LHQ cảnh báo nạn đói nghiêm trọng ở Nam Sudan
Ngày 18/11, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra cảnh báo có tới gần 60% dân số Nam Sudan sẽ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2025.
Những người tị nạn hồi hương và trẻ nhỏ có nguy cơ cao nhất đối mặt với nghèo đói và suy dinh dưỡng.
Những áp lực kinh tế, khí hậu khắc nghiệt và tác động từ cuộc chiến ở quốc gia láng giềng Sudan khiến nạn đói ở Nam Sudan ngày càng trầm trọng hơn.
Người tị nạn chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Bentiu, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã công bố phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) mới nhất, trong đó dự báo trong mùa đói bắt đầu từ tháng 4/2025, tổng số người ở Nam Sudan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ tăng lên gần 7,7 triệu người, chiếm 57% dân số và tăng thêm 600.000 người so với năm nay. Đáng chú ý, có tới một nửa trong số này là người tị nạn hồi hương, chiếm 85% tổng số người tị nạn hồi hương nhằm tránh cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng. Ngoài ra, số trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng cũng tăng từ 1,65 triệu lên 2,1 triệu vào năm tới.
Đại diện quốc gia của FAO tại Nam Sudan, ông Meshack Malo, cho biết khủng hoảng kinh tế và giá lương thực cao là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực ở quốc gia Đông Bắc Phi này. Ông nhấn mạnh đã đến lúc phải cùng nhau tăng cường đầu tư để hỗ trợ cho người dân Nam Sudan tự sản xuất lương thực. Điều này không chỉ làm giảm chi phí mua lương thực của các hộ gia đình mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng thu nhập hộ gia đình, để họ có thể hướng đến chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
* Liên quan đến cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng Sudan, cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền Sudan kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Abdel Fattah Al-Burhan tuyên bố sẵn sàng tìm giải pháp cho xung đột vũ trang ở nước này và đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng. Ông Al-Burhan đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp với đặc phái viên Mỹ về Sudan Tom Perriello. Thông báo sau cuộc gặp cho biết hai bên đã thảo luận về lộ trình và cách thức chấm dứt xung đột, cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo và thúc đẩy tiến trình chính trị tại Sudan.
Trong một tuyên bố riêng sau đó, đặc phái viên Perriello cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền Sudan để giúp mở rộng số lượng người dân được tiếp cận với thực phẩm, nước và thuốc men.
Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, kể từ khi xung đột ở Sudan nổ ra vào tháng 4/2023, ít nhất 24.850 người đã thiệt mạng. Xung đột cũng đã gây ra cuộc khủng hoảng di dời trầm trọng nhất thế giới với hơn 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đến các vùng khác ở Sudan và 3 triệu người tìm nơi ẩn náu ở các quốc gia láng giềng.
Liên hợp quốc kêu gọi quyên góp hơn 400 triệu USD giúp Nam Sudan tránh nạn đói
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 1/11, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) đã phát động lời kêu gọi khẩn cấp 404 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động viện trợ nhân đạo tại Nam Sudan vào năm tới, đồng thời cảnh báo rằng nạn đói đang gia tăng tại đất nước này.
Người tị nạn chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Bentiu, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan của LHQ đã kêu gọi các nhà tài trợ nhanh chóng quyên góp cho các hoạt động của mình ở Nam Sudan vào năm 2025 để có thể chuẩn bị trước lương thực nhằm tránh chi phí cứu trợ tăng cao. Quyền Giám đốc của WFP tại Nam Sudan - ông Shaun Hughes nhấn mạnh rằng phải mất nhiều tháng để biến số tiền mà các nhà tài trợ hứa hẹn thành thực phẩm đến tay những người cần ở Nam Sudan.
Mạng lưới đường bộ hạn chế của đất nước này vốn không thể đi lại được khi mùa mưa lũ bắt đầu, đặc biệt là ở khu vực phía Đông và miền Trung, nơi tình trạng mất an ninh lương thực diễn ra gay gắt nhất.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi WFP công bố một báo cáo cảnh báo rằng tình hình ở Nam Sudan cực kỳ đáng lo ngại và quốc tế cần có hành động nhân đạo để ngăn chặn nạn đói. Theo báo cáo, tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Nam Sudan, nơi 56% dân số đã phải đối mặt với nạn đói, có khả năng trở nên tồi tệ hơn nữa khi mùa đói kém, được đánh dấu bằng tình trạng khan hiếm lương thực trong mùa mưa dự kiến bắt đầu vào tháng 5/2025, đang đến gần.
Theo WFP, nguyên nhân của tình trạng mất an ninh lương thực ở Nam Sudan là do giá lương thực cao, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, xung đột và bất ổn, áp lực do các cuộc di cư xuyên biên giới từ nước láng giềng Sudan và ảnh hưởng của lũ lụt.
Cơ quan LHQ cho biết họ hiện không có nguồn dự trữ lương thực ở Nam Sudan để chuẩn bị cho hoạt động ứng phó nhân đạo vào năm tới và hiện cần 404 triệu USD để tập trung cho công việc này. Nếu không sớm huy động được nguồn tài trợ, WFP sẽ phải sử dụng các biện pháp cứu trợ tốn kém như thả hàng bằng máy bay khi muốn tiếp cận các cộng đồng bị cô lập vì lũ lụt và phải sống dựa vào viện trợ.
Việc sớm nhận được tiền quyên góp sẽ giúp tổ chức này chuẩn bị trước lương thực và vận chuyển bằng đường bộ đến các vùng sâu, vùng xa trước mùa mưa lũ.
Những đứa trẻ khát hoà bình ở Nam Sudan Nam Sudan tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011, trở thành quốc gia non trẻ nhất châu Phi nói riêng cũng như thế giới nói chung. Tuy thế, mười ba năm qua, đất nước này vẫn từng ngày từng giờ đối mặt với nghèo đói, xung đột giữa các phe phái, sắc tộc diễn biến phức tạp. Những đứa trẻ vô tội vẫn...