LHQ cảnh báo thách thức tái thiết nền kinh tế của Dải Gaza
Người dân Palestine ở Dải Gaza sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong công cuộc phục hồi và tái thiết sau xung đột khi quy mô kinh tế của Gaza sụt giảm mạnh, còn tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng lại gia tăng nhanh chóng.
Hiện trường đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 10/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo cáo ngày 12/9 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nền kinh tế tại Gaza đang bị tàn phá nặng nề sau hơn 11 tháng xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, biến phần lớn Dải Gaza thành đống đổ nát, và quy mô của nền kinh tế sụt giảm mạnh xuống mức chỉ còn chưa đầy 1/6 quy mô của nền kinh tế trước khi xảy ra cuộc xung đột.
Báo cáo cũng mô tả sự suy thoái kinh tế nhanh chóng và đáng báo động ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, nơi chứng kiến tình trạng bạo lực gia tăng kể từ xung đột xảy ra. Dữ liệu của UNCTAD cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Bờ Tây đã tăng lên 32% từ mức 12,9%, đẩy hơn 300.000 người rơi vào tình cảnh mất việc làm kể từ khi xung đột bùng phát.
Video đang HOT
Ngoài sự suy thoái kinh tế do xung đột gây ra, hoạt động viện trợ quốc tế bị cắt giảm và việc Israel kiểm soát tiền thuế thu hộ Palestine cũng làm gia tăng khó khăn cho các hoạt động kinh tế.
Khi nhấn mạnh cần có một kế hoạch phục hồi toàn diện, UNCTAD kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động ngay lập tức và đáng kể để ngăn chặn tình trạng kinh tế suy thoái, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, qua đó đặt nền tảng cho hòa bình và phát triển lâu dài cho cho Dải Gaza và khu Bờ Tây.
Ít nhất 40 người thiệt mạng trong vụ tấn công khu vực nhân đạo ở Gaza
Ngày 10/9, Cơ quan Phòng vệ Dân sự tại Dải Gaza cho biết, ít nhất 40 người Palestine thiệt mạng và hơn 60 người bị thương khi Israel không kích khu vực Al-Mawasi ở thành phố Khan Younis, phía Nam vùng lãnh thổ này, nơi mà Israel trước đó chỉ định là vùng an toàn nhân đạo và là nơi tạm trú của hàng chục nghìn người Palestine di tản.
Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Khoảng 20-40 lều tạm trú đã bị phá hủy hoàn toàn, chôn vùi toàn bộ nhiều gia đình. Trong số các nạn nhân có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, quân đội Israel cùng ngày thông báo đã tấn công một trung tâm chỉ huy mật thuộc khu vực nhân đạo ở thành phố Khan Younis, nhằm vào các chỉ huy cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas. Phía Israel cáo buộc những "phần tử khủng bố" này liên quan đến cuộc tấn công bất ngờ từ Gaza vào Israel hôm 7/10 năm ngoái.
Tuy nhiên, Hamas phủ nhận thông tin rằng thành viên của phong trào này có mặt tại khu vực xảy ra oanh kích. Israel tuyên bố những thông tin về thương vong trong dân thường do Hamas công bố không khớp với thông tin họ nhận được.
Các nước gồm Mỹ, Qatar và Ai Cập đang thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Hamas và Israel, song tiến trình đàm phán vẫn bị đình trệ. Hamas khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc các lực lượng Israel rút hoàn toàn khỏi Gaza. Về phần mình, Israel tiếp tục duy trì quan điểm về quyền kiểm soát của quân đội nước này đối với hành lang Philadelphi dọc biên giới Gaza - Ai Cập. Sự khác biệt về lập trường trong vấn đề này là nguyên nhân cản trở nỗ lực hòa giải hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi hành động ngay lập tức để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua ở Dải Gaza.
Kinh tế Israel khó cầm cự lâu khi cuộc chiến với Hamas chưa có hồi kết Gần 11 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Hamas ở Gaza, nền kinh tế của Israel đang gặp khó khăn khi các nhà lãnh đạo tiếp tục cuộc tấn công vào Gaza mà không có dấu hiệu chấm dứt và có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn. Ảnh minh họa: TTXVN Trong khu Phố Cổ...