LHQ sẽ chứng minh vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria
Một báo cáo của các chuyên gia vũ khí hóa học Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ xác nhận rằng khí độc đã được sử dụng trong vụ tấn công tại ngoại ô Damascus, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 13/9 cho hay.
Các chuyên gia vũ khí hóa học của LHQ thu thập các mẫu vật tại hiện trường vụ tấn công hôm 21/8 ở ngoại ô Damascus. (Ảnh: Reuters)
“Tôi tin rằng báo cáo sẽ cung cấp những bằng chứng áp đảo về việc các vũ khí hóa học đã được sử dụng, mặc dù tôi không thể công khai nói vào thời điểm này trước khi tôi nhận được bản báo cáo,” ông Ban nói tại một cuộc họp của LHQ.
Ông đã nhắc tới một bản báo cáo được trông đợi từ nhóm chuyên gia LHQ do Tiến sĩ Ake Sellstrom người Thụy Điển dẫn đầu.
Phát ngôn viên LHQ Farhan Haq cho biết ông Ban vẫn chưa có được báo cáo của Sellstrom. Tuy nhiên, trước đó ông nói rằng ông đã liên lạc với Sellstrom và yêu cầu ông ấy nhanh chóng đưa ra kết luận.
Tiến sĩ Sellstrom sẽ tới New York vào cuối tuần này để giao bản báo cáo và tóm tắt lại cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, các nhà ngoại giao giấu tên cho hay.
Video đang HOT
Mỹ hôm 13/9 quả quyết bản báo cáo của LHQ sẽ nói rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria.
Đại sứ Pháp tại LHQ, Gerard Araud, nói với các phóng viên rằng thứ Hai tuần tới (16/9) là thời gian dự kiến để ông Ban để trình bản báo cáo của Sellstrom lên Hội đồng Bảo an và các quốc gia thành viên khác của LHQ.
Ông Ban hôm 13/9 cũng nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad “đã gây ra nhiều tội ác chống lại loài người,” mặc dù ông không nói lực lượng Assad hay quân nổi dậy là người sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công 21/8.
Trong khi báo cáo của Sellstrom sẽ không đổ lỗi rõ ràng cho bên nào, các nhà ngoại giao nói rằng các thông tin mà họ thu thập được có thể ám chỉ bên nào chịu trách nhiệm trong cuộc nội chiến kéo dài 2 năm rưỡi tại Syria.
LHQ và các cường quốc phương Tây khác đổ lỗi cho lực lượng trung thành với Assad đã gây ra vụ tấn công. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng có “mọi lý do để tin rằng” nó được thực hiện bởi quân nổi dậy.
Các nhà ngoại giao phương Tây nói rằng họ vô cùng mong đợi bản báo cáo của Sellstrom sẽ xác nhận quan điểm của Mỹ về khí độc sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công mà Mỹ cáo buộc đã giết chết hơn 1.400 người, trong đó có nhiều trẻ em.
Các nhà ngoại giao dự kiến bản báo cáo sẽ gián tiếp ám chỉ chính phủ Syria. Họ từ chối giải thích nhưng những những chi tiết rằng bản báo cáo có thể bao gồm nhiều loại vũ khí đã được sử dụng.
Báo cáo của Sellstrom có thể trở thành một con bài mặc cả trong các cuộc đối thoại giữa Nga và các cường quốc phương Tây về điều kiện để Syria từ bỏ vũ khí hóa học của họ và các điều khoản của nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề này.
Theo khampha
Tàu chiến Nga được trang bị tên lửa tiên tiến nhất
Các tàu chiến Nga sẽ sớm được trang bị phiên bản hải quân của hệ thống phòng không tầm gần Pantsir - một trong những tên lửa tầm ngắn tiên tiến nhất của Nga hiện nay.
Tàu chiến Nga.
Theo một trong những nhà sản xuất hệ thống tên lửa Pantsir hôm qua (11/9) cho biết, phiên bản hải quân của tên lửa tầm ngắn loại này sẽ chính thức được đưa vào biên chế của Lực lượng Hải quân Nga trong vòng 2 năm tới.
"Bộ Quốc phòng Nga rất quan tâm đến phiên bản hải quân của tên lửa tầm ngắn Pantsir. Bộ Quốc phòng đã quyết định nâng cấp, hiện đại hóa một loạt tàu khu trục và các tàu chiến khác của Nga để chúng có thể thích ứng với loại tên lửa tiên tiến trên", ông Dmitry Konoplev - giám đốc điều hành Cục Thiết kế KBP, cho hay.
"Tôi nghĩ rằng, kế hoạch sẽ sớm được hoàn thành trong tương lai, trong năm tới hoặc hai năm tới", ông Konoplev nói thêm.
Hệ thống tên lửa phòng không Pantsir do Viện thiết kế KBP ở thành phố Tula nghiên cứu chế tạo năm 1994 và lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS-1995. Từ đó, hệ thống này được hiện đại hóa đáng kể.
Mỗi phiên bản mặt đất của tổ hợp phòng không Pantsir gồm 2 khẩu pháo phòng không tự động 2 nòng 30 mm và các tên lửa đất - đối - không 57E6 cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến. Hiện tại đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.
Các tổ hợp phòng không Pantsir thường được sử dụng để bảo vệ những khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và căn cứ quân sự...
Hệ thống Pantsir được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất và cả những mục tiêu đang di chuyển. Nó có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc hai tên lửa vào mục tiêu. Theo đánh giá của các chuyên gia, trên thế giới không có loại tổ hợp tương tự cùng loại nào. Tên lửa phóng ra từ tổ hợp tên lửa loại này có thể đánh chặn tối đa 10 mục tiêu cùng một lúc trong thời gian 1 phút. Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất.
Tên lửa của tổ hợp Pantsir có tầm bắn tối đa là 20 km và trần bay 15 km ngay cả khi hệ thống đang di chuyển và đây chính là một trong những ưu điểm vượt trội của nó. Thậm chí, theo tuyên bố của nhà sản xuất KBP, tổ hợp này có thể tiêu diệt được cả máy bay tàng hình.
Theo_VnMedia
Ấn Độ lập "Chuỗi tràng hạt" kiểm soát biên giới Trung-Ấn Để đối phó với những hành động của Trung Quốc đang ngày một gia tăng ở khu vực biên giới 2 nước, Ấn Độ đã phân đoạn biên giới và xây dựng thêm 35 trạm gác tiền tiêu, nhằm chống xâm nhập, siết chặt an ninh biên giới. Theo tin của Press Trust của Ấn Độ ngày 1/9, hiện nay Ấn Độ đã...