LHQ cảnh báo hậu quả nếu coi nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay
Cộng đồng thế giới có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu đói đại trà, bất ổn chính trị và làn sóng di cư không kiểm soát nếu coi nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.
Đây là ý kiến của ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ).
Phân phát lương thực cứu trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho người tị nạn ở Debark, Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong cuộc thảo luận được tổ chức tại Hội đồng về các vấn đề quốc tế, ông Beasley khẳng định thế giới đang trải qua thời kỳ khủng hoảng chưa từng có tiền lệ và những hậu quả mà ông liệt lê nếu trên sẽ là những gì thế giới phải hứng chịu nếu không đối phó với cuộc khủng hoảng này một cách hiệu quả và có chiến lược.
Ông Beasley cảnh báo thêm rằng vào năm tới, thách thức có thể sẽ còn “tồi tệ hơn nhiều” so với hiện tại. Ông cũng thừa nhận thế giới trong 6-12 tháng tới sẽ gặp khó khăn do giá lương thực tăng vọt. Sau đó nếu vấn đề không được giải quyết, thế giới có thể lâm vào tình trạng thiếu lương thực.
Theo ông Beasley, tình hình đang ngày một trầm trọng hơn, trong đó có nguyên nhân do các lệnh hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu phân bón từ Nga và Belarus ra thị trường thế giới – điều gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhiều nước.
Video đang HOT
Trong khi đó, ngày 19/7 (giờ địa phương), tại một sự kiện đặc biệt cấp cao của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bàn về khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, bà Sneha Dubey – Bí thư thứ nhất Phái bộ ngoại giao Ấn Độ tại LHQ – cho rằng nước này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh lương thực toàn cầu, duy trì công bằng, thể hiện lòng nhân ái và thúc đẩy công bằng xã hội.
Bà cho biết trước tình hình nhân đạo đang xấu đi ở Afghanistan, Ấn Độ đang tài trợ 50.000 tấn lúa mì cho người dân nước này. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tiếp tục hỗ trợ 10.000 tấn gạo và lúa mì cho Myanmar, đồng thời duy trì hỗ trợ Sri Lanka, gồm cả lương thực, trong những thời điểm khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã xuất khẩu hơn 250.000 tấn lúa mì sang Yemen trong 3 tháng qua.
Bà Dubey khẳng định Ấn Độ vẫn cam kết mạnh mẽ vì tiến trình an ninh lương thực toàn cầu và đã đóng góp cho Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương của LHQ (CERF) cũng như Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (UNOCHA) để ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác trong nhiều năm qua.
Tác động của suy thoái kinh tế thế giới với Nga
Đối với Nga, triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi tạo ra nguy cơ giảm giá đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu từ nước này.
Kinh tế thế giới suy yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga. Ảnh: TASS
Tình hình kinh tế thế giới đang tiếp tục xấu đi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sắp tới họ sẽ cập nhật dự báo về triển vọng GDP toàn cầu, nhấn mạnh rằng dự báo có thể còn tồi tệ hơn. Đối với Nga, triển vọng kinh tế thế giới xấu hơn tạo ra nguy cơ giảm giá đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu từ nước này.
IMF đã cảnh báo trước công chúng về những thay đổi tiêu cực trong dự báo kinh tế toàn cầu, để chuẩn bị tâm lý. Seyla Pazarbasioglu, Giám đốc về Chiến lược, Chính sách và Phân tích của IMF, cho biết ngày 18/7 rằng "chúng ta đang trải qua khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, thực sự tác động đến nền kinh tế thế giới".
Vào tháng 4, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 từ 4,4% xuống 3,6% do tình hình ở Ukraine. Trong một dự báo mới về nền kinh tế toàn cầu mà IMF dự định công bố vào ngày 26/7, ông Pazarbasioglu cho biết sẽ "hạ thấp đáng kể" con số này, Bloomberg đưa tin. Không chỉ IMF dự kiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ xấu đi, Hyun Sung-shin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tuyên bố: "Con đường dẫn đến hạ cánh mềm của nền kinh tế toàn cầu đang thu hẹp".
Trong khi đó, các nhà phân tích của tập đoàn tài chính đa quốc gia Citigroup vào cuối tháng 6 đã báo cáo rằng khả năng nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái đang đến gần 50%. Khủng hoảng nguồn cung tiếp tục đẩy lạm phát cao hơn và kìm hãm tăng trưởng kinh tế khi các ngân hàng trung ương tích cực tăng lãi suất và nhu cầu đối với hàng tiêu dùng giảm. Theo dự báo của Citigroup, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% vào năm 2022 và 2,8% vào năm 2023.
IMF cho biết những nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh dự báo là do giá lương thực và năng lượng tăng, dòng vốn vào các thị trường mới nổi chậm lại. Mặt khác, đại dịch COVID-19 nguy cơ tái bùng phát và sự suy yếu tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cũng "làm phức tạp hóa" nhiệm vụ đối phó với những rủi ro gia tăng.
Mới đây, Văn phòng thống kê Trung Quốc đã báo cáo rằng trong quý 2 năm 2022, tăng trưởng GDP của Trung Quốc gần như chững lại - chỉ đạt 0,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng kém thứ hai kể từ năm 1992, sau khi giảm 6,9% trong quý đầu tiên của năm 2020 do COVID-19. Trong quý đầu tiên, tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 4,8% tính theo năm, trong khi mục tiêu GDP chính thức cho năm 2022 được công bố ở Bắc Kinh là 5,5%, một con số khiêm tốn đối với quốc gia này. Vì vậy, các nhà kinh tế phương Tây thực sự rất lo ngại về sự suy giảm hoạt động kinh tế ở Trung Quốc.
Về phần mình, các chuyên gia được tờ Nezavisimaya Gazeta phỏng vấn cho biết có một số lý do khiến tình hình GDP thế giới ngày càng xấu đi. "Các nước phương Tây, vốn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Và sau đó họ tiến hành một cuộc chiến kinh tế với nhà xuất khẩu tài nguyên lớn nhất thế giới (Nga)", Artem Tuzov, Giám đốc điều hành bộ phận thị trường vốn của Iva Partners nói.
Ông Tuzov lưu ý Nga, với tư cách là nước xuất khẩu tài nguyên lớn nhất thế giới, tất nhiên, phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu: "Nhu cầu hàng hóa giảm sẽ khiến tất cả các nguồn tài nguyên xuất khẩu từ Nga giảm giá. Do đó, chi phí khai thác tài nguyên có thể trở nên cao hơn chi phí bán chúng, điều này sẽ gây ra các hiện tượng khủng hoảng đã có trong nền kinh tế Nga".
Mark Goykhman, nhà phân tích trưởng của TeleTrade, cho biết đối với nền kinh tế toàn cầu, những mối nguy hiểm trước đây ít được chú ý đã gia tăng trong những tháng gần đây. "Tình hình ở Ukraine làm gia tăng rủi ro địa chính trị. Các biện pháp trừng phạt liên quan đến sự kiện này và việc (Nga) giảm cung cấp tài nguyên cho thị trường thế giới làm tăng sự thiếu hụt các nguồn năng lượng và nguyên liệu nông nghiệp, làm tăng giá của chúng. Điều này làm suy yếu lợi nhuận của nhiều loại hình kinh doanh", chuyên gia Goykhman giải thích.
Theo ông Goykhman, lạm phát cao trên thế giới, gây ra bởi việc bơm tiền vào nền kinh tế trước đây để chống lại đại dịch và sự gia tăng đáng kể chi phí tài nguyên, hiện đang khiến các ngân hàng trung ương có chính sách cứng rắn tăng lãi suất để đối phó với giá cả tăng cao. Đối với Nga, việc thực hiện một kịch bản như vậy sẽ khiến tình hình càng tiêu cực.
"Tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại có thể khiến nhu cầu giảm và hạ giá hàng hóa xuất khẩu của Nga. Điều này sẽ hạn chế thu nhập và cơ hội sản xuất ở trong nước. Mặt khác, lạm phát thế giới cao làm tăng chi phí nhập khẩu và làm cho tiêu dùng trong nước trở nên đắt đỏ hơn. Những điều này cũng làm giảm khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng ở Nga", ông Goykhman lưu ý.
Tóm lại, cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc ở EU và lạm phát kỷ lục ở châu Âu và Mỹ, và tình trạng kinh tế thế giới yếu kém nói chung - tất cả những điều này gây ra lo ngại với Nga. Tuy nhiên, tỷ trọng của Nga trong GDP toàn cầu, theo IMF, chỉ dao động từ 2 đến 3%, vì vậy về vấn đề này, tác động đối với Nga có thể bị hạn chế, theo lý giải của chuyên gia Andrei Loboda.
Indonesia: Chuẩn bị chiến lược ứng phó khủng hoảng lương thực, năng lượng Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị một "chiến lược đặc biệt" nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng trong năm 2023. Người dân mua thực phẩm tại chợ ở Jakarta, Indonesia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Phát biểu tại Phủ...