LHQ cảnh báo tình trạng leo thang xung đột ở Nam Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ngày 7/12 cho biết kể từ tháng 8 đến nay đã có ít nhất 20.000 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải di dời do bạo lực ở khu vực Đông Bắc Nam Sudan.
Binh sĩ thuộc UNMISS tuần tra tại Leer, Nam Sudan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, UNHCR đã cảnh báo tình trạng leo thang xung đột vũ trang tại bang Thượng sông Nile ở Nam Sudan. Cuộc xung đột này bắt đầu vào ngày 15/8 tại làng Tonga, cách thủ đô Juba của Nam Sudan khoảng 500 km về phía Bắc, sau đó lan sang các ngôi làng khác và các khu vực lân cận, khiến ít nhất 3.000 người phải di tản sang nước láng giềng Sudan.
Đại diện UNHCR tại Nam Sudan Arafat Jamal nhấn mạnh dân thường là mục tiêu trong cuộc xung đột này, do đó, cần đảm bảo việc bảo vệ dân thường.
Theo UNHCR, một số người dân sơ tán do bạo lực ở Nam Sudan đã thông báo về các vụ giết người, bắt cóc, tống tiền và cướp bóc. Nhiều người đã phải di tản đến Malakal – một trại tị nạn được thành lập cách đây 10 năm ở bang Thượng sông Nile với sức chứa 12.000 người. Tuy nhiên, hiện có tới 37.000 người đang sinh sống tại trại tị nạn này.
Trước đó, trong một hội nghị của đảng cầm quyền diễn ra hôm 6/12, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir thừa nhận việc chưa thể ngăn chặn xung đột bùng phát ở bang Thượng sông Nile.
LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của chấm dứt bạo lực tại Nam Sudan
Ngày 24/10, Phó Đặc phái viên tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (UNMISS) kiêm điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan Sara Beysolow Nyanti nhấn mạnh nước này nên tập trung vào việc chấm dứt tình trạng bạo lực cộng đồng liên tục xảy ra ở các địa phương để nhanh chóng ổn định đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài.
Binh sĩ thuộc Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan tuần tra tại Leer, Nam Sudan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Quan chức LHQ kêu gọi tất cả các bên tham gia thỏa thuận hòa bình năm 2018 hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp ở Nam Sudan vào tháng 2/2025. Trong lễ kỷ niệm Ngày LHQ ở Juba, thủ đô Nam Sudan, bà nêu rõ cần nhanh chóng giảm thiểu các vụ bạo lực giữa các địa phương và xung đột cộng đồng.
Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Nam Sudan cũng nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng hiến pháp toàn diện để mở đường cho các cuộc bầu cử tự do, công bằng và đáng tin cậy, đánh dấu sự kết thúc của quá trình chuyển đổi và sự khởi đầu của Nam Sudan với tư cách là một quốc gia dân chủ thực sự
Trong khi đó, về phía Nam Sudan, Bộ trưởng Xây dựng Hòa bình Stephen Par Kuol đã nêu bật sự cần thiết của việc hợp tác thống nhất giữa các bên để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Nam Sudan rơi vào xung đột kể từ tháng 12/2013 sau cuộc tranh chấp chính trị giữa Tổng thống nước này Salva Kiir và Phó Tổng thống khi đó là Riek Machar. Cuộc xung đột đã gây ra sự chia rẽ trong quân đội quốc gia dẫn đến việc hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản cả trong và ngoài nước.
Ukraine huy động được ít nhất 150 triệu USD cho sáng kiến ngũ cốc Tại hội nghị quốc tế về an ninh lương thực diễn ra tại thủ đô Kiev ngày 26/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khởi động sáng kiến "Ngũ cốc từ Ukraine" nhằm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước dễ bị tổn thương nhất do nạn đói và hạn hán trên thế giới. Nông dân thu hoạch lúa mì tại Kharkiv, Ukraine,...