LHQ yêu cầu Sudan, Nam Sudan chấm dứt xung đột
Ngày 2/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ban hành nghị quyết yêu cầu Sudan và Nam Sudan chấm dứt xung đột, nếu không sẽ phải đối diện với các biện pháp trừng phạt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo Nghị quyết 2046, hai nước láng giềng phải “ngừng ngay lập tức các hành động thù địch”, rút quân khỏi khu vực chiến sự, đồng thời gửi cho Liên minh châu Phi (AU) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc văn bản cam kết chấm dứt giao tranh trong vòng 48 giờ.
Nghị quyết trên cũng yêu cầu hai bên khởi động tiến trình đàm phán hòa bình do AU làm trung gian trong vòng hai tuần. Nếu một trong hai bên không tuân thủ nghị quyết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ ban hành “các biện pháp bổ sung” theo Điều 41 của Hiến chương Liên hợp quốc cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt phi quân sự.
Video đang HOT
Nghị quyết 2046 do Mỹ soạn thảo, được sự đồng thuận của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau khi Trung Quốc và Nga lên tiếng hối thúc Sudan và Nam Sudan dừng các cuộc giao tranh tại biên giới, ủng hộ sáng kiến của AU nhằm chấm dứt bạo lực và khởi động đàm phán hòa bình giữa hai nước này.
Trước đó, trong các cuộc thảo luận về dự thảo nghị quyết này, Trung Quốc và Nga đã phản đối việc đề cập trừng phạt Sudan và Nam Sudan.
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trên, Bộ trưởng Nội vụ Nam Sudan Deng Alor Kuol cho biết nước này cam kết tuân thủ nghiêm túc nghị quyết của Liên hợp quốc, đồng thời đề nghị Liên hợp quốc “khẩn cấp tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo đối với các thường dân chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Sudan Al-Obeid Meruh tuyên bố: “Chính phủ Sudan khẳng định lời kêu gọi chiến lược để có hòa bình giữa hai nước và hy vọng Chính phủ Nam Sudan sẽ phản ứng tích cực với các nghị quyết của AU và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.”
Ông Meruh cũng nhấn mạnh “quan điểm và cam kết của Chính phủ Sudan ủng hộ giải quyết các vấn đề và xung đột ở châu Phi bằng các giải pháp của châu Phi”.
Đại sứ Sudan tại Liên hợp quốc Ali Osman tỏ ra thận trọng đối với nghị quyết của HĐBA Liên hợp quốc. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an, ông Ali Osman nói: “Hòa bình giữa hai nước chỉ có thể đạt được trong trường hợp Nam Sudan chấm dứt mọi hình thức bảo trợ đối với các nhóm phiến quân.”
Đại diện Nam Phi tại Liên hợp quốc Baso Sangqu, một trong hai quốc gia châu Phi thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết nghị quyết trên đã ủng hộ những nỗ lực của AU nhằm đưa hai quốc gia láng giềng này ra khỏi một cuộc chiến không có hồi kết.
Đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông kêu gọi Sudan và Nam Sudan “tuân thủ lộ trình hòa bình”, đồng thời nhấn mạnh sự hoài nghi của Trung Quốc về các biện pháp trừng phạt.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cũng nhấn mạnh rằng trừng phạt là “giải pháp cực đoan” và cho rằng các giải pháp chính trị và ngoại giao chưa được tận dụng triệt để.
Thời gian gần đây, chiến sự leo thang giữa Sudan và Nam Sudan khiến dư luận quốc tế hết sức quan ngại. Liên hợp quốc, AU và Mỹ đã kêu gọi hai bên ngừng tất cả hoạt động quân sự dọc biên giới và duy trì đối thoại nhằm giải quyết hòa bình những vấn đề gây mâu thuẫn.
Ngày 24/4, AU đã yêu cầu Sudan và Nam Sudan nối lại các cuộc đàm phán trong vòng hai tuần, cảnh báo liên minh này sẽ đưa ra các quy định ràng buộc nếu hai nước không đạt được thỏa thuận về các vấn đề tranh chấp trong vòng ba tháng.
Nam Sudan đã cam kết thực thi lộ trình của AU trong khi Sudan chưa đưa ra câu trả lời chính thức./.
Theo TTXVN
Sudan tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới
Ngày 29/4, Sudan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực dọc biên giới với Nam Sudan nhằm áp đặt cấm vận thương mại với Juba và ngừng thực thi hiến pháp.
Hàng ngàn người chạy trốn khỏi các cuộc xung đột gay gắt giữa Sudan và Nam Sudan. (Ảnh: CNN)
Theo hãng thông tấn SUNA của Sudan, Tổng thống Omar al-Bashir đã ban hành một sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các tỉnh thuộc bang Nam Kordofan, và các bang White Nile và Sennar.Việc trao đổi thương mại tại biên giới hai nước đã bị cấm không chính thức kể từ khi Nam Sudan độc lập tháng 7/2011, nhưng sắc lệnh mới ban hành đã chính thức hóa lệnh cấm này. Nhưng hơn thế, với sắc lệnh mới, Tổng thống và bất kỳ ai được ông ủy quyền có thể thiết lập các tòa án đặc biệt nhằm xét xử các trường hợp tội phạm và "khủng bố" sau khi tham vấn người đứng đầu ngành tư pháp nước này.
Sắc lệnh trên được ban hành sau các cuộc giao tranh kéo dài hàng tháng trời trên biên giới giữa Sudan và Nam Sudan.
Ngày 10/4 vừa qua, quân đội Nam Sudan đã chiếm khu vực Heglig, làm bùng phát căng thẳng biên giới giữa Khartum và Juba. Sau 10 ngày giao tranh đẫm máu tại đây, làm hàng trăm binh sĩ hai bên bị thương và thiệt mạng, quân đội Nam Sudan đã rút khỏi Heglig theo lời kêu gọi kiềm chế bạo lực của cộng đồng quốc tế.
Một sắc lệnh tình trạng khẩn cấp khác vẫn đang có hiệu lực trong gần một thập kỷ qua tại Darfur, Tây Sudan, và quy chế tương tự cũng được áp đặt tại bang Blue Nile từ tháng 9/2011.
Trong một diễn biến khác, Liên hợp quốc đang cân nhắc giảm bớt quân số của Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Darfur. Theo một quan chức cấp cao của Sudan, lực lượng này có thể giảm 1/4 quân số hiện nay, do các cuộc đụng độ giữa lực lượng quân chính phủ Sudan và các nhóm phiến quân đã giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Trước đó, người đứng đầu bộ phận gìn giữ và duy trì hòa bình của Liên hợp quốc, ông Herve Ladsous đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cắt giảm khoảng 4.000 binh sĩ và 700 cảnh sát tại khu vực này.
Hiện nay có khoảng 18.100 binh sĩ và 3000 cảnh sát quốc tế đang làm nhiệm vụ duy trì hòa bình tại khu vực Darfur./.
Theo TTXVN
Trung Quốc cho quốc gia "trẻ" nhất thế giới vay 8 tỷ USD Các quan chức tại Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới, cho biết Trung Quốc đã đồng ý cho nước này vay 8 tỷ USD để phục vụ các dự án phát triển lớn, sau chuyến thăm của Tổng thống Salva Kiir tới Bắc Kinh. Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh...