Trong khi đó, anh Ngọc Lê Trí (33 tuổi; ngụ huyện Cai Lậy) đã chủ động liên hệ nhiều điểm kinh doanh sầu riêng trong tỉnh cũng như một số cửa hàng ở TP HCM để bỏ mối. Ngoài ra, anh Trí còn nhận đặt hàng trên mạng rồi chở sầu riêng lên cho người thân ở TP HCM đi giao cho khách lẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, tình trạng ùn ứ nông sản đã diễn ra từ nửa tháng trước vì Trung Quốc siết chặt nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Ông Võ Kiều Khanh, chủ một doanh nghiệp vận tải xe container, cho biết mấy tuần nay, xe chở sầu riêng đến cửa khẩu đều phải nằm lại, không xuất được.
Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), tình trạng ùn ứ nông sản đã diễn ra từ nửa tháng trước vì Trung Quốc siết chặt nhập khẩu sầu riêng Việt Nam
Theo ông Khanh, sầu riêng bị gặp khó khăn là do lâu nay chúng ta xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, không chứng minh được nguồn gốc, thương hiệu. Ngoài ra, sầu riêng trồng tại Việt Nam nhưng khi sang Trung Quốc lại dán nhãn Thái Lan cho dễ bán, dẫn đến việc bị cấm nhập.
Ông T.V.C, giám đốc một doanh nghiệp tại TP HCM chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, cho biết sầu riêng chưa có trong danh sách mặt hàng được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên công ty không thu mua.
"Nhiều đồng nghiệp của tôi chuyên đi hàng tiểu ngạch sang Trung Quốc bị thiệt hại nặng vì không thể xuất khẩu như trước. Hàng tươi bị giảm giá trị rất nhanh trong khi tiền mua sầu riêng thì đã trả cho nông dân. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc. Khi chưa mở được thị trường cần thông báo rộng rãi để nông dân biết chủ động sản xuất" - ông C. bộc bạch.
Hiện Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre là 3 tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ĐBSCL với khoảng 15.000 ha, sản lượng trung bình mỗi năm hơn 70.000 tấn. Trước tình trạng đầu ra của sầu riêng đang gặp khó khăn, tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị các cơ quan trung ương có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong xuất khẩu nhằm giúp nông dân ổn định trong canh tác.
Sầu riêng về TP HCM tăng khoảng 20%
Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) xác nhận lượng sầu riêng về chợ những ngày gần đây nhiều hơn bình thường, giá giảm do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn.
Tuy nhiên, lượng hàng tại chợ chỉ tăng khoảng 20% do thương nhân tăng sản lượng theo sức mua, không lấy hàng theo khả năng cung ứng của nhà vườn. Sầu riêng về chợ chủ yếu là hàng loại 2 có nguồn từ tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre.
Còn sầu riêng loại 1 để xuất khẩu hoặc bán tại các cửa hàng trái cây cao cấp. Sầu riêng là mặt hàng khá kén khách, cũng không phải là hàng chủ lực nên ít tác động đến hoạt động kinh doanh tại chợ.
Theo Minh Sơn - Lê Phong - Ngọc Ánh (Người Lao động)
Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi dùng thuốc diệt cỏ bừa bãi Nhằm giảm chi phí thuê công dọn cỏ bờ và làm sạch cỏ trong ruộng trước khi bước vào vụ SX, nhiều nông dân tỉnh Bình Định đã sử dụng các loại thuốc có hoạt chất độc hại để diệt cỏ dại. Cách làm này tuy giảm công lao động, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến chính sức khỏe người...