LHQ báo động về ‘quả bom hẹn giờ’ ở Biển Đỏ
Quả bom hẹn giờ này có nguy cơ gây ra một thảm họa về môi trường, kinh tế và nhân đạo.
Tàu chở dầu FSO Safer neo đậu ngoài khơi bờ biển phía tây của Yemen. Ảnh: news.un.org
Theo hãng tin AFP, Liên hợp quốc (LHQ) ngày 30/8 kêu gọi khoản viện trợ 14 triệu USD khẩn cấp để ngăn chặn một tàu chở dầu nguy cơ gây ra thảm họa ngoài khơi Yemen có thể tốn 20 tỷ USD để khắc phục hậu quả.
Chiếc tàu chở dầu FSO Safer 45 năm tuổi đã mục nát, từ lâu được sử dụng làm kho chứa nổi và hiện bị bỏ hoang ở cảng Hodeida của Yemen do phiến quân kiểm soát, đã không được đưa vào phục vụ kể từ khi Yemen rơi vào cuộc nội chiến hơn 7 năm trước.
Nếu nó vỡ ra, nó có thể gây ra một thảm họa tràn dầu ở Biển Đỏ. David Gressly, điều phối viên thường trú và nhân đạo của LHQ tại Yemen, đang dẫn đầu các nỗ lực của tổ chức này để đảm bảo an toàn cho FSO Safer.
Video đang HOT
Cố vấn truyền thông của ông Gressly, Russell Geekie, cho biết: “Hiện cần thêm 14 triệu USD nhằm đạt được mục tiêu 80 triệu USD để bắt đầu các hoạt động khẩn cấp chuyển dầu từ tàu FSO Safer đến nơi an toàn”.
“Chúng tôi vô cùng lo ngại. Nếu FSO Safer tiếp tục xuống cấp, nó có thể bị vỡ hoặc phát nổ bất cứ lúc nào. Các dòng hải lưu bất thường và gió mạnh từ tháng 10 đến tháng 12 sẽ chỉ làm tăng nguy cơ thảm họa. Nếu chúng ta không hành động, con tàu cuối cùng sẽ vỡ và sự cố sẽ xảy ra. Vấn đề không phải là nếu, mà là khi nào”, ông Geekie nói với các phóng viên ở Geneva, thông qua liên kết trực tuyến từ Sanaa.
Theo ông Geekie, hậu quả có thể là vụ tràn dầu lớn thứ năm từ một tàu chở dầu trong lịch sử, với riêng chi phí khắc phục có thể lên tới 20 tỷ USD. FSO Safer chứa gấp 4 lần lượng dầu bị tràn ra sau thảm họa Exxon Valdez năm 1989, một trong những thảm họa sinh thái tồi tệ nhất thế giới, theo LHQ.
FSO Safer chứa 1,1 triệu thùng dầu. LHQ cho biết một vụ tràn dầu có thể phá hủy hệ sinh thái, đóng cửa ngành đánh bắt cá và đóng cửa cảng Hodeida huyết mạch trong 6 tháng. Ông Geekie cảnh báo: “Nó sẽ gây ra một thảm họa về môi trường, kinh tế và nhân đạo. Đây thực sự là một quả bom hẹn giờ”.
Yemen đối mặt với 'thảm họa kinh hoàng' nếu bị tràn dầu
Thời gian để bốc dỡ một triệu thùng dầu từ một tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Yemen sắp hết và các chuyên gia cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến một "nạn đói lan rộng" nếu tàu bị vỡ.
Một triệu thùng dầu thô cần được giải cứu khỏi tàu chở dầu FSO Safer đang neo đậu ngoài khơi bờ Biển Đỏ của Yemen. Ảnh: UNRCO Yemen
Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cảnh báo rằng thế giới nguy cơ không còn thời gian để ngăn chặn một "thảm họa có cường độ nghiêm trọng" ở Biển Đỏ, khi một triệu thùng dầu thô từ tàu chở dầu khổng lồ FSO Safer đang bị rỉ sét ở ngoài khơi bờ biển của Yemen.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng tàu FSO Safer có thể phát nổ hoặc vỡ bất cứ lúc nào. "Các cảng sẽ bị đóng cửa đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu do dầu tràn và ngành đánh bắt cá sẽ sụp đổ. Tác động nhân đạo, chỉ riêng ở Yemen, sẽ là một cuộc khủng hoảng dẫn đến nạn đói lan rộng", Joost Hiltermann, Giám đốc MENA tại ICG, nói.
Hiện công việc sửa chữa con tàu rỉ sét đã bị trì hoãn một phần do thiếu kinh phí và ở mức độ lớn hơn là sự "lãng quên" của quốc tế.
Liên hợp quốc đã đảm bảo 60 triệu USD để khắc phục sự cố và dự kiến còn thiếu 20 triệu USD nữa. Do đó, Liên hợp quốc đã chuyển sang huy động vốn từ cộng đồng để đảm bảo số tiền còn lại.
Tuy nhiên, ông Hiltermann lo ngại rằng bất kỳ sự cố tràn dầu nào cũng có thể khiến cuộc xung đột ở Yemen lan rộng vì dẫn đến sự can dự của các lực lượng quốc tế khác vào khu vực vốn đã mong manh.
"Với bản chất chiến lược của Biển Đỏ là một tuyến đường vận tải quan trọng; sự cố có thể quốc tế hóa hơn nữa cuộc chiến Yemen, vốn đã trở nên phức tạp hơn do có sự can dự của bên ngoài", ông Hiltermann nói.
Tại Yemen, các bên tham chiến, hiện đang hướng đến một thỏa thuận hòa bình, có thể nhanh chóng đổ lỗi cho nhau về thảm họa, điều này rất có thể dẫn đến "một cuộc cạnh tranh gay gắt về nguồn lực rất khan hiếm", ông Hiltermann lưu ý.
Các chuyên gia cảnh báo rằng con tàu chở dầu 45 năm tuổi FSO Safer đang bị ăn mòn gần cảng Hodeidah của Yemen đã trở thành "một quả bom hẹn giờ".
Câu hỏi "ai sở hữu dầu, ai có quyền bán nó và số tiền đó sẽ do ai quản lý" đã gây ra sự bất đồng giữa các phe phái Yemen khác nhau và những người ủng hộ họ đồng ý về một kế hoạch chung để giải quyết tình hình.
Hannah Porter, một nhà phân tích Yemen tại DT Global, một công ty phát triển quốc tế, cho rằng vấn đề này không nên được chính trị hóa: "Con tàu là mối đe dọa đối với tất cả người dân Yemen, bất kể đảng phái chính trị nào. Mọi người đều quan tâm đến mối đe dọa này phải được hóa giải ngay lập tức".
Các nhà bảo vệ môi trường đã cảnh báo chi phí của hoạt động trục vớt, khoảng 80 triệu USD, sẽ chỉ bằng một phần nhỏ so với ước tính 20 tỷ USD cho chi phí để làm sạch dầu tràn.
Bị cấm vận hàng không, du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng tàu tăng cao Khi chịu các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng không, Nga đã triển khai các chuyến du lịch bằng tàu đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày càng nhiều du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng tàu do cấm vận hàng không. Ảnh: AFP Cụ thể, tàu Astoria Grande đã tổ chức các tour du lịch từ thành phố Sochi của...